Từ khóa 
Tìm kiếm theo 
Tìm theo 

Tam Sơn là một xã thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ở thôn Tam Sơn thuộc xã Tam Sơn, có một người họ Ngô đến định cư từ giữa thế kỷ thứ 15. Trải qua hơn 500 năm, từ một người nay phát triển thành một họ lớn. Cả họ Ngô chỉ có duy nhất một vị đỗ Trạng nguyên, đó là Ngô Miễn Thiệu, đỗ năm 1518, thuộc họ này. Trong họ còn có gần  chục vị khác đỗ đại khoa, tức là “một họ có học hành”, nên chắc chắn là có gia phả.  Đáng tiếc, do thế sự biến thiên và trách nhiệm của con cháu, phả ký không còn giữ được. Bản phả được viết sớm nhất mà chúng tôi vừa sưu tầm được là bản do Ngô Hữu viết năm Chính Hoà 12 (1691), được lưu giữ ở một họ Ngô trong Thanh Hoá; còn lại thì chỉ được biên soạn vào thời nhà Nguyễn. Chính vì lẽ đó mà hàng chục họ Ngô ở Tam Sơn và vùng lân cận đều nghĩ rằng họ mình từ một nơi nào đó chuyển cư đến, chứ không phải cùng chung một cụ tổ 20 đời.

Về Thủy tổ họ Ngô Tam Sơn

Dòng họ xác định thủy tổ là Ngô Hải Sơn

Chúng tôi cho rằng thủy tổ là Ngô Quân Hiên

Phả chép: Ngô Quân Hiên sinh 2 con trai là Ngô Luân và Ngô Thầm.

Cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy một bản phả hoặc một tư liệu nào cho biết Ngô Luân có con hay không, và nếu có thì hậu duệ của ông ngày nay đang ở đâu?  Tuy nhiên về vấn đề này chúng tôi  cũng xin có một số ý kiến ở mục III: Tồn nghi về Ngô Luân.

Ngô Thầm đỗ Bảng nhãn khoa Qúi Sửu (1493), Hàn lâm viện thị thư, thái bảo, thành viên Hội Tao đàn, sinh một con trai là Ngô Miễn Thiệu. Ngô Miễn Thiệu đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1518), sinh 3 hoặc 4 con trai, nhưng gia phả chỉ chép tên hai người đỗ đạt là Ngô Diễn, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1550) và Ngô Dịch đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1556).

Cho đến nay chúng tôi cũng chưa tìm thấy một bản phả nào viết về hậu duệ của Ngô Diễn.

Ngô Dịch phả chép tên có hai con là Huyền Sơn và Nghị Trai; nhưng cũng có thể là 4 con.

Ngô Huyền Sơn có một con trai là Ngô Vị, tự An Sơn. Năm 1592, Trịnh Tùng diệt Mạc Mậu Hợp giải phóng Thăng Long, Ngô Vị  bị bắt, sau được tha, ông đưa con là Hoa Sơn về Đông Đồ sinh sống. Từ đó con cháu ông định cư ở đây. (Đông Đồ nay thuộc xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội ).

Ngô Nghị Trai có 3 con trai, hậu duệ của 3 người này ngày nay chủ yếu sống ở xã Tam Sơn, xã Tương Giang, và một số nơi khác ở Thanh Hoá, Bắc Giang,...

Theo phả ký và những tư liệu còn lại của họ Ngô Đông Đồ, thì thủy tổ của họ Ngô Tam Sơn là Ngô Hải Sơn. Điều đó được xác nhận từ bia đá dựng tại từ đường họ Đông Đồ. Bia được dựng vào năm Giáp Dần, Tự Đức (1854), văn bia do người trong họ là Ngô Dưỡng Kính soạn. Đây là tư liệu có niên đại sớm nhất, các bản phả biên soạn sau đó, sớm nhất là Đông Đồ Ngô gia phả ký do Ngô Trung Hòa biên soạn vào năm Giáp Ngọ, Thành Thái (1894).

Từ trước cho đến ngày nay, họ Ngô-Tam Sơn nói chung và họ Ngô-Đông Đồ nói riêng đều khẳng định, thủy tổ của dòng họ là một trong 6 con trai “cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế.

Do nhiều trăm năm quan hệ gia tộc bị gián đoạn, mất liên lạc với đất tổ Đồng Phang (nay thuộc xã Định Hoà, huyện Yên Định, Thanh Hoá), họ Ngô-Tam Sơn cho rằng ngôi mộ tổ ở xứ Lưỡng Ban thôn Tam Sơn là mộ Thanh Quốc công Ngô Khế, nên mộ chí có khắc “Thanh Quốc công tổ mộ thần táng”.

Ngày nay ta đều biết mộ Ngô Khế ở Đồng Phang, đã được con cháu tôn tạo hai lần vào năm 1994 và 2003.

Như vậy, ngôi mộ ở xứ Lưỡng Ban thôn Tam Sơn là mộ thủy tổ họ Ngô Tam Sơn.

Theo phả ký của dòng họ thì thủy tổ là Ngô Hải Sơn. Hải Sơn sinh Thiền Nho, Thiền Nho sinh Quân Hiên, Quân Hiên sinh Ngô Luân, Ngô Thầm…Theo đó Ngô Luân là tằng tôn Ngô Hải Sơn, huyền tôn Ngô Khế.

Nay xét lại niên biểu, thấy điều đó không đúng.

  • Ngô Luân không thể là huyền tôn (hậu duệ 4 đời) Ngô Khế:

+ Ngô Luân đỗ Tiến sĩ năm Ất Mùi đời Hồng Đức (1475).

+ Ngô Khế sinh vào giờ Dần, ngày… tháng 9 năm Bính Tý (1426).

 Hai niên biểu trên là không thể nghi ngờ. Thế thì, đến năm 1475, Ngô Khế mới 50 tuổi, không thể có hậu duệ 4 đời đỗ Tiến sĩ.

  • Ngô Luân cũng không thể là tằng tôn (hậu duệ 3 đời) Ngô Khế:

+ Giả định (tuy không thực tế) 4 đời đầu tiên của họ Ngô Tam Sơn có tốc độ sinh dọc 16 (tức là vào lúc 16 tuổi thì thế hệ trước sinh ra thế hệ sau), thì năm sinh của Ngô Luân sẽ là: 1426+3.16=1474. Thế thì đến năm1475, Ngô Luân mới lên 1 tuổi sao đã đỗ tiến sĩ được?  

Như vậy, Ngô Luân phải là cháu nội Ngô Khế mới đúng. Thế là theo phả của họ Đông Đồ, từ  Ngô Hải Sơn đến Ngô Luân thừa ra 2 đời. Đó là những vị nào?

Căn cứ vào bản phả của Ngô Hữu (tằng tôn Ngô Nghị Trai) viết năm 1691, thì thủy tổ họ Ngô-Tam Sơn là Ngô Quân Hiên. Thế thì Hải Sơn, Thiền Nho là ai?  Theo chúng tôi Hải Sơn có thể là tên tự hoặc tên hiệu của Thanh Quốc công Ngô Khế; còn Thiền Nho là tên hiệu của Quân Hiên vì thời gian đầu khi lánh về đây, ông tá túc ở chùa Cảm Ứng trong thôn.

 

Về họ Ngô Đức - Dương Sơn:

Dương Sơn ở ngay cạnh Tam Sơn, ngày nay cũng thuộc xã Tam Sơn.

Ông Ngô Đức Cầu (s.1937, đời 10) cho biết họ ông đã biên soạn xong gia phả từ năm 1999. Thủy tổ họ này là Ngô Phúc Lân, sinh năm 1672 (?), đến nay (1999 ) đã có 2 cháu vào đời 13, với 100 hộ. Từ đường của chi họ được xây dựng  vào năm Tự Đức, Canh Thìn (1880), nhưng đã bị tịch thu trong CCRĐ năm 1956 để chia cho 2 người nghèo trong họ!

Chi họ không rõ thủy tổ Ngô Phúc Lân từ đâu đến đây. Nhưng theo chúng tôi thì có cơ sở để cho rằng, Ngô Phúc Lân là người bản địa.

Họ Ngô Đức-Tam Sơn, thủy tổ là Ngô Phúc Thắng, cùng con là Phúc Tăng, cháu nội là Phúc Hà đều có mộ ở Dương Sơn. Vợ chồng Ngô Phúc Tài (đời 6) cũng táng tại đây. Như vậy, chắc là xưa kia họ Ngô-Tam Sơn có ruộng đất ở Dương Sơn. Và số ruộng đất ấy được chia cho Thuần Phong. Đến khi Thuần Phong, rồi con là Trung Sơn, cháu nội là Ngô Hữu nhận trọng trách phụng sự Từ đường quan Trạng thì chuyển về Tam Sơn, còn những người khác thì vẫn ở lại Dương Sơn.

Bản phả của Ngô Hữu cho biết, em gái ông là Thị Thám, lấy chồng người Dương Sơn, làm ở Thái y viện.

Ông Ngô Đức Cầu cho biết, người làm ở Thái y viện thời Chính Hoà (1680-1705) là Vũ Viết Hiền. Vũ Viết Hiền là thủy tổ họ Vũ ở đây, nhưng quê ông ở nơi khác. Như vậy là Vũ Viết Hiền sống theo quê vợ.

Còn em út Ngô Hữu (em bà Thám) là Công Thiện làm nghề thuốc ở Kinh thành chứ không ở quê. Sau khi Ngô Hữu đi tu, ông thay anh phụng sự từ đường. Đến đời con ông là Ngô Đăng Khoa, chắc cũng ở Kinh thành, nên mới có việc phân người lo các ngày giỗ.

Ngô Hữu viết bản phả vào năm 1691, lúc đó ít nhất ông cũng vào khoảng 50 tuổi (sau khi con trai, con dâu ông đã chết).  Do đó, ước đoán Ngô Hữu sinh vào khoảng năm 1640. Họ Ngô Đức-Dương Sơn xác định

thủy tổ Ngô Phúc Lân sinh khoảng 1672. Như thế thì Ngô Phúc Lân vào

hàng con Ngô Hữu, Ngô Công Thiện.

Ông Ngô Đức Cầu còn cho biết, họ ông có truyền thống làm nghề

thuốc. Do đó chúng tôi cho rằng Ngô Phúc Lân  có thể là con thứ Ngô Công Thiện.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây