Từ khóa 
Tìm kiếm theo 
Tìm theo 

Theo gia phả họ Ngô Gia (ở địa phương thường gọi là “họ Ngô 3 chi” để phân biệt với “họ Ngô 5 chi” tức Ngô Lệnh tộc cùng thôn Vọng Nguyệt), Thủy tổ là cụ Ngô tự Hưng Thiện, vốn có gốc từ xã Câu Lỗ, huyện Hiệp Hòa, phủ Thiên Phúc, tỉnh Kinh Bắc (nay là thôn Châu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Cụ cùng với tiên tổ các họ Chu, họ Phạm là những người đầu tiên đến khai cơ phá thạch, dựng nên làng Vọng Nguyệt.
Gia phả dòng họ hoặc không có, hoặc có nhưng đã bị thất lạc. Mãi đến đời thứ 17 (thập thất thế tổ), cụ Ngô tự Kim Lệ, trưởng chi Giáp, đỗ sinh đồ, mới bắt đầu sưu tầm, thu thập lại tên các vị tiên tổ các chi và lập thành bản gia phả đầu tiên. Sau này, cụ Ngô Văn Hội sao chép lại bản phả của cụ Kim Lệ; tiếp đến cụ Đồ Nghĩa lại sao lại lần thứ hai. Cả hai lần sao chép đều bằng chữ Hán, hiện lưu giữ tại nhà ông Mô. Riêng bản gốc do cụ Kim Lệ biên soạn đã bị thất lạc. Về sau có thêm những ghi chép bổ sung, tuy nhiên một số chi tiết được cho là chưa thật chính xác.
Ngoài bản phả chung của toàn họ, Chi Đinh (ngành thứ tư) có bản gia phả riêng, ghi chép bắt đầu từ cụ Phúc Kham, tiên tổ của chi này.
Năm 1966, ông Ngô Văn An, đời 21, một cán bộ hưu trí, đã nghiên cứu các bản phả trong họ, tổng hợp lại, lược dịch sang tiếng Việt và giới thiệu. Trong nội dung tổng hợp, ông nêu ra một số ý kiến phản biện, và chỉnh sửa một số chỗ thấy chưa hợp lý. Theo tính toán của ông An, Thủy tổ họ Ngô Gia về làng Vọng Nguyệt tính đến năm 1966 đã hơn 400 năm.
Theo truyền thống, họ Ngô Gia thường tổ chức Lạp Tổ tại nhà thờ Đại tôn (nhà thờ chi Giáp) vào ngày 3 tháng Chạp hằng năm. Con cháu khi hành lễ thường khấn danh ông Hưng Thiện, bà Hưng Thiện. Tuy nhiên, trong bản phả do cụ Kim Lệ ghi lại thì tên bà được chép là bà Trương Ái. Lễ giỗ các cụ trưởng chi được tổ chức riêng tại từ đường từng chi.
Theo phả chi Đinh, cụ tổ Hưng Thiện sinh được bốn người con trai, hình thành bốn chi: Giáp, Ất, Bính, Đinh. Trong đó, chi Bính vô tự, còn lại ba chi phát triển cho đến ngày nay. Chi Đinh có tiên tổ là cụ tự Phúc Khamcụ bà Từ Lương, sinh được hai con trai là Đăng NhậtPhúc Tô. Ngoài ra, hai cụ còn nuôi một người con nuôi là cụ Phúc Thuần. Theo truyền ngôn, một hôm cụ bà đi qua đồng Trác Bút, nhặt được một hài nhi bọc trong lá, bỏ ở lõng khoai, liền đem về nuôi dạy, về sau chính là cụ Phúc Thuần.
Chi Đinh có cụ Ngô Quang Diệu đỗ Phó bảng khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ tư. Trong chi có nhiều người mang tên đệm "Quang", nên ở địa phương thường gọi là họ Ngô Quang.
Chi họ con nuôi, tức chi có tiên tổ là cụ Ngô Phúc Thuần, được gọi là họ Ngô Chân Kỳ.
Theo thống kê năm 1966:
  • Chi Giáp24 suất đinh;
  • Chi Ất12 suất đinh;
  • Chi Đinh29 suất đinh;
  • Chi Chân Kỳ111 suất đinh.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây