Ngô Đình Tứ - Thủy tổ họ Đan Nhiễm - Nghệ An và họ Trình Phổ - Thái Bình có 3 con trai: Ngô Chân Tính, Ngô Đình Ánh và Ngô Đình Hạp. Ngô Đình Hạp vô tự. Còn con cháu hai người anh đều đổi sang họ Nguyễn với lý do và thời điểm khác nhau.
- Con trưởng Ngô Chân Tính, đồng tri phủ Nghĩa Hưng có mộ tại Trình Phố. Sau khi ông chết, “gặp thời Lê mạt binh cách”, bà vợ họ Chu dẫn hai con trai là Phúc Thiện và Hữu Điền theo ông Võ Trọng Tuân là “Trưởng quan Nghệ xứ, Đan Nhiễm thôn” về quê ông. Đan Nhiễm thuộc xã Thịnh Lạc tổng Xuân Liễu huyện Nam Đàn phủ Anh Sơn tỉnh Nghệ An, nay là thị trấn Nam Đàn. Khi đến đây cả hai con cụ Ngô Chân Tính đều đổi sang họ Nguyễn. Nguyễn Hữu Điền có 5 con trai; con thứ hai là Nguyễn Hữu Lại (1748 - 1786) là Lê triều ưu binh Chánh đội trưởng, thăng thụ bách hộ, thiên hộ tổng tri, hi sinh trong trận Nguyễn Huệ phá thành Phú Xuân ngày 20 – 5 Mậu Thìn (15-6-1786). Cùng đi với cha còn có người con trưởng Ngô Hữu Châu, khi ấy mới 15 tuổi, may mắn chỉ bị thương được người cai đội họ Trần quê xã Nghĩa An huyện Tư Nghĩa cứu thoát nuôi làm con. Đến năm Minh Mạng 13 (1832) hai con trai ông Châu là Cảnh và Bình nhân một chuyến đi biển đã lần tìm về quê nội ở Đan Nhiễm. Đến năm Duy Tân Quý Sửu (1913) ông Nguyễn Ngô Bính họ Đan Nhiễm vào Quảng Ngãi tìm thăm anh em họ hàng. Do vậy mà biết được ông Cảnh có con cháu nối dõi, còn ông Binh vô tự để chép vào Phả họ Đan Nhiễm.
Phả họ Đan Nhiễm còn chép: Năm Bảo Đại Đinh Mão (1927) hai họ Đan Nhiễm, Trình Phố thống nhất lấy lại họ cũ là họ Ngô.
- Con thứ hai Ngô Đình Ánh (đời 2) vẫn ở Trình Phố sinh 2 con trai, trưởng là Ngô Vị (1703 - 1764). Ngô Vị sinh 5 con trai, trưởng là Ngô Đắc Khản (1724 - 1807), do thừa tự bên ngoại họ Nguyễn nên cho con cải họ Nguyễn thành Nguyễn Ngô Thiều (1763 - 1824). Còn 4 người con khác của Ngô Vị vẫn mang họ Ngô.
Làng Đan Nhiễm trước thuộc xã Thịnh Lạc, nay là khu Đan Nhiệm thị trấn Nam Đàn huyện Nam Đàn.
NGÔ ĐÌNH HẠP: Là người khai khoa của chi họ. Ông thi đỗ Hương cống làm đồng tri phủ Lý Nhân, mắc lỗi, bị cách. Sau thi lại, lại đỗ được bổ tri huyện Kim Bảng. Chính ông đã vào Đan Nhiễm định dẫn hai cháu Phúc Thiện, Hữu Điền về lại Trình Phố, nhưng thấy các cháu “đã dựng được gia nghiệp”, nên “chú cháu bất đắc dĩ tương tương lệ biệt”.
NGUYỄN HỮU LAI: Lê triều ưu binh Chánh đội trưởng thăng thụ thiên hộ tổng tri, chết ngày 20/5/ Mậu Thìn (1786) trong trận Nguyễn Huệ công phá thành Phú Xuân. Ông còn 2 con trai: Hữu Phả (sinh 1gái), Hữu Hòe (vô tự).
NGUYỄN HỮU CHÂU: Ở tuổi 15, theo cha vào Thuận Hóa, khi Tây Sơn công phá thành Phú Xuân, may mắn ông chỉ bị thương được một người cai đội họ Trần cứu thoát, rồi nhận làm con nuôi ở tại Sa Kỳ xã Yên Vĩnh tổng Bình Hà huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Mười năm sau, mẹ nuôi cưới Phan Thị Quyển cho làm vợ, sinh 2 trai là Cánh (tức ông Tài) và Bình (tức ông Ký).
Hai ông Nguyễn Hữu Cánh và Nguyễn Hữu Bình đều làm nghề biển. Đến năm Minh Mạng 13 (1832), sau 2 tháng vừa đi biển vừa đi bộ, hai ông tìm được về quê cha Đan Nhiễm.
Đến năm Duy Tân Quý Sửu (1913), Nguyễn Ngô Bính họ Đan Nhiễm vào Sa Kỳ thăm anh em con cháu cũng là để ghi tên con cháu về chép vào phả.
Gia phả cho biết ông Nguyễn Hữu Cánh sinh hạ Nguyễn Hữu Tài (cửu phẩm bách hộ); còn Nguyễn Hữu Bình vô tự.