Họ Ngô thôn Văn Cang không nhớ tên Thủy tổ. Họ Vĩnh Hòa phân chi từ họ Ngô Văn Cang xã Hoài Đức huyện Hoài Nhơn, Bình Định.
Theo ông Ngô Hữu Cầu, người trong họ thì thủy tổ họ Văn Cang là Ngô Tùng Châu, một danh tướng của Gia Long, trấn giữ thành Bình Định (tức thành Hoàng Đế). Năm 1801, thành Hoàng Đế bị tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu vây hãm, Ngô Tùng Châu phải phải uống thuốc độc chết.
Sử sách triều nhà Nguyễn ghi nhận, Ngô Tùng Châu không có con.
Theo phả họ Ngô Vi, thì họ Ngô Văn Cang là hậu duệ của Ngô Vi Hào (xem tr.616, T1). Ngô Vi Hào ở vào đời thứ 12 họ Ngô Vi (đời 29 HN) vào làm Tri phủ Hoài Nhơn rồi con cháu định cư lại đây.
Phủ Hoài Nhơn thời ấy bao gồm cả phía Bắc tỉnh Bình Định ngày nay. Phủ trị đặt tại một nơi bằng phẳng trên sườn núi sát đường Quốc lộ I. Nơi ấy gọi là Đèo Phủ Cũ. Thôn Văn Cang cũng nằm sát QLI, cách đèo chừng 5 km về phía Bắc. Viên tri phủ đã chiếm một vùng đất màu mỡ phì nhiêu, suốt từ Văn Cang cho đến Cầu Dợi (đầu tỉnh lộ 360 lên Hoài Ân) ước chừng vài ngàn mẫu.
Phúc lộc tổ tiên để lại cho con cháu được chừng chục đời ngót 300 năm, thì chính con cháu lại lần lượt đem ruộng cầm cố lấy tiền ném vào chiếu bạc. Chẳng ai khuyên bảo được ai, đến ngay trưởng tộc cũng lao vào “đánh gỡ” cho con cháu. Thế rồi, cả ruộng hương hỏa cũng nằm trên chiếu bạc luôn.