Thiên sách vương Ngô Xương Ngập qua nguồn dã sử

Thứ năm - 23/12/2021 17:04

Ngô Xương Ngập là con trưởng Đức Vương Ngô Quyền, từng tham gia trận chiến đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, xưng Thiên Sách Vương kế vị vua cha, nhưng chính sử viêt về vai trò của ông khá mờ nhạt. nên hậu thế biết về ông không nhiều. Qua các bản Ngọc phả và truyền thuyết dân gian ta tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của ông.
 
Tượng Hậu Ngô Vương Ngô Xương Ngập phối thờ Tiền Ngô Vương tại Đình An Trì - quận Hồng Bàng, Hải Phòng

Hiến kế bãi cọc Bạch Đằng

Sau khi giết Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ để tiếm quyền, nghe tin Ngô Quyền từ Ái Châu tập hợp binh mã chuẩn bị đem quân ra đánh báo thù, kẻ phản chủ Kiều Công Tiễn rất sợ hãi vội cho người sang cầu cứu Nam Hán. Vua Nam Hán Lưu Cung muốn nhân cơ hội này chiếm lấy nước ta, bèn phong cho con trai là Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân, tước Giao Vương, đem quân sang cứu Công Tiễn.  Tự thân vua Hán cầm quân đóng ở Hải Môn để làm thanh viện.

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, vua Nam Hán hỏi kế ở Sùng văn sứ là Tiêu Ích, Ích nói: "Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được.  Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến". Vua Hán không nghe, sai Hoằng Tháo đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào, muốn đánh Quyền, nhưng Quyền đã giết Kiều Công Tiễn rồi.

Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo các tướng tá rằng: "Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi.  Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Nhưng bọn chúng có lợi ở chiến thuyền, ta không phòng bị trước thì thế được thua chưa biết ra sao. Nếu sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm ở trước cửa biển, thuyền của bọn chúng theo nước triều lên vào trong hàng cọc thì sau đó ta dễ bề chế ngự, không cho chiếc nào ra thoát".

Định kế rồi, bèn cho đóng cọc ở hai bên cửa biển. Khi nước triều lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy đều liều chết chiến đấu. Quân Hoằng Tháo không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền đều mắc vào cọc mà lật úp, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nữa. Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt được Hoằng Tháo giết đi.  Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về”.

Theo Ngọc phả Từ Lương Xâm còn gọi là “Ngọc phả về Tiền Ngô Vương Thiên tử” ở phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng thì người nghĩ ra mưu kế đóng cọc ngầm trên sông để phá đội thuyền chiến của quân Nam Hán chính là Ngô Xương Ngập. Trong bản Ngọc phả có đoạn cho biết khi Ngô Quyền “nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, bảo với các tướng rằng:
"Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, mang quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, chí khí đã bị mất rồi. Ta lấy sức còn khỏe để địch với sức đang yếu, tất sẽ phá được địch".

Nói đến đây bỗng ở trong ban bộ có một người dâng lời, bảo rằng: "Quân địch có lợi thế ở chiến hạm, ta chưa chuẩn bị trước thì thắng thua chưa biết thế nào. Xin phụ thân cho trồng cọc ở hai bên cửa biển, khi nước thủy triều dâng lên, sai người lấy thuyền nhẹ giao chiến với quân địch, giả dạng thua chạy để mà đánh, tất quân của Hoằng Tháo tự như ngói mà tan vỡ!". Vương cho là đúng, mới đưa mắt nhìn người nói, hóa ra là con trưởng Xương Ngập”.

Không chỉ hiến mưu hay kế lạ, trong trận Bạch Đằng lịch sử năm ấy, đích thân Ngô Xương Ngập còn trực tiếp chỉ huy một cánh quân xông pha đánh giặc.

Sau chiến thắng Bạch Đằng, mùa xuân năm Kỷ Hợi (939), Ngô Quyền lên ngôi, đóng đô ở Cổ Loa, “bắt đầu xưng Vương, lập Dương Thị làm Hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục” (Đại Việt sử ký toàn thư). Dã sử cho biết Ngô Quyền đã lập Ngô Xương Ngập làm Thái tử, để sau này kế thừa Vương vị.

Lánh nạn đất Trà Hương và kết duyên cùng người con gái họ Phạm

Năm Giáp Thìn (944), Ngô Vương Quyền lâm bệnh băng, thọ 48 tuổi. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, “Tiền Ngô Vương bệnh nặng, di chúc giao cho Tam Kha giúp rập cho con. Khi Vương mất, Tam Kha cướp ngôi”.

Thần phả thờ tướng quân Đỗ Cảnh Thạc do Hội đồng dòng họ Đỗ xã Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội cung cấp, được cho là lấy từ nội dung văn bia dựng từ thời nhà Đinh, do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) giới thiệu, có đoạn chép: Năm Giáp Thìn (944), Ngô Vương lâm bệnh, cho gọi Thái tử Xương Ngập, Hoàng tử Xương Văn, Quốc cữu Dương Tam Kha, Thái y Nhi Thông, Tiền đạo tướng quân Phạm Bạch Hổ, Hữu tướng quân Dương Cát Lợi, Tả tướng quân Đỗ Cảnh Thạc đến bên giường bệnh, Ngô Vương nhủ rằng: “Trẫm bệnh tình đã đến lúc không thể chữa trị được nữa. Sống chết là luật vô thường tạo hóa không ai tránh khỏi … Nay Trẫm đem con côi phó thác các khanh, nhất là Dương Quốc cữu. Các khanh hãy đem tất cả nhiệt tình phù tá Trẫm bấy lâu nay ra giúp con Trẫm làm tròn sứ mạng Quân vương, để sơn hà xã tắc này muôn đời bền vững”...

Thế nhưng, Tam Kha một mặt gặp Dương Hậu (chị ruột mình) bàn việc đưa Thái tử Ngô Xương Ngập lên ngôi, một mặt lại mật sai Văn Súy cùng Hùng Cường ám sát Thái tử. Cung tần Thúy Nga biết mưu đó, do chịu ơn Ngô Vương nên mật báo cho Đỗ Thoan và Phạm Bạch Hổ. Hai người bảo vệ, giúp Thái tử chạy trốn.

Ngô Xương Ngập chạy về làng Trà Hương, Nam Sách Giang (nay thuộc làng Thuỵ Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) nương nhờ sự che trở của Phạm Lệnh Công, vị hào trưởng trong vùng, đồng thời là một tướng tâm phúc của Ngô Quyền trước đây.

Ngay đêm đó, Quốc cữu Tam Kha cấm mọi người vào cung, rồi cùng bọn hoạn quan Văn Súy, ngự lâm quân Dương Hùng Cường, tham chính Ngụy Như Hòa họp kín, bàn chuyện cướp ngôi vua.

Ngay hôm sau Dương Tam Kha họp triều đình tự lên ngôi xưng là Bình Vương. Lúc đó quan Đại phu là Phạm Man mắng Tam Kha liền bị chém ngay, cả nhà bị tru di. Chỉ có con trai Phạm Man là Phạm Cự Lượng chạy trốn được, gặp Nguyễn Phục là con trai Nguyễn Cự, được Nguyễn Cự giúp chạy thoát.

Nhằm diệt trừ hậu họa, Dương Tam Kha sai hai tướng Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà Lệnh Công đòi bắt Xương Ngập nhưng cả ba lần đều không thực hiện được. Phạm Lệnh Công đem Xương Ngập giấu trong động núi, Tam Kha biết, lại đòi cho quân đi bắt nhưng vẫn không bắt được.

Nơi mà Ngô Xương Ngập được đưa vào ẩn tránh chính là khu vực núi Côn, nơi bốn bề cây cối rập rạp, địa thế hiểm trở, hoang vu. Tương truyền một lần quân của Dương Tam Kha lùng tìm nhưng không được mới phóng hỏa hun khói mù mịt để Ngô Xương Ngập phải ra hàng, thế nhưng mưu kế này thất bại.

Từ chuyện đó mà núi Côn còn có tên là núi Hun (Hun Sơn). Núi Côn chính là Côn Sơn, địa danh nổi tiếng ở đất Chí Linh, Hải Dương ngày nay. Một số công trình tôn giáo, tín ngưỡng ở đây được gọi theo tên núi, như chùa Thiên Tư phúc tự được gọi là chùa Côn Sơn, chùa còn có tên khác là chùa Hun.

Trong thời gian lánh nạn ở Trà Hương, Ngô Xương Ngập được sự quan tâm, chăm sóc của Phạm Thị Uy Duyên, người con gái xinh đẹp, đức hạnh của Phạm Lệnh Công. dần dần, tình cảm của vị Thái tử sa cơ với người con gái xứ Đông đã nảy nở, rồi ngày càng sâu đậm. Biết con gái có tình cảm sâu đậm với Ngô Xương Ngập, Phạm Lệnh Công vui mừng vun vén cho tình cảm của họ, ông đã đồng ý gả con gái cho Thái tử và chọn ngày lành tháng tốt tổ chức hôn lễ.

Hai anh em cùng ở ngôi trị nước

Cuối năm Canh Tuất (950) Ngô Xương Văn, em trai Ngô Xương Ngập được sự ủng hộ của một số tướng lĩnh đã bất ngờ đem quân vây kinh đô Cổ Loa, lật đổ ngôi vị của Dương Tam Kha giành lại ngai vàng cho họ Ngô và xưng là Nam Tấn Vương. Tiếp đó, đầu năm Tân Hợi (951) Nam Tấn Vương cho đón anh trai về kinh cùng làm vua.

Ngô Xương Ngập lên ngôi xưng là Thiên Sách Vương, lập Phạm Thị Uy Duyên làm Thị tùng Phu nhân, bà đã sinh hạ cho Ngô Xương Ngập người con trai là Ngô Xương Xí. Năm 965, sau khi Nam Tấm Vương Ngô Xương Văn tử trận, Ngô xương Xí đã kế vị ngôi vua của chú nhưng tình hình trong nước lúc đó rối loạn, các thế lực nổi lên, Xương Xí thế yếu phải quay về chiếm giữ thành Bình Kiều, trở thành một trong 12 sứ quân.

Theo Phả hệ, Ngô Xương Ngập còn người con trưởng là Ngô Xương Tỷ, có lẽ do một người vợ trước sinh ra. Ngô Xương Tỷ sau xuất gia lấy đạo hiệu là Ngô Chân Lưu, trở thành một vị cao tăng danh tiếng thời Đinh – Tiền Lê và đầu triều Lý, được phong Khuông Việt Đại sư.

Ngô Xương Ngập từ khi làm vua, dần dần ham mê quyền lực, đua tranh với vua em nên dẫn đến bất hòa. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Bấy giờ Thiên Sách Vương chuyên quyền làm uy, [Nam Tấn] Vương không được dự chính sự nữa. Hai vương do đó hiềm khích với nhau”.

Các nơi thờ tự:


Tại vị được 4 năm, năm 954 Thiên Sách Vương lâm bệnh mất tại Cổ Loa. Từ đây một mình Nam Tấn Vương lo việc triều chính. Sau khi Thiên Sách Vương mất, nhân dân một số địa phương lập đền, thờ cúng. Dưới đây là một số nơi thờ tự được biết đến:

- Đình An Trì (Hải Phòng) là một trong những nơi thờ Hậu Ngô Vương Ngô Xương Ngập. Đình An Trì thuộc phường Hùng Vương quận Hồng Bàng thành phố Hải Phòng. Trước đây làng An Trì có ngôi đình thờ Thành hoàng làng là Đức Vương Ngô Quyền và ngôi miếu thờ Hậu Ngô vương Ngô Xương Ngập, vị trí tại xã Quang Đàm, huyện An Hải (cũ), gọi là đền Quang Đàm. Do biến thiên của lịch sử, thiên tai sóng gió, đình và đền bị đổ nát, nhân dân hưng công xây cất lại ngôi đình, rước tượng Hậu Ngô Vương vào phối thờ tại đình làng. Tương truyền, vùng đất này trước đây là nơi Ngô Xương Ngập đóng quân, luyện tập binh sỹ chuẩn bị cho trận chiến Bạch Đằng. Cũng từ nơi đây, Ngô Xương Ngập đã chỉ huy hậu quân, hiệp đồng lập công lớn trong trong chiến thắng lịch sử năm 938. Sau chến thắng Bạch Đằng, ông đã được vua cha giao cho trọng trách ở lại chỉ huy toàn bộ công cuộc phòng thủ và xây dựng vùng đất trọng yếu này. Chính vì vậy sau khi ông mất nhân dân địa phương đã lập miếu thờ

- Cụm di tích Tam Canh (Vĩnh Phúc). Cụm di tích bao gồm 3 ngôi đình của 3 làng: Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Hường thuộc thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đình mỗi làng đều thờ 6 vị Thành hoàng là: Thái tử Ngô Xương Ngập, Hoàng tử Ngô Xương Văn, Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc, Hoàng phi Dương Phương Lan, Tướng quân Đỗ Cảnh Thạc và Hoàng hậu Phạm Thị Uy Duyên.

Trong cụm di tích trên còn có Miếu Thượng thờ Thái tử Ngô Xương Ngập và Hoàng tử Ngô Xương Văn. Miếu Thượng nằm bên bờ sông Cánh (đoạn sông Cà Lồ chảy qua thị trấn Hương Canh). Theo truyền tụng nhân dân trong vùng thì Ngô Xương Văn sau khi lật đỏ Dương Tan Kha giành lại ngôi báu có đi tìm lại người anh Ngô Xương Ngập về cùng trông coi triều chính. Trên khúc sông này hai anh em đã gặp lại nhau sau bao ngày xa cách. Nơi đây sau nhân dân lập đền thờ 2 Ngài.

- Đền Kê Lạc (còn gọi là Đền Vương) ở làng Nghĩa Chế xã Dị Chế (nay thuộc thị trấn Vương) huyện Tiên Lữ, Hưng Yên thờ Đức Vương Ngô Quyền, Hoàng Hậu và Hậu Ngô Vương Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn. Tài liệu ở đền này còn cho rằng, khu vực Đền chính là nơi an táng thi hài Đức Vương, Hoàng hậu và nhị vị Hậu Ngô Vương.



Ngô Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập269
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm261
  • Hôm nay57,869
  • Tháng hiện tại817,090
  • Tổng lượt truy cập41,446,197
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây