Ngô Tộc

https://ngotoc.vn


Thăm đền Thượng Tiết thờ Ngô Quyền ở Mỹ Đức, Hà Nội

Đền Thượng Tiết thuộc thôn Thượng Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đền được xây dựng từ lâu, tọa lạc trên môt gò đồi có tên gọi Long Cốt Sơn.
Cổng tam quan đền, chùa Thượng Tiêt

Cổng tam quan đền, chùa Thượng Tiêt

Ngày 29 tháng 9 năm 2014, Hội đồng Ngô Tộc Việt Nam tổ chức cho các thành viên đi thăm đền thờ Ngô Quyền ở thôn Thượng Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng và bốn ủy viên khác gồm: Ngô Quang Xuân, Ngô Văn Hùng, Ngô Hữu Minh, Ngô Văn Xuân cùng đi. Ông Nguyễn Văn Chiến, một nhà nghiên cứu Lịch sử mỹ thuật, từng bỏ nhiều công sức nghiên cứu sâu về Ngô Quyền cùng tham gia đoàn.

Thượng Tiết cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 50 Km. Từ trung tâm thành phố đi Hà Đông, rẽ phải theo quốc lộ số 6, đến Ba La rẽ trái đi Vân Đình theo hướng đi Chùa Hương. Qua Vân Đình, đi tiếp đến thị trấn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, đến ngã tư rẽ trái theo Đường Đại Đồng, đi tiếp 3 Km thì tới.

Thượng Tiết là một làng vùng quê chiêm trũng, nhân dân sống bằng nghề thuần nông nên đời sống còn nhiều khó khăn. Khi chúng tôi đến đang là mùa gặt, dọc đường làng trải bê tông, nhân dân phơi chật thóc hai bên. Khi vào thăm chùa, sân chùa được phơi kín lúa, dọc hành lang chùa cũng được che chắn dùng để chứa thóc mới phơi. Trên đường đi, chúng tôi phải dừng xe hỏi thăm vài lần mới tìm đến nơi.
Đền và Chùa Thượng Tiết nằm chung trong một khuôn viên đất, rộng khoảng hơn một héc ta. Nơi đây có cảnh quan thật đẹp, với vẻ sơ khai mà cổ kính, rộng rãi và thoáng đãng. Bước qua cổng tam quan, lối dẫn vào đền, chùa là con đường lát gạch với hai hàng cau vươn cao, thẳng tắp đứng dọc hai bên. Quanh khuôn viên là hệ thống cây xanh bóng mát rợp cả một vùng. Trước và sau đền, chùa là những hàng nhãn cổ thụ tán lá vươn rộng, có những cây đường kính thân đến hơn nửa mét. Cách đấy không xa, dãy núi Linh Sơn trải dài như một bức trường thành, che chắn bão lũ và làm chỗ dựa vững chắc cho cả vùng quê.

Đền Thượng Tiết tọa lạc trên một gò đồi có tên gọi là Long Cốt Sơn. Đền được xây dựng từ lâu, gần đây nhân dân địa phương hưng công tôn tạo, trùng tu hai lần vào các năm Tân Tỵ (2001) và Tân Mão (2011). Tuy nhiên đền còn mang vẻ khiêm tốn, chưa được khang trang, các đồ tế tự còn đơn sơ, thiếu thốn, chưa được tương xứng với một ngôi đền thờ vị anh hùng dân tộc

 

Khi đến, chúng tôi được cụ Vũ Đức Thịnh, chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi và cụ Lê Xuân Ngung, thủ từ đón tiếp. Chúng tôi sắp lễ, vào dâng hương lên Tiền Ngô Vương, báo cáo với Ngài việc cháu con trong Dòng Họ về thăm Đền, sau đó ngồi làm việc, nghe các cụ giới thiệu về ngôi đền. Khi biết chúng tôi là đoàn Hội đồng Ngô tộc Việt Nam, con cháu họ Ngô về thăm và thắp hương cho vị Tổ của mình, hai cụ rất nhiệt tình đón tiếp, giới thiệu tỉ mỉ những hiểu biết của mình về lai lịch, xuất xứ của ngôi đền, mở toàn bộ các hộp đựng Thần phả, Sắc phong và các tài liệu liên quan khác của ngôi đền đẻ đoàn xem. Chúng tôi  phân công nhau đọc, sao chụp các tài liệu để về có thời gian nghiên cú kỹ.

Tương truyền, năm 938 Ngô Quyên đem quân từ Ái Châu ra La Thành diệt trừ kẻ phản nghịch Kiều Công Tiễn và lập trận chiến chặn đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, khi qua đây Ngài đã dừng chân để chiêu mộ và luyện tập thêm quân sỹ. Ngài từng dừng chân ở đây hai lần, vào các ngày 3 tháng 6 và 3 tháng 10 Âm lịch. Bằng tài mưu lược, trí dũng, Ngô Quyền đã cầm quân đánh bại đại quân Nam Hán trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng cuối năm 938, phá tan mộng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc, chấm dứt đêm trường đen tối của hơn một nghìn năm Bắc thuộc, đem lại nền độc lập tự chủ cho dân tộc. Để ghi nhớ công đức của Ngài, nhân dân địa phương đã lập đền thờ Ngài tại đây. Hiện nay cứ vào hai ngày: 3 tháng 6 và 3 tháng 10 Âm lịch nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ dâng hương lên Ngô Vương Quyền. Và bắt đầu từ năm 2014, vào ngày giỗ Ngài, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức lễ hội với những nghi thức trang trọng tại đền thờ Ngài(**).

Theo giới thiệu, ngôi đền được xây dựng từ lâu, nhưng nơi đây là vùng chiêm trũng nên thường xuyên bị ngập lụt, có năm nước dâng ngập cả ngôi đền, hệ thống tài liệu, giấy tờ liên quan tuy được bảo quản cẩn thận nhưng cũng bị hỏng cả. Vì vậy, việc xác định chính xác năm tháng xây dựng đền không ai còn nhớ rõ. Sau này dân làng có sang sao chép lại các bản Thần phả, sắc phong … được lưu giữ tại đền Bách Linh thuộc thôn Dương Xá(?), xã Hòa Nam(?), huyện Ứng Hòa nhưng cũng không được đầy đủ. Mặt khác, các văn bản đều viết bằng Hán tự, trong làng hiện không có người biết chữ Hán, lại chưa có điều kiên đem nhờ người dịch hộ nên không biết nội dung bên trong viết gì. Các cụ đề nghị Hội đồng Ngô tộc Việt Nam giúp dịch hộ để địa phương có thể giới thiệu đầy đủ cho khách đến tham quan, viếng đền(***)

 Cuối buổi chúng tôi có ghé thăm khu du lịch Quan Sơn cách Thượng Tiết chừng 5 Km. Đây là một khu du lịch sinh thái nổi tiếng, được mệnh danh là Vịnh Hạ Long của  Mỹ Đức. Đến nơi, nhìn cảnh trời mây nước biếc bao la với vẻ hoang sơ, thuần phác, trong lòng  thấy thật thanh thản, nhẹ nhàng. Một hệ thống hồ lớn với diện tích trên 850 ha, dưới lòng hồ là một thảm thực vật đa dạng, bờ bên kia là dãy núi đá vôi tên gọi Linh Sơn trải dài, soi bóng xuống mặt nước lung linh, Quan sơn thực sự là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng.

Đền Thượng Tiết năm trong hệ thống đền, chùa thuộc quần thể du lịch tâm linh, sinh thái: Hương Sơn – Quan Sơn huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, ngôi đền sẽ luôn được giữ gìn, bảo tồn và nâng cấp, phát huy tốt giá trị văn hóa, xứng tầm với một địa điểm thờ tự vị anh hùng dân tộc, đáp ứng nhu câu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.

 

Ngô Văn Xuân

 

 

(*) Câu đối hai bên cổng chính: “Phật đức trang nghiêm hóa độ chúng sinh thành chình giác/Thần công hiển hách phá trừ xâm lược tự xưng vương”. (Đức Phật nghiêm trang, cứu độ chúng sinh nên giác ngộ/ Công Thần hiển hách, diệt trừ xâm lược tự xưng vương).

(**) Nhân dân địa phương cho biết, hàng năm cứ đến ngày 14 tháng Giêng, nhân ngày giỗ Ngô Quyền, địa phương lại tổ chức lễ hội tai khu vực Đền thờ Ngài với những nghi thức trang trọng. Tuy nhiên theo các bản phả cổ họ Ngô, trong đó có Phả của Hán Quốc công Ngô Lan viết năm 1477 thì ngày mất của Ngô Quyền là ngay 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn (944).

(***)Trong Phả hệ Họ Ngô Việt Nam tái bản năm 2011, ngoài bà Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc người Thanh Hóa, Ngô Quyền còn có bà thứ phi Dương Phương Lan người Hà Đông. Có nguồn thông tin cho rằng bà thứ phi họ Dương được thờ chung với Ngô Quyền tại đền Thượng Tiết; lại có thông tin cho rằng cạnh đền có một ngôi miếu cổ thờ bà Dương Phi. Tuy nhiên qua tìm hiểu,nhân dân địa phương cho biết: đền Thượng tiết chỉ thờ Ngô Vương Quyền chứ không thờ bà phi nào, và nơi đây cũng không có ngôi miếu nào thờ bà Dương Phi.

Một số thông tin còn cho rằng, Ngô Quyền có một bà thứ phi tên gọi Đào (Đỗ) Thị Sa người làng Dục Tú, Đông Anh. Tuy nhiên hiện nay một số nhà nghiên cứu lịch sử đang phản bác lại giả thuyết này.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây