Thủy tổ dòng Lạc Nghiệp là Ngô Nồm. Ngô Nồm vốn ở Hạ Đoạn, nay là xã Đông Hải, huyện An Hải, Hải Phòng. Hai ông bà đều chết chôn tại đó. Đến đời con ông mới về Lạc Nghiệp.
Hạ Đoạn là vùng đất xảy ra cuộc khởi nghĩa Ngô Bệ (1344 -1360) chống nhà Trần, nên cả dòng họ cũng như chúng tôi đều cho rằng, Ngô Nồm có thể là con cháu Ngô Bệ chạy về Lạc Nghiệp để tránh “hoạ tru di”, nên trước đây đã xếp hai họ này vào ngành thứ Ngô Chương.
Nhưng về sau, khi phát hiện ra “Bia sự tích dòng họ Ngô” ở Lạc Nghiệp và “Bia ký phả tích Ngô tộc” ở Nam Điền, thì mới biết là không phải như vậy. “Bia sự tích” là do con cháu đời thứ 15 lập, cho biết năm Chính Hoà 15 (1694) các ông xã chính, xã sử,... đã sao chép lại sắc chỉ “chiếm xạ” thời Quang Thuận (1460 - 1469): “Ngày... tháng 10 năm Quang Thuận 10 (1469) vâng theo sắc dụ, trong đó ghi rõ các quan viên, quân dân ở các sách, trang, thôn, xã, châu, huyện, phủ của 12 thừa tuyên, từ nay về sau ở các địa phương nào nhỏ hẹp trong các châu phủ, người nào không có hoặc thiếu ruộng thì cho phép đi tìm xem nơi nào có ruộng đất hoang phế, hoặc nơi nào đất rộng người thưa thì tâu báo lên tình nguyện mang gia đình đến khai khẩn,... các quan huyện sở tại sẽ cấp cho mỗi người 10 mẫu ruộng, 5 sào đất,..”
Ngô Nồm có 5 con trai, con trưởng là Ngô Liễn làm quan ở triều “luôn ở bên tả hữu nhà vua” là người đứng tên xin được đem một số dân các xã Hạ Lang, Đoàn Xá, Lương Thám, Hoằng Hoành về Trà Lũ “lấy sú vẹt giữ đất”, lập nên xã Lạc Nghiệp từ ngày ấy.
Ngô Liễn được phong tước hầu, sau khi ông mất dân làng Lạc Nghiệp thờ ông làm thành hoàng. Từ đường của dòng họ được xếp hạng Di tích LSVH, năm 1995.
Như vậy, con cháu Ngô Nồm từ Hạ Đoạn di cư về Lạc Nghiệp không phải chạy trốn “hoạ tru di” mà là đi khai hoang lập quê mới theo lệnh “chiếm xạ” thời Lê Thánh Tông. Điều bất ngờ lớn nhất là Ngô Nồm không phải hậu duệ của Ngô Bệ.
Nguyên cớ như sau: Vốn họ Lạc Nghiệp, Nam Điền có phả viết từ năm 1699 được sao chép và tục biên 4 lần, lần cuối cùng vào năm 1956. Trưởng tộc thời ấy của họ Nam Điền chỉ có con gái. Họ tộc sợ sẽ xảy ra tranh chấp về sau với con cháu ngoại, nên quyết định xây ngăn từ đường với nhà trưởng tộc. Theo nhận xét của các cụ và con cháu ngày nay, thì phần đất giành cho trưởng tộc là hơi hẹp. Không rõ có phải vì thế mà ông trưởng tộc không hài lòng, nên trước khi chết ông không cho ai biết chỗ ông dấu bản phả? Đến năm 2000, họ tộc quyết định cho thêm con gái trưởng tộc một ít đất theo chiều ngang, tạo điều kiện để có thể xây dựng nhà khang trang như những nhà bên cạnh. Con gái trưởng tộc phấn khởi phá bỏ nhà cũ để xây dựng lại “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” thì phát hiện một cái tráp bằng tôn dấu trên hồi nhà mà bên trong là một bản phả! Bản phả cho biết, Ngô Nồm “gặp thời loạn” mới chạy từ núi Pù Rinh Thanh Hoá ra Hạ Đoạn và Ngô Nồm là con cháu Ngô Tây (bố Ngô Kinh).
Theo phả đồ thì Ngô Gia Trinh là xã chính, Ngô Đắc Thọ là xã sử xã Lạc Nghiệp năm 1694; hai người đã sao lại các văn bản thời Lê Thánh tông, về sau được khắc vào bia “Sự tích”.
Xin chú ý đến hai người khuyết danh. Cả 18 thế hệ đầu của hai họ không có bất kỳ một vị nào khác khuyết danh. Vậy tại sao chỉ có hai người con thứ 2 và thứ 5 của Ngô Nồm lại khuyết danh? Đơn giản là vì họ không sống ở đây.
Vậy họ đi đâu? Theo sự nghiên cứu bước đầu của chúng tôi thì họ vào Quảng Bình.
Theo “Bi ký phả tích” ở Nam Điền thì đến đời Ngô Cao Thăng (đời 7) lại diễn ra một đợt di cư mới. Ông có 9 người con trai, thì chỉ có con trưởng Đắc Thọ ở lại Lạc Nghiệp, còn 8 người em lại di cư đến nay chưa rõ là đi đâu. Hai trong 8 người này có phải đã di cư vào Quỳnh Bá huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An không?