Ngô Tộc

https://ngotoc.vn


Vài nét về Gia Phả học

Gia phả học là một ngành của khoa học lịch sử. Sử sách ghi lại những sự kiện của đất nước, Gia phả ghi lại những sự kiện của gia đình và dòng họ. Đối tượng của gia phả học là gia đình và dòng họ.
Hình minh họa

Hình minh họa



Gia phả học có mối quan hệ và sự tác động qua lại của với các môn khoa học về con người. Gia phả xuất hiện ở Phương Tây và Phương Đông từ xa xưa.
Gia phả học là một môn học cổ xưa của thế giới. Thuật ngữ phương Tây gọi Gia phả học là “Genealogy”. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp: genea là “generation” có nghĩa là thế hệ, logos là “speech”, “an opinion”, “knowledge” có nghĩa là lời nói, tư tưởng, học thuyết. “Genealogy” là môn học nghiên cứu về lịch sử của các gia đình, các dòng họ.
Thuật ngữ “Gia phả” là từ Hán Việt. “Phả” còn được gọi là “Phổ”, chỉ là một cuốn sổ để ghi chép. Chữ “Phả” cũng còn có nghĩa là trưng bày hay là ghi chép thứ tự. Nói cho gọn nghĩa theo chữ Hán thì “Gia” 家 tức là nhà, còn “Phả” 譜 tức là phả vào, chép vào. Theo Hán Việt Từ điển của Đào Duy Anh thì Gia phả là quyển sách chép “Thế hệ lịch sử tổ tiên trong họ”. Theo cách hiểu Á Đông thì Gia phả là quyển sách ghi chép liên tục đời này tiếp qua đời khác tên tuổi Tổ tiên và con cháu của một nhà, một dòng họ.
Gia phả học là môn học nghiên cứu về gia phả. Nhờ gia phả, người ta biết được đầy đủ những gia đình, các cá nhân bên trong những gia đình ấy. Mục đích của Gia phả học là nghiên cứu một cách khách quan và toàn diện những tiền nhân và hậu duệ của những cá nhân, những mối quan hệ thân tộc của họ, những điểm các biệt về thể chất, trí tuệ và đạo đức của họ.
Gia phả học vừa hỗ trợ cho nhiều môn khoa học về con người, vừa là một học có đối tượng và phương pháp riêng.

1.Đối tượng và chức năng của Gia phả học

1.1  Đối tượng của Gia phả học:
Đối tượng của gia phả học là gia đình và dòng họ. Gia phả là cái phản ánh của gia đình và dòng họ. Vì vậy, trước hết phải hiểu thấu đáo về gia đình và dòng họ.
Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện việc nối truyền nòi giống.
Có thể phân chia gia đình thành hai loại:
• Gia đình lớn (gia đình ba thế hệ hoặc gia đình mở rộng) thường được coi là gia đình truyền thống liên quan tới dạng gia đình trong quá khứ. Đó là một nhóm người ruột thịt của một vài thế hệ sống chung với nhau dưới một mái nhà, thường từ ba thế hệ trở lên, tất nhiên trong phạm vi của nó còn có cả những người ruột thịt từ tuyến phụ. 
• Gia đình nhỏ (gia đình hai thế hệ hoặc gia đình hạt nhân) là nhóm người thể hiện mối quan hệ của chồng và vợ với các con, hay cũng là mối quan hệ của một người vợ hoặc một người chồng với các con.
Nhiều cá nhân hợp lại thành Gia đình, nhiều gia đình thành một Dòng họ.
Dòng họ bao gồm nhiều gia đình cùng có quan hệ huyết thống và nguồn gốc tổ tiên. Dòng họ là một hiện tượng lịch sử – xã hội đặc biệt mang tính phổ quát của nhân loại.
Gia đình – dòng họ là đối tượng của Gia phả. Gia đình – dòng họ  có trước, gia phả có sau. Nội dung của gia đình – dòng họ được phản ánh qua gia phả. Việc nhận thức gia đình và dòng họ càng sâu sắc càng bảo đảm cho việc nghiên cứu và thực hành gia phả đạt chất lượng cao.
Gia phả có thể được coi như một bản sử ký của một gia đình hay một dòng họ. Nước có Sử, Nhà có Phả, Sử để ghi lại những sự kiện của đất nước, Phả là để ghi lại những thăng trầm của một họ tộc. Gia phả khác với lịch sử ở chỗ là chỉ dùng trong phạm vi một nhà, một dòng họ, trong khi Sử lại bao gồm hết thảy sự việc hoặc hành động của nhiều người ở nhiều họ khác nhau nhưng liên quan mật thiết tới quốc gia.
1.2 Chức năng của Gia phả học:
Mỗi một môn khoa học đều có một số chức năng nhất định. Chức năng của mỗi môn khoa học được phản ánh ở mối quan hệ và sự tác động qua lại của chính môn khoa học đó với thực tiễn xã hội. Gia phả học có các  chức năng cơ bản sau đây:
• a. Chức năng nhận thức: trang bị cho người nghiên cứu gia phả những tri thức về dòng họ và những quy luật phát triển của dòng họ; nhờ đó mà chúng ta có được nhãn quan mới mẻ hơn khi tiếp cận tới các hiện tượng gia đình và dòng họ, cũng như các sự kiện liên quan đến dòng họ. Từng tập hợp các thế hệ nhất định cho ta biết tư tưởng, nhận thức và hành động của họ trong từng thời đại một.
• b. Chức năng tư tưởng: Gia phả học giúp chúng ta nhận thức đầy đủ vị trí của con người trong gia đình dòng họ, góp phần nâng cao tính tích cực của cá nhân và hình thành nên tư duy khoa học trong khi xem xét, phân tích, nhận định, dự báo về các sự kiện, hiện tượng và quá trình phát triển của dòng họ. Giáo dục, định hướng cho việc xây dựng dòng họ văn hóa; góp phần xây dựng xã hội công bằng, văn minh.
• c. Chức năng dự báo: Trên cơ sở nhận diện được hiện trạng dòng họ thực tại và sử dụng các lý thuyết dự báo, các nhà Gia phả học sẽ mô tả được triển vọng vận động của dòng họ trong tương lai gần cũng như tương lai xa hơn.
• d. Chức năng quản lý: Trước hết cần phải nói rõ ngay rằng Gia phả học không phải là khoa học quản lý, nhưng có một điều chắc chắn rằng tất cả các hoạt động quản lý xã hội, hành chính hay nhân sự chỉ trở nên tối ưu khi mà biết sử dụng tốt các kết luận, nhận định và dự báo của Gia phả học về cá nhân và dòng họ.
• e. Chức năng công cụ: Các phương pháp, các kỹ thuật thao tác, các cách thức tiếp cận dòng họ của Gia phả học là những công cụ hữu ích và hết sức cần thiết trong quá trình nghiên cứu về dòng họ và xã hội.
• f. Chức năng cải tạo thực tiễn: Gia phả học không phải nghiên cứu dòng họ để biết cho vui mà thực sự nó góp một phần hết sức quan trọng vào việc cải biến hiện thực.
Dựa vào sự phân tích hiện trạng của dòng họ, Gia phả học sẽ góp phần làm sáng tỏ sự phát triển của dòng họ trong các lĩnh vực đời sống xã hội, phản ánh đời sống tâm tư, tâm hồn và ý chí của cả một dân tộc. Gia phả học sẽ bổ sung nhận thức, hành động, ứng xử đúng đắn, trọn vẹn nhiều mặt thuộc lịch sử, văn hóa, đời sống con người.

2. Mối quan hệ giữa Gia phả học và các ngành khoa học khác
Gia phả học cũng như bất cứ ngành khoa học nào khác không thể tồn tại và phát triển một cách lẻ loi. Gia phả học cần sự viện trợ của các ngành khoa học khác. Ngược lại Gia phả học cũng cung cấp tài liệu, tư liệu xác thực cho các ngành khoa học khác; là cơ sở để nghiên cứu và thi hành một số chính sách về dân tộc, về dân vận...
2.1 Với Sử học:
Gia phả học là một ngành của khoa học lịch sử.
Một số sử gia thế giới chia cách làm sử ra làm hai loại: sử từ bên trên và sử từ bên dưới (history from above and history from below). Lịch sử từ bên dưới lấy đối tượng là những người bình thường và tập trung vào cuộc sống và quan điểm của họ; trái ngược với khuôn mẫu của lịch sử chính trị truyền thống là tập trung vào vua quan các triều đại, những nhà lãnh đạo kiệt xuất.
Sử của nhân dân, trong đó có Gia phả, và sử của từng triều đại bổ sung cho nhau để làm nên những bộ sử hoàn chỉnh.
2.2 Với Tâm lý học:
Cần sử dụng Tâm lý học để giải thích các hiện tượng tâm lý dòng họ, vì các quy luật tâm lý cá nhân là những cơ sở, những nguyên lý cơ bản, góp phần nghiên cứu những hoạt động xã hội của dòng họ. Giữa Tâm lý học và Gia phả học có quan hệ mật thiết với nhau, cùng nghiên cứu sự phát triển tâm lý của con người, nếu Tâm lý học nghiên cứu sự phát triển tâm lý của cá nhân mang tính cá thể thì Gia phả học nghiên cứu sự phát triển tâm lý của dòng họ mang tính xã hội.
2.3 Với Văn hóa học:
Văn hoá học là ngành nghiên cứu hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần của con người. Vì vậy, Gia phả học cũng cung cấp nguồn tư liệu nghiên cứu văn hoá trong quá khứ. Xem bộ Mộ Trạch Vũ Tộc Thế Hệ Sự Tích, do nhóm tác giả đời Lê Cảnh Hưng (1717 – 1786) biên soạn gồm Vũ Phương Lan, Vũ Thế Nho, Vũ Tông Hải và người nhuận sắc sau khi hoàn thành là Vũ Huy Đĩnh (đỗ tiến sĩ năm 1734). Có thể nói đây là một pho từ điển cổ địa danh trong khắp nước do quan viên họ Vũ được phái đi trị nhậm ở nhiều địa phương. Bộ phả họ Vũ Mộ Trạch chứa đựng một khối lượng lớn thơ, văn, câu đối chữ Hán. Riêng thơ và ký của Hoàng giáp Tống Hiên Vũ Cán về cảnh quan và nhân vật Mộ Trạch thì cũng đã có thể coi là một tài liệu địa chí bằng thơ quý hiếm về sinh hoạt làng Mộ Trạch thế kỷ thứ XVI(1).
2.4 Với Nhân học:
Nhân học là ngành học về bản chất con người, xã hội con người và quá khứ con người. Gia phả học giúp Nhân học giải quyết được các vấn đề liên quan đến đối tượng nghiên cứu của mình nhất là nghiên cứu trên các phương diện của nhóm người trong quan hệ thân tộc. Con người phụ thuộc vào nhau để sinh tồn, những nguyên tắc thân tộc tạo dựng một khung văn hóa nhất quán, giúp duy trì trật tự xã hội. Nguyên tắc thân tộc xác định vị trí của các thành viên trong dòng họ và thế tương quan giữa cá nhân với dòng họ. Vì vậy, Nhân học cũng phải cần nguồn tư liệu từ Gia phả học.
2.5 Với Nhân khẩu học và Di truyền học:
Nhân khẩu học là khoa học nghiên cứu thống kê về dân số, có thể áp dụng cho bất cứ một quần thể dân số nào mà có sự thay đổi đổi theo thời gian và không gian. Nó bao gồm những nghiên cứu về kích thước, cấu trúc và sự phân bố của những quần thể dân số này, những thay đổi về không gian và thời gian để đáp ứng với sự sinh sản, di cư, già hóa và cái chết. Nếu gia phả phát triển đến độ hoàn chỉnh có thể cho biết số dân từng thời kỳ, số sinh đẻ của từng gia đình, tuổi thọ bình quân từng thời kỳ, cho biết trung bình 5 thế hệ kế tiếp thường kéo dài khoảng 150 năm.
Nghiên cứu gia phả có thể cho ta hình dung tạng người, vóc người tùy theo họ khác nhau; có thể cho ta nắm rõ mẫu hệ, phụ hệ, sắc tộc, sự đồng hóa, sự lai giống,… Một nguồn quan trọng khi tiến hành nghiên cứu phả hệ dựa vào đặc tính mã di truyền ADN không thay đổi qua các thế hệ. Trong đó, hai lĩnh vực được quan tâm đặc biệt: cây phả hệ di truyền theo đường mẹ, tức theo ADN ti thể (mitochondrial DNA) người mẹ truyền cho cả con trai và con gái và sơ đồ phả hệ di truyền theo dòng cha, tức là theo ADN nhiễm sắc thể Y (Y-chromosome DNA) mà người cha chỉ truyền cho con trai.

3. Lịch sử hình thành và phát triển của Gia phả học thế giới và Việt Nam
Gia phả xuất hiện ở Phương Tây và Phương Đông từ xa xưa.
Ở Tây phương, người ta có tập tục làm cây phả hệ hay phả đồ. Trong thời Trung cổ ở châu Âu, các câu hỏi về thân tộc gốc đã trở thành có tầm quan trọng lớn về chính trị. Điều này đặc biệt khi tuyên bố tính hợp pháp của việc thừa kế quyền lực, của cải, lãnh địa. Nhiều đặc quyền của giới quý tộc và tầng lớp quý tộc phụ thuộc vào nguồn gốc được sinh ra. Một ứng cử viên cho phong tước hiệp sĩ phải cung cấp bằng chứng nguồn gốc từ các quý tộc cổ đại. Gia phả học châu Âu có thể xem là chính thức ra đời với cuốn sách Gia phả của 67 nhà quý phái Pháp và ngoại quốc(2) của Estienne de Lusignan(3). Cuốn sách Lịch sử tổng quát các vương quốc Chypre, Jêrusalem, Arménie và Égypte,…(4) của Dominique Jauna cũng viết về nguồn gốc các vua chúa thân vương và các nhà đại quý tộc,….
Nhiều người thông qua các tài liệu khá tin cậy, có thể tìm thấy nguồn gốc Anh của họ từ thế kỷ 16. Một sắc lệnh từ vua Henry VIII năm 1538 đã yêu cầu rằng các bộ trưởng giữ hồ sơ của những lễ rửa tội, hôn nhân và chôn cất. Từ cuối những năm 1500 và 1837 (khi luật đăng ký dân sự trở thành quan trọng), người ta sẽ tìm thấy tổ tiên người Anh qua các hồ sơ chính đăng ký ở các nhà thờ giáo xứ. Tại các thuộc đia Anh ở Bắc Mỹ, hầu hết các người định cư đầu tiên là những người nhập cư người Anh. Luật dân sự đầu tiên yêu cầu hồ sơ quan trọng được lưu giữ trong các thuộc địa đã được thông qua năm 1632 do Đại hội đồng Virginia.
Hiện nay, thư viện gia phả của nhà thờ Chúa Jesus Christ của các Thánh Hữu Ngày Tận Thế(5) ở thành phố Salt Lake bang Ultah – Hoa kỳ là thư viện gia phả lớn nhất thế giới và cung cấp quyền truy cập vào nhiều bộ sưu tập của các hồ sơ, với hơn hai tỷ tên của người đã chết. Thư viện gia phả này nắm giữ hơn 2 triệu cuộn hồ sơ microfilm, vi phim và 300.000 cuốn sách. Nó còn sở hữu một bộ sưu tập các bản thảo bằng văn bản bao gồm cả lịch sử gia đình, lịch sử địa phương,… Bộ sưu tập này bao gồm hầu hết các tài liệu phả hệ trên thế giới, cho phép các nhà nghiên cứu tìm kiếm hồ sơ gốc từ các nước xa như Hà Lan, Hungary, Chi-Lê, Trung Quốc, mặc dù trọng tâm là về Vương quốc Anh, Châu Âu, Canada và Mỹ.
Tại các nước Đông Á, chịu ảnh hưởng của Đạo Khổng, các thế hệ sau trong dòng họ hay vương triều phải giữ đạo Trung đạo Hiếu. Việc xây dựng và lưu truyền gia phả được xem là một cách ghi nhớ công ơn tổ tiên, gây dựng lòng tự hào trong dòng tộc. Ở Trung Quốc, gia phả đã xuất hiện dưới dạng thức “thế bản” từ thời nhà Chu (1100 – 256 TCN), ghi lại cuộc sống của gia đình hoàng tộc và lịch sử một cách toàn diện và có hệ thống. Gia phả bắt đầu phát triển trong thời kỳ Tam Quốc(6) (220 – 589), triều đại Tấn(7)  (265 – 420), thời Bắc và Nam triều (386 - 589). Một số lượng lớn các cuốn sách gia phả nổi tiếng ra đời trong giai đoạn này. Vào thời điểm đó, tình trạng xã hội của một người liên quan chặt chẽ với dòng dõi (gia phả) của mình. Khi người ta bầu một quan chức hoặc đã kết hôn, dòng dõi (gia phả) của ứng viên luôn luôn là một trong những tiêu chí quan trọng nhất. Gia phả Trung Quốc bắt đầu chuyển đổi trong thời nhà Tống (960 - 1279). Nội dung và cách viết gia phả đã trở thành tiêu chuẩn, đặc biệt là trong gia phả của Âu Dương Tu và Tô Thức, hai nhà thơ nổi tiếng. Việc biên soạn gia phả và các nội dung viết về tổ tiên chịu ảnh hưởng của tinh thần Tống Nho, phải chấp hành các nguyên tắc “Tam Cương Ngũ Thường”.
Dự án(8) Danh mục các gia phả của Trung Quốc được thực hiện đầu tiên vào năm 1984 dưới sự hợp tác của Cục Lưu trữ Quốc gia, Bộ Văn hóa và Bộ Giáo dục Trung Quốc. 438 tổ chức tham gia trong dự án này, trong đó có 113 thư viện, 230 kho tài liệu lưu trữ, 29 bảo tàng và 66 tổ chức khác. Danh mục này(9) đã ghi nhận được 14.719 bộ gia phả của Trung Quốc đã có trước năm 1949 bao gồm cả sưu tập của những người ở nước ngoài.
Dự án Danh mục các gia phả Trung Quốc thứ hai đã được đề xuất bởi Thư viện Thượng Hải, được thông qua tại Hội nghị Hợp tác về Xây dựng và Chia sẻ các tài nguyên và tài liệu Trung Quốc trên toàn cầu (Conference of Cooperation on Constructing and Sharing Global Chinese Documents and Resources) được tài trợ bởi Thư viện Quốc gia của Trung Quốc và được tổ chức vào tháng 6 năm 2000. Hội nghị nhằm mục đích cung cấp một cơ hội cho các chuyên gia thông tin thư viện để thảo luận và trao đổi ý kiến về hợp tác trong việc chia sẻ tài nguyên của Trung Quốc, thu thập tài liệu của Trung Quốc từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao và nước ngoài. Đây là danh mục quốc tế về gia phả của Trung Quốc, lần đầu tiên ghi lại 60.000 bộ gia phả Trung Quốc cho 608 họ đã có trước năm 2003. Bên cạnh một số bộ sưu tập tư nhân, hầu hết các gia phả được gửi tại các tổ chức khác nhau của Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan, Hồng Kông, Macao, và các nước khác trên toàn thế giới.
Tộc phả Hàn Quốc khởi nguồn từ thời đại Tam Quốc(10)  – Cao Câu Ly (高句麗 Goguryeo), Bách Tế (百濟 Baekje), Tân La (新羅 Silla). Gia đình hoàng tộc luôn coi trọng việc tiết lộ dòng dõi của mình hơn bất kỳ điều khác trong gia đình, bởi vì dòng dõi hoàng tộc đã được kết nối trực tiếp với chính quyền của nhà vua. Vì vậy, đã có hồ sơ gia đình hoàng tộc kể từ thời Tam Quốc. Qua thời gian, không còn gia phả hoàng tộc tồn tại từ thời Tam Quốc, nhưng sự tồn tại của các hồ sơ này có thể được khẳng định trong Đế Vương Niên Đại Lịch(11), Tam Quốc Sử Ký(12) và Cao Ly Sử(13). Triều đại Goryeo (高 麗 Cao Ly) của dòng họ Vương cai trị tại Hàn Quốc từ 918 đến 1392, kéo dài 474 năm với 34 vị vua trong 17 thế hệ, cuối cùng đã bị nhà Triều Tiên (朝 鮮Joseon)  của dòng họ Lý thôn tính vào năm 1392. Các hồ sơ gia phả hoàng tộc đã được biên soạn trong suốt triều đại Joseon (1392-1897) thì vẫn còn tồn tại nguyên vẹn cho đến nay. Tuyền Nguyên Lục(14) và Đôn trữ phổ điệp(15) do Văn phòng hoàng gia Joseon ghi chép tỷ mỷ các tôn tử và tôn nữ trong vương thất dưới dạng tộc phả. Các gia đình Hàn Quốc cũng lưu giữ các jokbo (tộc phả 族譜) được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tộc phả Hàn Quốc khá hoàn thiện về  cấu trúc và phương pháp ghi chép, đồng thời lại có mức độ phổ cập quốc gia rất cao, trên phạm vi thế giới, Hàn Quốc được coi là nước phát triển về tộc phả. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến Hội nghị Phả học quốc tế được tổ chức vào mùa hè năm 1991 tại Seoul có học giả trên 180 nước và khu vực tham gia.  
Tại Việt Nam, gia phả sơ giản ghi chép tên cúng cơm, ngày giỗ và địa điểm an táng của ông cha. Theo các nhà sử học phỏng đoán thì gia phả đã xuất hiện từ thời Sĩ Nhiếp làm Thái thú ở Giao Chỉ. Nhưng phải đến thời nhà Lý, nhà Trần mới xuất hiện những cuốn tộc phả, thế phả (ghi cả thế thứ, tông tích toàn họ), phả ký (ghi lại hành trạng, sự nghiệp của tổ tiên).
Mới đầu gia phả xuất hiện trong Hoàng tộc cùng giới quan lại. Năm Thuận Thiên thứ 17 (1026), vua Lý Thái Tổ có lệnh biên soạn Hoàng triều ngọc điệp. Năm 1267, vua Trần Thánh Tông cho biên soạn Hoàng Tông Ngọc Điệp. Đời Cảnh Hưng (1740 – 1786), vua Lê Hiển Tông sai bọn gia thần là Trịnh Viêm và Nguyễn Hải soạn Hoàng Lê Ngọc Phả. Nhà vua làm bài tựa rằng: “Ta nghĩ xưa kia Thánh Tổ tích đức làm nghĩa nối nhau nhiều đời nên mới dọn dẹp giặc giã để có nước nhà. Các triều vua sau nhờ có công nghiệp sẵn, sửa sang mọi việc, khôi phuc đất xưa, để có ngày nay là nhờ công đức ấy. Ta nối nghiệp ông cha, nghĩ đến việc nghĩa của các triều trước, không ngày nào quên, đã từng biên chép thành sách, để hàng ngày xem đọc. Gần đây thấy bản chép cũ của các hương thân, so với những điều trong bản chép của ta thì thấy có hơi khác nhau, nên ta giao cho bọn gia thần khảo cứu, biên chép lại, cốt cho đầy đủ hoàn toàn, ngõ hầu làm cho ơn sâu của tổ tông gây dựng vun đắp, nghĩa lớn của ông cha truyền nối trước sau, càng thêm rõ rệt. Nay đã làm xong, dâng lên ta xem, càng thấy cơ nghiệp lớn lao khó khăn, tổ tiên lo lắng giữ gìn, hẳn không phải ngẫu nhiên mà được thế. Ta nghĩ theo đòi mà còn sợ không kịp, đâu dám chơi vui, lúc nào cũng cố gắng giữ gìn noi theo đức tốt của tổ tiên. Lễ ký nói: “Ví đức với ngọc”, vì ta quý trọng câu ấy, nên đặt sách là Ngọc phả và dùng tứ bửu để viết tựa”(16).
Dưới triều vua Gia Long (1802 – 1820), nhiều cuốn phả về họ Nguyễn Phúc được soạn dâng lên như: Hoàng triều đại tông đồ, Hoàng gia phả hệ, Hoàng triều ngọc phả. Thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) việc biên soạn gia phả có qui củ hơn. Nhà vua giao cho Quốc sử quán soạn bộ “Liệt Thánh thực lục” và “Ngọc Phả”. Năm 1836, nhà vua còn lập bộ phận “Tôn nhân phủ” chuyên lo việc ghi chép Hoàng triều tôn phả và quản lý những người trong họ. Hoàng triều tôn phả cứ 5 năm bổ sung một lần. Phòng nào có con cháu sinh thêm hoặc có người tạ thế, có thêm dâu thêm rể hoặc có những thay đổi quan trọng về nghề nghiệp… đều phải khai trình với Tư giáo của Hệ mình để ghi vào sổ, chuẩn bị cho kỹ bổ sung kế tiếp. Theo tổ chức của Nguyễn Phúc Tộc thì một vị Chúa hay một vị Vua đứng đầu một Hệ lập thành một đời, mỗi Hệ gồm nhiều Phòng. Ðứng đầu mỗi Phòng là một Hoàng Tử. Mỗi Phòng lại có nhiều Chi. Việc chép người đại diện cho mỗi đời trước tiên có phần thân thế và sự nghiệp, bao gồm: tên húy, tên thân phụ, thân mẫu, ngày giờ sinh, sự nghiệp. Tiếp đến là ngày giờ mất, lăng, miếu thờ, cùng các tước hiệu. Sau đó mới chép về gia đình bao gồm: phần hậu, phi, phu nhân, phần con cái thường chép con trai riêng con gái riêng.
Cùng với sự xuất hiện các gia phả của Hoàng tộc là gia phả của các danh gia, quan lại và cứ thế lan rộng, phổ biến ghi chép gia phả trong nhân dân. Giai đoạn phát triển mạnh qua các đời vua chúa Lý, Trần, Lê, Trịnh, Nguyễn, cho đến khi gần cuối nhà Nguyễn, khi các khoa thi chữ Hán chấm dứt (1919), thì môn gia phả cũng suy sụp theo.
Ở Việt Nam, gia phả có trước và nhiều nhất ở miền Bắc và miền Trung. Cuốn sách Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu(17) đã tập hợp được 286 bộ gồm Ngọc Phả, Thần Phả, Thánh Phả và Gia Phả của các dòng họ Nguyễn, Lê, Trần, Vũ, Đinh, Phạm, Hồ… Trước đây, gia phả chủ yếu được ghi chép bằng chữ Hán – chữ Nôm, nhưng qua nhiều năm chiến tranh, nhiều bộ gia phả của các dòng họ cũng mất dần. Nếu như tục làm gia phả phát triển mạnh ở hai miền Bắc và Trung thì ở miền Nam vẫn có số ít gia đình làm gia phả mà biến thái thành “tông chi” tức tờ “tông chi tông đồ”.
Dù người Việt Nam biết chép gia phả từ rất sớm nhưng người Vệt Nam đầu tiên hoàn thành một công trình về Gia phả học là cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (1919 – 2001). Cuốn sách Gia phả khảo luận và thực hành được xuất bản năm 1972, trình bày một cách có căn cứ khoa học, lịch sử ra đời và phát triển của việc làm gia phả ở Việt Nam và phân tích, so sánh rất công phu gia phả Việt Nam với gia phả các nước. Từ đó rút ra kết luận đầy sức thuyết phục về những đặc điểm riêng của gia phả Việt Nam. Qua tư liệu và việc trao đổi thư từ với những nhà làm phả nổi tiếng ở Pháp, Mỹ,… trên cơ sở nguồn lẫn nền tư liệu sẵn có và đặc thù của gia phả Việt, cụ Dã Lan đã làm cái việc “nối mạng’’ đặt gia phả Việt Nam vào cái nền chung của gia phả thế giới. 
Nhận thức được mục đích ý nghĩa của việc lập gia phả đối với dòng họ, đầu năm 1992, Trung tâm Nghiên cứu và thực hành Gia phả PHCM đã hình thành, lúc đầu mang tên Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả TP. Hồ Chí Minh với trưởng nhóm là Võ Ngọc An. Được sự chấp thuận của Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Nhóm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả mở đại hội thành lập “Chi hội Khoa học Lịch sử Gia phả và Hồi ký”, sau đó được nâng lên thành Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành Gia phả Thành phố Hồ Chí Minh do ông Võ Ngọc An làm Giám đốc.  Qua 20 năm hoạt động, Trung tâm đã tự xây dựng và đạt được những thành tựu  trong lĩnh vực nghiên cứu và thực hành gia phả; đóng góp phương án quảng bá, vận động các chương trình hoạt động văn hoá dòng họ Việt Nam, mở các lớp chuyên đề về dựng phả nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Ngoài ra, còn có Chương Trình Nghiên Cứu Gia Phả Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất và chủ trì, cộng tác với Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO), Đại học Paris VII (Pháp), Đại học Alberta (Canada). Mục tiêu của chương trình là góp phần thu thập và bảo tồn các gia phả cổ, vừa là một di sản văn hóa quý, vừa là nguồn tư liệu phong phú trong việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam.
 
CHÚ THÍCH
(1)  Đai học Quốc gia Hà Nội – Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển – Chương trình Nghiên cứu gia phả Việt Nam, 2004, Vũ tộc thế hệ sự tích, Hà Nội, Nhà xuất bản thế giới.
(2) Estienne de Lusignan, Les généalogies de soixante et sept très nobles et très illustres maisons, partie de France, partie étrangères, issues de Meroüée, fils de Theodoric 2, Roy d’Austrasie, Bourgongne,&c. Ấn bản thứ ba do Guillaume Le Noir, Paris,1587.
(3) Estienne de Lusignan (1537 – 1590) là một thầy tu, một sử gia và là một quý tộc của vương quốc Cyprus (Chypre). Năm 1570, ông đã đi đến Rome, và Cyprus đã bị xâm chiếm bởi người Thổ Nhĩ Kỳ vào năm sau. Ông đã trải qua một thời gian ở Naples, sau đó đến sống 10 năm ở Paris (1577 – 1587).
(4) Dominique Jauna, Histoire générale des roïaumes de Chypre, de Jérusalem, d’Arménie et d’Égypte, comprenant les Croisades, et les faits les plus mémorables de l’empire Ottoman, Leiden and Franeker, Freres Murray and Romar, Published by J. Luzac in Holland, 1747. Original from Lyon Public Library.
(5)  The Church of Jesus Christ of Lather – day Saints.
(6)  Tam Quốc bao gồm Ngụy (220 - 265), Thục (221 - 263), và Ngô (220 - 280).
(7)  Triều đại Tấn (265 - 420) của dòng họ Tư Mã.
(8) National Archives Bureau, Chinese Ministry of Education, and Chinese Ministry of Culture, 1984, The Information About Cooperatively Compiling Chinese Genealogies General Catalog.
(9)  Zhonghua Book Bureau, 1997, Chinese Genealogies General Catalog.
(10) Trước khi được Goryeo thống nhất, giai đoạn từ 50 trước công nguyên đến 935 sau công nguyên, bán đảo Triều Tiên đã trải qua một thời gian dài “Tam Quốc”: Baekje (18 TCN đến 660 SCN), ở phía tây nam của bán đảo; Goguryeo (37 TCN đến năm 668 SCN), ở phần phía bắc và trung tâm của bán đảo cộng với các bộ phận của Mãn Châu; Silla (57 TCN đến 935 SCN), ở phía đông nam.
(11) Đế Vương Niên Đại Lịch: Jewangyeondaeryeok (帝 王 年 代 曆) được viết bởi Choe Chiwon (崔 致 遠 Thôi Trí Viễn). Ông sinh năm 857, từng du học ở Trường An (Trung Quốc), thi đậu và làm quan cho nhà Đường gần một thập kỷ trước khi trở về vương quốc Tân La. Tác phẩm Đế Vương Niên Đại Lịch đã bị mất.    
(12) Tam Quốc Sử Ký: Samguk Sagi  三 國 史 記 được viết bởi Kim Busik (金 富 轼 Kim Phú Thức) cùng một nhóm học giả, được hoàn thành năm 1145.
(13) Cao Ly Sử: Goryeosa (高 麗 史 Lịch sử của Goryeo) được viết bởi Kim Jongseo (金 宗 瑞 Kim Tông Thụy) và Jeong Inji (鄭 麟 趾 Trịnh Lân Chỉ) cùng một nhóm học giả, theo lệnh của vua Sejong (Thế Tông, 1397 – 1450).
(14) Gia phả của các hoàng tộc Hàn Quốc được gọi là Seonweorok  璿 源 錄 Tuyền Nguyên Lục.
(15) Đôn trữ phổ điệp: Donnyeong Bocheop  敦 寧 譜 牒
(16) Phan Huy Chú, 1992, Lịch triều Hiến chương loại chí, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 67.
(17) Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, 1993, Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
(18) IFLA (Liên đoàn quốc tế của Hiệp hội Thư viện và tổ chức) là cơ quan quốc tế hàng đầu đại diện cho các dịch vụ thông tin thư viện và người sử dụng của họ. Đó là tiếng nói toàn cầu của ngành thư viện và thông tin 
 
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 
1. Cerny, Johni and Elliot,Wendy, 1988, The Library: A Guide to the LDS Family History Library. Salt Lake City: Ancestry Pub.
2. Gu Yan (Shanghai Library, China), 2002, A project for the Chinese culture: the compilation of the General Catalogue of Chinese Genealogy, World library and information congress – 68th IFLA (18)  General Conference and Council, 18–24 August 2002, Glasgow (Scotland).
3. Jung, Ok Young, 2007, Korean Genealogy (Jokbo) Histories and Changes by Periods: Based on the Printing Culture, the Academy of Korean Studies – The Review of Korean Studies Volume 10 Number 4 (December 2007), pp.189 – 205.
4. Nguyễn Đức Dụ, 1992, Gia phả khảo luận và thực hành, Nhà xuất bản Văn hóa.
5. Phan Văn Các, 1996, Nghiên cứu các dòng họ – cơ sở khoa học và phương pháp giải quyết các vấn đề đặt ra, Tạp chí Hán Nôm số 3(28), trang 3 – 8.
6. Phan Huy Chú, 1992, Lịch triều Hiến chương loại chí, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa hoc xã hội.
7. Trung tâm Nghiên cứu và thực hành gia phả TP Hồ Chí Minh, 2009, Cách dựng bộ gia phả hoàn chỉnh, Hà Nội, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin.
8. Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, 1993, Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
9. Vũ Ngọc Khánh, 1998, Văn hóa gia đình Việt Nam, Hà Nội, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc.
10.Won Chang-ae, 2008, Royal Genealogical Records ofthe Joseon Royal Family, the Academy of Korean Studies – The Review of Korean Studies Volume 11 Number 2 (June 2008), pp. 141-160.
11.Wu Shushi (National Library of China), 2006, Cooperation on Local History and the Concept of Network Building between Libraries, Museums and Archives in China, Official Journal of the International Federation of Library Associations and Institutions Volume 32 (2006) No. 4, pp. 356–361.

Trương Đình Bạch Hồng
(Theo nghiencuulichsu.com)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây