Luật kiêng húy thời phong kiến

Thứ năm - 29/06/2017 18:04

Luật kiêng húy thời phong kiến

 


I- Khái niệm về kiêng huý và nguồn gốc của luật lệ kiêng huý
 

Kiêng huý có nguồn gốc từ tiếng Hán, được du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc. Từ “kiêng” của tiếng Việt bắt nguồn ở từ “kinh” (Hán), có nghĩa là sợ hãi. Nhưng sang tiếng Việt thì đã chuyển nghĩa thành tránh (do sợ hãi mà phải tránh).
Ví dụ: kiêng gió, kiêng rượu, kiêng ăn mặn, kiêng ăn ngọt... Còn từ “huý” có nhiều nghĩa: tránh, kiêng, giấu, tên người. Do đặc điểm của Hán văn, danh từ có thể làm động từ và ngược lại, nên trong các thư tịch cổ, có nhiều trường hợp từ “huý” được dùng làm động từ để chỉ sự kiêng huý, tức kiêng tên người, có nghĩa là tránh không được nói, viết tên riêng của một người nào đó.
Huý có hai loại: Công huý (còn gọi là quốc huý) và tư huý. Theo nhà Hán học Ngô Đức Thọ, quốc huý bao gồm ngự danh (tức tên huý của vua và hoàng hậu đương triều) và miếu huý (gồm tên huý của những người đời trước như ông, bà, cha, mẹ và những người thân thích khác của nhà vua). Tư huý gồm gia huý (tên huý của những người trong gia đình), tộc huý (tên của những người trong dòng họ) và hương huý – tên huý của các thành hoàng được dân chúng các làng xã lập đền thờ cúng1. Quốc huý do nhà vua quy định và ban bố bằng các văn bản có hiệu lực pháp lý cao như luật, lệnh, chỉ, dụ. Quốc huý thuộc phạm trù pháp luật nên mang tính chất cưỡng chế, bắt buộc thần dân phải chấp hành. Còn gia huý, tộc huý và hương huý thì tuỳ theo quy định của từng gia đình, dòng họ và từng làng xã, có tính chất quy ước, tục lệ, không mang tính cưỡng chế, thuộc phạm trù đạo đức cộng đồng.
Quốc huý và tư huý đều có đặc điểm chung là kiêng gọi và viết tên riêng, kể cả tên người và tên các thành hoàng được tôn thờ, vì tên của các thành hoàng cũng chính là tên người hoặc do con người đặt ra. Tục lệ kiêng tên riêng thể hiện xu hướng thiêng liêng hoá tên gọi, coi tên riêng có quan hệ trực tiếp với số phận của con người, tránh gọi là để biểu thị sự kính trọng, tôn sùng, trước hết là đối với tên riêng của  vua và những người trong hoàng tộc, thứ đến là thần thánh và những người có vị trí trong gia tộc, làng xã.
Tục lệ kiêng huý có nguồn gốc từ Trung Quốc, bắt đầu từ thời nhà Chu (1066 - 771 trước CN), đến thời Chiến quốc (476 - 255 trước CN) đã trở thành phổ biến. Thời bấy giờ, đã có những quy ước được xã hội thừa nhận như “Kiêng tên không kiêng họ, họ thì nhiều người giống nhau, còn tên là riêng của từng người”. Từ thời Tần Thuỷ Hoàng (221 - 207 trước CN), lệ kiêng huý được chính thức qui định  bằng luật pháp của nhà nước. Tần Thuỷ Hoàng họ Doanh tên là Chính, nên cấm dân chúng dùng chữ Chính. Ví dụ: Chính nguyệt, là tháng giêng được đổi gọi là Đoan nguyệt (thay từ chính bằng từ đồng nghĩa là đoan); Tần Tương Vương, cha của Tần Thuỷ Hoàng tên là Tử Sở, vì kiêng huý chữ Sở nên đất Sở được đổi gọi là Kinh.

 

2- Luật lệ kiêng huý ở Việt Nam dưới thời phong kiến
 

Theo nhà Hán học Ngô Đức Thọ, ở Việt Nam, tục lệ kiêng huý có thể  đã có trong dân gian từ thời Bắc thuộc, được du nhập từ Trung Quốc. Nhưng quy định chính thức về kiêng huý thì chỉ mới bắt đầu từ thời Trần2. Về hình thức kiêng huý, đại thể cũng giống như Trung Quốc, bao gồm: kiêng dùng các chữ huý để viết văn bản, đặt tên đất, tên người; kiêng âm khi đọc và nói. Kể từ triều Trần, các hoàng đế khi lên ngôi vua, một trong những việc làm đầu tiên là công bố các chữ quốc huý cho thần dân biết để tránh. Theo ghi chép của sử sách thì từ thời Trần đến cuối triều Nguyễn, đã có 40 lần ban bố lệnh kiêng huý. Trong đó, dưới triều Nguyễn, lệnh kiêng huý được ban hành nhiều nhất. Trong thời gian trị vì đất nước, Gia Long đã 2 lần, Minh Mệnh 5 lần, Thiệu Trị 8 lần, Tự Đức 4 lần ra chỉ dụ về kiêng huý.
Về các chữ huý, bao gồm tên vua, tên hoàng hậu, tên cha mẹ, ông bà của vua và những người thân thích khác trong hoàng tộc. Riêng  triều Trần còn có lệ kiêng huý họ ngoại (cha mẹ của hoàng hậu), triều Nguyễn kiêng huý tên hoàng thái tử. Nói chung, tên vua, tên hoàng hậu, tên cha mẹ và ông bà của vua thì vương triều nào cũng liệt vào chữ quốc huý. Còn tên của những người thân thích khác trong hoàng tộc thì mỗi triều vua quy định có khác nhau. Sau đây, chúng tôi điểm qua những nét chính về luật lệ, quy tắc kiêng huý và những biểu hiện cụ thể về kiêng huý của các triều đại.

 

2.1. Khái quát về luật lệ kiêng huý của các triều đại
 

Dưới triều Trần, tháng 6 năm Nhâm Thìn (1232) vua Trần Thái Tông đã ban bố các chữ quốc huý và miếu huý. Vì ông nội của Thái Tông tên là Lý (Trần Lý) nên đã đổi triều Lý thành triều Nguyễn (cũng có nghĩa là đổi họ Lý thành họ Nguyễn)3. Đến các đời vua sau thì các chữ quốc huý được quy định cụ thể hơn. Chẳng hạn, ngày 7 tháng 2 năm Giáp Ngọ (1294), khi Trần Anh Tông lên ngôi, đã công bố các chữ quốc huý: "chữ huý của vua là Thuyên, của Nhân Tông là Khâm, của Thánh Tông là Hoảng, của Thái Tông là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa, của Nguyên Tổ là Lý"; các chữ nội huý: “Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuần Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Khánh hoàng hậu là Hâm” 4. Để tránh gây phiền hà cho người viết văn bản, hầu hết các vua Trần đều chọn đặt tên bằng những chữ rất ít khi có thể gặp trong các văn bản thông thường. Ví như Cảnh, Hoảng, Khâm, Thuyên, Oanh, (Minh Tông), Hạo (Dụ Tông) Nang (Thuận Tông)...
Vua Lê Thái Tổ – người sáng lập triều Lê, ngay sau khi lên ngôi, ngày 20 tháng 4 năm Mậu Thân (1428) cũng đã “ban các chữ  huý Tông miếu và các chữ huý tên vua. Tất cả các chữ viết chính khi viết không được dùng, nếu đồng âm mà khái chữ thì không phải huý”5. Đặc biệt, Quốc triều hình luật của Triều Lê có một điều khoản quy định về kiêng huý như sau:
“Dâng thư hay tâu việc gì mà lại lầm phạm huý đến tên vua hay tên huý các vua trước thì xử phạt 80 trượng. Viết các chữ huý phải bớt nét mà không bớt nét thì phải phạt 60 trượng. Miệng nói phạm tên huý thì phải xử tội xuy. Người nào cố ý đặt tên chính hay tên tự phạm vào chữ huý thì xử tội lưu, tội tử hình” 6.
Dưới triều Nguyễn, các quy định về kiêng  huý lại càng cụ thể và chặt chẽ hơn, nhất là về cách đọc và cách viết. Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: Năm Gia Long thứ 2 (1803), nhà vua đã “sai bộ Lễ kính gửi chữ huý cho khắp trong ngoài. Phàm tên người, tên đất giống chữ thì phải đổi đi, hành văn thì tuỳ theo ý nghĩa mà đổi sang chữ khác”7. Luật pháp triều Nguyễn xử phạt khá nặng đối với các văn bản tâu trình lên nhà vua và các giấy tờ khác mắc lỗi phạm huý: “Phàm dâng thư và tâu việc lỡ ra phạm đến tên vua và tên huý của các miếu thì phạt 80 trượng. Còn các giấy tờ việc quan khác lỡ ra phạm đến chữ huý thì phải phạt xuy 40 roi. Nếu là tên hay tên tự lỡ ra phạm đến chữ huý (không phải chỉ là nhầm lỡ một lần mà đã bị người ta nhắc nhở) thì phạt 100 trượng”8. Triều Nguyễn còn quy định: Đối với văn thư ngoại giao của nước ta gửi cho nhà Thanh, khi soạn thảo cũng phải chú ý tuân theo tục lệ kiêng huý của họ. Do vậy, đòi hỏi các quan chức hữu quan của Hàn lâm viện và bộ Lễ – những cơ quan có nhiệm vụ soạn thảo các văn bản ngoại giao, phải nắm hiểu các quy định về kiêng huý trong văn bản của các vương triều Trung Hoa.
Luật lệ kiêng huý của triều Nguyễn cũng được áp dụng đối với các văn bản như kinh, truyện, thi văn, hoành phi, câu đối nhưng với mức độ khác nhau. Ví dụ: lệnh kiêng huý lần thứ 7 của vua Thiệu Trị (1844) quy định:
- Đối với các sách kinh, truyện, tử, sử, thi văn tạp thuyết đã in ra mà ván in hiện còn giữ ở Quốc tử giám thì quan ở Giám phải kiểm duyệt, nếu  thấy các chữ quốc huý  thì phải trình lên bộ Lễ để theo văn nghĩa đổi khắc chữ khác để in ra mà dùng.
- Các biển ngạch, hoành phi làm theo lệnh của vua bản triều có những dòng chữ cần kiêng huý mà hiện vẫn còn đang treo ở các miếu điện thì không phải khắc lại. Nhưng khi viết phải viết bớt một nét. Nếu không phải của vua ban thì phải đổi dùng chữ khác như biển đại tự “Sùng văn đường” ở Văn Miếu thì đổi là “Hữu văn đường”, cùng là biển ngạch, hoành phi, chuông khánh, văn bia ở tất cả các dinh thự, đền miếu, phàm là có chữ tôn huý và cả những chữ có thiên bàng giống với chữ huý thì tuỳ theo văn nghĩa đổi chữ khắc lại9.
Trong thi cử, nếu bài thi của các sĩ tử bị phạm huý thì sẽ tuỳ theo lỗi nặng nhẹ để trừ điểm.
Triều Nguyễn là Triều đại quy định chặt chẽ nhất về kiêng huý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như biên chép tôn phả, ngọc điệp, biên niên sử thì  không phải máy móc kiêng huý. Vì các hoàng đế triều Nguyễn, trước hết là vua Minh Mệnh đã có nhận thức rất đúng rằng đó là những tài liệu “ghi chép sự thật cho đời sau”. Do vậy, cho phép “hễ gặp chữ huý các miếu được viết đúng mặt chữ, không cần  ghi là bên tả bộ gì, bên hữu bộ gì”. Khắt khe như vua Thiệu Trị cũng chỉ yêu cầu viết bớt nét.

 

2.2. Các quy tắc cụ thể về  kiêng huý
 

2.2.1. Kiêng huý chữ viết trong văn bản
Khi viết văn bản, không được dùng chữ huý mà phải đổi dùng chữ khác đồng nghĩa, hoặc bỏ trống, hoặc viết bớt nét, thêm nét, hoặc tách chữ thành 2 nửa và viết theo kiểu mô tả: nửa bên trái là chữ (bộ) gì, nửa bên phải là chữ (bộ) gì, hoặc đảo bộ (do chữ Hán có đặc điểm gồm nhiều  chữ hoặc bộ ghép lại). Ví dụ:
- Trong cuốn Đại Việt sử lược được biên soạn dưới thời Trần, đã đổi tên viên quan được vua Lý cử đi sứ sang nhà Tống năm Thuận Thiên thứ 5 (1132) Lý Thừa Ân thành Nguyễn Phụng Ân, bởi Lý là tên huý của ông nội và Thừa là tên huý của cha Trần Thái Tông. Theo quy định của Trần Thái Tông thì họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, còn phụng là từ đồng nghĩa với thừa (thừa lệnh, phụng mệnh).
- Bia Vĩnh Lăng ở Lam Sơn (Thanh Hoá) do Nguyễn Trãi soạn, chữ Lợi là tên huý Lê Thái Tổ (Lê Lợi) nên được viết theo kiểu mô tả: Tả tòng hoà, hữu tòng đao, có nghĩa là nửa bên trái chữ hoà, nửa bên phải chữ đao; tên huý của cha Lê Thái Tổ là Đinh được mô tả là: Tả tòng thuỷ, hữu tòng định, có nghĩa nửa  bên trái bộ thuỷ, nửa bên phải chữ định(?).
Bia Chiêu Lăng (Lăng Lê Thánh Tông) do Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ soạn, khắc dựng năm Cảnh Thống thứ 2 (1499) đời Lê Hiến Tông đã bỏ trống chữ Thành, tên huý của Lê Thánh Tông; Đế tính Lê, huý Tư, hiệu Thiên Nam động chủ (vua họ Lê, tên huý là Tư, hiệu Thiên Nam động chủ)10.
- Tên huý của vua Gia Long triều Nguyễn là Ánh khi viết văn bản phải đổi dùng chữ chiếu là chữ đồng nghĩa với chữ ánh (đều có nghĩa tương đương là soi sáng). Nếu viết chữ ánh thì phải viết theo kiểu mô tả; tả tòng nhật,  hữu tòng anh (nửa bên trái là chữ nhật, nửa bên phải là chữ anh).
2.2.2. Kiêng âm huý, đổi địa danh, tên người
Như trên đã nêu, luật lệ kiêng huý ngoài chữ  viết còn phải kiêng cả âm. Khi nói hoặc đọc các âm huý thì  phải biến âm, có nghĩa là phải đọc chệch sang âm khác, khi đặt tên đất, tên người không được trùng với  âm  huý, nếu đã đặt rồi thì phải đổi tên khác. Sử  sách đã ghi chép rất nhiều trường hợp do kiêng âm huý mà đã phải nói, đọc biến âm và đổi gọi tên đất, tên người. Dưới đây là một số  minh chứng:
- Dưới thời Trần, vì Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là người trong hoàng tộc và có công lao to lớn trong kháng chiến chống Nguyên - Mông, nên mẹ của ông được phong là Thiện Đạo quốc mẫu. Năm 1299, vua Trần Anh Tông xuống chiếu quy định: “Thiện Đạo tên huý là Nguyệt (Thiện Đạo là phu nhân của Liễu) khi làm văn không được dùng”11. Ngoài ra, chữ nguyệt còn được kiêng huý cả về ngữ âm. Do đó, được đọc và nói chệch thành ngoạt. Cho đến ngày nay, rất nhiều địa phương thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam vẫn quen gọi giống lúa gặt vào khoảng tháng 8 (bát nguyệt) là lúa bát ngoạt. Cũng dưới triều Trần, Kiền Hải - tên cửa biển ở huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An được đổi thành Cần Hải do kiêng huý chữ Kiền (tên huý của An Sinh Vương Trần Liễu cha của Hưng Đạo Vương), cửa biển này ngày nay gọi là Lạch Cờn.
- Dưới triều Mạc, những địa danh có âm Dung (tên huý của Mạc Đăng Dung), âm Nguyên (tên huý của Mạc Phúc Nguyên) đều phải đổi tên. Ví như Phù Dung là huyện có từ thời Trần, đầu thời Mạc phải đổi thành huyện Phù Hoa. Huyện này thời Lê Trung hưng lấy lại tên cũ là Phù Dung, nhưng đến năm 1842 lại vì đồng âm với tên huý của vua Thiệu Trị (Dung) nên đổi là huyện Phù Cừ, nay thuộc  tỉnh Hưng Yên. Phú Nguyên: tên huyện, đời Hồng Đức là huyện Phù Vân; đời Lê Chiêu Tông đổi gọi là Phú Nguyên; đến đời Mạc Phúc Nguyên vì kiêng huý nên đổi gọi là Phú Xuyên. Nay vẫn gọi là huyện Phú Xuyên, thuộc tỉnh Hà Tây12.
- Triều đại Tây Sơn (1788-1802) tuy không có văn bản quy định về kiêng huý, nhưng trong thực tế có hai chữ huý mà các địa danh phải kiêng âm hoặc đổi chữ khác, đó là chữ Bình và chữ Phúc. Cả hai chữ này đều là tên huý của vua Quang Trung. Ví dụ: Cao Bình, là tên phủ, thời Lê gọi là Cao Bình, dưới thời Tây Sơn đổi gọi là Cao Bằng, nay là tỉnh Cao Bằng. Hoặc như Gia Phúc – tên huyện từ thời Lê Sơ, thời Tây Sơn đổi gọi là Gia Lộc, nay thuộc tỉnh Hải Dương13.
- Dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, cũng giống như triều đại Tây Sơn, không có văn bản quy định chính thức về kiêng huý. Tuy vậy, hiện tượng kiêng âm tên huý của các chúa Nguyễn khá phổ biến từ Quảng Bình trở vào. Chẳng hạn: Đoan quốc công Nguyễn Hoàng, thuỷ tổ của triều Nguyễn sau này, âm huý là Hoàng, nên các âm hoàng đọc và nói chệch thành huỳnh, như Sa Huỳnh, vốn là Sa Hoàng, họ Huỳnh vốn là họ Hoàng mà các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ hiện nay vẫn gọi (cùng có chung chữ viết, chỉ khác âm).. hoặc như âm huý của Nhân Chiêu Vương Nguyễn Phúc Lan là Nhân, nên các chữ nhân (có nhiều chữ đồng âm) đều được đọc và nói chệch thành nhơn, như nhân đức được đọc thành nhơn đức, phủ Quy Nhân được gọi là phủ Quy Nhơn (nay là thành phố Quy Nhơn thuộc tỉnh Bình Định).
- Dưới Triều Nguyễn, việc kiêng âm huý được quy định khá chặt chẽ. Đại Nam thực lục chép rằng, tháng 12 năm Tự Đức thứ 14 (1861), nhà vua đã xuống dụ cấm đặt tên đồng âm với các chữ huý của bản triều. Sở dĩ có lệnh này là do có một lần vua xem tờ tâu của  bộ Binh, trong đó có một tên là Lê Tiến Hoàng, trùng âm huý của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng, vua liền bắt đổi tên là Lê Tiến Bình. Nhân đó, vua truyền cho các quan chức ở Quốc tử giám, Nội các và bộ Lễ liệt kê tất cả các chữ huý và công bố cho thần dân biết để tránh dùng14.
Tóm lại, tập tục kiêng huý ở nước ta có thể đã có từ thời Bắc thuộc. Nhưng luật lệ kiêng huý trong viết văn bản, đặt tên người và điạ danh thì chỉ mới bắt đầu từ thời Trần. Theo các nhà văn bản học thì luật lệ này mang tính đặc thù của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc dưới thời phong kiến. Còn các nước khác nhau như Nhật Bản, Triều Tiên tuy sử dụng chữ Hán rất nhiều nhưng không có tập tục và luật lệ này.
Nghiên cứu về luật lệ kiêng huý, đặc biệt là các chữ huý trong văn bản thời phong kiến Việt Nam có ý nghĩa rất lớn đối với văn bản học Hán Nôm và nghiên cứu địa danh lịch sử. Thông qua luật lệ kiêng huý và các chữ huý trong văn bản có thể xác định được niên đại của văn bản, như văn bản đó được làm ra dưới triều đại nào, đời vua nào, thậm chí cả năm nào. Có thể xem đây là một trong những chìa khoá để xác minh niên đại văn bản chữ Hán của nước ta thời phong kiến.
Về địa danh lịch sử, trong nhiều trường hợp, việc nghiên cứu âm huý và  chữ huý sẽ góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc, quá trình, nguyên nhân của việc đặt, thay đổi tên sông, tên núi, tên các làng, xã, tổng, huyện, phủ (gọi chung là địa danh) trên mọi miền đất nước.

 

Tài liệu tham khảo:
 

1.Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ huý Việt Nam qua các triều đại, NXB Văn hoá, Hà  Nội, 1997.trang 192
2.Sách đã dẫn, trang 35, 36,37,
3. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 1998, trang 18
4.Sách đã dẫn, trang 169
5.Sách đã dẫn, trang 294
6.Quốc triều hình luật, NXB Pháp lý, Hà Nội, năm 1991, tr 72
7.Dẫn theo Ngô Đức Thọ, sách đã dẫn, trang 124
8.Xem Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ huý Việt Nam..., Sđd, trang 149
10. Sách đã dẫn, trang 62
11. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Sđd, trang 7612. Ngô Đức Thọ:
 Nghiên cứu chữ huý …Sđd, trang 74
13. Sách đã dẫn, trang 107
14. Sách đã dẫn, trang 156.

                                  
PGS. Vương Đình Quyền
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
Theo vanthuluutru.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập188
  • Hôm nay33,692
  • Tháng hiện tại768,257
  • Tổng lượt truy cập40,605,419
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây