Hội đồng họ Ngô Việt nam nhận được bản Gia phả họ Ngô thôn Hữu Định xã Quang Minh (nay là xã Sơn Thịnh) huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang do anh Ngô Tiến Mùi, Trưởng nam của Tộc trưởng Ngô Minh Tân gửi đến. Gia phả do Hội đồng Gia tộc biên tập khoảng trước năm 1990 với 11 thế hệ con cháu. Thủy tổ dòng họ là cụ Ngô Công Tử, tự Phúc Tín từ Thanh Hóa ra cách đây khoảng 600 đến 700 năm. Cụ sinh 6 con trai, phân cư về các nơi sau trong huyện Hiệp Hòa:
1. Con trưởng Ngô Công Thực ở thôn Hữu Định, xã Quang Minh.
2. Ngô Công Hòa làm quan triều Lê, thất truyền.
3 Ngô Công Trang tức Tiến sỹ Ngô Trang triều Mạc.
4. Ngô Công Toàn ở thôn Hà Nội xã Đại Thành.
5. Ngô Công Hậu ở thôn Đại Tân xã Đại Thành.
6. Ngô Công Tiến ở thôn Đa Hội xã Hợp Thịnh.
Theo sách "Các nhà Khoa bảng Việt Nam", Ngô Trang đỗ Tiến sỹ Khoa Mậu Tuất 1538 đời Mạc Đăng Doanh, làm quan đến Hiến sát sứ. TS Ngô Trang thuộc đời thứ 2, như vậy từ Thủy tổ Ngô Phúc Tín đến nay khoảng hơn 500 năm. Tính theo tốc độ sinh dọc (tức khoảng thời gian trung bình giữa 2 thế hệ kế tiếp) 28 năm thì chi họ đến nay phải có 21, 22 thế hệ. Gia phả chi họ biên tập có thể chỉ là các thế hệ gần đây.
Ngoài bản phả trên, Hội đồng họ Ngô Việt Nam còn nhận được một bản phả cũ chép vào năm Tự Đức thứ 21 (1868) - bản dịch ra tiếng Việt từ bản chữ Hán ghi khá chi tiết, từ tên tự, tên hiệu, đến mộ phần, đặc biệt là cách xưng hô từ vị tổ xa xưa (Thượng Thượng Dịch Tổ) cho đến thế hệ kề trên gần nhất (Hiển Khảo). Theo cách xưng hô trong bản Phả ta biết được người chép Phả là con trai cụ Ngô tự Chân Quý hiệu Đức Thuận sinh năm Tân Hợi, mất năm Mậu Tuất (1791 – 1838). Phía dưới bản phả này lại có một đoạn viết bổ sung thêm 5 thế hệ, trong đó có một số người thuộc những đời đầu của phả 11 thế hệ kể trên.
Tổng hợp ba bản phả ghi chép trên chúng tôi dựng được phả đồ 18 thế hệ, như vậy còn khuyết thiếu 3 thế hệ nữa, tạm để ở các thế hệ thứ ba, thứ tư, thứ năm.
Về vị Thủy tổ, theo Gia Phả họ Ngô xã Đại Thành, Thủy tổ chung 4 chi họ: Hợp Thịnh, Hà Nội, Đại Tân, Đa Hội là cụ Ngô Công Vinh chạy từ Thọ Xuân, Thanh Hóa đến chùa Sậu xã Hòa Sơn từ thế kỷ thứ 15. Cụ đến trú ngụ ở chân núi Hia, mở quán bán hàng và khai phá đất làm ruộng, sau sinh 5 con trai về các nơi. Như vậy cụ Ngô Công Vinh chính là cụ Ngô Công Tử tự Phúc Tín?
Theo nghiên cứu của cụ Ngô Vui, cố Chủ tịch Hội đồng họ Ngô Việt Nam, cụ Thủy tổ Ngô Công Tử (Ngô Công Vinh) có thể chạy ra Bắc vào cuộc biến loạn thời Nghi Dân năm 1459 như một số vị thuộc dòng Lạc Nghiệp (Xuân Trường, Nam Định). Thọ Xuân là địa bàn cư trú của Thận Quận công Ngô Khiêm. Ngô Khiêm là con thứ Hưng quốc Công Ngô Kinh, em Diên ý Dụ Vương Ngô Từ - Đệ nhất Khai quốc Công thần thời Lê Thái Tổ. nên các họ Hữu Định, Đại Thành, Hợp Thịnh có thể thuộc dòng này. Đây là một hướng giả định, việc kết nối cần được nghiên cứu kỹ thêm.