Ngô Trung Nghị - Thủy tổ họ Ô Lữ là anh ruột Ngô Đức Nhân -Thủy tổ họ Ngô thôn Bình cùng xã Đồng Du. Gia phả họ Ngô thôn Bình chép “cụ tổ không biết từ đâu chuyển cư đến đây”; trong khi đó gia phả họ Ngô thôn Ô Lữ lại chép: “Tổ nhị công quán tại Đại Minh quốc”, tức là hai cụ tổ Ngô Trung Nghị và Ngô Đức Nhân là người nhà Minh bên Trung Quốc.
Bà con họ Ngô Ô Lữ cho rằng, chắc phả sao chép nhầm lẫn chứ thực tế không phải như vậy. Chúng tôi tán thành quan điểm này vì như trong Phả, một số cụ tổ được nhà Lê - Trịnh trọng dụng, nhất định không thể là người nhà Minh được. Cũng vì nghĩ rằng cụ tổ là người TQ, ắt vợ cũng phải là người TQ nên mới có tên là Mô Thị Ngọc. Nhưng ở Trung Quốc không có họ Mô (Các họ ở Trung Quốc vần M có 36 họ nhưng không có họ nào là họ Mô 謨. Chúng tôi đối chiếu chữ Hán chứ không chỉ dùng âm Hán Việt).
Trong toàn bộ bản phả của họ Ngô - Ô Lữ chỉ có một người có niên biểu là cha bà Huyên, cụ Ngô Phúc Chân sinh năm Bính Tuất, mất năm Nhâm Tý, bà vợ sinh Mậu Tý (năm mất bị mờ). Căn cứ số thế hệ của hai chi họ, với tốc độ sinh dọc 28 thì xác định được niên biểu của cụ Ngô Phúc Chân (1646 - 1732). Với niên biểu ấy, tính đến năm 2010 sẽ ra số thế hệ của chi họ: (2010-1646)/28=13, tức là từ Thủy tổ Ngô Trung Nghị đến năm 2010 là 15 đời, hơi non so với thực tế một chút. Nếu lấy tốc độ sinh dọc 26 thì sẽ là 16 đời, cùng số đời với họ Ngô thôn Bình.
Việc vì sao họ Ngô Ô Lữ chép trong phả rằng cụ tổ là người nhà Minh bên Tàu, chúng tôi sẽ bàn thêm vào một dịp khác khi đã có đủ căn cứ. Trước mắt, sơ bộ có thể nói việc giả mạo mình là người Tàu là để tránh họa nếu chẳng may xảy ra liên quan đến vụ Ngô Đình Nga cùng Bùi Văn Khuê, Phan Ngạn nổi lên chống lại họ Trịnh tại cửa Đại An năm 1600.