Ngô Tộc

https://ngotoc.vn


Chế độ Mẫu hệ và gia phả người Chăm

Hiện nay, cộng đồng dân tộc Chăm chính thống vẫn theo chế độ mẫu hệ, trong đó được xác định rõ rằng: nhóm Hồi giáo Bà ni - Bà La Môn theo mẫu hệ, nhóm Hồi giáo mới (Alamabad trong khối Ả Rập Xê Út) theo phụ hệ.
Lễ hội Kate người Chăm

Lễ hội Kate người Chăm

 

Sáng Chủ Nhật 18/4/2010, tại văn phòng TTNC&THGP TPHCM, số 4 Bà Huyện Thanh Quan, Q.I, Tp.HCM, tiến sĩ Thông Thanh Khánh, người Chăm, giảng viên các Trường Đại học Khu vực ĐB Sông Cửu Long, đã trình bày đề tài Chế độ mẫu hệ và gia phả người Chăm. Các tình tiết của đề tài không chỉ dành cho những người viết gia phả mà còn là nét văn hóa đặc thù mà nhiều người cần biết.


Trên cơ sở bài nói chuyện của TS Thông Thanh Khánh, dưới đây xin trình bày để nhiều người được biết thêm về một cộng đồng dân tộc Việt Nam. Có thể còn có những thông tin sâu sắc hơn chưa đưa ra được, nhưng dù sao đây cũng là món ăn tinh thần bổ ích.

I. NGƯỜI CHĂM THEO CHẾ ĐỘ MẪU HỆ

Hiện nay, cộng đồng dân tộc Chăm chính thống vẫn theo chế độ mẫu hệ, trong đó được xác định rõ rằng: nhóm Hồi giáo Bà ni - Bà La Môn theo mẫu hệ, nhóm Hồi giáo mới (Alamabad trong khối Ả Rập Xê-Út) theo phụ hệ.

Chế độ mẫu hệ nảy sinh nhiều cơ chế ràng buộc xã hội người Chăm, các tập tục và các quyền được phân định cho người vợ, người chồng và con cái tạo một lệ riêng, luật pháp Nhà nước chưa hoàn toàn can thiệp được.

1. Chế độ mẫu tính: con mang họ mẹ

Nói đến mẫu tính, trước hết phải đề cập đến các họ của người Chăm. Theo tài liệu nói về họ của người Chăm đăng trên Kraung Dung xuất bản tháng 10/2005, chỉ có người trong hoàng gia mới có họ. Các họ này là: Ông (Indra), Ma (Maha), Trà (Jaya) và Chế (Cri). Ngoài ra còn hai họ nữa là Rucha và Pudra nhưng hiện nay ít dùng. Những người thuộc tầng lớp dân dã chỉ dùng Ja cho nam và Inư cho nữ trước tên của họ, mãi đến lúc trưởng thành tên sẽ được ghép với tên Thánh trong tôn giáo hoặc theo tên của cha mẹ. Năm Minh Mạng thứ 14 đã đặt một số họ cho người Chăm gồm: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức, Vạn, Ưng, Lâm, Hải, Báo, Cây, Dương, Quảng, Tưởng, Tượng, Lư… Trong suy nghĩ của người Chăm, họ dùng để đặt theo tên chứ không phải có cùng họ là chung huyết thống dù theo mẹ hay theo cha. Khi người Chăm trở thành một cộng đồng dân tộc ít người của Việt Nam, họ được pháp lý thừa nhận trên các văn bản hộ tịch như khai sinh, chứng minh nhân dân…và phổ biến gần hai thế kỷ.

Như vậy, từ lâu trong hoàng tộc có họ và con mang họ mẹ, sau này có nhiều họ do yếu tố hòa nhập trong xã hội người Việt và cũng từ đó chế độ mẫu tính không có tính ràng buộc trong đại đa số người Chăm. Một đơn cử, ông Khám Lý Thuận, người Chăm làm quan với tên tục là “Tông Thuận” của triều đình Huế, với người Chăm phía Nam Bình Thuận là vua Chăm. Khi làm thủ tục hành chính cho dân của năm huyện tại Phan Rang, Phan Rí lấy chữ Thông từ chữ Tông nói trại ra làm họ cho cùng lúc nhiều người, xác nhận thêm việc cùng họ không cùng huyết thống. Một ví dụ khác, cũng do họ không quan trọng đối với cộng đồng người Chăm, hai anh em ruột, có thể người con trai lấy theo họ của cha, người con gái lấy theo họ mẹ.

2. Chế độ mẫu cư

Sở dĩ từ chế độ mẫu cư tồn tại là do đa số người bị chi phối ước lệ xưa cổ. Con gái, sinh ra lớn lên sống bên cạnh mẹ, thừa kế nhà cửa tài sản và có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Khi đã trưởng thành người đàn ông phải theo vợ, ở nhà vợ, dẫn đến việc con cái sinh ra chưa đủ tuổi thành niên phải theo nơi ở của mẹ, lớn lên con gái tiếp tục ở như mẹ mình, con trai xuất thú. Nơi sanh ra của cha đã trở thành quê ngoại, và chính từ “ngoại” đã đưa đẩy các con phải ở nơi quê nội tức quê mẹ là chính. Tập tục này thành lệ tự nhiên để mọi người có quan niệm con ở với mẹ, tuy nhiên xã hội nào cũng vậy, không nhất thiết là phải tuân thủ y như lệ mà con cái có thể ở với cha, với ngoại do cuộc sống chi phối.

3. Chế độ mẫu quyền

Người đàn bà Chăm có vai trò làm chủ mọi sự việc của gia đình, mặc dù có thể họ không làm nỗi nhiều công việc phải nhờ đến đàn ông gánh vác, nhưng họ vẫn đóng vai chủ của người đàn ông.

Người đàn ông được các bà cưới về làm chồng, khi đã ôm khăn gói đến nhà vợ, thân phận không khác gì mấy các cô dâu người Việt đi lấy chồng thời xa xưa chưa có luật, chưa có quyền bình đẳng. Thời kỳ Vương quốc Chăm, đất nước họ giỏi về hàng hải từng mở ra con đường “hương liệu”, các vua cũng chỉ là những kẻ tứ cố vô thân, những người của những dòng họ không có gì gọi là danh giá. Bởi lẽ, người đàn ông được giao cho trách nhiệm, được ủy quyền ngồi trên ghế vua, thay cho các bà hoàng làm công việc vua một nước. Các bà hoàng lo sợ các ông sẽ lợi dụng uy lực đem giang sơn về dòng họ các ông. Các bà hoàng nối tiếp giữ trách nhiệm hoàng gia để giao mệnh lệnh cho các vua, mặc dù về mặt đối ngoại vua vẫn là người có đủ uy tín đại diện cho đất nước mình. Người con gái út của hoàng hậu là người sẽ là hoàng hậu, các bà con gái khác là công chúa, người con trai là hoàng tử, thái tử nhưng không phải là người kế vị. Người đàn ông không có quyền quyết định những việc trọng đại, nhất là trong phân chia tài sản.

Khi xảy ra việc ly dị, người chồng cả đời gánh vác làm nên của cải, tài sản cho gia đình, nhưng không được quyền chia một loại tài sản nào, người chồng được phần chia duy nhất là “cái rựa” để ra đi. Một may mắn cho người chồng là khi vợ chết người em gái út của vợ là người chăm sóc đúng nghĩa. Người đàn ông không được quyền lấy vợ khác cùng dòng họ với vợ nên dù người em út của vợ chưa chồng người đàn ông được chăm sóc kia đừng nghĩ sẽ được chắp nối! (Tuy nhiên, hai cha con có thể lấy hai mẹ con, hai anh em có thể lấy hai chị em).

Phụ nữ Chăm

 

4. Vị trí của con và cháu trong cộng đồng dân tộc Chăm

Con sinh ra theo mẹ, quyền thừa kế là con gái, con gái truyền nối dòng cho gia đình, con trai theo vợ.

Con gái út có bổn phận phụng dưỡng cha mẹ, ông bà, các ngày cúng giỗ con gái lo, con trai chỉ đến tham dự, vì trách nhiệm con trai là ở phía nhà vợ với tư cách như là dâu của người Việt.

Con của con gái là cháu nội của dòng họ, con của con trai là cháu ngoại. Trong xã hội của người Chăm, con cháu của con gái là huyết thống, con của con trai, cháu của con trai là ngoại tộc.      

Người đàn bà đối với nhà chồng là dâu nhưng tư cách như người rể, không có bổn phận nào nặng nhọc.

Anh em cùng mẹ khác cha có mối quan hệ ruột thịt, gần gũi hơn anh em cùng cha khác mẹ.

Con của các chị em gái là dòng họ nội, giống như con trai và cháu trai của người Việt.

Con trai khi lấy vợ không còn trách nhiệm với gia đình như các bà Việt đã xuất giá theo chồng. 

Tóm lại, chế độ mẫu hệ và chế độ phụ hệ có sự ngược lại trong cách định hình quyền hạn, chuyển đổi vai trò từ nam qua nữ và ngược lại.

II. GIA PHẢ NGƯỜI CHĂM

Người Chăm cũng có gia phả như người Việt từ lâu, tuy nhiên không phải dòng họ nào cũng được ghi chép đầy đủ. Chỉ có hoàng tộc là có đủ điều kiện, đủ kiến thức hơn để ghi chép lại huyết thống dòng họ của mình rất đầy đủ. Người nghèo khó vừa thiếu cái chữ, vừa thiếu cái ăn nên có gia tộc có gia phả nhưng cũng rất nhiều gia tộc không có. 

Trên đây đã trình bày vấn đề người Chăm không quan trọng ở “họ”, như vậy dựa vào đâu để xây dựng huyết thống dòng họ trong gia phả? Người Chăm sẽ ghi chép gia phả từ đâu?

- Bà tổ là người đầu tiên trong gia phả, thân thế và sự nghiệp được ghi chép đầy đủ nếu con cháu biết đến. Ông tổ, ghi đơn giản tên ông, thậm chí có khi không ghi gì thêm. Muốn biết về ông tổ, con cháu phải quay về phía dòng ông để tìm. 

- Các con của ông bà tổ được ghi đầy đủ dù trai hay gái, theo thứ tự lớn trước nhỏ sau, anh chị đến em.

- Các con gái bắt đầu cho đời kế tiếp, mỗi người con gái đứng đầu cho một gia đình, trong khuôn khổ gia đình này chồng các bà được ghi chép, nếu có nhiều chồng các ông chồng cũng lần lượt được ghi. Các con sẽ ghi theo thứ tự lớn trước nhỏ sau.

- Trong gia phả không mở trang cho các con trai dù là người này đã có vợ hay chưa, có nghĩa con trai chỉ ghi theo trong phần gia phả của cha mẹ.

- Các con gái đời kế tiếp là cháu nội, khi trưởng thành đủ với tư cách người mẹ lại được lập thành những trang gia phả tiếp. Trong trường hợp là con cùng mẹ khác cha thì các mục ghi chú cũng có thể hiện con ông cha nào.

- Theo nguyên tắc này gia phả được ghi cho đến đời cuối cùng tại thời điểm làm gia phả.

Con cháu nhiều đời của một dòng huyết thống căn cứ vào tên người mẹ và truy tìm ngược về các đời trước trong gia phả, các con của con trai là cháu ngoại, muốn biết lai lịch ông hay cha mình  có thể truy tìm trong gia phả phía ngoại và chỉ có gia phả ngoại mới ghi đầy đủ thông tin. 

Gia phả thường là văn bản ghi lại những sự kiện có trước, có khi có tư liệu có khi phải tìm trong sự nhớ lại của người già do đó gia phả có thể thể hiện trong giới hạn. Bà tổ trong gia phả sẽ là người ở trong mốc thời gian còn biết nhờ vào tư liệu ghi chép hoặc bằng trí nhớ, như vậy để nhìn nhận cao hơn, xa hơn con cháu đến nghĩa địa Kut, nơi cất và thờ bà con phía nội trong đó có rể. Tại nghĩa địa Kut sẽ ghi tên bà tổ của dòng tộc trên Klaung (hộp đựng 9 miếng xương trán), có khi ở đó chỉ ghi tên bà tổ lớn nhất nhưng không có gì trong Klaung. Những gia đình có người thân nhập chung một nghĩa địa Kut chắc chắn là bà con dòng tộc.

Tập tục mỗi dân tộc, mỗi đất nước có khác nhau, nhưng tình ruột thịt của họ luôn được gắn bó, có thể theo dòng mẹ có thể là dòng cha. Sự phân định quyền hạn bị chi phối bởi tập tục nhưng xét cho cùng đó chỉ là thói quen trong xã hội, phụ quyền hay mẫu quyền, phụ hệ hay mẫu hệ cũng nhằm duy trì trật tự xã hội, gìn giữ mối quan hệ dòng tộc, mọi người đã nghĩ là công bằng thì mọi thứ trên đời đều tốt đẹp. Khoa học đã kết luận được rằng: con mang gen cha, nhóm máu cha trùng nhóm máu con, còn mẹ có thể không; vậy chúng ta có cần nói lên điều đó cho các dân tộc theo mẫu hệ xem xét và xác định về mình chính xác hơn?

(*)Theo báo cáo của ông Vũ Hiệp tại Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP.HCM sáng ngày 9 tháng 5 năm 2010 người Chăm còn có họ Phan là họ chính thống xuất phát từ địa danh Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết.

 

Theo Trần Văn Đường

Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả TP HCM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây