Khuông Việt Ngô Chân Lưu: vị Quốc sư 2 triều Đinh – Lê

Thứ hai - 21/03/2016 16:15

Cuối thế kỷ thứ X đầu thế kỷ XI, Khuông Việt Ngô Chân Lưu nổi bật lên như một nhà tri thức lớn, một nhà văn hóa tài năng của đất nước. Ông tinh thông tam giáo Nho, Phật, Lão, đã phục vụ đầy hiệu quả công cuộc bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc ở cả hai triều đại: Đinh và Tiền Lê.

 

(Nhân dịp kỷ niệm 1005 năm ngày mất Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (22/3/1011 – 22/3/2016), ngotoc.vn xin tổng hợp giới thiệu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của vị Quốc sư đức độ tài năng trong lịch sử đất nước).

Khuông Việt Ngô Chân Lưu người hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội(1). Sư tu chùa Phật Đà, Thường Lạc (nay là chùa Đại Bi trên núi Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội). Thiền sư Ngô Chân Lưu thuộc thế hệ thứ 4 dòng Vô Ngôn Thông(2), năm 971 được ban hiệu Khuông Việt Đại sư (vị Đại sư khuông phò sự nghiệp chấn hưng nước Việt), là vị thiền sư được phong Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Chùa Đại Bi trong quần thể di tích lịch sử Đền Gióng, được cho là nơi đầu tiên Đại sư Ngô Chân Lưu lập am, dựng chùa (Ảnh: hanhtrinhtamlinh.com)

Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Thiền sư Ngô Chân Lưu tên huý  là Xương Tỷ, anh trai Thái tử - Sứ quân Ngô Xương Xý, con Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, đích tôn của Ngô Vương Quyền. Sách Thiền Uyển tập anh chép ông thuộc dòng dõi Ngô Thuận Đế(3). Ông sinh năm Quý Tỵ (933), mất năm Tân Hợi (1011).

Năm 939, sau chiến thắng lịch sử đánh tan mấy chục vạn quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ của dân tộc, chấm dứt thời kỳ đen tối hơn một thiên niên kỷ Bắc thuộc. Sau 6 năm trị vì, năm 944 Ngô Quyền qua đời. Trước khi mất, ông ủy thác con trai mình là Ngô Xương Ngập cho em vợ là Dương Tam Kha. Lẽ ra Tam Kha phải hết lòng phò giúp cháu xây dựng triều đình, cai quản đất nước, thế nhưng lợi dụng lúc Ngô Xương Ngập chưa đủ sức nắm triều chính, Dương Tam Kha đã chiếm ngôi của cháu. Xương Ngập phải bỏ trốn chạy về làng Trà Hương, Nam Sách (Hải Dương), nương nhờ nhà Phạm Lệnh Công, một hào trưởng đồng thời trước là một tướng tâm phúc của Ngô Vương Quyền. Dương Tam Kha chiếm ngôi, tự xưng Bình Vương, ba lần ráo riết cho quân đi lùng bắt Xương Ngập nhưng ông được Phạm Lệnh Công hết sức bảo vệ nên không bị bắt.

Có lẽ trong cảnh gia đình gặp tai họa đó, người cha không biết sống chết lúc nào, cậu bé Ngô Xương Tỷ mới hơn mười tuổi không nơi nương tựa đã cải tên, tìm đến cửa thiền đề thoát nạn.

Theo Thiền Uyển Tập Anh và Đại Việt Sử ký Toàn Thư thì Khuông Việt có tướng mạo khôi ngô, tính tình phóng khoáng. Lúc nhỏ theo học Nho, lớn lên quy y Phật. Sư cùng bạn học trụ trì đến học Thiền sư Vân Phong chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc, Hà Nội), thọ giới Cụ túc(4) .Từ đó, Sư đọc khắp sách Phật, tìm hiểu yếu chỉ của Thiền.

Sách cổ chép rằng, một lần Ngô Chân Lưu đi chơi núi Vệ Linh, ở quận Bình Lỗ (nay thuộc xã Phù Linh huyện Sóc Sơn), thấy phong cảnh nơi đây thanh bình, tĩnh lặng thích hợp cho việc tu hành nên ông nảy ra ý định lập am để ở.
Ngay đêm hôm đó, Ngô Chân Lưu nằm mộng thấy một vị thần, mình mặc áo giáp vàng, tay trái cầm thương vàng, tay phải đỡ bảo tháp, hơn mười người theo hầu, tướng mạo rất dễ sợ, bước đến gần nói rằng: “Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, những người theo ta là Dạ xoa. Thiên đế có chỉ lệnh sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết”. Ngô Chân Lưu giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng huyên náo lòng rất lấy làm lạ. Sáng hôm sau, Ngô Chân Lưu vào núi, thấy một cây to, cao khoảng mười trượng, cành lá sum suê, bên trên lại có mây xanh bao phủ trong lòng mừng thầm mới sai thợ đến chặt, đem về, khắc tượng như đã thấy trong mộng rồi lập am để thờ(5).

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, định đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Trong lúc kỷ cương chưa vững, trật tự chưa ổn định, Bộ Lĩnh đã dùng hình phạt ghê gớm để uy hiếp kẻ chống đối như đặt vạc dầu trước sân điện, nuôi cọp trong chuồng, kẻ phạm tội bị bắt bỏ vạc dầu đun sôi, hoặc cho cọp ăn thịt…Nhưng thực tế các hình phạt hà khắc đó không thu được kết quả.

Trong bối cảnh xã hội nước ta lúc bấy giờ, Nho học tuy đã có được truyền bá ít nhiều nhưng chưa được phổ cập, chưa thịnh hành, hệ thống đạo Giáo thì nặng về tính thần bí, cho nên Đinh Bộ Lĩnh đã dựa vào đạo Phật, thành phần xã hội có uy tín nhất khi đó để duy trì kỷ cương trật tự. Thời kỳ đó, các nhà sư là những người có học, họ thuộc tầng lớp trí thức, đồng thời sống gần gũi với nhân dân lao động, họ có ý thức về quốc gia dân tộc. Đinh Bộ Lĩnh đã lấy Phật giáo làm Quốc giáo, định phẩm cấp cho đội ngũ Tăng nhân, giao cho họ lãnh đạo Phật giáo trong toàn quốc. Các vua nhà Đinh, Tiền Lê và  nhà Lý sau này đã sử dụng Phật giáo như một công cụ tinh thần để đoàn kết dân tộc, chống lại tư tưởng của kẻ ngoại xâm.

Khi thiền sư Ngô Chân Lưu chưa đến tuổi 40 danh tiếng của ông đã vang khắp nước, tới tận triều đình. Năm 969, vua Đinh Tiên Hoàng cho mời thiền sư Ngô Chân Lưu tới gặp. Sau cuộc nói chuyện, thấy Sư kiến thức uyên thâm, lại trả lời khúc chiết, lời lẽ thuyết phục, nhà Vua đã quyết định phong cho Thiền sư chức Tăng thống. Đây là chức vụ dành cho người đứng đầu hàng Tăng quan trong cả nước. Ngô Chân Lưu trở thành vị thiền sư giữ chức Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng phong cho thiền sư Ngô Chân Lưu pháp hiệu Khuông Việt Đại sư(6), được tham dự triều chính như một vị Tể tướng. Khuông Việt phò giúp, hướng dẫn Đinh Bộ Lĩnh, Nam Việt Vương Đinh Liễn và triều đình hướng theo Phật giáo, lấy đức trị dân, đoàn kết dân tộc chống lại sự xâm lược của ngoại bang, từng bước xây dựng chế độ chính trị - xã hội cho buổi đầu nền tự chủ mới giành được của đất nước. Khuông Việt giữ vị trí này trong suốt cả thời nhà Đinh và thời nhà Tiền Lê.

 Năm 980, sau khi Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn còn nhỏ tuổi, họa ngoại xâm đang đến gần, đất nước cần một vị minh quân để chèo lái con thuyền trước cơn giông bão, Khuông Việt đã cùng với Pháp Thuận, Phạm Cự Lượng và một số trung thần khác phò giúp Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, kịp thời lãnh đạo đất nước đương đầu với họa xâm lăng. Dưới thời Tiền Lê, với tài đức của mình, Khuông Việt càng được kính trọng và tin cẩn, mọi việc quốc gia đại sự Đại sư đều được tham dự, bàn luận với vai trò như một cố vấn chính trị của triều đình.

Năm 981, khi quân Tống sang xâm lược, theo chỉ lệnh của Lê Đại Hành, Đại sư Khuông Việt đã cho lập đàn cầu đảo ở chùa Vệ Linh (chùa Đại Bi trên núi Vệ Linh ở Sóc Sơn, Hà Nôi ngày nay), cầu thần Tỳ Sa Môn giúp sức đánh tan quân xâm lược. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trong bối cảnh khi mà con người còn đặt lòng tin rất cao vào thần linh và các đấng siêu nhiên, thì đây là một liệu pháp tinh thần hữu hiệu, nhằm động viên sĩ khí quân dân, làm cho quân sỹ và dân chúng vững tin, cùng hiệp sức đồng lòng, muôn người như một, quyết tâm phá giặc. Kết quả quân Tống đã bị đánh bại ở Bạch Đằng và thành Bình Lỗ. Hình thức này không chỉ được dùng lúc đó mà còn thường được dùng ở các triều đại sau này.

Quang cảnh núi Vệ Linh (Sóc Sơn). Ảnh: hanhtrinhtamlinh.com

Năm 987, người đứng đầu phái bộ của nhà Tống là Lý Giác tới Việt Nam mang sắc phong cho vua Lê Đại Hành làm An Nam đô hộ Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ. Lê Hoàn đã nhờ Pháp Thuận và Khuông Việt cùng đứng ra đón tiếp. Pháp Thuận đã đón Lý Giác từ chùa Sông Sách, nay thuộc tỉnh Hải Dương, để đưa về Kinh đô Hoa Lư. Đến Hoa Lư, Khuông Việt đã đứng ra tiếp. Trước khi Lý Giác ra về, vua Lê Đại Hành đã sai Khuông Việt viết một khúc nhạc để tiễn đưa phái bộ. Đại sư Khuông Việt đã viết bài từ “Vương Lang Quy” nổi tiếng. Đây là một loại từ khúc dùng như lời của một bản nhạc, được hát với việc sử dụng các nhạc khí để tấu kèm theo. Lời dịch bài Từ như sau:

Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương

Ngóng vị thần tiên lại đế hương

Non nước nghìn trùng vượt đại dương

Trời xanh bao dặm trường!

Tình thắm thiết

Chén đưa đường

Vin xe sứ giả vấn vương

Dám xin tâu rõ cùng thánh thượng

Lưu ý chốn biên cương

Theo các nhà nghiên cứu thì đây là bài thơ viết theo thể Từ khúc đầu tiên trong văn học trung đại Việt Nam và là một trong vài tác phẩm sớm nhất, có vị trí mở đầu và vai trò dẫn đường cho văn học viết Việt Nam sau ngày nước nhà giành lại độc lập. Đồng thời, bài Từ khúc cũng là một  tác phẩm văn học đặt dấu mốc trong lĩnh vực Phật giáo hoà đồng cùng dân tộc, nhập thế hành đạo, tham gia chính trị, mang tinh thần hộ quốc an dân trong thời đại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. 

Việc Khuông Việt Đại sư cùng với thiền sư Đỗ Pháp Thuận đại diện triều đình, giúp Vua tiếp phái đoàn sứ thần nhà Tống do Lý Giác dẫn đầu sang nước ta, với thái độ mềm mỏng và khéo léo, ông đã giúp cho công cuộc bang giao Việt – Tống diễn ra tốt đẹp, đem lại quan hệ hữu nghị, hoà hiếu sau gần 7 năm chiến tranh giữa hai nước. Đây cũng là tiền đề cho việc giữ gìn biên cương nước Việt được bình ổn trong suốt những năm cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI.

Đối với Phật giáo, Khuông Việt đã có công lớn trong sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, gắn kết Phật giáo với dân tộc, tạo nên một Phật giáo Đại Việt nhập thế; cùng các vị cao tăng khai sáng việc lập am, đúc tượng, dựng chùa, làm cơ sở vững chắc cho Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ vào triều Lý sau này.

Đến cuối đời Khuông Việt Đại sư cáo quan về dựng chùa, mở trường dạy học ở quê nhà. Tại đây, học trò tìm tới học rất đông. Dù vậy, Khuông Việt vẫn không quên chùa Khai Quốc, ngôi chùa lịch sử mà tại đó Đại sư đã được thầy mình truyền dạy kiến thức cho. Sư cũng thường lui tới giảng dạy tại chùa này. Qua sử sách chúng ta biết được tên tuổi một người xứng đáng tiếp bước theo dấu chân của thầy mình, đó là thiền sư Đa Bảo, một trong những người có ảnh hưởng lớn đến việc lên ngôi của Lý Công Uẩn sau này.

Ngày 15 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (tức 22 tháng 3 năm 1011) khi sắp cáo tịch, Đại sư dạy thiền sư Đa Bảo, kệ rằng:

Trong cây vốn có lửa

Có lửa, lửa mới bừng

Nếu bảo cây không lửa

Cọ xát do đâu bùng.

Nói xong kệ, Sư ngồi kiết già mà mất, thọ 79 tuổi.

Hơn 30 năm phục vụ trong các chính thể của nhà Đinh và nhà Tiền Lê, Khuông Việt Đại sư đã thể hiện được tài năng nhiều mặt của mình, không chỉ trong đạo pháp mà cả trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, ngoại giao. Với kiến thức uyên thâm, tầm nhìn xa rộng, bằng uy tín và đức độ, vị Quốc sư đã giúp triều đình đưa nước Đại Việt ngày một chấn hưng, đời sống nhân dân ngày càng thịnh vượng.

Tri ân Khuông Việt Đại sư, ngày nay nhiều địa phương và tổ chức tôn giáo đã lấy pháp danh của Đại sư đặt tên cho đường phố, trường học, học viện… Theo một số tài liệu, không chỉ trong nước mà ở cả nước ngoài như Pháp và Na Uy cũng có những ngôi chùa mang danh Khuông Việt.
 

Ghi chú:

(1) Về quê gốc của Khuông Việt Ngô Chân Lưu, hiện còn những quan điểm nhận định khác nhau.

Sách Thiền uyển Tập anh cho biết: Ngô Chân Lưu người hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, về già dựng chùa ở núi Du Hý quận nhà rồi tu ở đây.         

- Căn cứ sách “Thái bình Hoàn vũ ký” của Nhạc Sử đời Tống nói huyện Thường Lạc sau đổi là huyện An Thuận, ở về đụng nam châu Ái, học giả Đào Duy Anh trong “Đất nước Việt Nam qua các đời”,  cho rằng Thường Lạc thuộc khoảng huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá ngày nay. Thơ văn Lý – Trần và một số tài liệu khác cũng theo thuyết này.

- Một số tài liệu cho rằng, địa danh hương Cát Lợi đến đầu nhà Lê Sơ do kỵ húy danh xưng Lê Lợi nên đổi thành Cát Lỵ. Tuy nhiên, TS Phạm Văn Đấu trong bài “Khuông Việt Đại sư và Phật giáo ở châu thổ sông Mã”, cho biết: Trong công trình nghiên cứu về tên làng xã ở Thanh Hóa của Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hóa và qua khảo sát thực địa thì khu vực huyện Tĩnh Gia không có hương Cát Lỵ hoặc kẻ/ cổ/ làng xã nào có tên gọi như vậy, chỉ có một làng mang tên Cát Lễ ở cận kề núi Nưa. Người ta nghi vấn liệu có phải làng Cát Lễ là hương Cát Lỵ/ Cát Lợi xưa và núi Nưa là núi Du Hí không. Tuy nhiên cũng theo tác giả thì trên núi Nưa hiện nay cũng chưa phát hiện được ngôi chùa nào có niên đại sớm từ thời Lý trở về trước.

- Trong cuốn Danh nhân Thanh Hóa, tác giả bài viết về Khuông Việt đại sư cho rằng “Có thể về già Ngô Chân Lưu trở về quê gốc, dựng nên chùa Thông để tu hành”. Được biết chùa Thông còn gọi là chùa Du Anh ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc nhưng theo kết quả nghiên cứu thì chùa này có niên đại sớm nhất chỉ là thời Trần. Mặt khác việc đặt mối liên quan giữa cái tên chùa Du Anh và núi Du Hí như thế cũng có phần khiên cưỡng, không có mấy cơ sở.

- Một số ý kiến lập luận cho rằng: Nếu Ngô Chân Lưu là cháu đích tôn vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền thì quê gốc phải là đất Đường Lâm ( nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội ngày nay) mới hợp lẽ.

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Công Lý đưa ra một ý kiến cũng rất đáng lưu tâm. Ông cho rằng: chắc chắn địa danh hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc chỉ là nơi sư Khuông Việt về tu hành rồi viên tịch. Còn quê gốc (nguyên quán) của thiền sư phải là châu Đường Lâm, nơi phát tích dòng họ Ngô, mà theo tư liệu hiện có thì Ngô Mân, rồi Ngô Quyền là những nhân vật lịch sử tỏa sáng đầu tiên của dòng họ này. Và châu Đường Lâm này có lẽ thuộc Thanh Hoá như cụ Đào Duy Anh đã nêu, chứ không phải là xã Đường Lâm ở Sơn Tây, như lâu nay nhiều người đã nói.

- Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu trong bài  “Đi tìm địa chỉ Ngô Chân Lưu” đăng trên Tạp chí Hán Nôm, số 1 (26) 1996), căn cứ vào một số nội dung trong Toàn Thư và Thiền uyển Tập anh, qua nghiên cứu các tài liệu liên quan lưu trữ tại Viện Hán Nôm và kết quả khảo sát 2 tấm bia cổ vinh danh các danh nhân của địa phương ở chùa Thụy Hương, Sóc Sơn, Hà Nội, cho rằng: hương Cát Lợi huyện Thường Lạc sau là thôn Đoài, xã Gia hạ, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà, nay là thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Tam quan chùa Thụy Hương - xã Phú Cường - Sóc Sơn - Hà Nội

Tháng 10/ 2015 Hội đồng Ngô tộc VN đã tổ chức chuyến đi khảo sát tới chùa Thụy Hương và chùa Non Nước, những nơi được cho là có dấu tích của Khuông Việt Ngô Chân Lưu. Chùa Thụy Hương có tên Nôm là chùa Cửa Rừng, tên chữ là Linh Quang tự, thuộc thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là ngôi chùa cổ, không biết xây dựng từ khi nào, qua mấy lần trùng tu, nay chùa đã xuống cấp nghiêm trọng. Địa phương mới có dự án trùng tu, hiện đã sửa chữa, nâng cấp xong cổng Tam quan và nhà thờ Tổ, còn chùa chính vẫn chưa được tháo dỡ. Trong chùa đặt 5 tấm bia, trong đó 4 tấm là bia hậu, một tấm bia cổ có tên là “Tư văn bi ký”, được lập vào năm Chính Hoà thứ 12 (1691). Tường ngoài hiên chùa có gắn một tấm bia khác với tên “Bản thôn tạo thạch bi ký”. Mặc dù chữ trên bia đã bị năm tháng bào mòn rất khó đọc, nhưng chúng tôi tin chắc rằng đây là những bia đá mà nhà nghiên cứu Hoàng Văn Lâu đề cập.

Bia cổ chùa Thụy Hương

 

Chùa Non Nước (Sóc Thiên vương tự)

Theo nội dung ghi trên bảng dựng trước chùa thì Chùa Non nước được dựng lại vào đầu triều Lý. Trải qua năm tháng bể dâu, chiến tranh tàn phá, chùa đã bị đổ nát hoàn toàn. Năm 2000 doanh nhân Vũ Văn Tiền người Tiền Hải, Thái Bình đã cùng doanh nghiệp phát tâm hưng công phục dựng, sau đó với sự đồng tâm công đức, cúng tiến của rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp và bà con phật tử, hiên nay ngôi chùa đã được xây dựng khang trang.

Nhà bia minh đức chùa Non Nước

Tuy nhiên, theo một số tài liệu địa phương thì nơi Khuông Việt lập am thờ và dựng chùa tu hành là tại vị trí chùa Đại Bi tọa lạc chứ không phải là chùa Non Nước hiện nay. Chùa Đại Bi nằm cạnh đền Mẫu trong quần thể Đền Sóc trên núi Vệ Linh, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ đầu triều Lý, qua nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất vào năm 1999.

Từ kết quả nghiên cứu và khảo sát, chúng tôi cho rằng: chùa Thụy Hương có thể là nơi cậu bé Ngô Xương Tỷ tìm đến nương nhờ cửa phật để lánh nạn khi cha là Ngô Xương Ngập phải trốn chạy khỏi sự lùng bắt của Dương Tam Kha. Đây cũng là nơi thiền sư Ngô Chân Lưu tu hành những năm tháng khởi đầu trong sự nghiệp của mình. Lần trước trong chuyến đi thăm di tích Tam Canh, đến thăm đền Miếu Thượng thờ Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, bên bờ sông Cánh (một đoạn của sông Cà Lồ), có nghe tích truyện về việc khi Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn giành lại ngôi báu từ Dương Tam Kha, đi tìm anh và hai người đã gặp nhau tại đó. Tại sao Ngô Xương Ngập lại đên vùng đất này, khi trốn chạy ông đến nương nhờ nhà Phạm Lệnh Công ở Nam Sách cơ mà? Thị trấn Hương Canh thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cách Thụy Hương, Phú Cường, Sóc Sơn không xa. Liệu có mối liên quan nào đên việc Ngô Xương Ngập đến khu vực đó tìm con trai không? Dẫu sao đây cũng chỉ là phỏng đoán.

Còn núi Vệ Linh, nơi Ngô Chân Lưu thường dạo chơi, lập am, dựng chùa và cầu đảo khi chiến tranh với Tống thì khá rõ. Thiền uyển Tập anh và Đại Việt Sử ký Toàn thư đều chép: “Ông thường đi lại vùng núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ, ưa phong cảnh yên tĩnh tươi đẹp nơi đây, định dựng am để ở”. Cái tên Bình Lỗ có sự liên quan mật thiết đến vùng đất này. Sông Cà Lồ, đoạn chảy qua Phù Lỗ và các xã lân cận thuộc huyện Sóc Sơn, trước kia cũng có tên là sông Bình Lỗ hay Lỗ Giang, Lỗ Thủy. Thành Bình Lỗ, nơi Lê Hoàn đánh thắng quân Tống năm 981 cũng đã được xác định thuộc khu vực Ngã ba Xà ngày nay. Ngã ba Xà là nơi sông Cà Lồ đổ vào sông Cầu, khu vực giáp ranh giữa huyện Sóc Sơn – Hà Nội với huyện Yên Phong – Bắc Ninh, cũng là địa điểm nằm trên Phòng tuyến sông Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt phá tan quân Tống năm 1077.

(2) Dòng Vô Ngôn Thông: Theo các sử liệu Phật giáo, trong thời kỳ Bắc thuộc, có hai thiền sư người nước ngoài đến nước ta truyền giáo, lập ra tông phái. Dòng thiền thứ nhất là thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi người Nam Ấn vào nước ta năm 580 ở chùa Pháp Vân. Dòng thiền thứ hai là thiền sư Vô Ngôn Thông người Trung Hoa đến nước ta năm 820 ở chùa Kiến Sơ. Thiền sư Ngô Chân Lưu thuộc thế hệ thứ tư tông phái này.

 (3) Thiền uyển Tập anh: là một cuốn sách cổ, được viết vào cuối triều Lý, đầu triều Trần, ghi lại hệ thống các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng cuối thời kỳ Bắc thuộc, đầu thời kỳ đọc lập tự chủ cho đến hết triều Lý và một số ít vị còn sống đến đầu triều Trần. Ðây là tài liệu lịch sử cổ nhất của Phật giáo Việt Nam hiện có. Trong bản dịch tài liệu này, Giáo sư Ngô Đức Thọ cho biết: Ngô Thuận Đế là thuỵ hiệu của Ngô Vương Quyền.

(4) Thọ giới Cụ túc: tức nhận lấy đầy đủ những kỷ luật chi phối đời sống cá nhân và đời sống tập thể của tổ chức Phật giáo. 
Thường thường, những kỷ luật ấy gồm rất nhiều những điều luật, mà tùy theo tôn phái và giới tính, có thể bắt đầu từ khoảng 200 đến 500 giới, dùng cho đời sống cá nhân. Khi một người nào chịu nhận những điều luật đó, họ được gọi là Tỳ kheo nếu là đàn ông, hay Tỳ kheo ni nếu là đàn bà, và họ là những người đã thọ giới Cụ túc. 

(5)Tương truyền ngôi am nhỏ trên núi Vệ Linh này là tiền thân của chùa Đại Bi, một ngôi chùa cổ, được Ngô Chân Lưu khởi dựng và trụ trì. Chùa được tu sửa lại nhiều lần, lần gần đây nhất là năm 1999.

(6) Khuông Việt Đại sư: Trong bài “Khuông Việt Thái sư với vương triều Đinh, Lê”, nhà nghiên cứu Phật giáo Nguyễn Công Lý cho rằng tước hiệu của Ngô Chân Lưu phải là Khuông Việt Thái sư mới đúng, bởi trong các sách: Việt điện u linh tập và Đại Việt sử ký toàn thư đều chép là Khuông Việt Thái sư (匡 越太 師). Một số chỗ chép là Đại sư (大師), có thể do sai sót trong khâu khắc bản in, nhầm chữ Thái 太 thành chữ Đại 大 (thực ra trong tiếng Hán, chữ Đại 大 còn có âm đọc là Thái, đồng nghĩa với chữ Thái 太: cao nhất, lớn nhất). Hơn nữa, Thái sư mới đúng là danh hiệu và chức vụ do nhà vua ban, còn đại sư thì bất kỳ vị cao tăng thiền sư nào cũng có thể gọi danh xưng ấy được. Vì thế, Hoà thượng Thích Thanh Tứ trong Thiền sư Việt Nam và trong Tham đồ hiển quyết và thi tụng các thiền sư đời Lý giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu ấn hành, đều ghi là Thái sư Khuông Việt. 

Chúng tôi vẫn dùng Khuông Việt Đại sư theo nhiều tài liệu vẫn đang dùng.

Ngô Văn Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 28 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập87
  • Hôm nay26,854
  • Tháng hiện tại470,938
  • Tổng lượt truy cập41,100,045
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây