Tên húy: | NGÔ TỰ PHÚC TƯỜNG (HÚY TRƯỚC) |
Giới tính: | Nam |
Tình trạng: | Đã mất |
Tên tự: | Phúc Tường |
Tên thụy phong: | Phúc Tường |
Mộ táng tại: | Gò Đồng Cọc, năm 2000 chuyển táng Cây Dù, năm 2009 chuyển táng xứ Ma Quàn |
STT | Họ tên | Ngày Sinh | Trạng thái |
---|---|---|---|
1 | NGÔ TỰ PHÚC CHỨC (CÀNH I) | Đã mất | |
2 | NGÔ TỰ PHÚC CẨM (CÀNH II) | Đã mất | |
3 | NGÔ TỰ PHÚC BẰNG (CÀNH III) | Đã mất | |
4 | NGÔ TỰ TAO NHÂN (CÀNH IV) | Đã mất |
Theo lời truyền lại của các cụ cao tuổi trong Làng và một số tài liệu thu thập được thì Thủy Tổ họ Ngô tại Thôn Yên Tàng là cụ Ngô Văn Trước, tự Phúc Tường, sống trong thời gian từ nửa đầu thế kỷ 18, khoảng niên hiệu Vĩnh Hựu, Cảnh Hưng, cuối triều đại Nhà Lê Trung Hưng, cách đây gần 300 năm. Cụ là một trong những người sớm đến định cư, lập nghiệp nơi đây. Một số cụ cao tuổi nói cụ làm nghề dạy học tại khu vực Tổng Yên Tàng. Cụ có 4 người con trai, sau này phát triển thành 4 chi họ trong Làng. Cụ Mất ngày 20 tháng 5 âm lich, không rõ năm. Con cháu các thế hệ lấy ngày này làm ngày giỗ Tổ; cứ đến ngày đó con cháu các nơi xa gần về tập trung họp mặt, tưởng niệm Tổ tiên. Mộ cụ đặt tại gò Đồng Cọc, năm 2000 do địa phương san gò làm công trình, mộ cụ được di rời đến gò Cây Dù và xây cất khang trang. Đầu năm 2009 Nhà nước có dự án làm đường cao tốc đi qưa Cây Dù, phần mộ họ ta tại khu vực này lại phải di chuyển đến nơi khác. Mộ cụ Tổ được đưa về khu Ma Quàn, đặt theo hướng chính Nam (tọa Tý hướng Ngọ).
Cụ bà sau khi chồng mất đã tái giá, làm dâu họ Nghiêm. Vì vậy sau khi bà mất, việc hương hỏa, tế tự và chăm sóc phần mộ của bà do con cháu họ Nghiêm đảm nhiệm. Cũmg có thông tin nói rằng cụ Phúc Tường có 4 người vợ, sinh ra 4 người con trai, sau này trở thành 4 cành trong Họ. Việc thờ cúng các cụ bà do con cháu mỗi cành cúng riêng. Thông tin này có lẽ không chính xác, không hợp logic, và đến nay cũng không cành nào nhớ được ngày giỗ và thụy hiệu của các cụ là gì.
Về xuất xứ của cụ Phúc Tường, do gia phả Dòng Họ bị thất lạc hoặc việc ghi chép không được thường xuyên, đến nay không còn được tường tận. Gần đây có một số nguồn thông tin liên quan đáng quan tâm, cần được nghiên cứu kỹ. Có nguồn tin cho rằng cụ cùng một số anh em trong Họ từ vùng Thanh Hóa ra làm ăn tại vùng Bắc Ninh, một số người định cư tại khu vực Yên Phong, Hiệp Hòa, cụ Phúc Tường thì cùng một số người họ Trịnh, họ Nguyễn, họ Nghiêm… đến lập nghiệp tại Yên Tàng. (Từ đầu thế kỷ 20 trở về trước Yên Tàng thuộc đất Bắc Ninh. Tổng Yên Tàng gồm các làng: Yên Tàng, Xuân Tàng, Phú Tàng, Ngô Đạo, Hiệu Trân, Cốc Lương, Đạo Thượng và Cẩm Hà. Tổng Yên Tàng thuộc Phủ Bắc Hà, sau là Phủ Đa Phúc thuộc Trấn Kinh Bắc, sau đổi tên là Bắc Ninh. Đến năm 1902 đời vua Thành Thái, 2 huyện Đa phúc, Kim Anh mới tách khỏi Bắc Ninh để cùng Yên Lạc, Yên Lãng và Bình Xuyên lập ra tỉnh Phúc Yên). Lại có nguồn tin cho rằng cụ Thủy Tổ họ ta nguyên quán Ái Châu (Thanh Hóa), do một sự cố nào đó phải lánh nạn ra ở vùng Yên Tàng, sau đó lại phải chuyển lên vùng Thái Nguyên; khi lên Thái Nguyên, cụ để một người con trai ở lại Yên Tàng, sau này phát triển thành một chi họ ở đây. Xét trên một số mối liên hệ thì những thông tin trên cũng có cơ sở, nhất là thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20 rất nhiều con cháu họ Ngô ở Yên Tàng đã lên làm ăn kiếm sống ở khu vực từ Phố Cò đến Cam Giá, Gia Sàng, Đồng Hỷ – Thái Nguyên; liệu có mối liên hệ họ hàng thân thích nào trong việc dẫn dắt anh em con cháu lên làm ăn không? Gần đây lại có nguồn tin nói rằng: theo một số cụ cao tuổi truyền lại thì cụ Tổ Họ ta vốn từ Thái Bình chuyển lên lập nghiệp tại Thôn Yên Tàng. Những thông tin trên bước đầu đã được nghiên cứu thông qua một số tài liệu, kể cả qua gia phả gốc của một số dòng họ liên quan, tuy nhiên hiện chưa xác định được cơ sở nào vững chắc để có thể khẳng định được đúng hay sai. Vì vậy đưa ra giả thiết để các thế hệ sau này có điều kiện sẽ nghiên cứu tiếp.
Về các cành trong Họ:
Theo các cụ truyền lại và tài liệu ghi chép được của một số chi họ cũng như quan hệ trong sinh hoạt hiện tại của cả Họ trong làng thì tính từ Thuỷ Tổ Ngô Phúc Tường đến thời điểm hiện nay, họ Ngô ta đã có mười đời, được hình thành theo bốn cành (chi họ). Căn cứ tài liệu ghi chép về hệ thống tế tự của các chi Họ thì cụ Tổ các cành, tức hậu duệ đời thứ hai sau Thủy Tổ Phúc Tường gồm có các cụ: Ngô tự Phúc Chức, Ngô tự Phúc Cẩm, Ngô tự Phúc Bằng và Ngô tự Tao Nhân.
Theo bản phả chép tay của ông Ngô Quang Thắp, có một cành đến đời thứ năm các cụ mới nhận họ Ngô, trong Phả xếp là Cành thứ năm và cho rằng theo thông lệ xưa nay của các cụ trong Họ, quan hệ giữa những người Cành này với 4 cành kia cứ ai hơn tuổi thì là anh, ai ít tuổi thì là em. Tuy nhiên qua nghiên cứu, tìm hiểu sâu trên các phương diện trật tự thế thứ, thổ trạch cư trú, căn cứ vào một số nội dung ghi chép được của các chi Họ cũng như ý kiến của các cụ cao tuổi trong Làng thì chúng tôi cho rằng đây chỉ là một nhánh của Cành thứ nhất. Tờ Phả trên còn cho biết một cành khác – Cành thứ sáu mới được phát hiện, bà con hiện đang sinh sống tại Xã Thịnh Đức – Thành phố Thái Nguyên. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết đây là một chi phái họ Ngô di cư từ Nam Định lên; trên đất khách gặp người cùng họ, hai gia đình đã nhận họ hàng. Thực chất đây là hình thức kết nghĩa anh em chứ không có quan hệ huyết thống gần. Có lẽ Cành thứ năm ghi trong tờ Phả đã bị ngộ nhận như trường hợp này.
Theo nguyên thủy, 4 cành được hình thành trên 4 khu vực địa trạch riêng trong Làng: Cành thứ Nhất tại khu vực Xóm Cuối, Cành thứ Hai tại khu vực Xóm Nghè, Cành thứ Ba tại khu vực Xóm Ngọt, Cành thứ Tư các cụ ra lập trại mới – Trại Cây Táo. Nhánh thứ hai của Cành I trước đây các cụ ở khu vực Vườn Giỏ - Xóm Nghè, sau này chuyển ra ở khu vực Xóm Cuối. Trong Họ, nhiều đời nay các mối quan hệ gia đình, dòng tộc luôn được giữ vững theo đúng tôn ty trật tự; các hoạt động của Họ được duy trì chặt chẽ, thường xuyên. Hàng năm vào ngày giỗ Tổ (20/5 âm lịch) và ngày 20 tháng Chạp con cháu các nơi đều về làm lễ dâng hương và tổ chức đi tảo mộ; khi mỗi gia đình có công việc lớn thì trong Họ đều đến tham gia giúp đỡ, người trong Họ qua đời thì người thân, con cháu căn cứ trật tự, thế thứ để tang theo đúng tục lệ; con cháu trong nội tộc không được lấy nhau.
Tuy nhiên, do không còn phả gốc, việc ghi chép lại không được thường xuyên, không đầy đủ nên có một số chỗ bị đứt đoạn, một số đời không nhớ rõ . Trong bản Phả này, những đời chưa xác định rõ tạm thời để trống, các thế hệ sau này tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn chỉnh. Nội dung chi tiết của các cành được trình bày sau Phả đồ tổng hợp 5 đời đàu của Họ.