NGÔ VĂN ĐẢM là thủy tổ họ Đông Cao. Trước đây, do không quan tâm đến bài vị các bậc tiên tổ được thờ ở từ đường, nên không biết là ở đó có chép năm sinh, năm mất của các vị, do vậy mà cho rằng Ngô Văn Đảm là con thứ Ngô Chất Nghi! Và rằng cụ Đảm là người theo dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ xuống khai khẩn vùng đất Tiền Hải vào năm Minh Mạng thứ 9 (1828); trong khi đó bài vị cho biết cụ sinh năm 1682.
Chính niên biểu của các bậc tiên tổ đã cho con cháu biết là tương truyền xưa nay con cháu đã từng nghe là sai. Căn cứ niên biểu và các sự kiện lịch sử liên quan đến thời đại các cụ tổ ra đi, chúng tôi đã có một bài khảo cứu chi tiết trong Kể chuyện nối thời gian.
Cùng với tương truyền trên về thủy tổ Ngô Văn Đảm, dòng họ còn cho rằng mình thuộc dòng thứ Ngô Chương. Về điều này, chúng tôi đã căn cứ vào một câu đối cổ ở từ đường họ Ngô Đông Cao, mà cho rằng, có lẽ không phải như vậy. Vì từ sau cuộc khởi nghĩa của Ngô Bệ (đời 17) chống lại nhà Trần 16 năm (1344 - 1360), Ngành thứ thất truyền cho đến nay đã trải qua 24 - 25 thế hệ, còn họ Đông Cao mới có 12 thế hệ, thì chẳng lấy gì làm căn cứ, mà đó chỉ là suy đoán dựa vào tương truyền dòng họ ra đi từ Thăng Long.
Câu đối ở từ đường họ Đông Cao như sau:
Thiên thu diễm phái tượng sơn, ngưu chử cựu hoàng đô
Nhất mạch triều bồi Lân hải, Long giang tân địa trục
(Tạm dịch nghĩa: Một dòng họ tốt đẹp, ở núi Voi, bãi trâu đằm ở Kinh đô cũ thiên cư xuống một dải đất mới bồi ở bể Lân có sông Rồng bao bọc).
Tuy câu đối cũng chỉ được viết vào thời nhà Nguyễn, nhưng đã nói lên gốc của hai chi họ Vân Động, Đông Cao là ở quanh khu vực Bách Thảo, Hồ Tây. Vậy hai họ có thể phân chi từ họ Ngô Quảng Bá?
Nhìn lại lịch sử, thì thấy, việc ra đi của các cụ tổ có liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu: Năm 1744, Hoàng Ngũ Phúc tấn công Đồ Sơn, Nguyễn Hữu Cầu phá vây, về đánh thành Xương Giang, xây chiến lũy dọc sông Thương. Trấn thủ Kinh Bắc Trần Đình Cẩm tiến đánh, bị nghĩa quân đánh bại phải bỏ chạy. Nghĩa quân làm chủ hoàn toàn trấn Kinh Bắc.
Việc này làm chấn động kinh thành,Trịnh Doanh phải tổ chức phòng thủ Đông Đô. Tháng 8 năm 1744, để đối phó với tình hình, Trịnh Doanh đã phải huy động đến gần 13 ngàn quân. Nhưng đến cuối năm đó, Nguyễn Hữu Cầu đánh bại Trương Khuông ở Ngọc Lâm. Bốn đạo quân của triều đình tan vỡ.
Có lẽ hai cụ Ngô Chất Nghị và Ngô Văn Cát đã bị bắt đi lính trong vụ này và khi bị Nguyễn Hữu Cầu đánh bại, đã tan chạy rồi trốn đi mà không dám trở về bản quán.
Ngày nay, cả hai bên chi họ: Vân Đông, Đông Cao - Quảng Bá đều chấp nhận suy đoán của chúng tôi, nhưng còn cần phải tiếp tục tìm hiểu thêm.
Nếu chấp nhận suy đoán đó, thì Ngô Phúc Càn và Ngô Văn Đảm là ai?
Theo họ Đông Cao, xưa kia họ này vẫn thường xuyên về Vân Động trong những ngày giỗ kỵ. Thế thì Ngô Phúc Càn có thể là con Ngô Phúc Thuận (đời thứ 4 Quảng Bá, đời 29 HN). Còn Ngô Văn Đảm có thể là con của Ngô Phúc Lợi (con út Ngô Phúc Trường - đời thứ 3 Quảng Bá). Thế thứ phù hợp.
Dẫu sao đó cũng vẫn chỉ là suy đoán, nên trước mắt chỉ nên xem là một định hướng để tiếp tục nghiên cứu.
Lược phả đồ họ Đông Cao là theo bản phả của chi họ được sưu tầm biên soạn công phu năm 2000.