Từ khóa 
Tìm kiếm theo 
Tìm theo 

NGÔ PHÚC AN: Là thủy tổ họ Ngô cải Phạm ở thôn Gia Cầu xã Hà Vinh huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Đó là quê gốc, là nơi có 150 mẫu tự điền của Hán Quốc công ngày trước, chứ ngày nay không còn có ai ở đó, mà chủ yếu sống ở Hà Nội và Hưng Yên.
Phúc An là tên thụy. Trong 5 con trai của Nghĩa Lộc vương Ngô Tín (đời 24), có người con trưởng là Ngô Vạn, vô tự; còn cả 4 người em đều được phong hầu. Theo ghi chép lại của Tiến sĩ Ngô Thế Vinh, từ bài vị thờ ở Diễn An điện, trước khi nó bị hủy hoại dưới triều Nguyễn, thì lại có đến 2 người cùng tên thụy Phúc An. Điều đó chắc chắn là có sự nhầm lẫn trong việc ghi chép hay sao chép.

Chúng tôi cùng họ Phạm Ngô đã thống nhất xác định Ngô Phúc An là một con trai của Nghĩa Lộc Vương Ngô Tín.

NGÔ ĐĂNG LÝ (1683 - 1739): Khi lên 3 tuổi thì mẹ chết, lên 10 tuổi thì bố lại chết, suy vi mất 10 năm. Sau nhờ bà chị ruột là Ngô Thị Mỹ, thuở nhỏ vào hầu trong nội phủ, quản các thị nữ. Chúa gả cho ông Tuấn Vũ hầu họ Phạm. Ông thương tình, nhận em vợ làm con nuôi, rồi xây dựng cơ ngơi cho ở làng Hoàng Sơn xã Đương Võ huyện Yên Khang (nay là Yên Khánh, Ninh Bình), rồi đổi thành họ Phạm Ngô từ đó.

PHẠM NGÔ CẦU (1720-1786): Là con trai thứ 8 của Ngô Đăng Lý và là anh cả trong 3 anh em con bà vợ thứ tư của Ngô Đăng Lý là Nguyễn Thị Danh (1692-1769) người Xuân Hẻo huyện Tứ Kỳ.
Thuở nhỏ Phạm Ngô Cầu theo văn, năm Nhâm Tuất (1742), thi đỗ tam trường, năm Giáp Tý (1744) thi võ đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ). Năm Mậu Thìn (1748) làm đề lĩnh tứ thành, năm Mậu Dần (1758) làm trấn thủ Kinh Bắc. Năm Canh Thìn (1760) làm trấn thủ Hải Dương-Yên Quảng có công đánh giặc cướp biển Tàu được trọng thưởng. Năm Mậu Tý (1768) được trao chức thống lĩnh Sơn Tây, hợp đồng cùng với Hưng Hóa, Tuyên Quang đánh đồn Mường Thanh (đánh Hoàng Công Chất). Năm Kỷ Sửu phụ trách việc vận lương đánh dẹp Lê Duy Mật. Năm Quý Tỵ (1773) thăng trấn thủ Sơn Tây, năm Giáp Ngọ (1774) phụ trách quân lương để Quận Việp đánh chúa Nguyễn. Sau đó ông được chúa cho về nghỉ dưỡng nhàn. Chẳng được bao lâu, lại khởi phục phong làm Chinh Nam đại tướng quân, tước Tạo Quận công, trao chức trấn thủ Thuận Hóa, vào thay Việp Quận công  Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776).

Quận Tạo làm trấn thủ Thuận Hóa hơn 10 năm, đến năm 1786 Nguyễn Huệ đem quân từ Bình Định ra hạ thành Phú Xuân, Phạm Ngô Cầu bị bắt giải về Qui Nhơn luận tội phải chém.

Phạm Ngô Cầu có 16 bà vợ, 20 người con (có 8 con trai), trong đó 4 người được tập ấm Hoằng tín đại phu, 4 người được phong tước hầu; có 3 người cùng chết trận trong cái ngày Nguyễn Huệ hạ thành Phú Xuân, hôm 20 tháng 5 năm Bính Ngọ (tức 15-6-1786) là Tố Vũ hầu Phạm Ngô Tố, Hoằng tín đại phu Phạm Ngô Tuyển và Hoằng tín đại phu Phạm Ngô Doãn.
Trong 4 người được phong hầu, có 1 người do nhà Tây Sơn phong tặng. Đó là Đĩnh Ngọc hầu Phạm Ngô Siêu. 

Nguyên cớ như sau: Phạm Ngô Cầu có người con gái Phạm Thị Đương là con bà vợ thứ 11 Nguyễn Thị Chung. Lúc Nguyễn Huệ công phá thành Phú Xuân, thị Đương cũng có mặt ở đó. Khi thành bị chiếm, thân phụ đầu hàng; vì thấy nàng có nhan sắc, Nguyễn Huệ bắt lấy muốn đưa về hầu hạ trong cung, nhưng nàng không chịu. Đến mồng 7 tháng 8 năm ấy, thân phụ bị xử trảm, thị Đương đưa yêu sách là được đưa xác cha về quê nhà mai táng, xong xuôi mới tuân mệnh. Yêu sách được chấp thuận, bà đưa xác thân phụ từ Qui Nhơn về Thanh Hóa, nhờ bà con hàng xóm cùng quân lính Tây Sơn chôn cất cha trên núi Vi Bồng  thuộc bản xã Gia Cầu, mộ nay vẫn còn, thuộc xã Hà Vinh huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Rồi đó bà quay vào Phú Xuân thụ mệnh. 
 Nhờ việc này mà người anh trai khác mẹ Phạm Ngô Siêu được nhà Tây Sơn phong tước hầu như đã nói trên. Gia phả không cho biết bà có sinh được người con nào với vua Quang Trung không? 

 

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây