NGÔ PHÚC CHÍNH cùng anh là Ngô Văn Trạch họ Ngô Đô Quan từ Đồng Phang (thuộc xã Định Hòa huyện Yên Định, Thanh Hóa) ra.
Năm 1997, trong LSHN toàn tập, Ngô Đức Thắng xác định Ngô Văn Trạch và Ngô Phúc Chính là con Ngô Văn Phong (đời 27 HN), như thế là cụ đã thêm cho Ngô Văn Phong một con trai. Vì trong tất cả 5 bản phả gốc của họ Ngô đều cho biết Ngô Văn Phong chỉ có 2 con là Ngô Văn Đạc (Đàm) và Ngô Tiến Vinh (Triều).
Theo chúng tôi, hai anh em Ngô Văn Trạch và Ngô Phúc Chính từ Đồng Phang lánh nạn đói vào thời Chính Hòa (1680-1705) mà ra vùng Sơn Nam, giống như ba cha con Ngô Bá Quyền họ Ngô Liễu Đề vậy.
Cho đến nay chưa rõ Ngô Văn Trạch và Ngô Phúc Chính là hậu duệ của Ngô Khác Cung, Ngô Văn Bính hay Ngô Thế Bang.
NGÔ ĐÌNH TRIỆU: Khi nhỏ cho đến tuổi thanh niên đi lính, ông còn mang tên Đặng Đình Tòng. Khi lánh nạn đói ra đây, cụ tổ 6 đời phải nương nhờ họ Đặng là người có công khai phá vùng đất này. Phả chép: “Họ Ngô ta từ đây trở về trước vẫn phải đội tên họ Đặng (vì làng Hưng Đễ là do cụ thủy tổ họ Đặng đến khai khẩn trước, các tên người trong sổ đinh đều khai là họ Đặng, các người họ khác đến sau đều coi là khách hộ, nếu làm chức việc gì phải mạo nhận tên trong sổ đinh mới được). Cụ đi lính còn đội tên là Đặng Đình Tòng, sau cụ xin cải chính là Ngô Đình Triệu, xin ghi vào sổ đinh trong làng (hồi ấy xin khai vào sổ đinh rất khó). Từ đấy trở về sau, sổ đinh mới có tên người họ Ngô”.
Chúng tôi chép lại điều này để nói rằng, với cách quản lý xã hội chặt chẽ như ngày trước trong thời Lê - Nguyễn, việc di cư tự do là rất khó, vì thế khi tìm gốc cho họ mình, hãy tìm trong các họ cùng địa bàn trước đã, đừng vội nghĩ cụ tổ đã từ một nơi nào đó chuyển cư đến.
Phả đồ trên được dựng theo bản gia phả của họ Hưng Đễ do Ngô Hữu Tạo biên soạn năm 1948 căn cứ theo phả cũ và phần bổ sung của con ông là Ngô Đạt Tài.
Vì cụ Ngô Văn Tuyển là con thứ, nên ông Ngô Hữu Tạo chỉ viết kỹ về con cháu trực hệ của mình, còn con cháu các vị khác chỉ viết sơ qua.