Báo Bắc Ninh: Dòng họ 10 đời đỗ Tiến sỹ

Thứ tư - 25/02/2015 20:04

HNVN xin giới thiệu bài đăng trên Báo Bắc Ninh viết về họ Ngô làng Vọng Nguyệt, một dòng họ có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt trong lịch sử khoa bảng cũng như ngày nay.
Nhà thờ Tổ họ Ngô Vọng Nguyệt - Di tích LS văn hòa cấp tỉnh
Nhà thờ Tổ họ Ngô Vọng Nguyệt - Di tích LS văn hòa cấp tỉnh

 

Kinh Bắc là vùng địa linh, xứ ấy có những con người, những gia đình, những dòng họ xuất chúng được lưu danh sử vàng. Họ Ngô ở Vọng Nguyệt (Tam Giang, Yên Phong) là một điển hình. Đây là 1 trong tứ lệnh tộc xứ Kinh Bắc được vua ban chữ vàng khen thưởng vì thành tích học tập, là dòng họ “Ngũ đại liên chúng” 5 đời đỗ đại khoa. Lại có ý kiến cho rằng, họ Ngô lệnh tộc không phải có 5 mà có tới 10 đời đỗ Tiến sỹ, cả hai nhận định đều đúng theo cái lý của từng người.

Ông Ngô Văn Hảo, đời thứ 17, hiện là trưởng họ được cử trông coi nhà thờ tổ họ Ngô ở Vọng Nguyệt từ hơn 30 năm nay, đưa tôi xem cuốn hợp phả Ngô lệnh tộc minh chứng họ này có 10 đời đỗ đại khoa. Theo đó cụ tổ là Ngô Nguyên, di cư về Vọng Nguyệt sau vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (năm 1442). Di cư rồi định cư luôn ở Vọng Nguyệt, Ngô Nguyên được vị quan họ Chu cho nương nhờ, sau gả con gái là Chu Thị Bột (tức bà Thí Thóc). Họ có với nhau hai con trai, nhưng sau đó Ngô Nguyên biệt tích?

Khi cụ tổ bà Chu Thị Bột qua đời, hai con trai mỗi người một chí. Con trưởng là Ngô Ngọc (1451-1519) ở lại Vọng Nguyệt tu chí học hành, con thứ là Ngô Định di cư vào mạn Diễn Châu (Nghệ An) lập nghiệp và cũng học hành chăm chỉ.

Họ Ngô lệnh tộc chính thức phát về đường khoa bảng từ đời cụ Ngô Ngọc. Trên văn bia nhà thờ ghi rõ: Khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487), Ngô Ngọc đỗ đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp); con thứ hai của cụ Ngô Ngọc là Ngô Nhân Hải (chưa rõ năm sinh, mất) đỗ đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508); cháu nội cụ Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Trừng (1539-1593) đỗ đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580); con trai trưởng của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt (chưa rõ năm sinh, mất) đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607); con trai thứ của Ngô Nhân Triệt là Ngô Nhân Tuấn (1595-?) đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa thi Canh Thìn (1640).

Nói về họ Ngô lệnh tộc, nhà bác học Phan Huy Chú phải thốt lên: “Họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt kể từ cụ Ngô Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức, cả thảy có 5 đời đỗ Tiến sỹ thực là hiếm có xưa nay!”.

Nói đến nhánh thứ 2 của họ Ngô lệnh tộc đứng đầu là cụ Ngô Định di cư vào mạn Diễn Châu (Nghệ An) cũng học hành chăm chỉ và cũng có 5 đời đỗ Tiến sỹ, như vậy tính tổng 2 nhánh thì họ Ngô lệnh tộc có 10 đời đỗ Tiến sỹ. Họ Ngô lệnh tộc Nghệ An và Bắc Ninh vẫn giữ mối liên hệ họ hàng khăng khít. Trong Nghệ An, họ Ngô cũng có nhà thờ tổ tương tự như ở Vọng Nguyệt, từng được vua ban chữ vàng “Quang huy tụ”, nghĩa là ánh sáng huy hoàng được phát ra từ nhà thờ họ Ngô và tỏa đi muôn phương. Mới đây nhà thờ họ Ngô lệnh tộc ở Nghệ An đã được Nhà nước công nhận Di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia.

Những bí ẩn lịch sử

Kiến giải những kỳ bí của một dòng họ có tới 10 đời đỗ Tiến sỹ, đã có rất nhiều giai thoại chứng minh đường phát khoa bảng của họ này. Như chuyện trước đó hơn 500 năm, một thầy địa lý Trung Hoa chỉ cụ tổ họ Ngô lệnh tộc là Ngô Nguyên đến một khu đất tốt hướng dẫn xây nhà thờ họ thì con cháu nhất định hiển vinh. Địa điểm đặt nhà thờ ứng với 2 câu sấm của thầy địa lý là “vườn quýt, ao Lác”. Câu chuyện trên như là giai thoại nhưng kỳ lạ là địa điểm đặt nhà thờ tổ họ Ngô trong truyền thuyết vẫn còn, trên nền vườn quýt, ao Lác xưa trong làng Vọng Nguyệt.

Giai thoại tiếp vẫn hiển hiện là chuyện về cụ tổ bà Chu Thị Bột (tức cụ Thí Thóc, người ban phát thóc cứu giúp cho dân nghèo). Tương truyền cụ tổ bà mất trong một đêm mưa to gió lớn nên con cháu phải quàn tạm ở đầu làng để sớm mai chôn cất. Lạ thay chỉ sau một đêm mà mối đùn đất quanh thi hài thành một đống lớn. Con cháu cho rằng trời cho mảnh đất thiêng nên cứ thế đắp thành mộ, gọi là mộ thiên táng. Chính vì được thiên táng nên cụ tổ bà càng thêm linh nghiệm phù hộ cho con cháu họ Ngô được hiển vinh lâu dài trên đường học vấn.

Không ai dám chắc những giai thoại trên là căn cứ chứng minh đường phát khoa bảng của họ Ngô lệnh tộc. Nhưng vẫn hiển hiện nhiều điều khó lý giải, như ngày giỗ cụ tổ bà vẫn được con cháu họ Ngô Vọng Nguyệt tổ chức trang trọng vào 17-1 (Âm lịch), còn mộ cụ tổ bà vẫn hiển hiện ở đầu làng được con cháu quanh năm nhang khói.

Dòng họ khoa bảng tiêu biểu

Gạt bỏ những giai thoại, sau hơn 500 năm kể từ khi họ Ngô có mặt ở Vọng Nguyệt thì đến nay đây vẫn là dòng họ có truyền thống khoa bảng bậc nhất Bắc Ninh. Ngay từ đầu những năm 1990, một người con của dòng Ngô lệnh tộc là PGS-TS Ngô Quý Ty (Bộ Quốc phòng) đã về quê khởi nguồn xây dựng phong trào gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học họ Ngô lệnh tộc ở Vọng Nguyệt. Phong trào ra đời sớm nhất Hà Bắc sau có rất nhiều tổ chức khuyến học trong tỉnh học tập.

Mộ cụ tổ bà Chu Thị Bột ở đầu làng Vọng Nguyệt

 

Anh bạn tôi bên Công an tỉnh cũng là một thành viên của họ Ngô lệnh tộc tự hào biên dẫn chứng: Ở Vọng Nguyệt hiện có 11 dòng họ trong đó có 2 họ Ngô, nhưng nổi tiếng nhất đường khoa bảng vẫn là dòng Ngô lệnh tộc. Năm 2010, nhân ngày giỗ cụ tổ bà, họ Ngô tổng kết truyền thống học hành, theo đó họ này có tới hơn 300 người trình độ Cao đẳng trở lên, nhiều người có học vị Thạc sỹ, Tiến sỹ, nhiều người học hàm Phó Giáo sư… Họ Ngô lệnh tộc thời nay còn có con trai ông Ngô Quý Ty từng đạt Huy chương Bạc Olimpic Vật lý Quốc tế.

Ông Ngô Văn Tiến người nhiều năm phụ trách công tác khuyến học dòng họ Ngô cho biết thêm, Vọng Nguyệt có 11 dòng họ nhưng riêng số học sinh là con cháu họ Ngô lệnh tộc đỗ Đại học hàng năm chiếm non nửa trong làng. Năm cao điểm họ Ngô lệnh tộc có tới hơn 20 học sinh đỗ Đại học. Làng Vọng Nguyệt nổi tiếng gần xa bởi từ lâu đã được mệnh danh là “làng Đại học ven sông Cầu”, có người văn vẻ ví von không thái quá rằng họ Ngô ở Vọng Nguyệt là “dòng họ Đại học ven sông Cầu”.

Truyền thống tốt đẹp của họ Ngô lệnh tộc như mạch nguồn trong trẻo chảy mãi với thời gian. Truyền thống ấy được tích tụ và phát huy sau mỗi dịp cháu con hiển đạt tụ về nhà thờ báo công với tiên tổ. Theo gương ấy và để giữ mãi niềm tự hào dòng họ khoa bảng nức tiếng ấy, chắc con cháu họ Ngô lệnh tộc hôm nay luôn nuôi dưỡng ý chí vươn lên trên đường học vấn để cống hiến nhiều hơn cho quê hương đất nước.

Trăn trở trước mắt của họ Ngô lệnh tộc, như ông trưởng họ Ngô Văn Hảo trải lòng là nhà thờ họ Ngô trong Diễn Châu (Nghệ An) thì đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, nhưng nhà thờ tổ ở Vọng Nguyệt do thiếu một số thủ tục nên mới dừng ở di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tâm nguyện của dòng họ Ngô ở Vọng Nguyệt là phải sớm hoàn thành các thủ tục cần thiết, phối hợp với cơ quan chức năng đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận nhà thờ tổ họ Ngô ở Vọng Nguyệt là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Một khi được công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia, truyền thống quý báu của họ Ngô lệnh tộc ở Vọng Nguyệt sẽ càng thêm rạng rỡ, thành tiền đề để những thành viên trong họ nuôi dưỡng khát vọng vươn lên trên con đường học vấn, để được cống hiến thật nhiều cho quê hương đất nước…

Thanh Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập281
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm274
  • Hôm nay38,102
  • Tháng hiện tại648,835
  • Tổng lượt truy cập41,277,942
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây