Thủy tổ họ Ngô Thụy Hương là NGÔ PHÚC BÌNH: Năm 1996, trong buổi lễ dâng hương Tiền Ngô Vương tổ chức tại Hà Nội, cụ Ngô Sinh (đời 11, đã mất) đến gửi cho chúng tôi một bức thư tay, đề nghị Ban Liên lạc Họ Ngô Việt Nam giúp đỡ chắp nối, tìm ra xuất xứ của dòng họ. Trong thư có nêu rõ một số chi tiết: Thủy Tổ của Họ là Ngô Phúc Bình, từ xứ Lam Điền, Nghệ An về đất Thụy Dương làm nghề dạy học từ thế kỷ XVII. Cụ là con thứ hai cháu nội Nhiệm Võ hầu. Qua đó có thể xác định cụ NGÔ PHÚC BÌNH chính là tên hiệu (tức tên thụy) của Ngô Văn Trị, em kề Đại tư mã, Chấn Quận công Ngô Văn Sở, Tây Sơn. Năm 1802, nhà Tây Sơn bị Gia Long diệt, anh em họ hàng Ngô Văn Sở (trừ con cháu Ngữ Luận hầu Ngô Văn Ngữ, em kề Ngô Văn Trị - theo Gia Long từ trước) đều bỏ trốn khỏi quê phường Nhơn Bình, TP.Qui Nhơn để tránh họa.
Họ Ngô Thụy Hương là họ của danh Nhân Lê Ngô Cát, tác giả đầu tiên của cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca, cuốn lịch sử bằng thơ.
Lê Ngô Cát (Đinh Hợi 1827 - Ất Hợi 1875), danh sĩ, sử gia đời Tự Đức, tự Bá Hanh, hiệu Trung Mại, quê xã Hương Lang, huyện Chương Đức (nay là xã Thụy Hương, huyện Chương Mĩ, Hà Nội), con cụ cử Lê Ngọc Duệ. Cụ Cử Duệ vốn họ Ngô, vì cha mẹ mất từ khi còn nhỏ, phải ở với cô ruột, được vợ chồng cô nuôi dạy như con đẻ, cho ăn học thành tài nên mang họ chồng cô – họ Lê. Con cháu sau đều mang họ Lê, đến đời thứ năm thì tất cả lại lấy lại họ Ngô.