Giám định vật tùy táng và hài cốt trong việc tìm mộ liệt sỹ

Thứ ba - 14/03/2017 18:04

Tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ, HNVN xin giới thiệu bài viết của Thiếu tướng, Phó Giáo sư Tiến sỹ Ngô Tiến Quý về việc giám định vật tùy táng và hài cốt phục vụ công tác tìm kiếm mộ liệt sỹ(*)
Quy tập mộ liệt sỹ. Nguồn: internet
Quy tập mộ liệt sỹ. Nguồn: internet

 

Đáp ứng nhu cầu tư vấn về việc giám định gen trong tìm hài cốt Liệt sĩ, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin cung cấp cho đọc giả những hiểu biết cơ bản về khả năng áp dụng gíam định Kĩ thuật hình sự  (GĐ KTHS)  và giám định hài cốt trong việc tìm mộ liệt sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và đảm bảo độ chính xác trong việc xác định hài cốt liệt sĩ.                                                              

1. Trên thế giới, GĐ KTHS đã có từ hơn 100 năm nay. GĐ KTHS là một lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Công an, ứng dụng tất cả những tiến bộ khoa học, kĩ thuật và công nghệ vào việc phát hiện, thu thập, giám định vật chứng và dấu vết của vụ việc, phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm cũng như xử lý các vi phạm pháp luật khác. GĐ KTHS cũng đáp ứng việc giải quyết các yêu cầu về dân sự và hành chính.

Hiện nay, GĐ KTHS có những lĩnh vực chuyên môn có thể liên quan đến việc xác định danh tính liệt sĩ như sau:

- Giám định súng đạn và dấu vết súng đạn

- Giám định Kĩ thuật, kim loại, nhựa

- Giám định chất nổ, vật nổ

- Giám định chữ viết, giấy, mực viết

- Giám định Hóa học

- Giám định Lý học

- Giám định Sinh học.

Liên hệ với việc tìm mộ liệt sĩ trong những năm vừa qua, chúng tôi thấy rằng GĐ KTHS có thể hỗ trợ rất nhiều cho việc xác định sự thật trong việc tìm mộ, xác định danh tính của liệt sĩ, hoàn cảnh hi sinh, hoàn cảnh chôn cất thông qua giám định các vật tùy táng thu được trong khi khai quật hài cốt. Mặt khác GĐ KTHS cũng là một biện pháp khoa học hữu hiệu nhất để phát hiện những vật tùy táng khi có nghi vấn là vật giả (đặc biệt là việc tìm mộ Liệt sĩ do những người là các nhà ngoại cảm giả mạo thực hiện để đánh lừa thân nhân liệt sĩ cũng như những người khác).

Qua thực tiễn tìm mộ liệt sĩ, chúng tôi thấy xuất hiện rất nhiều loại vật tùy táng khác nhau, nhưng chủ yếu có thể liệt kê các loại sau đây:

- Viên đạn, đầu đạn hoặc vỏ đạn, vỏ quả lựu đạn…chủ yếu thuộc hệ thống vũ khí cá nhân do các nước xã hội chủ nghĩa trước đây như Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc sản xuất (AK, CKC, các loại súng ngắn, lựu đạn mỏ vịt…). Ngoài ra, ở các chiến trường phía nam trước đây còn có đạn của súng AR15 của Mỹ

- Tăng bạt, võng, quân trang của bộ đội như sao mũ, giày, dép cao su,  dao găm, cúc áo nhưa, gương, lược, bút máy, đồng hồ là tư trang cá nhân hoặc được chôn cùng như những vật để đánh dấu khi có điều kiện tìm mộ Liệt sĩ.

- Những vật dụng hàng ngày (bi đông, ca đựng nước, bát sắt), mảnh kim loại (thường là nhôm, hợp kim nhôm) khắc tên Liệt sĩ, đơn vị của Liệt sĩ hoặc lược bằng hợp kim nhôm có khắc tên làm vật kỉ niệm của đồng đội, người yêu Liệt sĩ (chiếc lược chải đầu, cặp tóc phụ nữ…)

- Miếng kim loại, tấm gỗ khắc tên Liệt sĩ, ngày hi sinh của Liệt sĩ

- Lọ thủy tinh nhỏ (thường là lọ đựng thuốc kháng sinh Penicilin) được nút chặt, bên trong có mảnh giấy viết tên Liệt sĩ, ngày hy sinh, tên đơn vị, có giấy ghi cả quê quán Liệt sĩ, tên thân nhân Liệt sĩ

- Răng giả của Liệt sĩ bằng kim loại vàng hoặc bọc kim loại vàng

- Ảnh của Liệt sĩ chụp cá nhân hoặc chụp với thân nhân, đồng đội…

Tần suất xuất hiện của vật tùy táng nói chung là không cao (có thể là đang trong chiến đấu thì Liệt sĩ được chôn cất), có nghĩa là chỉ đôi khi mới thấy, nhưng giá trị lại rất lớn. Phổ biến nhất là tăng bạt được sử dụng để bọc thi hài liệt sĩ khi chôn cất.

Tất cả các loại vật tùy táng nêu trên, khi phát hiện thấy trong quá trình tìm hài cốt, về lý thuyết thì đều có thể giám định để kết hợp với các thông tin khác, giúp cho việc xác định chính xác danh tính Liệt sĩ. Trong những trường hợp hài cốt của liệt sĩ đã bị phân hủy mạnh hoặc phân hủy hết, không giám định được gen (AND) thì vật tùy táng là những chứng cứ vật chất vô cùng có giá trị bên cạnh những thông tin lưu trong hồ sơ Liệt sĩ (nếu có) hoặc do các nhà ngoại cảm, do đồng đội hoặc người dân đã chôn cất Liệt sĩ cung cấp.

Để việc giám định thu được kết quả tốt, thì tất cả các vật tùy táng khi phát hiện được đều phải bảo quản nguyên vẹn, không để bị vỡ, nát. Trường hợp di vật bị ướt thì phải để khô trong môi trường nhiệt độ bình thường, không nên phơi nắng hay làm khô bằng máy sấy tóc, hơ trên lửa, bếp ga, bếp điện. Các vật tùy táng phải được bảo quan riêng rẽ, không gói chung, phải có biên bản ghi chi tiết nơi thu, hoàn cảnh thu…Nếu là vật có ý nghiã quan trọng thì phải niêm phong cẩn thận tránh bị lẫn, hư hỏng.

Trong tất cả các trường hợp đều nên thu mẫu đất nơi có hài cốt (đất ở  hố chôn hài cốt, không lẫn xương, mùn xương), để khô tự nhiên rồi gói bằng giấy, sau mới có thể cho vào túi ni lon. Việc giám định đất có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong những trường hợp giả mạo mộ Liệt sĩ (ví dụ đất dính ở dép cao su, bi đông... được lấy lên từ huyệt mộ, nhưng không phải là đất trong huyệt mộ, mà do kẻ giả mạo lấy ở chỗ khác bôi vào).

Giám định là việc phân tích, so sánh nên phải có mẫu so sánh (vật đối  chứng) thì mới ra được kết luận giám định chính xác. Tuy nhiên, với đặc thù của việc tìm hài cốt Liệt sĩ là các vật tùy táng đích thực đều có niên đại cùng thời Liệt sĩ, nên nếu xác định được “tuổi” tương đối của vật tùy táng (nếu như không có mẫu so sánh) thì cũng giúp thêm cơ sở khoa học trong việc xác định danh tính Liệt sĩ.

Trong trường hợp nghi vật tùy táng bị làm giả thì có thể dùng phương pháp loại trừ để kết luận.Ví dụ: lọ Penicilin mới được sản xuất chứ không phải được sản xuất từ những năm 1960 thế kỉ XX (thông qua giám định thủy tinh), giấy ghi danh liệt sĩ là giấy Bãi Bằng chứ không phải giấy của những năm chiến tranh (thông qua giám định giấy), mực bút bi mới có sau chiến tranh chứ không phải mực Cửu Long trước đây, đất không phải từ huyệt mộ…

Nói chung, khi cần biết giá trị của vật tùy táng đối với việc xác định hài cốt Liệt sĩ thì đều phải thông qua GĐ KTHS. Kết quả giám định tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trực tiếp là vật tùy táng, chứ không phải vụ nào cũng làm được hoặc cho kết quả chính xác tuyệt đối.

Trong giám định, nếu có chữ viết của Liệt sĩ (chữ viết sau ảnh, thư viết cho gia đình chưa kịp gửi...) thì kết luận giám định có giá trị rất lớn, vì giám định chữ viết truy nguyên (xác định) trực tiếp được người viết. Còn hầu hết các loại giám định khác đều chỉ truy nguyên (xác định) được gián tiếp.

Tuy nhiên, khi đang phải “mò kim đáy bể” thì những thông tin dù nhỏ đến mấy, nhưng lại mang tính khách quan thì đều có ý nghĩa trong việc tìm hài cốt Liệt sĩ.

2. Đối với một bộ hài cốt còn đầy đủ thì có thể tiến hành giám định hình thái và giám định gen.

Giám định hình thái là phương pháp giám định cấu trúc bên ngoài của hài cốt. Những năm 1950, 1960 của thế kỉ XX, nhà khoa học Geraximop của Liên xô đã cho ra đời phương pháp giám định hình thái sọ người bằng cách đo thủ công các thông số trên bề mặt xương sọ (phần mặt) - được gọi là phương pháp Geraximop, rồi vẽ ra chân dung người đó. Ngày nay, người ta dùng phương pháp quét trên bề mặt hộp sọ (phần mặt) bằng một phần mềm vi tính để thu thập dữ liệu vẽ chân dung, độ chính xác rất cao vì khối lượng đặc điểm được thu thập rất lớn.

Giám định gen (AND) là một phương pháp khoa học chính xác đề xác định danh tính của một cá thể. Đối với người sống thì giám định gen trong nhân tế bào (xác định huyết thống). Đối với hài cốt thì phải giám định gen ty thể.  Tuy nhiên, cơ thể người sau khi chết sẽ nhanh chóng biến đổi về cấu trúc gen. Thời gian sau chết càng lâu thì gen trong thi thể càng biến tính và mai một nhiều.

Ở người, gen ty thể có chứa nhiều đặc điểm cấu trúc gen riêng đặc trưng cho các cá thể trong một nhóm cá thể có nguồn gốc theo dòng mẹ, vì khi thụ thai, sau khi đầu tinh trùng chui qua màng trứng thì phần cổ và đuôi rụng ra ngoài không chui vào trong trứng, mà gen ty thể của tinh trùng lại chủ yếu tập trung ở phần cổ và phần đuôi. Hệ gen ty thể rất bền vững qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, giám định gen ty thể không có khả năng truy nguyên cá thể, nó chỉ có tính chất loại trừ hay truy nguyên theo nhóm cá thể có quan hệ huyết thống với nhau theo dòng mẹ.

Ở hài cốt chôn cất lâu năm, gen chỉ tồn tại một lượng không nhiều trong ty thể ở những bộ phận có cấu trúc bền vững như răng, xương cứng (thân tóc cũng mang gen ty thể, nhưng tóc là cấu trúc bị đột biến gen ty thể nhiều hơn các cấu trúc khác, nên tóc không có giá trị bằng răng và xương). Khả năng giám định được và kết quả giám định gen ty thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thời gian chôn cất (càng lâu càng khó làm), nơi chôn cất (chất đất, hóa chất, siêu vi trùng…), thể trạng người khi còn sống, tình trạng khi chết. Hài cốt đã mủn, mục, đã hóa thì không thể giám định được gen ty thể.

Trong giám định hài cốt liệt sĩ thì mẫu thu từ hài cốt để giám định là răng hàm (từ 1-2 chiếc) và mảnh xương bả vai, đùi, cánh tay (mảnh khoảng 3 cm2 ) chưa mủn, còn cứng. Còn mẫu so sánh thu của thân nhân theo dòng mẹ là khoảng  4 -5 giọt máu, thấm vào gạc y tế (không có bông) vô trùng, để khô tự nhiên, sau gói trong giấy sạch (không gói bằng túi ni lông).

Quy trình giám định gen ty thể gồm các bước sau: Các mẫu thu từ hài cốt được làm sạch và nghiền thành bột trong nitơ lỏng, rồi ngâm trong hóa chất đặc biệt. Tiếp theo là công đoạn tách chiết, công đoạn nhân bản và giải trình tự gen. Những công đoạn này do máy tự động thực hiện trong môi trường vô trùng. Và cuối cùng một phần mềm máy tính thực hiện việc so sánh trình tự gen của hài cốt với trình tự gen mẫu của thân nhân (cũng đã được phân tích theo quy trình giám định gen trong nhân tế bào).

Hiện tại, công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới – giám định gen trong nhân tế bào và gen ty thể mới đang đang được giới thiệu,  chứ chưa được đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Các phòng thí nghiệm giám định gen vẫn đang thực hiện giám định theo công nghệ đã có từ mấy năm nay.

Như vậy, để xác định chính xác danh tính liệt sĩ thì có nhiều phương pháp. Giám định gen không phải là phương pháp duy nhất, mà còn có cả GĐ KTHS. Tuy nhiên, biện pháp nào cũng có những giới hạn nhất định, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.  Chúng tôi xin giới thiệu để độc giả có thông tin chuẩn xác và tùy cơ áp dụng trong những điều kiện phù hợp./.

Ngô Tiến Quý

 

(*)Thiếu tướng, PGS.TS. Ngô Tiến Quý hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng con người,  Phó Chủ tịch Hội đồng họ Ngô Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập117
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm115
  • Hôm nay21,865
  • Tháng hiện tại454,330
  • Tổng lượt truy cập41,083,437
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây