Giai nhân và thời loạn

Thứ năm - 29/12/2016 19:02

Giai nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
Hình minh họa (nguồn: internet)
Hình minh họa (nguồn: internet)

 

 

Sau khi Mạc Đăng Dung buộc vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho mình rồi ép phải tự tử (1527), tông thất và cựu thần nhà Lê dấy binh chống lại, loạn lạc nổi lên khắp nơi. Năm 1529, An Thanh hầu Nguyễn Kim dẫn con em chạy sang nương náu Ai Lao, sai người về nước tìm được con của vua Lê Chiêu Tông là Ninh lập nên làm vua tức vua Lê Trang Tông, Nguyễn Kim được nhà vua phong là Thượng phụ thái sư Hưng quốc công, ngày đêm chiêu mộ quân sĩ và những người tài đức, liên kết với Ai Lao để mưu lấy lại nước. Năm 1540 Nguyễn Kim đem quân về nước đánh Nghệ An rồi mở rộng địa bàn đến Thanh Hoa (tức Thanh Hoá bây giờ). Từ đó đất nước bị phân chia thành Nam Bắc triều: nhà Mạc phía bắc từ Sơn Nam trở lên, nhà Lê (được gọi là Lê trung hưng) phía nam từ Thanh Hoa trở xuống.

Ở Nam triều, năm Ất Tỵ (1545) Nguyễn Kim bị một hàng tướng đầu độc chết, binh quyền rơi vào tay con rễ là Trịnh Kiểm. Nguyễn Uông là con trưởng cuả Nguyễn Kim bị Trịnh Kiểm giết, em là Nguyễn Hoàng sợ liên luỵ xin vào trấn ở Thuận Hoá. Đến khi Trịnh Kiểm mất (1570), con trưởng là Trịnh Cối bất tài bị em là Trịnh Tùng đoạt quyền, Trịnh Cối đem gia đình về hàng nhà Mạc. Từ thời Trịnh Tùng trở đi, họ Trịnh cha truyền con nối làm chúa nắm hết quyền hành, vua Lê bị áp bức, chỉ còn hư vị.

Về phía Bắc triều, Mạc Đăng Dung làm vua được ba năm thì nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh để làm Thái thượng hoàng. Đăng Doanh làm vua được 10 năm thì mất, Phúc Hải nối ngôi được 6 năm (1540-1546), sau đó Phúc Nguyên cũng chỉ làm vua được 6 năm (1546-1561). Mạc Mậu Hợp lên nối ngôi khi còn nhỏ (1562-1592) có thể xem là vị vua cuối đời nhà Mạc.

Xét về thực lực thì Bắc triều hơn hẳn Nam triều vì nhà Mạc thừa hưởng tất cả hệ thống chính quyền, quân đội, tài chính, giáo dục..v.v..cuả nhà Hậu Lê, trong khi nhà Lê trung hưng  mới bắt đầu từ 1540.

Hai bên đã đem quân đánh lẫn nhau, Khi thì Nam quân tấn công nhà Mạc, khi thì Bắc triều tấn công nhà Lê, chiến tranh liên miên từ đời này sang đời khác  kéo dài trên nửa thế kỷ, chiến trường chủ yếu diễn ra ở Sơn Nam, Thanh Hoa, Nghệ An, dân tình đói khổ chết chóc, nhân tâm ly tán không sao kể xiết

Trong bức tranh hỗn loạn nhiễu nhương đó, nổi bật lên hình ảnh một giai nhân tuyệt sắc, đó là nàng Nguyễn Thị Niên.

Như câu thơ cổ đã viết:

“Giai nhân tự cổ như danh tướng

Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”,

nàng đã chết khi tóc còn xanh, khi nhan sắc vẫn còn làm say đắm lòng người, song cái chết cuả nàng lại là cái chết khác thường.

Nguyễn Thị Niên là con gái thứ ba cuả tướng Nguyễn Quyện1, dòng dõi trâm anh thế phiệt quyền quý cao sang cuả Bắc triều. Ông nội cuả nàng là Lại bộ thượng thư Thư quốc công Nguyễn Thiến (đổ tiến sĩ năm Nhâm Ngọ-1532 thời Mạc Đăng Doanh). Năm Canh Tuất (1550), Mạc Phúc Nguyên nghe lời dèm pha bắt tội các công thần, Nguyễn Thiến cùng con trai là Nguyễn Quyện, Nguyễn Phủ và Lê Bá Ly (cha vợ của Nguyễn Quyện) trốn về hàng nhà Lê. Khi Nguyễn Thiến chết (1557), Quyện và Phủ lại trốn về với nhà Mạc, Phúc Nguyên vui mừng, phong Quyện làm Văn Phái hầu, Phủ làm Phủ Hưng hầu, đem con gái tông thất gả cho. Đến thời Mạc Mậu Hợp, Quyện được phong Thạch quận công – Chưởng Phù Nam vệ, là cánh tay đắc lực cuả Khiêm Đại vương Mạc Kính Điển2 trong những cuộc nam chinh.

Có lẽ họ ngoại cuả Niên là tông thất nhà Mạc, cho nên chị cuả nàng đã trở thành hậu cuả Mạc Mậu Hợp, còn nàng thì trở thành vợ cuả Trấn thủ Nam đạo Sơn quận công Bùi Văn Khuê. Cuộc hôn nhân cuả hai người là mối lương duyên môn đăng hộ đối trai tài gái sắc. Nguyễn Thị Niên thường vào ra cung cấm để thăm chị, nhưng nàng không thể ngờ được nhan sắc cuả nàng đã trở thành mối hiễm hoạ cho nàng và cả chồng nàng, đồng thời đã đưa ông anh rể Mạc Mậu Hợp đến một kết thúc không mấy đẹp đẽ.

Tuy có nhiều bậc hiền thần và tướng tài giúp đỡ  nhưng chính sự nhà Mạc đã đổ nát vì Mậu Hợp là kẻ bất tài, ngạo mạn, ham mê tửu sắc vô độ khiến lòng người không phục. Sử chép tháng 2 Mậu Dần (1578) Mậu Hợp bị sét đánh khi đang ở trong cung, bại liệt nửa người, phải chữa chạy nhiều năm mới khỏi. Năm Tân Tỵ (1581) lại bị bệnh thông manh mấy năm trời mới lành. Năm Nhâm Ngọ (1582) Mậu Hợp dựng ngôi điện thường gọi là điện giảng học, kỳ thực là để làm nơi yến tiệc chơi bời. Vừa mới hoàn thành thì tối hôm ấy bị hoả hoạn cháy tiêu. Những chi tiết vụn vặt này, theo cách nhìn nhận cuả người xưa  là những điềm xấu, chứng tỏ Mậu Hợp là kẻ loạn nghịch, không xứng đáng bậc minh quân thiên tử nên đã bị trời trừng phạt.

Tháng 10 Canh Thìn (1580) Mạc Kính Điển mất. Đây là vị tướng tài và đức độ được triều đình và quân sĩ kính yêu, cái chết cuả ông là một tổn thất lớn cho Bắc triều. Năm Quý Mùi (1583) Trịnh Tùng thấy thế lực cuả mình đã mạnh bèn cử binh ra đánh Sơn Nam, lấy được thóc gạo đem về. Từ đó năm nào cũng đem quân ra đánh buộc nhà Mạc chuyển từ thế công sang thế thủ.

Dù nhà Mạc ngày càng suy yếu, Mạc Mậu Hợp vẫn tiếp tục con đường hoang dâm vô độ, bạc đãi công thần, tướng sĩ. Nhiều vị hiền thần đã từng dâng sớ can ngăn nhưng Mậu Hợp đều bỏ ngoài tai. Ngày 27 tháng 7 năm Tân Tỵ (1581) Thiêm Đô ngự sử Lại Mẫn dâng sớ can ngăn, có đoạn “…Nếu đang thời nguy ngập mà vẫn cho là bình yên, đang lúc có tai biến mà vẫn ung dung, chỉ thoả thích những cuộc vui có thể đem đến sự bại vong. Hạ thần sợ một khi biến loạn xảy tới ngoài sự tưởng tượng, lúc ấy thì dù có bậc trí giả cũng không có thể vãn hồi được”. Trong sớ xin cáo lão về hưu cuả Thái bảo Giáp Trưng ngày 2 tháng 8 năm Ất Dậu (1585), có viết: “…Kính mong bệ hạ, tính việc trị an, cung kính phép trước, chuyên về chính học, thân cận người ngay, thực ý ngay lòng, phòng sai ngăn dục, không gần sắc đẹp hát hay, không gây lợi về tiền cuả, không ham rượu, không mê nhạc, ngăn kẻ nịnh nọt, răn sự dong chơi. Khiến cho chánh trị giáo hoá trở nên hay, nhân dân nhà nước đều yên vui, để tiến tới một nền thịnh trị…”3 Ngoài ra Giáp Trưng còn đề nghị những biện pháp về quân sự để bảo vệ đất nước biên cương rất hữu lý nhưng Mậu Hợp không thực hiện. Thấy vậy các đại thần có tâm huyết đều chán ngán, lần lượt dâng sớ xin về hưu hoặc thoái thác không chịu làm việc.

Trong tình hình như thế, năm Tân Mão (1591) Trịnh Tùng mang 5 vạn quân tấn công miền bắc, Mậu Hợp tự mình thống lĩnh đại quân đi đối phó nhưng thua to. Quân Trịnh lấy được thành Thăng Long, phá các hào luỹ, san thành bình địa rồi trở về Thanh Hoa. Dù vậy Mạc Mậu Hợp vẫn không chịu chỉnh đốn triều chính.

Mùa xuân năm Nhâm Thìn (1592), Trịnh Tùng lập đàn làm lễ tế trời đất rồi mang đại binh tiến ra bắc tấn công Thăng Long lần thứ hai. Áp lực quân Nam triều rất mạnh, Mậu Hợp phải bỏ Thăng Long, vượt sông Hồng chạy đến Thổ Khôi (thuộc huyện Gia Lâm – Hà Nội). Quân Trịnh tiếp tục tấn công, Mạc thua to, các mặt trận đều tan vỡ, các tướng Mạc Ngọc Liễn, Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên…đều tháo chạy, quân Mạc chết như rạ. Trong cuộc giao tranh kịch liệt đó, tướng Nguyễn Quyện, cha cuả Niên, bị bắt sống. Tiết chế Trịnh Tùng đích thân cởi trói, uỷ lạo, đối xử tử tế.

Quyện vốn là tướng giỏi được nhiều ân sủng cuả triều đình nhà Mạc, lại là cha vợ cuả Mạc Mậu Hợp, lẽ nào chịu khuất phục Nam triều dễ dàng, cho nên giả vờ quy thuận, tìm kế hoãn binh để phía Mạc có thời gian củng cố lực lượng đối phó. Về sau việc mưu phản bị bại lộ, Quyện phải chết trong ngục cùng con là Nguyễn Tín (Quý Tỵ-1593).

Tin Nguyễn Quyện bị bắt hẳn đã tác động mạnh đến tâm lý tình cảm cuả vợ chồng tướng Bùi Văn Khuê. Về phiá Mậu Hợp tuy đã bị đánh bật khỏi Thăng Long, tình thế nguy cấp, vẫn không bỏ được thói háo sắc. Y ngông cuồng đến độ muốn cướp đoạt Thị Niên là em vợ cuả mình, nên sai người mưu giết Văn Khuê. Sự bất bình đã lên tột đỉnh, Khuê đem quân về Gia Viễn (Ninh Bình), không chịu vào chầu. Mậu Hợp sai quân đến bức bách. Không còn sự lựa chọn nào khác, Khuê một mặt chống đỡ với quân Mạc, một mặt sai con là Văn Nguyên4 chạy vào Thanh Hoa dâng lễ đầu hàng vua Lê (tháng 10 Nhâm Thìn – 1592).

Bùi Văn Khuê không phải là kẻ bất tài mãi quốc cầu vinh, chẳng qua vì sự bức hại cuả Mạc Mậu Hợp mà phải về hàng Nam triều. Việc đầu hàng này cho thấy sự chia rẽ trầm trọng trong hàng ngũ Bắc triều, cán cân lực lượng nghiêng hẳn về Nam triều. Trịnh Tùng hết sức mừng rỡ, nói: “Quân địch lập đồn ở Gia Viễn, chận đường tiến binh cuả ta, đã mấy lần ta đánh đồn này mà chưa phá được(…) thế mà tướng biên thuỳ cuả giặc lại qui hàng ta. Đó là trời giúp cho ta thành công vậy. Trước đây ta thường thắng trận bằng bộ binh, đó chỉ có thể dùng về phiá Tây Bắc thôi. Nếu muốn đánh về phương Đông Nam, phi thuỷ quân không thể dẹp nổi. Nay được thuỷ quân cuả Văn Khuê, ta sẽ dùng ngay, do đường Trường An ra mạn Duy Tân Phú Xuyên, rồi tiến binh theo đại lộ, thì không còn lẽ gì là không thắng. Sẽ định ngày khôi phục đất đai vậy5

Một mặt ông cho người đi cứu Văn Khuê, một mặt định ngày đem đại  binh ra bắc, hợp với quân cuả Văn Khuê tấn công và chiếm được Sơn Nam. Đi đến đâu quân Mạc tan vỡ đến đấy. Ngày 4 tháng 11 chiếm được Thanh Oai. Ngày 14 tháng 11 Trịnh Tùng tấn công cả thuỷ lẫn bộ, tướng Mạc Ngọc Liễn chống cự không nổi, bỏ thành chạy đến núi Tam Đảo. Quân Trịnh đuổi đến cửa Nam thành Thăng Long, đóng quân ở bến Sa Thảo. Đêm ấy Mạc Mậu Hợp trốn chạy về huyện Kim Thành (Hải Dương). Tông thất nhà Mạc đều bỏ trốn, các tướng Mạc lũ lượt kéo đến đầu hàng. Thái hậu họ Mạc bị bắt, buồn rầu mà chết.

 Mậu Hợp lập con là Mạc Toàn làm vương sai coi việc nước, tự mình đem quân đối phó. Trịnh Tùng sai Phạm văn Khoái đem quân đuổi đánh Mậu Hợp ở huyện Yên Dũng và huyện Vũ Ninh, Hợp bỏ thuyền chạy lên bờ, vào trốn ở chùa Mô Khuê huyện Phượng Nhãn giả làm nhà sư6. Văn Khoái đuổi theo, nhờ có người chỉ điểm bắt được đem về Thăng Long, bêu sống 3 ngày rồi chém ở bến Bồ Đề, gửi đầu về Thanh Hoa, đóng đinh vào hai mắt bêu ở chợ.

Thật mỉa mai cho kẻ vô đạo: khi cầm quyền sinh sát trong tay thì không đếm xiả đến những lời can gián cuả các bậc trung thần, đến bước đường cùng lại mượn tấm áo cà sa để che đậy nhân thân tội lỗi cuả mình.  Kết cục bi thảm cuả Mạc Mậu Hợp là điều tất yếu và là bài học nhân quả  cho bọn hôn quân bạo chúa.

Tuy rằng sau khi Mạc Mậu Hợp bị giết, một số tông thất nhà Mạc có nổi dậy tiếm ngôi như Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Chương, Mạc Kính Cung, nhưng giang sơn họ Mạc, được sự che chở cuả nhà Minh, cuối cùng chỉ giới hạn ở vùng đất Cao Bằng nhỏ bé. Triều đại nhà Mạc từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp chỉ kéo dài 65 năm (1527-1592) và bị xem là nguỵ triều trong lịch sử nước ta.

Bùi Văn Khuê góp công không nhỏ trong việc tiêu diệt Mạc Mậu Hợp và dư đảng nhà Mạc, vợ chồng họ những tưởng sẽ được sống hạnh phúc yên bình khi trở về làm con tôi nhà Lê. Song với thân phận hàng tướng, tuy được ban tước Mỹ quận công, Khuê đã không được Trịnh Tùng tin dùng trọng đãi. Về phía Trịnh Tùng vốn là kẻ hung ác7, sau khi dẹp xong nhà Mạc, đã tỏ ra chuyên quyền hống hách, vua Lê Thế Tông (1573-1599) chỉ còn cái bóng mờ.

Trong bối cảnh không mấy sáng sủa ấy, với sự ngầm xúi cuả Nguyễn Hoàng8, Bùi Văn Khuê cùng Phan Ngạn, Ngô Đình Nga trốn về với nhà Mạc đang dấy lên ở miền bắc. Cuộc đào thoát cuả họ thành công. Nhưng sau đó Phan Ngạn nghi ngờ Bùi Văn Khuê có ý khác bèn sai người bắn chết rồi tự xưng là Tiết chế Sinh quốc công, Đình Nga tự xưng Thái bảo Hoa quận công, em cuả Ngạn (không rõ tên) tự xưng Tiền bộ dinh Quỳnh quận công, dùng niên hiệu Càn Thống (là niên hiệu cuả Mạc Kính Cung) trong các bản yết thị hoặc lệnh cấm.

Tin chồng bị bắn chết khiến Nguyễn Thị Niên vô cùng bi phẩn. Vốn con nhà tướng, nàng không xử sự như nhi nữ thường tình mà quyết tâm báo thù. Niên chiêu dụ sĩ tốt, hứa trọng thưởng cho ai lấy đầu cuả Phan Ngạn. Ngạn nghe thế giận lắm. Ngày 1 tháng 6 năm Canh Tý (1600), Ngạn đem quân đến Hoàng Giang đánh nhau. Quân cuả Niên bắn chết Ngạn ở  giữa sông.

Theo Cương Mục, có thuyết nói: Ngạn nghe biết Thị Niên sắc đẹp, sai người đi lại cùng thông tin ước hẹn kết duyên. Nguyễn Thị giả vờ nhận lời, bèn kén hơn mười người trẻ tuổi đẹp trai, ăn mặc giả làm con gái sung vào làm thị tỳ. Nguyễn Thị giao ước với bọn thị tỳ giả nếu ai giết được Phan Ngạn thì sẽ được trọng thưởng. Muốn để Ngạn khỏi nghi ngờ, Nguyễn Thị Niên hẹn: đêm hôm nào đó thị sẽ đi một chiếc thuyền lớn đến hội kiến. Ngạn hí hởn mừng. Đến kỳ hạn, Nguyễn Thị ăn mặc lộng lẫy, đi thuyền ngược dòng sông Hoàng Giang ra sông Nha Giang, Ngạn cho người thăm dò, thấy trong thuyền la liệt những gái đẹp, Ngạn yên tâm không nghi ngờ gì cả (…), bèn dùng thuyền lớn đến để cùng Nguyễn Thị Niên hội hợp, sau khi Ngạn đã sang thuyền Nguyễn Thị, liền vẫy cho thuyền mình rút lui. Khi cuộc tiệc rượu đang nồng nàn thì thị tỳ xông ra dùng dao chặt đầu Ngạn, rồi nhân đêm tối thuỷ triều xuống (…) quay  chèo trở về như bay (…). Nguyễn Thị đem thủ cấp cuả Ngạn làm lễ tế chồng, dặn các con đến hành tại An Trường quy thuận với vua Lê, còn thị tự gieo mình xuống sông.

Cho dù chỉ là giả thuyết, nhưng dựa vào đây ta có thể suy đoán một trong những nguyên nhân khiến Phan Ngạn đã giết Bùi Văn Khuê chính là sắc đẹp cuả Nguyễn Thị Niên, một sắc đẹp mà tám năm trước đã làm tên hôn quân Mạc Mậu Hợp, dù đã có nhiều cung phi mỹ nữ, phải điên đảo để rồi hứng chịu một cái chết oan nghiệt và đưa nhà Mạc vào chỗ diệt vong.

Nguyễn Thị Niên là một tuyệt sắc giai nhân nhưng rất đoan chính. Khác với Đắc Kỷ, Dương Quý phi cuả Trung Hoa hay Đặng Thị Huệ cuả Đại Việt dùng sắc đẹp như một phương tiện để leo lên bậc thang danh vọng và quyền uy, Nguyễn Thị Niên chỉ muốn một cuộc sống hạnh phúc bình dị. Éo le thay, nàng là nạn nhân cuả sắc đẹp chính mình, lại còn liên luỵ đến người chồng mà nàng hết sức thương yêu kính trọng.

Hành động báo thù cho chồng rồi sau đó gieo mình xuống sông tự vẫn cuả nàng biểu hiện sự bất khuất kiên trinh cuả người phụ nữ Việt Nam.

Chúng ta không khỏi ngậm ngùi cho số phận cuả một giai nhân sinh nhầm thời tao loạn khi  đọc mấy câu thơ:

 “Thuở trời đất nổi cơn gió buị

Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên

Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?…”.

(Chinh phụ ngâm)

 

 

Vĩnh Liêm & Văn Uyên

(nghiencuulichsu.com)

 

Chú thích:

[1] Theo Toàn Thư

[2] Mạc Kính Điển là con cuả Mạc Đăng Doanh, em cuả Mạc Phúc Hải,  ông chú cuả Mạc Mậu Hợp

[3] Theo Đại Việt Thông Sử trang 77 và 84 (bản điện tử)

[4] Theo Cương Mục

[5] Theo Đại Việt Thông Sử trang 89 (bản điện tử)

[6]  Theo Đại Việt Thông Sử trang 90 (bản điện tử)

[7]  Vua Lê Anh Tông (1557-1573) bị Trịnh Tùng áp bức phải trốn về Nghệ An, Trịnh Tùng sai người giết rồi phao tin vua tự tử. Vua Lê Kính Tông (1600-1619) bị Trịnh Tùng bắt phải thắt cổ chết

[8]  Thái uý Đoan quốc công Nguyễn Hoàng khi ra bắc lạy mừng vua Lê Thế Tông trở về Đông Kinh (1593) thì bị Trịnh Tùng tìm cớ bắt ở lại không cho về. Nguyễn Hoàng bèn ngầm xúi giục Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga và Mỹ quận công Bùi Văn Khuê mưu phản. Sau đó Nguyễn Hoàng giả vờ xin với Bình An vương Trịnh Tùng đem quân đánh đuổi để trốn về Thuận Hoá (Toàn Thư)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập249
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm247
  • Hôm nay33,692
  • Tháng hiện tại761,893
  • Tổng lượt truy cập40,599,055
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây