CCB Ngô Xuân Tự: Còn một hơi thở tôi còn làm từ thiện

Thứ tư - 25/07/2018 18:04

Nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, HNVN trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Sáng đăng trên báo Kinh doanh và Pháp luật, kể về những việc làm cao cả của đại tá Ngô Xuân Tự, một thương binh, cựu chiến binh thời chống Mỹ.
Đại tá Ngô Xuân Tự đang dậy nghề in cho các em có hoàn cảnh đặc biệt
Đại tá Ngô Xuân Tự đang dậy nghề in cho các em có hoàn cảnh đặc biệt
Sớm nghe theo tiếng gọi hào sảng của lớp lớp thanh niên "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai", ông đã cắt tay, lấy máu mình viết đơn tình nguyện nhập ngũ và vào Nam chiến đấu. Hòa bình lập lại, suốt hơn 20 năm miệt mài với công tác từ thiện, ông cưu mang cho hơn 400 mảnh đời có số phận nghiệt ngã, giúp họ tìm lại tình yêu với cuộc sống. Người ấy chính là Đại tá Ngô Xuân Tự, cựu chiến binh quận Long Biên, Hà Nội.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi tìm về nhà cựu chiến binh Ngô Xuân Tự. Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông dù tóc đã điểm bạc nhưng vẫn giữ được dáng người chắc nịch, giọng nói hào sảng, đúng chất anh bộ đội cụ Hồ. Rót chén trà mời khách, ông kể cho chúng tôi nghe về đời lính và công việc làm từ thiện của mình.

Chặt ngón tay, lấy máu viết đơn

Cựu chiến binh Ngô Xuân Tự sinh năm 1946 tại thôn Thạch Cầu, xã Long Biên nay là tổ 1, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Khi ấy, cậu học sinh Ngô Xuân Tự vừa mới học xong cấp 3 nên vẫn chưa đủ tuổi đi bộ đội. Những cánh thư từ trận tuyến của bạn bè dồn dập gửi về, kể chuyện đời lính, về những trận đánh sinh tử với quân thù khiến ông càng sốt ruột. "Giặc giã thì đang hoành hành tàn phá quê hương, còn mình thì chưa đủ tuổi đi bộ đội. Vậy là tớ nghĩ ra cách chích máu viết đơn xin nhập ngũ", ông Tự nhớ lại.

Vào những ngày cuối tháng 5/1965, tại trụ sở Huyện đội Gia Lâm, thanh niên đến khám tuyển đông như chảy hội. Chàng thanh niên Ngô Xuân Tự cũng mạnh dạn vào đăng ký khám tuyển. Nhưng khi ông vừa đưa giấy tờ ra, một cán bộ khám tuyển nói: "Là gia đình cách mạng, em lại chưa đủ tuổi nhập ngũ, mà gầy thế này thì chưa thể đi đợt này đâu. Thôi em cứ về thi nếu đỗ đại học thì học xong hãy đi cũng được". Không còn cách nào khác, ông liền đặt ngón tay trỏ bên bàn tay trái lên bàn rồi rút con dao găm nhỏ sắc lẹm đã dắt sẵn sau lưng, bình thản hạ dao chém đứt đốt đầu tiên. Máu tuôn chảy, ông bỏ dao xuống rồi rút chiếc khăn trắng trong túi quần đưa ngón tay lên viết đơn. 
Vừa mới viết được 3 chữ “Đơn tình nguyện”, máu đã chảy ướt đẫm hết khăn. Cả Huyện đội kinh hãi, hàng nghìn con mắt dồn về chàng thanh niên Ngô Xuân Tự. Với hành động lì lợm, gan dạ, lập tức ông được huyện đội đặc cách cho trúng tuyển nghĩa vụ. Sau đó, tấm gương cậu tân binh Ngô Xuân Tự chặt ngón tay lấy máu viết đơn đã được tuyên truyền rộng rãi đến khắp các làng xã mỗi khi vào đợt tuyển quân để các thanh niên khác học tập, noi theo.
 
m
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao kỉ vật cho Đại tá Ngô Xuân Tự trong cuộc gặp mặt những người có công với nước

Ngày nhập ngũ ông là lính bộ binh trong đơn vị Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu V. Trong những năm đầu, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh Cục bộ, chiến trường vô cùng ác liệt, trong khi đó phía ta lại rất thiếu thốn vũ khí, đạn dược. Thực hiện chiến thuật “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, đồng thời phải giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ khi đánh trong lòng địch, chiến sĩ Ngô Xuân Tự đã nghĩ ra cách tháo đầu đạn M 79 rồi dùng súng cao su bắn vào các vị trí mà địch đóng quân. "Hồi còn nhỏ tớ hay chơi trò trẻ con này để bắn chim, đến khi ra chiến trường nhận thấy nếu lấy súng cao su rồi cho đầu đạn M79 bắn vào các chốt của địch không những gây tính sát thương lớn mà còn không tạo ra tiếng động", ông Tự giải thích. Sau một vài lần đánh đã loại được rất nhiều tên địch lại gây cho chúng tâm lý hoang mang, cấp trên liền cho truyền lại cách đánh này tới các đơn vị khác.
Năm 1969, trong một trận càn của địch tại chiến trường Duy Xuyên, Quảng Nam, ông đã bị thương nặng khi bị mảnh pháo găm vào người. Sau đó, ông được chuyển ra Bắc điều trị. Tháng 4/1970, ông lại hành quân vào Nam và chuyển về Tiểu đoàn 54 tên lửa. Đến năm 1985, sau nhiều năm đi khắp các chiến trường, ông được Nhà nước trao tặng nhiều huân huy chương như: Huân chương Chiến công Hạng 2, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Dũng sĩ diệt Mỹ… Là thương binh 2/4, mất 78% sức khỏe, khắp cơ thể ông mang rất nhiều thương tích khác nhau như mất xương đầu gối, bánh chè cùng một mảnh pháo vẫn đang nằm trên trán. Mỗi khi trái gió trở trời, toàn thân ông lại đau nhức e ẩm. "Mình bị thương như vậy cũng chẳng thấm vào đâu khi nhiều đồng đội vẫn còn nằm đâu đó bên con suối, khe đá hay trong rừng sâu lạnh lẽo mà tới nay gia đình vẫn ngóng trông các anh về", ông Tự nói.

20 năm cưu mang 400 mảnh đời

Ngày từ chiến trường trở về, quê hương điêu tàn sau nhiều năm khói lửa chiến tranh, ra ngoài đường ông lại nhìn thấy rất nhiều cảnh đời éo le, đó là những em nhỏ từ các vùng quê lang thang lên Hà Nội kiếm ăn, những bà cụ già không nơi nương tựa…Từ đó, ông thầm nói với bản thân: "Mình phải làm một điều gì đó để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh này". Nhớ về lần đầu tiên cứu người, ông cho biết, đó là vào năm 1991. Hôm ấy là chiều 29 Tết, ông đạp xe sang Hà Nội sắm Tết. Đi tới Hồ Gươm, ông thấy có một nhóm thanh niên đang đánh một cháu bé ăn mặc rách rưới, đang nằm rên la dưới đất. Ông liền quát lớn: "Này mấy đứa kia sao ăn mặc đẹp đẽ, lịch sự thế này mà lại  đánh thô bạo một đứa trẻ con hả?". Chúng nói rằng đứa bé này đang nợ chúng 10.000 đồng. Đứa bé thấy vậy liền van xin ông: "Chú bộ đội ơi, chú cứu cháu với không thì họ đánh cháu chết mất!". Để cứu cháu bé, ông lấy tiền trả cho chúng. Tìm hiểu được biết, cháu bé này tên là Nguyễn Văn Tuấn, năm ấy 12 tuổi, quê ở Khoái Châu, Hưng Nguyên, Nghệ An, do nhà nghèo, bố mẹ lại đẻ nhiều nên đói ăn, cháu nó phải tự tìm ra Hà Nội kiếm sống. Vậy là ông chở cháu bé về nhà. Đang đi tới nửa cầu Long Biên, ông lại thấy có một bà cụ đang nằm co ro trong manh chiếu rách bên thành cầu. Ông xuống hỏi thăm: "Mẹ ơi! Sao trời mưa phùn, gió bấc thế này mà mẹ lại nằm ở đây?". Bà cụ cho biết năm nay 85 tuổi, quê ở Yên Định, Thanh Hóa, vì ở quê bão lũ mất mùa, lại không có con cái nên phải ra đây ăn xin. Xót thương cho cảnh đời của cụ, vậy là ông liền chở hai bà cháu về nhà nuôi dưỡng. Hiện tại cháu Tuấn đã là chủ một trang trại lớn tại Vũng Tàu.
Trường hợp nhớ nhất là ông nuôi dưỡng, cưu mang một cô gái mang trong mình căn bệnh AIDS. Lúc ấy là vào ngày 24/12/ 2007, cũng gần những ngày cuối năm, ông ra nghĩa trang gần nhà thắp hương mộ các cụ. Vừa cắm hương lẩm nhẩm khấn được vài câu, ông chợt nghe ở quanh đấy có tiếng rên yếu ớt. Đi khắp nghĩa trang tìm thì đến một ngôi mộ giả, thấy có người nằm ở dưới, ông vội kéo tấm bê tông ra thì phát hiện một cô gái đầu tóc rũ rượi, cơ thể run rẩy, mụn nhọt lở loét toàn thân nằm trên một đám lá khô. Ông định đưa tay kéo thì cô gái sợ hãi nói: "Bác đừng động vào con, con bị bệnh truyền nhiễm đấy". Không ngần ngại, ông trả lời: "Bệnh gì thì bệnh, cứ lên đây với bố!". Vậy là ông nhanh chóng bế cô gái lên và mang về nhà tắm rửa. Nghe tâm sự được biết, cô gái tên là Phạm Thị Viết Loan, quê Phú Thọ, từng là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Luật Hà Nội. Vài năm về trước chủ nhà trọ có tổ chức một bữa tiệc sinh nhật cho người con trai có mời Loan sang dự và giúp nấu ăn. Trong bữa liên hoan, Loan bị cậu con trai chủ nhà chúc uống rượu say rồi hắn giở trò hãm hiếp. Tới mấy tháng sau khi đi khám thai, Loan phát hiện mình bị mắc bệnh HIV. Cô đau đớn gục ngã và đành phải bỏ học giữa chừng. Nghe tin này, chủ nhà đuổi cô đi. Không nơi nương tựa, cô trở về nhà kể cho gia đình nghe mọi chuyện nhưng không ngờ, bố mẹ chỉ vì muốn giữ danh tiếng khi đang công tác tại ủy ban xã cũng nhẫn tâm đuổi cô ra đi. Sau hơn 3 tháng được ông chăm sóc, ngày 28/3/2008, Loan trút hơi thở cuối cùng. Trước khi qua đời, cô trăn trối với ông: "Bác ơi! Con xin bác cho con được mang họ của bác ghi trên bia mộ và từ giờ phút này cho con được là con của bác nhé!". Sau đó, ông bỏ tiền hỏa thiêu và xây mộ cho Loan nằm trong khu mộ của gia đình mình. Năm ngoái, bố mẹ Loan xuống nhà biếu ông 50 triệu và xin đưa tro của Loan về quê. Nhưng ông ném thẳng cục tiền ra ngoài sân mà nói: "Tôi cưu mang cháu là vì cái tâm không phải vì tiền. Thấy con mình bị như vậy đã không chăm lo động viên lại còn hắt hủi, đuổi đi, làm bố mẹ như các người liệu có xứng không?"
Tiếng lành đồn xa, những người lang thang cơ nhỡ, khuyết tật tìm đến nhà ông ngày một đông. Nhà ông chật không đủ chỗ cho các cháu nằm, vậy là ông lại bỏ tiền ra xây phòng cho các cháu ở. Hơn 20 năm qua, ông đã nuôi dưỡng và cưu mang cho hơn 400 mảnh đời có số phận khác nhau. Nhiều cháu đã trường thành khôn lớn trở về muốn báo hiếu nhưng ông nói với chúng: "Bố không cần các con báo hiếu gì cho mình, nếu có thì hãy giúp đỡ các em con ở đang ở đây này". Hiện tại ông đang cưu mang 60 người. Để giúp các em sớm hòa nhập với xã hội và có cái nghề mai sau tự kiếm sống, năm 2014, ông đã phải bán đất để mở một xưởng dạy nghề in cho các cháu. Đầu năm nay đã có 100 cháu ra nghề và được nhận vào làm tại các công ty. Nói về công việc từ thiện, ông cho biết: "Người khuyết tật hay những người đã từng lầm lỗi thì họ vẫn là con người, đừng khinh rẻ và hắt hủi họ. Ta làm việc thiện ngày hôm nay thì ngày mai sẽ có người làm việc thiện lại với ta. Như vậy mọi người sẽ có một cuộc sống thanh thản, đầy ắp niềm vui".

Nguyễn Sáng
Theo kinhdoanhnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập238
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm234
  • Hôm nay32,659
  • Tháng hiện tại663,346
  • Tổng lượt truy cập41,292,453
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây