NGÔ KINH là con thứ Ngô Tây. Phả cũ viết: “Xưa, cha mẹ mất sớm, đói rét không biết nương nhờ vào đâu. Nghe người làng là Lê Đức nói ở sách Khả Lam huyện Lương Sơn có khe ngòi, rừng rậm, lúa tốt dễ làm ăn, Ngô Kinh bèn đến đó trú tạm ở đình, sau đó gặp được tù trưởng Lê Khoáng (bố Lê Lợi) cùng vợ là Trịnh Thị Thương rủ lòng thương xót đem về nuôi, giao phó việc cày cấy. Lê Khoáng thấy Ngô Kinh là người nhanh nhẹn, ngay thẳng, tỏ lòng yêu mến, coi như tay chân, rồi cưới vợ cho (tức bà Đinh Thị Mại)”.
Đến khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, năm 1418, lúc này Ngô Kinh đã gần 70 tuổi, cùng con trưởng là Ngô Từ, được Chủ soái Lê Lợi giao phó cho việc trông nom trang trại chăm lo sản xuất để chuẩn bị quân lương và tiếp đón nhân tài các nơi về tụ nghĩa. Lê Lợi từng căn dăn Ngô Kinh: “Quân, lương là hai việc vô cùng bức thiết trong lúc gây dựng nước nhà, nhà ngươi nên ở lại giữ gìn căn cứ, thu nhận nhân tài hào kiệt để ta cùng các tướng chuyên bàn mưu tính kế ra quân là việc hàng đầu. Bên trong việc điều binh lương, bên ngoài bắt kẻ gian nhòm ngó, việc đó giao cho ngươi đảm nhiệm. Người xưa coi công trạng giữ gìn căn cứ ngang với công đánh giặc. Ngươi cần hiểu sâu lời ta nói”.
Sau ngày toàn thắng quân Minh, Lê Lợi lên ngôi vua đã phong cho các công thần. Ngô Kinh được phong chức tước như trên. Ông mất ngày 7 tháng 7 năm Mùi (Kỷ Mùi, 1439), táng ở đất Thung Thượng, gần lăng tổ, đông giáp mộ Dụ Vương, tây giáp đại lộ, nam giáp chợ Hối, bắc giáp ruộng dân. Ngày nay mộ bị thất lạc.
Bà Đinh Thị Mại, hiệu Dụ Tâm Quý nương, mất năm Mậu Thìn (1448), giỗ ngày 7 tháng 7, mộ táng ở Kinh Bắc, phía bắc huyện Gia Lâm, xã Lâm Hạ. Ngày nay mộ cũng bị thất lạc.
NGÔ TỪ: Là con trưởng Ngô Kinh, sinh ngày 2 tháng 5 năm Canh Tuất (1370) tại Khả Lam được Lê Khoáng tin yêu giao cho việc chăm nom săn sóc Lê Lợi (Ngô Từ hơn Lê Lợi 15 tuổi). Ngô Từ làm gia nô cho Lê Lợi, cùng cha tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Công việc trông nom trang trại của Lê Khoáng, xây dựng và củng cố căn cứ địa Lam Sơn, chủ yếu là do Ngô Từ.
Năm Mậu Thân (1428) trong buổi thiết triều phong tước cho công thần, Lê Lợi dụ các tướng lĩnh: “Các khanh cùng trẫm ra trận được cung cấp đủ lương thực, đó là công của cha con Ngô Kinh, Ngô Từ. Cha con Ngô Kinh, Ngô Từ đã bảo vệ căn cứ địa, cung đốn lương thực, bổ sung binh sĩ. Xưa kia Hán Cao Tổ được thiên hạ đã quy công cho Tiêu Hà giữ đất Quang Trung, cung đốn lương thực đầy đủ là công bậc nhất. Nay cha con Ngô Từ cũng đáng được phong đệ nhất công thần.
Ngô Từ được phong Bình Ngô khai quốc đệ nhất công thần Bàng Khê hầu, thăng thụ Thái bảo Chương Khánh công Tả kim ngô vệ thượng tướng quân, chỉ nội đại hành khiển Phụ quốc chính gia đại trí tự, ban thụy Bàng Khê thượng sĩ. Chính quốc phi phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế (chị gái Đinh Lễ). Kế thất Đinh Thị Ngọc Luân hiệu Từ Nhan, Á quận phu nhân.
Ngày 8 tháng 3 năm Quí Dậu đời vua Nhân Tông thứ 11 (1453), Ngô Từ mất, được ban thụy Bàng Khê thượng sĩ. Mộ táng tại xứ Lỗ Đó, đông giáp Lô Ma, tây giáp mộ tổ, nam giáp chợ Hối, bắc giáp ruộng dân. Mộ nay còn, được con cháu xây dựng và tôn tạo 2 lần vào các năm 1993 và 2004. Về sau, Ngô Từ được cháu ngoại là Lê Thánh Tông truy tặng Diên Ý Dụ Vương, được thờ ở Phúc Quang từ đường.
Ngô Từ có 11 con trai, 8 con gái như trên lược đồ:
1-NGÔ VIỆT吳越: Con trưởng, Chiêu Nghĩa hầu, vô tự.
2- NGÔ LỘC吳祿: Nhập nội kiểm điểm Đôn Nghĩa hầu, thăng Nghĩa Quận công.
3- NGÔ HỒNG吳洪: Đô đốc thân quân, Điện Bàn hầu.
4- NGÔ KÝ 吳記: Thiếu úy Mỹ Quốc công.
5- NGÔ THỊ NGỌC LIÊU玉僚, vợ Nhân Quận công Nguyễn Lương.
6- NGÔ THỊ NGỌC THUNG玉樁, hiệu Ngọc Viên, vào cung triều Lê Thái Tổ, được phong Hoa Dung Công chúa.
7- NGÔ THỊ NGỌC DAO玉瑤: Sinh năm Tân Sửu (1421), năm 1435, được vua Lê Thái Tông cho tuyển vào cung, năm 1440 phong làm Tiệp dư được ở cung Khánh Phương, năm 1442, sinh Lê Tư Thành là con trai thứ tư cũng là con út của Lê Thái Tông. Trong năm này xảy vụ án Lệ Chi Viên, vua Thái Tông bị bạo bệnh mà chết, Bang Cơ lúc đó mới 2 tuổi lên ngôi, tức vua Nhân Tông, mẹ đẻ nhà vua là Nguyễn Thị Anh nhiếp chính. Nhân Tông ở ngôi được 18 năm, đến năm Diên Ninh thứ 6 (1459), vào tháng 10, thì bị con trưởng của Thái Tông là Nghi Dân giết chết cả hai mẹ con để tiếm ngôi. Nghi Dân tiếm ngôi được 8 tháng thì bị các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Lễ.. . phế truất và đón Lê Tư Thành về kinh sư lên ngôi nối chính thống. Đó là vua Lê Thánh Tông. Khi Tư Thành lên ngôi vua (1460), tôn mẹ là Quang Thục Hoàng Thái hậu. Bia Sơn Lăng ở mộ bà có đoạn: “Thánh Tông hoàng đế tài cao đức lớn, anh dũng thông minh, biết nghe từng lời mẹ dạy, ngày đêm chăm lo lễ nhạc văn chương, phát huy pháp luật, thuần phong mỹ tục. Mỗi đổi thay hoàn hảo đều có công của Hoàng Thái hậu”.
Ngày 26 tháng 3 nhuận, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496), bà mất, thọ 76 tuổi.
8- NGÔ THỊ NGỌC PHÚC玉福: Á Quận quân, vợ Đình Thượng hầu Trịnh Khả.
9- NGÔ THỊ NGỌC ĐỨC玉德: Tử trận ở Ai Lao - Á Quận quân, vợ Quận công Bùi Ban.
10- NGÔ THỊ NGỌC ĐIỆP 玉疊: Á Quận quân, vợ Tuấn Vũ hầu Lê Ngọc Kiệt. Bà hiện được thờ ở Đền Vại xứ Kẻ Boòng thuộc xã Ân Phú huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Tên Lê Ngọc Kiệt là quốc tính vua Lê Thái Tổ ban cho, còn tên thực là Binh bộ Thượng thư Cù Ngọc Xán - một vị tổ của nhà thơ Cù Huy Cận.
11- NGÔ KHẾ吳禊: Cố mệnh đại thần, Thái úy Thanh Quốc công.
12- NGÔ LAN吳蘭: Thái bảo Hán Quốc công.
13- NGÔ NẠP吳納: Chỉ huy sứ Đô Hoa hầu, tặng Huệ Quốc công.
14- NGÔ HỘ吳護: Chỉ huy sứ Đức Quận công.
15- NGÔ LƯƠNG吳梁: Tả hộ vệ Thượng tướng quân
16- NGÔ HỰU吳佑: Chỉ huy sứ Tề Quận công.
17- NGÔ NHẠN吳鴈: Thái bảo Chưởng Bắc phủ, Hoa Quốc công. Có công theo Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, được ban 180 mẫu tự điền. Con cháu sống theo quê ngoại.
18- NGÔ THỊ NGỌC VỸ玉瑋: Á Quận quân, vợ Bình Giang hầu Lê Chí.
19- NGÔ THỊ NGỌC HẠ玉夏: Á Quận quân, vợ Lương Quận công Lê Thụ.