Ngô Miễn Thiệu – Vị Trạng nguyên họ Ngô

Thứ hai - 08/12/2014 18:44

Ngô Miễn Thiệu đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1518), làm quan nhà Lê được 9 năm tới chức Ngự sử - Lễ bộ Thượng thư - Đông các Đại học sĩ, tước Trình Khê bá. Đến khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), ông không chịu làm quan nhà Mạc mà về Tam Sơn mở trường dạy học.
Ngô Miễn Thiệu – Vị Trạng nguyên họ Ngô

                                   

Ngô Miễn Thiệu tự Thuần Nhã, hiệu Trúc Khê, thụy Ngu Sơn, sinh năm 1499, tại thôn Tam Sơn xã Tam Sơn huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình có truyền thống nho học.  Cha là Ngô Thầm đỗ Bảng nhãn khoa Quý Sửu (1493) làm tới chức Thượng thư, Thái bảo, thành viên Hội Tao đàn. Bác là Ngô Luân đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1475) làm tới chức Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, thành viên Hội Tao đàn.

Ngô Miễn Thiệu đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1518), làm quan nhà Lê được 9 năm tới chức Ngự sử - Lễ bộ Thượng thư - Đông các Đại học sĩ, tước Trình Khê bá. Đến khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), ông không chịu làm quan nhà Mạc mà về Tam Sơn mở trường dạy học. Về việc này, Gia phả họ Ngô Tam Sơn chép: Sau khi về quê, con cháu đến chào, có người hỏi sao không ở lại làm quan mà lại về quê sống cảnh điền viên. Ông nói: "Ta làm tôi nhà Lê, cha Bảng nhãn, con Trạng Nguyên, nếu nay theo Mạc thì chẳng nào Triệu Phổ* mặc áo đội mũ nhà Chu mà đứng trong triều vua nhà Tống". Trong thời gian 8 năm ông đã đào tạo được nhiều nhân tài về sau đỗ Tiến sĩ như hai con trai ông là Ngô Diễn (Tiến sĩ 1550), Ngô Dịch (Tiến sĩ 1556) và con nuôi Nguyễn Gia Mưu (Tiến sĩ 1559) – về sau con cháu ông có 2 phái chuyển sang họ Ngô, đó là dòng Ngô Sách ở Nghĩa Lập cùng huyện như: Ngô Sách Thí (Tiến sĩ 1659), Ngô Sách Dụ (Tiến sĩ 1664), Ngô Sách Tuân (Tiến sĩ 1676) và Ngô Sách Tố (Thám hoa 1721).

Trong thời gian 8 năm ông chuyên tâm rèn cặp nhân tài cho đất nước ấy, tình hình ở Trung Quốc đầy bất ổn: một bộ tộc của Mông Cổ là Đạt Đán phát triển lớn mạnh uy hiếp triều đình nhà Minh. Dù có biết đến việc Mạc Đăng Dung soán nghịch, nhưng nhà Minh vẫn làm ngơ. Đến năm 1533, khi Nguyễn Kim lập Lê Duy Ninh lên ngôi vua ở Ai Lao, lấy niên hiệu Nguyên Hòa, thì Mạc Đăng Dung sai người sang Vân Nam nói dối nhà Minh rằng Lê Ninh là con Nguyễn Kim. Minh Thế Tông (1522-1566) không đừng được mới sai Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Binh Bộ Thượng thư Mao Bá Ôn làm Tham tán Quân vụ, mang một đạo quân áp sát biên giới nước ta và Mao Bá Ôn gửi điệp văn hỏi tội nhà Mạc kèm theo bài thơ “Vịnh bèo” hàm ý dọa nạt.

Gia phả họ Ngô Tam Sơn chép, khi điệp văn cùng bài thơ “Vịnh bèo” gửi đến triều đình nhà Mạc, nhưng không ai đối được, nên vua Mạc phải cho người về Tam Sơn mời Trạng Thiệu. Lần này Trạng Thiệu chấp nhận ra đi giúp nhà Mạc là vì quốc thể chứ không phải vì danh lợi. Trước khi rời nhà, ông .nói với con cháu trong họ rằng: “Ta đành phải đóng kẻ Triệu Phổ vậy! Nếu không như thế thì trái mệnh vua Mạc, không biết họ Ngô Tam Sơn rồi sẽ ra sao, mà nếu quân Bắc tràn vào thì sinh linh trăm họ sẽ điêu đứng, thống khổ mất thôi,..".

Sau khi giúp vua Mạc làm bài điệp văn và họa bài thơ “Vịnh bèo”, Ngô Miễn Thiệu được Mạc Đăng Doanh giữ lại làm quan, chức Thượng thư Bộ Lễ, Đông các Đại học sĩ, Ngự sử đài Đô Ngự sử, Hàn lâm viện Thị thư, tước Trình Khê hầu.

Bài thơ Vịnh Bèo của Mao Bá Ôn và bài họa của Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu:

Xướng:                                           

Tùy điền trục thủy mạo ương châm        

Đáo xứ khan lai thực bất thâm                

Không hữu căn miêu không hữu diệp 

Cảm sinh chi tiết cảm sinh tâm  

Thiên trùng lãng đả thành nan phá

Đãn thức phù thì ná thức trầm                    

Đại để trung thiên phong khí ác                

Tảo qui hồ hải cánh nan tầm                        

 Họa: 

Cẩm lân mật mật bất dung châm

Đái diệp liên căn khởi kế thâm

Thường dữ bạch vân tranh thủy diện

Khẳng giao hồng nhật chiếu ba tâm

Thiên trùng lãng đả thành nan phá

Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm

Đa thiểu ngư long tàng giá lí

Thái công vô kế hạ can tầm

 

DỊCH THƠ

Bản dịch của Thạch Can:

Xướng:

Tràn lan ruộng nước nổi bồng bềnh      

Khắp chốn xem ra gốc bám nông           

Riêng có rễ mầm, riêng có lá                      

Dám sinh  cành cội dám sinh lòng          

Tụ rồi lúc tán hay chăng tá                           

Nổi đó khi chìm có biết không?               

Đến lúc chiều trời dông bão nổi               

Quét ra hồ biển sạch bong bong              

 Họa:     

Vảy gấm ken dày kim khó lọt

Lá mầm liền rễ há căn sâu

Không cho mặt nước mây lồng xuống

Chẳng để dòng sâu nắng giọi vào

Ngàn lớp sóng dồi khôn phá nổi

Muôn cơn gió táp chẳng chìm đâu

Cá rồng mấy lớp nằm trong đó

Lã Vọng không đường thả lưỡi câu

                            

Bản dịch của Ngô Đức Thắng:

Xướng:

 Khắp đồng mặt nước nổi bồng bềnh

 Đến đó xem ra rễ thật nông

 Mềm xốp rễ cây mềm xốp lá

 Dám sinh chi tiết dám sinh lòng

 Vừa cho tụ đấy tan ngay đấy

 Buổi sáng bồng bềnh buổi tối chìm

 Gặp lúc tiết trời dông bão nổi

 Quét ra hồ biển khó ai tìm.

Họa:

Vảy gấm ken dày khó lọt kim

Lá cành liền rễ sợ gì nông

Không cho mặt nước mây lồng xuống

Há để dòng sâu nắng rọi vào

Ngàn lớp sóng dồi khôn phá nổi

Muôn cơn gió táp chẳng chìm đâu

Thuồng luồng tôm cá nằm trong đó

Lã Vọng làm sao thả lọt câu.

Sau khi nhận được bài họa thơ “Vinh bèo”và bài Điệp văn, Mao Bá Ôn biết nước Nam còn có người tài, chẳng dễ gì khuất phục, bèn rút quân về.

Tương truyền, khi đến triều đình nhà Mạc, đọc bài thơ xướng “Vịnh bèo”xong, Trạng Thiệu đứng lên vừa đi đi lại lại, vừa đọc bài thơ họa cho viên quan Bộ Lễ chép, do đó đương thời mới khen Trạng Thiệu có tài “Lập thi thoái lộ”, nghĩa là đứng làm thơ mà lui được giặc. 

Từ trước, ít nhất là từ năm 1925, trên báo Nam Phong và Văn đàn bảo giám, Trần Trung Viên và Nguyễn Hữu Tiến cho rằng, người họa bài thơ “Vịnh bèo” là Trạng nguyên Giáp Hải. Đó là một sai lầm. Sai lầm này đã được Thạch Can đính chính trên báo Tổ Quốc (số tháng 10/1983) sau khi đã dịch giúp gia phả của họ Ngô - Tam Sơn, trong đó có chép sự kiện về bài thơ và cả hai bài xướng - họa cùng bài Điệp văn của Ngô Miễn Thiệu. Sai lầm là ở chỗ bài thơ xướng – họa vịnh bèo diễn ra năm 1534, khi ấy Giáp Hải đang còn là một cậu học trò nghèo đang dùi mài kinh sử, mãi 4 năm sau tức năm1538 mới đỗ Trạng nguyên.

Bài xướng thơ “Vịnh bèo” đầy vẻ ngạo mạn là của Mao Bá Ôn gửi cho Mạc Đăng Dung. Tại sao lại là vịnh bèo mà không vịnh  một thứ gì khác? Có lẽ Mao Bá Ôn chơi xỏ, vì biết tên ông nội Mạc Đăng Dung là Mạc Bình. Mà “bình” tức là “bèo”.

* Triệu Phổ (921-991) là mưu sĩ và đại thần của nhà Hậu Chu, đã bày mưu cho quan đồng triều là Triệu Khuông Dận-người nắm binh quyền nhà Hậu Chu để cướp ngôi nhà Hậu Chu mà lập ra nhà Bắc Tống. Năm 960, Triệu Khuông Dận lên ngôi hoàng đế xưng Tống Thái Tổ, liền phong cho Triệu Phổ chức Khu mật sứ, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự (Tể tướng).

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập258
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm256
  • Hôm nay31,207
  • Tháng hiện tại661,894
  • Tổng lượt truy cập41,291,001
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây