Ngô Tộc

https://ngotoc.vn


Ngô Quyền với Cổ Loa - cuốn sách nhiều tư liệu quý

18 bài tham luận rất công phu và đầy tâm huyết trong Hội thảo “Ngô Vương Quyền với Cổ Loa” đã góp phần làm “vỡ ra” được nhiều điều về sự thể bấy lâu còn chưa được mấy rõ.
Ngô Quyền với Cổ Loa - cuốn sách nhiều tư liệu quý

 

Ngô Quyền, vị anh hùng dân tộc gắn liền với võ công hiển hách đánh bại quân giặc phương Bắc xâm lược trên sông Bạch Đằng (năm 938), chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phát triển vượt bậc của dân tộc Việt Nam. Sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm, không thừa nhận chức Tiết độ sứ mà các triều đại phong kiến phương Bắc áp đặt cho các dòng họ Khúc, họ Dương trước đó, Ngô Quyền đã nối tiếp “quốc thống” của Hùng Vương, An Dương Vương, tự xưng Vương, “đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục” và chọn vùng đất Cổ Loa làm nơi đóng đô (từ mùa xuân năm 939).

Hơn một nghìn năm qua, được tôn vinh là “vua của các vua”, “Tổ trung hưng của nước ta” nhưng với nguồn tài liệu để lại quá ít ỏi nên sự nghiệp của Ngô Vương Quyền còn nhiều khoảng trống chưa được biết đến, hoặc chưa thể khẳng định, nhất là về thời gian 6 năm (939 – 944) Ngô Vương Quyền ở ngôi và định đô Cổ Loa. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, nhiều vấn đề được làm rõ, như: Tại sao Ngô Quyền chọn nơi định đô là Cổ Loa – kinh đô xưa của nước Âu Lạc mà không phải nơi nào khác? Việc lựa chọn ấy là ngẫu nhiên hay có chủ đích? Cần phải nghiên cứu và phục dựng lại dấu tích của Ngô Vương trên đất Cổ Loa ra sao cho xứng tầm với công trạng của ông trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc?...

Tháng 7 năm 2014 một cuộc hội thảo rất có ý nghĩa với chủ đề “Ngô Vương Quyền với Cổ Loa” đã được Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh tổ chức.

Cuộc hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nước nhà. 18 bài tham luận rất công phu và đầy tâm huyết trong Hội thảo đã chứng tỏ điều đó. Các bài tham luận như ý kiến đánh giá của GS. Lê Lan: “đã góp phần làm “vỡ ra” được nhiều điều về sự thể bấy lâu còn chưa được mấy rõ, đó là: mối quan hệ giữa Ngô Quyền và Cổ Loa và đề xuất những gợi ý, kiến nghị về: cần bổ sung dấu ấn nào, công trình nào để ghi tạc công ơn của người “mở nước, xưng Vương” ở ngay chính nơi Người đã mở nước, xưng Vương là Cổ Loa”.

Để góp phần tuyên truyền rộng rãi những kết quả nghiên cứu đạt được về Ngô Vương Quyền thông qua cuộc Hội thảo, cũng là nhằm tôn vinh công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc, mới đây Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xuất bản cuốn sách “Ngô Quyền với Cổ Loa” trên cơ sở kế thừa những thành tựu nghiên cứu đạt được qua cuộc Hội thảo như đã đề cập ở trên.

Đây là một cuốn sách với những tư liệu quý, những đề xuất xác đáng được các tác giả nêu ra, kiến nghị với cơ quan hữu quan Nhà nước. Họ Ngô Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc để tìm đọc cuốn sách trên.

 

HNVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây