Gia phả họ Ngô xã Dương Hà được viết bằng chữ Hán, nội dung có hai phần chính:
- Phần đầu ghi chép danh sách những người trong họ có công cung tiến, công đức xây dựng chùa làng và nhà thờ họ, đồng thời chép các mẫu văn khấn giỗ, tết, quy định về nghi thức tế lễ ở từ đường, ý thức, trách nhiệm của mỗi thành viên trong Họ trong việc ăn ở, sinh sống, tu dưỡng bản thân cũng như việc giáo dục con cháu trong đời sống hàng ngày. Phần này cũng sao chép nội dung các bài minh ghi trên các tấm bia hậu đặt tại chùa làng, ca ngợi công đức của những người địa phương đã có công với dân làng, trong đó đặc biệt ca tụng công đức của vợ chồng Đỗ Tướng công (Tướng công Đỗ Xuân và Ngô Thị Lệ Phu nhân).
- Phần thứ hai là Gia phả họ Ngô xã Dương Hà, huyện Gia Lâm. Xã Dương Hà trước năm 1945 thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1961 Dương Hà thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Bản phả được ghi chép khá rõ ràng và chi tiết, một số người ghi đầy đủ tên húy, tên tự, tên hiệu, chức vụ, phẩm hàm, năm sinh, năm mất (năm Can Chi), thông tin về mộ chí, đặc biệt ngày giỗ thì hầu như đầy đủ. Năm 2012 dòng họ nhờ Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch bản phả ra tiếng Việt.
Do để lâu ngày, việc bảo quản lại không được tốt nên quyển phả đến nay bị rách nát, nhiều chỗ giấy mục, mất chữ, thậm chí mất một số trang, vì vậy không có thông tin gì về người biên tập và thời gian biên tập. Tuy nhiên căn cứ vào nội dung gia phả cũng như cách xưng hô, chúng tôi cho rằng bản Phả được viết vào cuối triều Nguyễn, được biên tập, trên cơ sở tổng hợp gia phả và nội dung ghi chép của các chi phái trong họ. Trong phả lấy cụ Ngô tự Tòng Tiện làm đời thứ nhất, tuy nhiên Phả không cho biết xuất xứ, lai lịch của cụ từ đâu tới nên có thể khó khăn trong việc kết nối. Phả gọi cụ Ngô Phúc Vạn, đời thứ tư là Thủy tổ đồng thời cho biết, cụ là người hiền lành, đa trí, ngay từ nhỏ đã có chí khí. Lúc đầu giữ chức Xá nhân, phụng hầu trong cung vua, sau phụng mệnh làm tùy sai, lên xứ Thái Nguyên tiễu phạt đảng ngụy, có công bắt được đầu xỏ và đồ đảng được thăng chức Chỉ huy sứ. Sau đó lai được cử lên Cao Bằng đánh dẹp tàn quân nhà Mạc, có công được thăng chức Chỉ huy Đổng chi, ban tước Tử, từ đó con cháu hiển vinh, gia đình, dòng tộc hưng thịnh. Cụ Phúc Vạn sinh được 6 con: 5 trai, 1 gái; con trai đầu mất sớm, năm con còn lại là: Ngô Phúc Thành, Ngô Phúc Tăng, Ngô Phúc Trí, Ngô Phúc Kính và con gái Ngô Thị Lệ. Bà Ngô Thị Lệ, hiệu Ngọc Hỉ, là Phu nhân của Đỗ Xuân Tướng công, sau là vị Thái giám trong Triều. Bà Ngọc Hỉ nuôi 3 người con của anh trai. Phả xếp con cháu 5 người con trên của cụ Phúc Vạn thành 5 chi họ, trong đó các cháu nuôi của cụ Ngọc Hỉ được xếp vào chi riêng, Chi V. Tuy nhiên, trong này cũng chỉ ghi chép được con cháu cụ Ngô Tiến Bàng, con thứ hai cụ Ngô Tiến Vinh, ở với cô. Đúng ra đây phải là cành trưởng của Chi II vì con trưởng cụ Tiến Vinh là Ngô Tiến Trà thất truyền.
Một điều đáng tiếc là, tuy dòng họ lưu giữ được bản phả cổ quý giá này nhưng cho đến nay chưa có điều kiện biên tập lại, tục biên, bổ sung, chỉnh sửa cũng như lập phả đồ để con cháu thuận tiện theo dõi, nghiên cứu. Nếu để thời gian lâu hơn nữa rất có thể công việc chắp nối các thế hệ hiện tại với các thế hệ trong Phả sẽ gặp không ít khó khăn.