LỜI NÓI ĐẦU
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cây có gốc mới sum cành xanh lá, nước có nguồn mới biển cả sông sâu”. Sinh ra ở trên đời ai cũng có cha mẹ, ông bà, tiên tổ. Mỗi thế hệ sinh sau đều phải hiểu biết về nguồn gốc, tổ tông và quan hệ huyết thống của mình, đặng giữ trọn đạo với tiên tổ, ông cha, được vẹn tình cùng anh em, con cháu.
Họ Ngô ở thôn Yên Tàng ta nhiều đời nay có một truyền thống tốt đẹp: bà con cần cù sáng tạo, chăm chỉ làm ăn, có ý chí vươn lên trong cuộc sống; anh em họ hàng đoàn kết, tương thân, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn; cùng nhân dân địa phương xây dựng quê hương đổi mới, đưa cuộc sống ngày một no ấm đủ đày, văn hóa tinh thần ngày một nâng cao, mở rộng. Đến nay, rất nhiều người trong Họ ta đã chuyển đi định cư, lập nghiệp ở các nơi xa quê, một số nơi con cháu phát triển đông đúc thành các chi, phái riêng, nếu không được ghi chép đày đủ thì các thế hệ sau này sẽ khó khăn trong việc tìm hiểu cội nguồn ông cha của mình.
Trước đây tôi từng được tiếp xúc với một số bản phả gốc của các dòng họ, nên đã ấp ủ ý định sẽ dò tìm Phả gốc của Tộc Họ mình để có điều kiện sẽ tục biên, hoặc có dịp sẽ biên tập cuốn gia phả mới, giúp con cháu hiểu thêm về nguồn gốc họ hàng, đồng thời làm dữ liệu tra cứu khi cần thiết. Tuy nhiên, mãi đến mùa xuân năm Quý Mùi (2003) mới có điều kiện bắt tay vào viết phần phả hệ Tiểu Chi thứ Tư. Những năm gần đây, qua mấy lần tham dự hoạt động của Họ Ngô toàn quốc, được tiếp xúc, trao đổi với đại diện Ban Liên lạc Họ Ngô Việt nam (nay là Hội đồng Ngô tộc Việt Nam) và một số chi họ, nghiên cứu các tài liệu lịch sử về dòng Họ, càng thúc giục tôi phải cố gắng để nhanh chóng biên soạn bản phả chung của cả Chi Họ mình.
Mùa xuân năm Bính Tuất (2006), sau khi xin ý kiến và được bà con trong Họ hưởng ứng, tôi bắt tay ngay vào công việc tìm hiểu, sưu tầm và thu thập các dữ liệu liên quan. Trong quá trình sưu tầm, thu thập, đã được đại diện các chi Họ cũng như đông đảo bà con trong Họ và một số vị cao niên ở địa phương nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp những nội dung quý báu. Bản Phả chép tay của ông Ngô Quang Thắp là một trong những tài liệu tham khảo, một kênh thông tin sử dụng trong việc biên tập cuốn Gia Phả này.
Về phương pháp biên tập: để thuận tiện cho việc tra cứu, Gia Phả này được biên tập theo từng cành (chi họ), hết Cành 1 đến Cành 2, tiếp đến Cành 3 và Cành 4; bắt đầu từ đời thứ hai sau cụ Thủy Tổ Ngô Phúc Tường, cho đến các thế hệ tiếp theo, gồm toàn bộ những người đã chào đời trước thời điểm biên soạn bản Phả này; ghi theo hệ thống ngang, dọc kết hợp. Đầu tiên là phần lược ghi theo hệ thống ngang, ghi thứ tự từng đời trong chi họ, tóm tắt những nội dung cần thiết nhất của từng người, tiếp theo là phần ghi chi tiết và cuối cùng là phả đồ của cành Họ. Phần ghi chi tiết, dùng hình thức đánh số thứ tự theo hai chữ số, trong đó chữ số thứ nhất chỉ người đó thuộc đời thứ mấy; chữ số thứ hai chỉ thứ bậc, tức người đó là con thứ mấy trong gia đình. Cố gắng ghi lại những dữ liệu cần thiết đối với từng người; trong chừng mực cho phép, có ghi một số nội dung chi tiết, nhằm giúp con cháu sau này hiểu sâu thêm về Tổ tiên, cha ông và quê hương mình. Các bậc tiền bối ở các thế hệ trước, do không còn nhớ được tên húy nên phải ghi bằng thụy hiệu theo hệ thống cúng giỗ của các tiểu chi, chỗ nào chưa xác định được thì tạm thời để trống.
Trong bản Phả này, tất cả các thành viên là nam hay nữ trong Họ đều được ghi chép đầy đủ, đánh số thứ tự theo từng thứ bậc; chỉ riêng đến thế hệ con cháu của các bà, các chị do đã mang họ khác nên chỉ liệt kê chứ không phát triển sâu thêm; dâu, rể các thế hệ cũng được coi là các thành viên trong Họ, vì vậy được ghi chép đầy đủ trong các mục tương ứng.
Cuối Gia phả có phần phụ lục, soạn in Bài văn tế Giỗ Tổ Họ Ngô-Yên Tàng để bà con và các thế hệ sau này có thể tham khảo dùng trong buổi lễ giỗ Tổ hàng năm của Họ. Các trang của bản Phả có đóng hình triện họ NGÔ hoặc hai chữ CÁT TƯỜNG, thể hiện sự tôn kính đối với Tổ Tiên dòng tộc, ước nguyện cầu mong mọi sự tốt lành luôn đến với bà con trong Họ.
Do không có đày đủ tư liệu và hạn chế về chứng nhân nên cuốn Gia Phả này chưa có điều kiện biên tập một cách hoàn hảo và khó tránh khỏi còn những khiếm khuyết, kể cả một số chi tiết lịch sử chưa có độ chuẩn xác cao. Mong rằng các thế hệ con cháu sau này tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về các bậc tiền bối của mình và ghi chép bổ sung các thế hệ tiếp theo một cách đầy đủ, chinh xác.
Nhân đây tôi cũng xin được bày tỏ lòng cảm tạ đến các vị huynh trưởng, các bậc cao niên cùng toàn thể bà con trong và ngoài Họ, những người đã giúp đỡ nhiệt tình, hợp tác chặt chẽ trong quá trình sưu tầm, thu thập dữ liệu. Chân thành cảm ơn ông Ngô Vui – Trưởng Ban và ông Ngô Mạnh Thường – Phó trưởng Ban Liên lạc Họ Ngô Việt Nam đã tận tình giúp đỡ, trao đổi tư vấn, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan để hoàn thành cuốn Gia phả này.
Xuân Kỷ Sửu – tháng 3 năm 2009
Người biên tập
Ngô Văn Xuân
Khái lược Họ Ngô ở Việt Nam và hai vị anh hùng dân tộc:
Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt
Theo Phả hệ Họ Ngô Việt Nam xuất bản năm 2003 do nhóm tác giả: Ngô Vi Thiện, Ngô Vui, Ngô Quang Nam biên tập, giáo sư Ngô Vi Thiện làm chủ biên, và các phả cũ họ Ngô thì vị Tổ phát tích đầu tiên của họ Ngô là Ngô Nhật Đại, một hào trưởng Châu Phúc Lộc (vùng Cửa Sót thuộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Năm 722 ông tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế), sau bị thất bại, chuyển ra định cư ở Châu Ái (tỉnh Thanh Hóa ngày nay) theo nghiệp nhà nông.
Đến hậu duệ đời thứ 9 là Ngô Xương Sắc và Ngô Ích Vệ (chắt của Ngô Quyền) thì phân thành hai ngành: trưởng và thứ. Vào giữa thế kỷ 14 cuối Triều Trần, triều đình mục nát, nhân dân khốn khổ, Ngô Bệ thuộc đời thứ 17 Ngành Thứ nổi lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa sau bị thất bại, Ngô Bệ và hơn 30 tướng sĩ bị bắt đưa đi hành quyết, gia đình lâm vào họa chu di, bị tàn sát, khung bố; con cháu phải thay tên đổi họ, di cư ẩn náu. Ngành Thứ bị thất truyền từ đây. Đến đầu thế kỷ 15, khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa chống lại quân Minh xâm lược, rất nhiều con cháu họ Ngô tham gia khởi nghĩa, lập nhiều công lớn, trở thành khai quốc công thần. Họ Ngô lại bắt đầu phát đạt từ đó. Đến đời thứ 19 Họ được phân thành các dòng; rồi theo sự phát triển, được phân tiếp thành các dòng họ, chi họ, cành, phái…
Cho đến nay, qua hơn 13 thế kỷ tồn tại và phát triển, Họ Ngô đã trải qua gần 50 đời, con cháu làm ăn sinh sống ở khắp các vùng miền của đất nước. Theo tổng hợp chưa đày đủ của Ban Liên lạc Họ Ngô Việt Nam, đến tháng 6/2002 có 448 dòng họ, chi họ, cư trú tại gần 400 xã phường thuộc 135 huyện/quận của 30 tỉnh thành trên cả nước.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, hàng trăm liệt vị con cháu họ Ngô có công lao dựng nước, cứu nước, chống giặc ngoại xâm, trung trinh bất khuất, được lưu danh sử sách, hàng trăm người học hành đỗ đạt lưu danh khoa bảng, nhiều người trở thành danh sỹ, nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước. Tiêu biểu cho các danh nhân họ Ngô là hai vị anh hùng dân tộc: Ngô Quyền - tiền Ngô Vương và Ngô Tuấn - Lý Thường Kiệt.
Ngô Quyền (897 – 944) thuộc đời thứ 6 trong Phả hệ họ Ngô Việt Nam, sinh năm 897 tại Đường Lâm - Sơn Tây (nay là Thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội). Phụ thân là Ngô Đình Mân, người gốc Ái Châu (nay là Thanh Hoá), làm Châu Mục Đường Lâm, lấy vợ người bản địa là bà Phùng Thị Tinh Phong, hậu duệ của Phùng Hưng, sinh ra Ngô Quyền. Sử chép rằng khi sinh Quyền, có ánh sáng lạ đầy nhà, đứa trẻ dung mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thày tướng cho là lạ, bảo sau này có thể làm chủ một phương, vì vậy mới đặt tên là Quyền. Lớn lên Ngô Quyền khôi ngô tuấn tú, mắt sáng như chớp, dáng đi như hổ, có trí dũng, sức khoẻ phi thường. Ông làm nha tướng cho Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, được Đình Nghệ gả con gáí cho và giao cho cai quản đất Ái Châu. Với tài đức của mình, ông đã đem lại sự ổn định, yên vui cho nhân dân miền đất này. Năm 938 vua Nam Hán cử con trai là Thái tử Hoàng Tháo đem quân sang đánh chiếm nước ta. Ngô Quyền đem quân vượt đèo Ba Dội (Đèo Tam Điệp ngày nay) ra chống lại quân giặc. Ông đã có một kế đánh giặc độc đáo: cho bố trí một trận địa cọc nhọn đầu bịt sắt cắm xuống lòng sông Bạch Đằng nơi quân giăc tiến qua. Khi nước thuỷ triều lên, Ông cho quân ra khiêu chiến rồi giả thua rút chạy, quân Nam Hán đuổi theo, thuyền vượt qua bãi cọc. Đợi thuỷ triều xuống, quân mai phục hai bên bờ xông ra, đạo quân khiêu chiến cũng quay lại hợp lực đánh trả. Bị bất ngờ, quân Nam Hán thua to, quay thuyền rút chạy. Đến bãi cọc, do nước cạn, bị các cọc nhọn đâm thủng, thuyền đắm gần hết. Quân giặc bị chết quá nửa, máu đỏ cả khúc sông. Hoàng Tháo cũng bị đâm chết tại trận. Vua Nam Hán vội thu nhặt tàn quân rút về nước.
Sau chiến thắng, Ngô Quyền bỏ chế độ Tiết độ sứ, tự xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa, rồi đặt ra các chức quan văn võ, quy định nghi lễ của Triều đình, mở đầu cho thời kỳ độc lập của giang sơn đất nước, chấm dứt đêm trường nô lệ của thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm.
Ngô Quyền ở ngôi được 6 năm, thọ 47 tuổi, mất ngày 18 tháng giêng năm Giáp Thìn (944). Ngày nay, do không rõ ngày sinh của Khởi Tổ Ngô Nhật Đại vì không có bản phả hoặc sử sách nào ghi lại, nên con cháu Họ Ngô trong cả nước lấy ngày 18/1 âm lịch làm ngày giỗ Tổ. Hàng năm cứ đến ngày này lại hành hương về nơi đất Tổ - Đường Lâm, Sơn Tây – làm lễ dâng hương tại đền thờ và lăng mộ vị anh hùng dân tộc.
Lý Thường Kiệt (1019-1105) người phường Thái Hoà, thành Thăng Long, chính họ Ngô tên Tuấn, tự là Thường Kiệt, được vua ban họ Lý (Quốc tính), bèn lấy tự làm tên. Trong Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Lý Thường Kiệt thuộc đời thứ 11; Phụ thân là Ngô An Ngữ, huyền tôn (chút nội) của Ngô Quyền. Lý Thường Kiệt từ nhỏ đã có chí lớn, đêm ngày chăm chỉ học hành, đọc binh thư, luyện võ nghệ. Ông có tài kinh bang tế thế, văn võ toàn tài, lại khiêm tốn, thận trọng, siêng năng cần mẫn, hết lòng trung thành với vua. Ông theo thờ ba triều vua Lý là: Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông, được thăng đến chức Thái sư, Đại Tướng quốc, cho hiệu Thiên tử nghĩa đệ, khi mất được phong tước Việt Quốc công. Lý Thường Kiệt có nhiều công lao to lớn với đất nước. Phía nam cầm quân đại phá Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi, phía Bắc đại phá quân Tống xâm lược nước ta. Năm 1076, Nhà Tống với mưu đồ xâm lược, đã ráo riết chuẩn bị binh lực sang chiếm nước ta. Với tư tưởng tiến công để tự vệ, Lý Thường Kiệt đã tổ chức một cuộc tập kích thẳng sang đất Tống, đánh đòn phủ đầu, nhằm tiêu diệt các căn cứ xâm lược của địch. Sau 42 ngày công phá, quân ta đã chiếm được các thành Khâm Châu, Liêm Châu (thuộc Quảng Đông) và Ung Châu (thuộc Quảng Tây) của quân Tống. Lý Thường Kiệt cho phá hoại thành trì, tiêu huỷ các kho tàng lương thực, cơ sở dự trữ chiến tranh của địch rồi rút về nước.
Không cam tâm chịu thất bại, nhà Tống chuẩn bị lực lượng với hơn 10 vạn quân do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy sang nước ta để trả thù. Biết rõ ý đồ của Nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã chuẩn bị trước, cho xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt (nay là sông Cầu), nơi mà tất cả các ngả đường từ hướng Đông bắc về Thăng Long đều phải qua đây. Trên bờ nam sông Cầu, từ Đạo Thượng, Cẩm Hà đến sông Lục Đầu, Lý Thường Kiệt cho xây dựng một phòng tuyến dài hơn 60 km, có chỗ đắp cao tới 5m, có bãi chông, bãi chà ken dày đặc. Những vị trí quan trọng có trục chính đi về Thăng Long như Ngã ba Xà, Làng Như Nguyệt được bố trí đặc biệt cẩn mật. Với phòng tuyến sông Cầu, chúng ta đã chặn đứng được bước tiến của quân Tống. Trên phòng tuyến này đã diễn ra những trận đánh ác liệt, quân địch bị bao vây và tổn thất nặng nề , chết quá nửa, bộ phận còn lại phải mở đường máu rút về phía Bắc, cuộc tiến công của quân Tống bị đập tan. Khi đóng đại bản doanh ở Như Nguyệt, tại đền thờ Trương Hống, Trương Hát gần Ngã ba Xà , bài thơ Nam Quốc Sơn Hà, một bài thơ bất hủ, sau này được mệnh danh là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam đã được ngâm:
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,
Như hà nghịch Lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư .
Dịch là:
Sông núi Nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời,
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.