Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
#23 gửi bởi ngotrongkim
Ngày 15 Tháng 12 2017 , 10:48

Ngày 28 tháng 3 năm 2017 chúng tôi nhận được email của ông Ngô Lương Viễn gửi về bài văn khấn Thủy Tổ họ Ngô Vân Dương, phường Xuân Phú, thành phố Huế. Toàn văn như sau:

VĂN CÚNG ĐỨC THỦY TỔ H NGÔ LÀNG VÂN DƯƠNG *

Kính cáo Đức Thủy tổ,

Kính cáo chư vị tiên linh !

Kính thưa quý vị !

Hôm nay ngày 25/5/Bính Thân, nhằm ngày 29/6/2016,tại từ đường Ngô tộc,tọa lạc tại 29/163 Nguyễn lộ Trạch,phường Xuân Phú,Thành phố Huế,Tỉnh Thừa Thiên Huế,

Tộc trưởng Ngô Phúc,hậu duệ đời thứ 19, cùng các bậc cao niên đời thứ 18, các trưởng Phái. Chi, Nhánh, các con cháu tề tựu dưới mái tư đường Ngô tộc làng Vân dương để tổ chức kỷ niêm lần thứ 420 ngày mất của Đức Thủy Tổ họ Ngô chúng ta : Ngài Thế quận Công, đệ nhất Ngô đại lang tôn thần ,tiền khai canh bổn thổ làng Vân dương Ngô Cảnh Hửu.

Chúng con kính cẩn dâng lên đức Thủy Tổ và quý phu nhân : nén hương thơm, trầm trà, áo giấy,hoa quả ,mâm cơm ,chén rượu,… với tấm lòng thành kính,tri ân.

Chúng con xin Cung thỉnh chư liệt vị Tiên linh về chứng giám chung hưởng :

Đời thứ 2: cung thỉnh quý ngài Từ quận công Ngô Phúc Tinh, Khang trạch hầu Ngô Phúc Hoàng, Ngô Phúc Ngôn, Ngô Thuận Tâm và quý phu nhân

Đời thú 3: cung thỉnh quý ngài Văn lộc hầu Ngô Phúc Trạch và quý phu nhân

Đời thú 4: cung thỉnh quý ngài Tín lộc hầu Ngô Phúc Phán,Vĩnh thái hầu Ngô phúc Khê (Ngô văn Xa) và quý phu nhân .

Đời thú 5: cung thỉnh quý ngài Ngô Kế Nghiệp và quý phu nhân

Đời thú 6: cung thỉnh quý ngài Ngô Thái Sơn,Ngô Ngọc Thạch và quý phu nhân

Đời thú 7: cung thỉnh quý ngài Ngô Thái Bút,Ngô Trung Thứ và quý phu nhân

Đời thú 8: cung thỉnh quý ngài Ngô Thái Thanh,Ngô Văn Thức và quý phu nhân

Đời thú 9: cung thỉnh quý ngài Ngô Văn Đạt và quý phu nhân

Đời thú 10: cung thỉnh quý ngài Ngô Văn Lộc và quý phu nhân

Đời thú 11: cung thỉnh quý ngài Ngô văn Hiệp (Hướng) và quý phu nhân

Đời thú 12: Cung thỉnh ngài Ngô văn Tuế,Ngài Ngô văn An,Ngài Ngô Văn Mãng cà quý phú nhân

Đời thú 13: Cung thỉnh quý ngài Ngô văn Trường (Nguyệt), Ngô văn Cửu, Ngô văn Niêng, Ngô văn Thiêng, Ngô văn văn Phú, Ngô văn Hà và quý phu nhân.

Đời thứ 14 trở đi : Cung thỉnh chư liệt vị Tiên linh, quý con cháu và quý phú nhân

Chúng con kính xin đức Thủy Tổ,xin chư liệt vị Tiên linh về đây chứng giám và nhận cho chúng con mọi lễ vật cúng tiến .

Kính lạy Đức Thủy Tổ ,kính lạy chư vị Tiên linh :

Con người ta,trăm họ đều có Tổ, có Tông

Nước đều có nguồn, có ngọn

Muôn lá ngành cành đều sinh ra từ gốc

Trăm suối ngàn sông đều khởi tự sơn khê

Chính vì vậy mà hôm nay chúng con đại diện cho các Phái, Chi,Nhánh tề tựu về đây tổ chức buổi lễ trọng thể nầy để tưởng nhớ công đức của Người và chư liệt vị Tiên linh .

Kính lạy Đức Thủy Tổ ,kính lạy chư vị Tiên linh:

Nhớ lại thuở xưa, vâng theo chiếu chỉ của vua ban, đức Thủy Tổ và chư vị Tổ Tiên của chúng ta từ Bột Hải trấn Nghệ An đã gióng trống phất cờ mở đất phương Nam, chống giặc,lập làng, giữ yên bờ cỏi, Những địa danh còn in đậm chiến công Người : Thần Phù (Hòa Duân),Thuận Hóa ,Thiên Quan (Cửa Việt) Quảng Trị;Đường Nang, Gio Lễ,Gio Linh,Yên Mô,Yên Khang,Tây Đô,Phấn Thượng ,Thăng Long,Nhân Mục, Cầu Dền,Cầu Moc,Sông Hát …

Vừa chiến đấu ,vừa bảo vệ dòng Tộc, Người đã chọn đất lành Phấn Võ bên bờ sông Thiên Lộc (Nay là Vân Dương bên dòng sông Như Ý) khai hoang,phục hóa, lập Họ, lập Làng,lập kế mưu sinh truyền đời cho con cháu.Nhờ ơn đức của Người, của liệt tổ liệt tông phù hộ độ trì nên mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử chiến tranh con cháu tộc họ Ngô chúng ta vẫn sinh sôi nãy nở,phát triển ngày càng đông đúc, nay đã có ba phái mười chi .

Do biến thiên của lịch sử một bộ phận con cháu đi làm ăn xa : ở Đà Lạt,Sài gòn, Đồng Nai,Sông Bé,Đắc lắc,Buôn- mê- thuộc, Khánh Hòa ,Đà Nẵng ,Nghệ An, hoặc ở gần đây như Hương Xuân, Cổ Bi,Trường an,Thuân Hòa và một số nơi khác; cũng có nhiều gia đình ra nước ngoài sinh sống. Có nơi đã hình thành Phái,Chi,Nhánh ở xứ người .Đó cũng là quy luật sinh tồn của cuộc sống. Như Tổ tiên đã dạy”Khai tiền nhủ hậu minh chiếu mục.Hiệp đỉnh đồng tôn vạn cổ kim”.Có nghĩa là Từ ngàn xưa đến mai sau họ Ngô dù có nhiều phái ,chi, nhánh cũng là cây một gốc,là con một nhà .

Hiện nay, tại quê hương bản quán có 2 phái,6 chi đang chung sức,chung lòng phụng sự quê hương tiên tổ ,xây dựng dòng tộc trên thuận dưới hòa,văn minh ,ấm no hạnh phúc .Mong thực hiện :” công đức tổ tiên,ngàn năm hiển; Hiền hiếu con cháu vạn đời vinh” .

Vi vậy chúng con cầu xin Đức Thủy tổ,chư vị liệt tổ,liệt tông lưu ân,lưu phúc phù hộ độ trì cho con cháu toàn Họ, cho các môn hộ sinh sống làm ăn định cư ở mọi miền Tổ quốc hoặc ở nước ngoài : ai cũng có cơm ăn,áo mặc ,có nhà cửa kiên cố,tân tiến; có phương tiện đi lại,nghe nhìn hiên đại ; người già sống không lo âu,không bệnh tật; người đến tuổi trưởng thành ai cũng có công ăn việc làm hửu ích cho gia đình và xã hội ;trai lớn lấy vợ,gái khôn gã chồng; các cháu nhỏ ai cũng được học hành ,tiến bộ, thành con ngoan,trò giỏi ; mọi người mọi nhà ai cũng được sống vui ,sống khỏe, sống hạnh phúc . Các phái, chi, nhánh sống đoàn kết trên thuận,dưới hòa,trong ấm, ngoài êm ,trường tồn,phát triển .

Kính thưa Đức Thủy Tổ, kính thưa chư vị Tiên linh ,

Nhân ngày Lễ trọng đại nầy ,các phái, chi, nhánh chúng con đang có tâm nguyện xây dựng sữa chữa lại từ đường Ngô tộc cao ráo, khang trang hơn. Kính mong đức Thủy Tổ, chư vị Tiên linh đồng thuận, phù hộ cho con cháu trùng tu xây dựng công trình được thuận lợi,đảm bảo nơi thờ cúng Tổ Tiên được tôn nghiêm,trang trọng hơn .

Cầu xin Đức Thủy Tổ,xin chư vị Tiên linh phù hộ cho tộc họ Ngô Vân Dương được Phú ,quý,thọ khang, ninh; ngũ phúc du đồng ,phúc lộc thọ quần mông hửu mỷ .

Kính cáo, Kính cáo, Kính kính cáo!

Đối chiếu với “Lịch sử họ Ngô Trảo Nha” của cụ Ngô Đức Thắng soạn năm 1994, tái bản năm 2008 và “ Phả hệ họ Ngô Việt Nam” do cụ Ngô Vui soạn năm 2008, tái bản năm 2011, chúng tôi xin trao đổi một vài điều để cùng nhau tìm ra gốc tích của Tổ tiên.

1.Theo cuốn gia phả xưa nhất hiện nay chúng tôi đang có là cuốn “Tân tập Hoan Châu Ngô thị truyền gia tập lục” do Khiêm Quận công Ngô Phúc Lâm biên soạn năm 1746 thì Ngô Cảnh Hữu ( 1520-1596) tướcThái Bảo,Thế Quận Công, còn có tên là Ngô Phúc Trừng (vì kỵ huý Vua Lê Lê Duy Hữu ) tự Minh Trứ, thuỵ Đôn Hậu Phủ quân.

Ngài là con trai Vĩnh Lộc Hầu Ngô Phúc Thanh, dòng Ngô Nước Trảo Nha, nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Khi họ Mạc cướp ngôi nhà Lê, Ngài còn nhỏ tuổi.Lớn lên vùng quê nhiều trộm cướp, Ngài tập hợp gia thuộc chiếm cứ huyện nhà (huyện Thiên Lộc trấn Nghệ An) người theo ngày một đông. Ngài đem quân vào núi thiết lập doanh trại luyện quân, bố trí giữ vững cả một vùng từ bờ nam sông Lam trở vào chờ đợi thời cơ. Lại chiêu tập những người lang bạt mở nhiều trại khẩn hoang trồng lương thực nuôi quân, như trại Năng, trại Cụ, trại Đoan miền duyên sơn Thạch Hà – huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh)

Năm Bính Ngọ 1546, được tin Vua Lê đặt hành dinh ở Vạn Lại (Thọ Xuân), Lượng quốc Công Trịnh Kiểm nắm giữ binh quyền,ngài dẫn quân ra bái yết xin theo đánh Mạc, đem theo 2000 quân, 20 ngựa, bộ tướng hơn 10 người.
Trọn cuộc đời 46 năm ngài gắn liền với cuộc nội chiến Lê – Mạc, trải qua bốn đời vua (Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông, Lê Thế Tông) Ngô Cảnh Hữu tỏ ra là một dũng tướng có tài thao lược, đánh Đông dẹp Bắc lập nên nhiều chiến công oanh liệt.

Năm 1555, Mạc Kính Điển đem quân vào đánh Thanh Hóa, Ngô Cảnh Hựu theo Trịnh Kiểm phục quân đánh bại quân Mạc bắt được tướng tiên phong là Quân Thọ,quân Mạc phải rút về bắc.Năm 1556 nhà Mạc tập trung lực lượng mạnh ở Sơn Nam,Ngô Cảnh Hựu được lệnh dẫn hai vạn quân án ngữ cửa Thần Phù,một tháng sau chuyển quân đến Thiên quan, lập 30 đồn, đắp luỹ chống giặc. Đang ở quân thứ được chỉ vua phong: Chinh Tây Đại tướng quân Thế Quận công (lúc mới 37 tuổi).

Năm Tân Tỵ 1581,Mạc Đôn Nhượng tập trung lực lượng mạnh chia làm nhiều đạo tiến công Thanh Hóa,đạo đi đường biển đổ bộ lên Quảng Xương.Ngài cùng Hoàng Đình Ái được lệnh hợp đồng phá giặc.Điều tra biết chắc quân Mạc tập kết ở núi Đường Nang,hai ông chia quân làm hai cánh tập kích vào doanh trại địch, toàn bộ cánh quân Mạc bị đánh tan,quân Mạc phải rút về bắc. Sau trận này Ngô Cảnh Hựu được thăng Bắc quân Đô đốc phủ Hữu Đô đốc

Năm 1584, Trịnh Tùng đánh Sơn Nam,ngài đốc 2 vạn quân đi đoạn hậu.Sau khi đánh chiếm xong các huyện Yên Mô, Yên Khang, Gia Viễn,Trịnh Tùng hạ lệnh rút quân theo đường Thiên Quan Phụng Hoá,ngài biết thế nhưng lại rút quân theo đường cũ (đường tiến quân Tam Điệp), trái quân lệnh bị giáng hai cấp.
Năm 1587, đại quân hành quân về phía tây,quân chia làm 5 đạo,ngài cùng Lân Quận công Hà Thọ Lộc đi đạo thứ 5 bảo vệ lương thảo (Theo đường Nho Quan -Xích Thổ - Chi Nê- Chợ Bến ngày nay).Quân Mạc điều quân mai phục của Nguyễn Quyển tiến công vào đội hình hành quân để cướp lương,ông đốc quân chống trả đánh tan quân phục của Nguyển Quyển,bảo vệ toàn vẹn lương thảo.Cuộc hành quân thắng lợi,quân Nam đạo của Nguyễn Quyển đại bại,từ đó sợ quân Trịnh thường né tránh ít dám đối đầu.

Tháng 11 năm 1589, Trịnh Tùng lại đánh Yên Khang, Gia Viễn. Nhà Mạc quyết định mở cuộc phản công lớn, huy động quân cả 4 trấn,cử Mạc Đôn Nhượng làm Thồng lĩnh,tấn công vào chính diện quân Trịnh Tùng.Trịnh Tùng bố trí phục binh ở Tam Điệp, cử Ngô Cảnh Hựu đốc 2 vạn quân thu thập lương thảo khí giới bỏ doanh trại lùi dần,nhử cho quân Mạc đuổi theo.Thấy quân Trịnh rút lui,Mạc Đôn Nhượng hạ lênh truy kích,đốt phá hết doanh trại ,tiến sâu vào hiểm địa,lúc đó quân phục bốn bề đổ ra xung sát, quân Mạc biết là trúng kế,vừa chống đỡ vừa lui quân, chết hơn ngàn người, bị bắt làm tù binh 600 người.Sau trận này quân Mạc yếu hẳn.

Năm 1591, Trịnh Tùng hội các tướng bàn và quyết định tháng 12 ra quân đánh Thăng Long.

Hành quân chia làm 5 Đạo.Thế Quận công đi đạo thứ 5 bảo vệ lương thảo, xuất phát từ Tây Đô qua cửa Kim Sơn, cửa Thiên Quan, leo đèo lội suối xuyên rừng sau mười ngày đến Mã Yên Sơn, chưa kịp chỉnh đốn doanh trại, lại được lệnh di chuyển đến Hoa Mộng Sơn thuộc Thanh Châu (nay là huyện Tùng Thiện tỉnh Hà Tây).Trên đường chuyển quân, quân Mạc tung kỳ binh đánh tạt sườn hòng chia cắt hậu quân ta để cướp lương, lại phóng hoả đốt khu rừng phía trước chặn đường tiến quân. Ngài đốc quân đánh tan kỳ binh địch,lại dập tắt được lửa,đưa lương thảo an toàn đến Hoa Mộng Sơn. Đại quân đánh chiếm được các huyện Yên Phong, Phúc Lộc, Tân Phong, Thạch Thất thuộc trấn Sơn Tây

Đầu xuân năm sau, ngày mồng 3 tháng giêng âm lịch (dương lịch 1592),Trịnh Tùng lập đàn tế cáo trời đất, ngày mồng 5 tiến quân đến làng Nhân Mục, đánh quân Mạc ở ô Cầu Dền. Mạc Mậu Hợp bố trí các tướng ở lại giữ thành, tự mình ra chỉ huy thuỷ quân trên sông Hồng.

Ngày mồng 6, Trịnh Tùng hạ lệnh nhất tề công thành, Ngô Cảnh Hựu chỉ huy tấn công mũi Cầu Mọc. Ngài dùng kế hỏa công đánh tan đội quân thủy chiến của Mạc Ngọc Luyện lập công to thu nhiều khí giới, được Chúa Trịnh Tùng khen ngợi.
Năm sau (1593) Trịnh Tùng cùng bách quan rước Vua Lê về Thăng Long, luận công khen thưởng, chọn được 11 người Nguyên công (công đầu) Ngài đứng hàng thứ 6, phong tước Thiếu Bảo.

Ông xin về trí sĩ năm 1594. Mất ngày 25 tháng 5 Năm Bính Thân (1596) ,mộ táng ở thôn Chi Lễ xã Thái Hà, nay là xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Ngày sau dưới triều Lê Dụ Tông, năm Nhâm Dần 1722, niên hiệu Bảo Thái thời Chúa Trịnh Cương, triều đình lục xét lại các Trung hưng Công thần, chọn thêm được 13 người cộng lại thành 24 người, đều được phong tặng "Lũy đại Công thần, Dữ quốc đồng hưu". ngài được xếp vào trong số 24 Nguyên công.

Ngài có ba bà vợ: Từ Quang, Diệu Hằng và Trịnh Thị Diệu Minh, sinh được 7 người con:

- Ngô Phúc Tịnh, - Tứ Quận công, chi trưởng ở Trảo Nha ( thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh)

- Ngô Phúc Hoành Hoành phố Hầu họ Chỉ Châu, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà , tỉnh Hà Tĩnh

- Khang trạch Hầu ( không rõ tên húy) họ Cổ Bái, Thạch ngọc. Thạch Hà , Hà Tĩnh

- Câu kê Hầu ( không rõ tên húy ) họ Thạch Mỹ, Thạch Hà , Hà Tĩnh

- Ngô Đăng Khản ( Ngô Phúc Ngôn) họ Hà Linh, huyện Hương Khê , Hà Tĩnh

- Ngô Thuận Tâm đổi họ Trần Vỵ Xuyên, huyện Mỹ Lộc, TP Nam Định

- Ngô Thị Ngọc Nguyên, thứ phi Chúa Trịnh Tùng

Như vậy vị Tổ đến làng Vân Dương khai canh lập ấp chỉ có thể là cháu chắt của Ngài Ngô Cảnh Hữu. Theo phong tục Việt nam con cháu di cư đến nơi ở mới thường lập bàn thờ cha ông tổ tiên mình để con cháu đời sau khỏi quên nguồn cội, Thọ Mai gia lễ quy định “ Ngũ đại mai Thần chủ” nên người chủ sự chỉ thờ 4 đời ( Cao, Tằng, Tổ, Khảo – tức Can ( Kỵ), cố, ông và cha. Trong trường hợp này có thể là cháu thờ ông hoặc chắt thờ cố....

2. Theo “Lịch sử họ Ngô Việt Nam” do Ngô Đức Thắng , biên soạn năm 1994,(trang 222) thì Khang Trạch Hầu, thụy Mai Trai con thứ Ngô Cảnh Hữu sinh Vân Lộc Hầu và Ngô Phúc Đường.

Vân Lộc hầu đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, cẩm y vệ đô chỉ huy sứ ty, sinh hai con trai là Tín Vũ Hầu và Vinh Thái Hầu.

Tín Vũ Hầu sinh ra 3 chi họ ở Cổ Bái, Tự Cường thuộc xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Vinh Thái Hầu Ngô Phúc Khê, thất truyền

Cũng theo “ Lịch sử họ Ngô Việt Nam”: Vào những năm 1570 – 1576 quân nhà Mạc nhiều lần vào cướp phá trấn Nghệ An, có lần chiếm đóng từ bờ nam sông Lam đến tận đèo Ngang có khi vài ba tháng, con cháu Ngô Cảnh Hữu loạn lạc khắp nơi... sau khi tình hình ổn định có người trở về quê cũ, có người không trở về nữa...

Như vậy phải chăng người đến khai canh lập ấp ở làng Vân Dương là Vĩnh Thái Hầu Ngô Phúc Khê ?

3. Theo “Lịch sử họ Ngô Việt Nam” do Ngô Đức Thắng biên soạn năm 1994 (trang 267) chép:

“Họ Ngô Văn làng Vân Dương, Xã Thủy Lâm, phường Xuân Phú, Hương Thủy, TP Huế

Thủy Tổ Ngô Văn Xa, đến nay là 23 đời, con cháu lên đến 3.200 người. Ông khai canh vùng đất này, xưa có địa danh " làng Võ Phấn " ( thời Nguyễn Hoàng vào khai phá ). Được phong Dực bảo Trung hưng Tôn thần.

Đời thứ 6 có ông Ngô Văn Tuế làm đến chức tương đương Tể Tướng đầu triều (chưa rõ triều Chúa Nguyễn nào ?)

Đời thứ 10 có Ngô Văn Huy làm tướng. Về sau có các vị Đội trưởng, Ngự y, Thông lại, Thơ lại ....Ngày nay Đại học,kỹ sư có nhiều. Nói chung qua các thế hệ đều giàu có.

Cả họ hiện nay có 2 chi 8 phái, 32 nhánh.

Trưởng chi nhất là Ngô Tây, truởng chi nhì là Ngô Sâm.”

Tổng hợp 3 luận giải trên hé lộ cho ta thấy người đến khai canh lập ấp đầu tiên ở Vân Dương có thể là Vinh thái Hầu Ngô Phúc Khê (hay Ngô Văn Xa) không biết có đúng không ? Vấn đề này cần phải được nghiên cứu, trao đổi để làm sáng tỏ.

Việc “vấn Tổ tìm Tông” ngày nay đã trở thành một nhu cầu Tâm linh của mỗi con người, mong mọi người, đặc biệt là các bậc cao niên trong Hội đồng họ Ngô Việt Nam tiếp tục cung cấp nhiều tài liệu để cùng trao đổi.

(Xin nói thêm một điều là so sánh bản văn cúng của họ Ngô Vân Dương do ông Ngô Lương Viễn cung cấp và “Lịch sử họ Ngô Việt Nam” của Ngô Đức Thắng thì có sự sai lạc giữa Vân Lộc Hầu và Văn Lộc Hầu, Tín Vũ Hầu và Tín Lộc Hầu, Vĩnh Thái Hầu và Vinh Thái Hầu... theo chúng tôi đây có thể là sai sót trong quá trình sao chép (Tam sao thất bản) nên không có gì phải bàn.)