Thủy tổ họ Ngô Lệnh Tộc Vọng Nguyệt là cụ Ngô Nguyên, hiệu Quảng Bình, Quốc Tử Giám Quốc tử sinh, Ứng vụ nội mật viên lại. Cụ là một trong sáu người con trai “cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế, đã về Vọng Nguyệt vào khoảng cuối thê kỷ 15. Theo Phả họ Vọng Nguyệt, Cụ được một vị quan họ Chu giàu có gả con gái cho, đó chính là cụ Tổ Bà Chu Thị Bột, một người làm ăn giỏi giang, khi quê hương mất mùa đói kém, đã dốc hết thóc nhà cứu tế sinh linh. Công đức của bà có thể đã làm rung động được trời đất linh thiêng, nên đến khi bà lâm bệnh nặng phải lìa xa con cháu, bà đã được “thiên táng” để thanh thản về với tổ tiên. Tấm long nhân nghĩa của cụ Tổ Bà như một tấm gương sáng chói sống mãi với thời gian, sâu sắc đi vào tâm trí, đông viện các thế hệ con cháu luôn cố gắng vươn lên, mặc cho biến thiên lịch sử có lúc dẫn đến mất mát, chia cắt, khổ đau, muôn vàn khó khăn, xã hội nhiều tiêu cực bon chen…
Nơi ở của hai cụ sau đã trở thành Nhà thờ của dòng họ cho đến ngày nay. Đây cũng là nơi thờ cúng 5 vị đại khoa tiến sĩ các triều đại Lê - Mạc, bắt đầu từ cụ Ngô Ngọc, con trai đầu của cụ Ngô Nguyên. Cụ Ngô Ngọc đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1487); con thứ hai của cụ Ngô Ngọc là Ngô Nhân Hải đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508); cháu nội cụ Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Trừng (1539-1593) đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580); con trai trưởng của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607); con trai thứ của Ngô Nhân Triệt là Ngô Nhân Tuấn (1595-?) đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Thìn.
Trải qua trên 550 năm kể từ khi cụ tổ Ngô Nguyên về làng Vọng Nguyệt, họ Ngô Lệnh tộc đã phát triển được 18 đời gồm 5 chi với gần 1500 nhân khẩu. Đặc biệt các thế hệ con cháu trong gia tộc vẫn phát huy được truyền thống khoa bảng vẻ vang và truyền thống nhân hậu, tương thân tương ái của cha ông, sống thương yêu đùm bọc, hoà thuận với dân làng và luôn sẵn lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, được mọi người kính trọng, yêu mến. Theo con số thống kê của dòng họ, từ sau năm 1954 đến nay, họ có 4 người có học hàm, học vị Giáo sư - Tiến sĩ, 15 người có trình độ Thạc sĩ, trên 200 người có trình độ Cử nhân; có nhiều người giữ trọng trách cao trong cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Trong suốt hơn 550 năm qua, nhà thờ tổ vẫn được các thế hệ con cháu trong gia tộc gìn giữ, tôn tạo, nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “vấn tổ tìm tông”; đồng thời cũng mang ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi gương sáng của tổ tiên, đặc biệt là truyền thống hiếu học, khoa bảng và nhân ái, cùng ra sức học tập, tu dưỡng, góp phần xây dựng gia tộc, quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Trong nhà thờ còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý như: gia phả Ngô Lệnh tộc, hệ thống hoành phi, câu đối, ngai thờ, bài vị, sập thờ... không những phản ánh sâu sắc về lịch sử dòng họ Ngô với truyền thống khoa bảng vẻ vang và lòng nhân hậu sâu sắc mà còn được xem như một “bảo tàng” nhỏ giúp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về truyền thống khoa cử, phong tục tập quán, địa danh hành chính của quê hương.
Với những giá trị to lớn của di tích, nhà thờ 5 tiến sĩ họ Ngô đã được xếp hạng cấp tỉnh từ năm 1997.
Năm 2015, trên cơ sở đề nghị của gia tộc họ Ngô và chính quyền địa phương, tỉnh Bắc Ninh đã lập hồ sơ đề nghị Nhà nước nâng cấp xếp di tích nhà thờ 5 tiến sĩ họ Ngô lên cấp quốc gia. Ngày 23 tháng 12 năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 4481/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng quốc gia di tích Nhà thờ 5 tiến sĩ họ Ngô làng Vọng Nguyệt.