Trong lời nói đầu của bản phả có đoạn trình bày về nguồn gốc họ Ngô An Duyên và quá trình phát triển có nói tới sự có mặt của họ Ngô ở nơi này từ rất sớm. Và rằng Phả họ Ngô An duyên được biên soạn vào năm Quang Hưng thứ 17 (1594). Điều đó là ngộ nhận vì ở An Duyên có Đạo quán Mui, là trường học của đạo Lão được khởi dựng dưới triều Lý Trải qua thời gian, Đạo quán đổ nát. Đến thời Trung Hưng, bà phi thứ hai của chúa Trịnh Tùng là bà Ngô Thị Ngọc Nguyên cùng các con đứng chủ hưng công trùng tu và mở rộng vào năm Kỷ Hợi (1599). Những người chép phả họ Ngô An Duyên ngộ nhận bà cung phi đó là con cháu trong họ mình, nên cho răng Phả của chi họ được viết từ thời ấy. Kỳ thực, bà Ngô Thị Ngọc Nguyên là con gái của danh tướng Ngô Cảnh Hựu (1520 - 1596) thuộc dòng Trảo Nha.
Mặt khác họ Ngô An Duyên theo thế thứ chi tiết và niên biểu của khá nhiều vị cho thấy, họ này từ cụ Chi Chí cho đến nay cũng chỉ 12 - 13 đời, như vậy là phù hợp với việc cụ Chi Chí và các con của cụ theo đạo Gia tô. Nói khác đi là cụ Ngô Chi Chí về An Duyên trong khoảng cuối thế kỷ thứ XVII, chứ không như họ An Duyên xác đinh trong khoảng 1531 - 1551.
Trong phả họ An Duyên có chép 16 vị tham gia nghĩa quân Tây Sơn, danh tính được khắc vào chuông chùa làng năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794). Chúng tôi tìm thấy tên 2 vị là Ngô Chí Độ, Ngô Quốc Lễ vào đời thứ tư. Giả định khi tham gia nghĩa quân Tây Sơn để đại phá quân Thanh vào năm Kỷ Dậu (1789), lúc ấy các vị vào độ tuổi 30, với tốc độ sinh dọc 30 thì tính được cụ Ngô Chi Chí sinh khoảng năm 1670, do đó cụ về An Duyên để khôi phục lại dòng họ vào khoảng cuối thế kỷ XVII như nhận đinh trên kia là hợp lý.
(Cách tính: 1789-30- 3x30=1669), lấy tròn 1670.
Gần đây, họ Ngô An Duyên đã xác định Thủy tổ Ngô Vô Tâm của họ mình chính là Ngô Vô Tâm đời thứ 5 họ Ngô Bao Hàm. Hai bên chi họ đã nhận nhau, nhiều lần các đoàn đại diện hai chi họ đã về giao lưu nhân ngày giỗ tổ của họ Bao Hàm cũng như An Duyên.
Ngày 24-5-2014, hai ông Ngô Thanh Trà (Tiên chỉ) và Ngô Văn Lậm (Chủ tịch hội đồng gia tộc) họ Ngô An Duyên đến gặp tôi đề nghị xin được kết nối họ Ngô An Duyên với họ Ngô Bao Hàm.
Chúng tôi đã cẩn thận rà soát lại gia phả hai họ và thấy rằng cơ sở của việc kết nối là chưa đủ sức thuyết phục:
1) Chỉ có duy nhất tên VÔ TÂM là trùng nhau, không có việc phả Bao Hàm cũng chép tên con cụ Vô Tâm là PHÚC HIỀN như phả An Duyên. Phả Bao Hàm không chép tên vợ con cụ VÔ TÂM là ai.
2) Về dòng dõi họ Ngô An Duyên, gia phả họ này cho biết: “Ngô Vô Tâm là con trai thứ tư của một dòng vọng tộc sinh ra Phúc Hiền. Cụ Phúc Hiền đỗ Tiến sĩ ra làm quan, gặp thời loạn ly, cụ bị tử nạn. Cụ có người vợ kế cùng làng tên là Nguyễn Thị Thục đang mang thai, được người chị dâu tốt bụng đưa về Khôi Tang (Thổ Tang). Sau chạy về Mông Nhị thì sinh ra cụ Phúc Thăng. Năm 28 tuổi, gặp buổi chiến tranh cụ Thăng theo binh nghiệp và đã hy sinh ở mặt trận phía Nam đất nước (tử chiến khôn phương). Cụ Ngô Phúc Thăng có 3 vợ sinh 3 con như trên phả đồ.
Trong khi đó cụ Ngô Vô Tâm họ Bao Hàm là con trai độc nhất của cụ Ngô Phúc Tâm với cụ bà Từ Quang. Họ Ngô Bao Hàm cũng không có ai đỗ trung, đại khoa, tức không có ai đỗ hương cống (cử nhân) hay tiến sĩ. Do đó, việc hai họ An Duyên - Bao Hàm nhất trí kết nối với nhau, theo chúng tôi có lẽ là hơi vội vàng, chưa đủ cơ sở.
3) Từ rất lâu rồi, chúng tôi có ý tưởng họ Ngô An Duyên có thể phân chi từ họ Ngô làng Nứa - Chi Nê - Chương Mỹ, nhưng không dám đề xuất với họ An Duyên vì những gì được chép trong Phả hệ họ Ngô (xuất bản năm 2011 tr.263) chỉ là những tư liệu được cụ Ngô Đức Thắng chép lại mấy chục năm trước, bản thân chúng tôi không có tư liệu gì thêm mặc dù đã có về làng Nứa một lần và gặp trưởng tộc Ngô Văn Thỏa hai lần.
Những tư liệu mà chi họ làng Nứa Chi Nê cung cấp cho cụ Ngô Đức Thắng có mấy nét đáng chú ý sau: Đời thứ 3 có cụ Ngô Trần tự Chí Chỉ là con trai thứ tư Hoàng giáp Ngô Hồng (1557-?), là cha của Thám hoa Ngô Khuê (1633-?), đỗ năm 1661 và Tiến sĩ Ngô Cầu (1638-?), đỗ năm 1670, .. .Họ làng Nứa - Chi Nê là họ của sử thần Ngô Sĩ Liên - đúng là một vọng tộc.
Những dòng trích ngang sơ lược trên, theo chúng tôi là phù hợp với những ghi chép về dòng dõi của họ Ngô An Duyên.