Từ khóa 
Tìm kiếm theo 
Tìm theo 

NGÔ TỬ HY: Cùng em ruột là Tăng Long từ Hải Dương vào Vạn Ninh lập nghiệp từ nửa cuối thế kỷ XV. Phả cũ chép, hai anh em là: “Bột Hải quận, Hải Dương nhân, tòng Lê di lai, khai phá dinh điền lập thành xã hiệu”. Tức hai anh em là người Hải Dương, gốc Thanh Hóa theo nhà Lê vào ở lại khai phá dinh điền lập thành làng xã. Và thời điểm mà hai người vào đây là “Hồng Đức niên gian” (trong khoảng thời Hồng Đức) .
Như vậy có thể Ngô Tử Hy vào Vạn Ninh lập nghiệp là đi theo lệnh “chiếm xạ” thời Lê Thánh Tông, mà cũng có thể là theo Lê Thánh Tông vào đánh Chiêm Thành, năm 1471 khi hưu binh thì về đây khai phá ruộng vườn, lập nên làng xã mà không quay về quê cũ.
Hậu duệ Ngô Tử Hy cũng như Ngô Tăng Long đều có chung tương truyền là Ngô Tử Hy vào Vạn Xuân trước, sau khi khai khẩn đất đai, trồng cấy và làm nhà xong, ông mới quay ra đón vợ con vào, nhưng vợ ông không vào mà chỉ có người em trai Ngô Tăng Long và hai con theo vào thôi. Ông vào làm ăn nuôi con và ở vậy cho đến già chứ không lấy vợ khác. Họ Vạn Xuân không biết bà ở lại quê Hải Dương một mình hay cùng với người con nào khác.

Phả họ Vạn Xuân với Thủy tổ Ngô Tử Hy, nhưng thực chất chỉ chép hậu duệ của Ngô Đình Nghiễm (đời 6), với những người khác hoặc không chép (như với Khắc Hạnh), hoặc chỉ chép sơ lược vài đời (như với Ngô Ấp, Ngô Tráng). Phả được biên soạn từ năm nào không rõ, chỉ thấy ghi là được sao lại vào năm Bảo Đại 17 (1942). Đến năm 1999, họ tộc tổ chức biên dịch biên tập bổ sung và chế bản, nhân bản để lưu hành nội bộ.
Theo phả đồ trên thì:
• Ngô Đình Đoàn, xưa kia thường đi buôn bán bằng đò dọc vào Đại Phong, rồi ở lại đó không về, lập nên họ Ngô - Đại Phong đến nay đã 9 đời.
• Ngô Đình Phát: Vì anh là Đình Đoàn li tổ, li hương, ông lên thay trưởng, hậu duệ 5 đời của ông là Ngô Đình Nghĩa (s.1921, đời 15) nay là trưởng tộc.
• Ngô Đình Thường (có bản: Đảng) có 7 con trai là Ngô Đình Vu, Ngô Đình Dung, Ngô Đình Nghi, Ngô Đình Hào, Ngô Đình Chước, Ngô Đình Nguyên, Ngô Đình Cương. Trong số đó có nhiều người làm quan to dưới triều nhà Nguyễn.
• Ngô Đình Giới sinh 4 con trai Ngô Đình Phú, Ngô Đình Quế, Ngô Đình Thịnh, Ngô Đình Tùng;  có 2 người làm quan dưới triều Nguyễn.
(Con cháu hai ông Ngô Đình Thường, Ngô Đình Giới đều sống ở An Hoà, Huế).
Ngô Đình Giới chức Cần chánh học sĩ, thầy học của ông Hoàng ngỗ ngược Quảng Oai công (Quảng Oai công (1809 -1829) là con trai thứ 10 của Gia Long với bà Lê Thị Ngọc Bình, em gái Bắc cung Hoàng hậu của Quang Trung, Lê Thị Ngọc Hân).

Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình, viết về Ngô Đình Giới như sau: “Ngô Đình Giới người huyện Quảng Ninh, có học hành, hồi đầu niên hiệu Gia Long, làm Ký lục, sau làm đến Cần chánh học sĩ giữ việc dạy bảo hoàng đệ và hoàng tử, ngoài 70 tuổi vẫn còn lưu lại làm việc. Khi chết phong Thứ thiện đại phu. Lễ bộ thượng thư”

Theo họ Vạn Xuân thì Ngô Đình Khả là hậu duệ Ngô Đình Giới. Có lần ông Ngô Thanh Hải (s.1933, đời 16) cho biết, vào khoảng 1938 -1939, Ngô Đình Khả có yêu cầu họ Vạn Xuân mang phả vào Huế cho ông xem. Họ tộc cử ông Ngô Đình Chùm (Chừ?) mang đi, mấy ngày sau ông mang về, nhưng không được gặp ông Khả, cũng không thấy ông chuyển lời nói sao cả, ngoại trừ tiền lộ phí.
Tổng hợp từ nhiều nguồn, nếu Ngô Đình Khả là hậu duệ Ngô Đình Giới thì là hậu duệ 3 đời: Giới sinh Quế, Quế sinh Thứ, Thứ sinh  Khả. Tức Ngô Đình Khả là tằng tôn Ngô Đình Giới.

Trước đây cụ Ngô Đức Thắng xác định Ngô Đình Khả thuộc chi 10 họ Trảo Nha là không có căn cứ.  

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây