Ngô Tộc

https://ngotoc.vn


Tưởng nhớ nhà văn Trúc Khê

Trúc Khê tên thật là Ngô Văn Triện, sinh ngày 22 tháng 5 năm 1901. Ông là một nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng Việt Nam, một danh nhân văn hóa Hà Thành.
Trúc Khê Ngô Văn Triện

Trúc Khê Ngô Văn Triện


 

Trúc Khê Ngô Văn Triện có các bút danh khác là: Cấm Khê, Kim Phượng, Đỗ Giang, Khâm Trai, Ngô Sơn, Hạo Nhiên Đình, sinh ra trong một gia đình gốc nông dân và tiểu thủ công ở thôn Thị Cấm, xã Phương Canh, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là làng Canh(*), xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Năm lên 6 tuổi, ông học chữ Hán với một ông đồ ở trong làng. Năm 11 tuổi, ông học Quốc ngữ ở trường Pháp - Việt, tự học thêm tiếng Pháp, đồng thời vẫn tiếp tục học chữ Hán, dù sau này triều đình Huế đã bỏ thi khoa cử. Vừa học, vừa đi chăn trâu, đến năm 16 -17 tuổi, ông đi làm thợ đan đăng ten rồi sang làm thợ đóng sách ở nhà in Thực Nghiệp, Hà Nội .
Năm 19 tuổi, bài viết đầu tay của ông: Cải lương hương tục, được đăng trên tờ Trung Bắc tân văn năm 1920.
Năm 1926, ông vào làm trong ban biên tập của Thực nghiệp dân báo. Khoảng năm 1927, ông dự định tìm người đồng chí hướng thành lập đảng Tân Dân, chủ trương đánh đuổi thực dân Pháp. Nhưng khi gặp Phạm Tuấn Tài, ông theo nhóm Nam Đồng thư xã; rồi sau nữa, khi Việt Nam Quốc dân Đảng được thành lập, ông theo đảng phái này.
Năm 1928, Trúc Khê mở Trúc Khê thư cục ở trên gác nhà số 196 phố Hàng Bông (Hà Nội) để tự xuất bản sách của minh. Ông hoạt động chính trị cho đến năm 1929, thì bị nhà cầm quyền Pháp bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), nhận án 2 năm tù treo và 5 năm quản thúc.
Ra tù, ông theo hẳn nghề báo. Năm 1933, ông làm Chủ bút báo Bắc Hà. Năm 1934, ông làm Chủ bút báo Thương mại. Từ 1935, ông chuyên viết cho các báo Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Tao đàn...Từ năm 1941, ông còn viết cho các báo Tri tân, Nước Nam, Đông Tây, Ích hữu, Dân báo, Khuyến học, Tri Tân, Quốc gia, Truyền bá, Đông phương nhật báo, v.v...
Mặt khác, từ năm 1937 đến 1945, ông còn trước tác, dịch thuật và biên khảo khoảng 60 cuốn sách.
Năm 1941 đến 1945, ông tham gia phong trào truyền bá Quốc ngữ tại Hà Nội.
Năm 1946, Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng gia đình lên ở Trại Ro, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ở đây, ông giao liên đưa lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng chưa kịp đi thì lâm bệnh nặng rồi mất (26 tháng 8 năm 1947) tại nơi đó, hưởng dương 46 tuổi.


Nhà văn Trúc Khê rất uyên thâm Hán học. Trong hơn 20 năm cầm bút ông để lại gần 60 tác phẩm, không kể các bài bình luận, biên khảo đăng trên các báo. Ông thuộc hàng danh sĩ trong nước, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa dân tộc. Có thể nói, ông là một trong số ít người cầm bút cách đây gần thế kỷ đã dám đi vào nhiều thể loại văn chương và để lại cho thế hệ sau một gia sản đồ sộ về văn hóa.
Sinh thời ông đã sáng tác, dịch thuật, biên khảo nhiều sách có giá trị như: Lịch sử Nam tiến của dân tộc ta, Đò Chiều, Ức Trai thi tập, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, dịch truyện anh “Mưa gió cành xuân” của Stivenson... Chính vì thế mà Giáo sư Vũ Khiêu đã nói rằng: “Ông để lại cho nền văn học một tài sản đồ sộ, có cả chiều rộng lẫn chiều sâu, lưu lại một dấu son trong lòng độc giả hiếu học”.
Ông là người có tinh thần dân tộc ngay cả trong suy nghĩ, sáng tác, nghiên cứu cũng như trong sinh hoạt, ứng xử. một người giàu lòng hiếu khách, yêu thiên nhiên hoa cỏ. Trúc Khê không lấy văn chương làm mục đích. Mục đích của ông là làm sao cho "ích nước lợi dân". Ông khảo cứu, dịch thuật, biên soạn... đều nhằm mục đích ấy. Lòng yêu nước của ông nhằm vào việc nâng cao dân trí, nói sao cho dân hiểu, gợi sao cho dân tự nghĩ, để tự đứng dậy giải phóng mình. Ông có khuynh hướng về tiểu thuyết lịch sử với một động cơ rất chính đáng: “Muốn cho người ta yêu mến đất nước, trước hết nên cho người ta hiểu biết lịch sử. Thế mà chính sử thì khô khan, không có sức quyến rũ người đọc. Chỉ có cách lợi dụng cái tính ham đọc tiểu thuyết của quần chúng, đem quốc sử viết thành tiểu thuyết mới có thể đạt được ý muốn”. Chính vì vậy, khối lượng truyện ký và tiểu thuyết lịch sử ông viết khá nhiều. Vì lẽ đó, mặc dù ông tạ thế ở tuổi 46, nhưng cũng đã làm được nhiều việc ích nước lợi dân. Những nhận xét của ông về văn chương, về thời thế, về lịch sử... đến nay vẫn còn nhiều ý nghĩa.

Phố Trúc Khê


Các thế hệ con cháu nhà văn Trúc Khê đã được thừa hưởng ở ông một gia sản lớn, đó là tâm hồn và sự hiếu học. Con trai Nhà văn, Phó Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Ngô Hoàng Dương đã có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam. Ông nổi tiếng trong dòng nhạc Tiền chiến với hai ca khúc: “Hướng về Hà Nội” và “Tiếc thu” được nhiều người yêu thích. Ông Ngô Văn Trưng, người con trai đầu Nhà văn từng đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam, có những đóng góp tích cực cho hoạt động của dòng Họ. Rồi thế hệ các cháu Nhà văn, nghệ sỹ Ngô Hoàng Quân và Ngô Hoàng Linh đều là những nghệ sỹ tài năng, có nhiều đóng góp quan trọng cho nền nghệ thuật đương đại nước nhà.

Năm 2005, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đặt tên phố Trúc Khê cho một con đường tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, nối đường Nguyễn Chí Thanh với phố Vũ Ngọc Phan. Đây là sự ghi nhận  xứng đáng của chính quyền và nhân dân Thủ đô đối với những đóng góp lớn lao của Trúc Khê – Ngô Văn Triện, một danh nhân Văn hóa Hà Thành.

 

Ngô Văn Xuân tổng hợp.

Nguồn: Từ điển Bách khoa Toàn thư mở; Phả hệ họ Ngô VN.

 

Thông tin thêm: (*) Theo Phả hệ Họ Ngô Việt Nam, họ Ngô làng Canh, xã Xuân Phương, Từ Liêm phân chi từ họ Ngô Thời, xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội. Bản phả họ Ngô làng Canh do nhà văn Ngô Văn Triện biên tập có Thủy Tổ là Ngô Đắc Dũng, con cháu đến nay đã 13 - 14 đời, Họ thiên cư về Xuân Phương đã 9 - 10 đời.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây