Thực trạng hoạt động Hội đồng họ Ngô các tỉnh, thành

Thứ sáu - 11/02/2022 22:06

HNVN xin trân trọng giới thiệu bài viết của Thiếu tướng - PGS. TS. Ngô Tiến Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Họ Ngô VN, đánh giá sơ bộ về thực trạng việc thành lập và kết quả hoạt động của Hội đồng họ Ngô các tỉnh, thành phố, đề xuất một số giải pháp cho thời gian tới.
 
Các đại biểu dự Đại hội Họ Ngô TP Hải Phòng lần thứ iii (tháng 11/2020)
               
Nhiều năm qua, nhằm tăng cường việc kết nối dòng tộc họ Ngô toàn quốc và từng địa phương cấp tỉnh, việc thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng họ Ngô (HĐHN) các tỉnh, thành phố đã được Thường trực HĐHN Việt nam và các chi họ Ngô các địa phương rất chú ý. Đã có một số tỉnh, thành phố thành lập được HĐHN của địa phương và hoạt động tương đối có hiệu quả trong những thời gian nhất định, làm cho tình cảm của con cháu dòng tộc họ được gắn kết, tăng cường và phát huy truyền thống vẻ vang của họ Ngô trên nhiều lĩnh vực cuộc sống.
Tuy nhiên, do còn bị nhiều yếu tố chủ quan và khách quan chi phối, nên cho đến nay việc thành lập (mới) và duy trì hoạt động của các HĐHN (đã được thành lập hoặc thành lập lại) các địa phương chưa đạt được yêu cầu đòi hỏi của con cháu họ Ngô toàn quốc cũng như ở từng địa phương. Đây là thực trạng cần được tất cả con cháu họ Ngô chúng ta quan tâm và điều này chắc cũng làm cho anh linh Tổ tiên họ Ngô chúng ta chưa thật hài lòng.

Việc kết nối dòng tộc họ Ngô trong toàn quốc là một hoạt động không mệt mỏi và rất hiệu quả của Ban liên lạc họ Ngô Việt nam (trước đây) – HĐHN Việt nam (ngày nay) và nhiều Ban liên lạc – HĐHN các địa phương với các vị cao niên, những người có lòng hiếu thảo, tâm huyết với dòng tộc họ Ngô trong suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi Đại hội họ Ngô toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức tại Hà Nội ngày 09,10/3/1998 (22,23/tháng Giêng, Mậu Thìn) và thành công tốt đẹp, lập ra Ban liên lạc họ Ngô Việt nam đầu tiên do cụ Ngô Đức Thắng (1912 - 1998), quê Trảo Nha (nay là thị trấn Nghèn), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đứng đầu (Trưởng ban).
Những thông tin quan trọng về việc kết nối các chi họ ở các địa phương trong hơn 30 năm qua đã được trình bày khá chi tiết và đầy đủ trong cuốn “Họ Ngô Việt nam – 30 năm kết nối và phát triển” do HĐHN Việt nam phát hành, ông Ngô Vui (đương kim Chủ tịch Hôi đồng họ Ngô Việt nam) làm chủ biên (NXB Thông tin và Truyền thông – Hà Nội 2018). Đến 2018, trên toàn quốc đã thông kê được 214 địa phương cấp huyện/ 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có con cháu họ Ngô đang cư trú, sinh sống (9 tỉnh chưa có thông tin về việc có con cháu họ Ngô đang sinh sống ở địa phương).

Dưới đây, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin (có thể chưa đầy đủ) về thực trạng việc thành lập, giải thể và hoạt động của HĐHN các tỉnh, thành phố trong hơn 30 năm qua:  

1. Việc thành lập (và giải thể hoặc thành lập lại) HĐHN các tỉnh, thành phố:
Theo thông tin thu thập được, trải qua hơn 30 năm cho đến nay (đầu năm 2022) trong cả nước, mới chỉ có rất ít địa phương cấp tỉnh thành lập được HĐHN. Số lượng, rất tiếc là chỉ đếm trên đầu ngón tay, phải nói là quá ít; Một số nơi Hội đồng họ lại đã bị giải thể do thiếu nhân sự, hoạt động không hiệu quả:
- Quảng Ninh: Chỉ có Ban liên lạc họ Ngô thành phố Cẩm Phả được lập năm 1966, tháng 5/2015 được củng cố lại.
- Thanh Hóa: thành lập 02/9/1993.
- Đồng Nai: thành lập năm 1995, giải thể năm 1997.
- Hà nội: thành lập mới tháng 6 năm 1995, thành lập lại 18/9/2016.
- Thái Bình: thành lập 06/4/1996.
- Hà Nam Ninh: thành lập 28/7/1996, sau tách tỉnh thì giải thể. 
- Bắc Ninh: thành lập 01/8/1996.
- Phú Thọ: thành lập năm 2005.
- Hải Phòng: thành lập 20/9/2010.
- Khu vực phía nam: thành lập 14/01/2018..
- Hưng Yên: thành lập 9/9/2018.
- TP Hồ Chí Minh: thành lập 16/6/2019.
Trừ việc HĐHN thành phố Cẩm phả, tỉnh Quảng Ninh được thành lập từ năm 1966 do nhu cầu gắn kết họ tộc của những con cháu họ Ngô bốn phương về đây làm thợ mỏ, thì việc thành lập được HĐHN các tỉnh, thành phố thường bao giờ cũng xuất phát trước hết từ nhiệt huyết của một số các cụ cao niên, với sự động viên, tư vấn của Ban liên lạc/HĐHN Việt nam, sau đó lôi cuốn thêm những người tâm huyết khác trong địa phương.
Khi thành lập Hội đồng họ các tỉnh, thành phố, việc lựa chọn, bầu hoặc cử Chủ tịch, phó Chủ tịch, các ủy viên Hội đồng được làm rất cẩn trọng từ khâu trù bị đến lựa chọn nhân sự, tổ chức hội nghị, đại hội.
Trong Hội đồng họ ban đầu cũng chỉ có các cụ cao niên tham gia, không hề thấy “bóng dáng” của những người ít tuổi, đặc biệt là thanh niên. Việc họ do các cụ chủ trì là phù hợp trên nhiều phương diện: các cụ có uy tín do cao tuổi, biết được nhiều về lai lịch dòng tộc, có nhiều kinh nghiệm sống, nhất là về lễ nghĩa; các cụ nói thì con cháu phải nghe…Nhưng hạn chế rất lớn khi trong Hội đồng họ chỉ có các cụ cao niên mà không có người trẻ tham gia là tính năng động. Người già bị giảm khả năng hoạt động thể chất, không thể đi đây đi đó được. Do vậy, ở một số HĐHN các tỉnh, khi các cụ thế hệ “khai quốc” không còn tham gia nữa thì không có người người thay thế, Hội đồng không hoạt động được nữa, thậm trí có nơi Hội đồng phải bị giải thể. Các cụ già thì ngại làm “lãnh đạo”, nhiều người được có tên tham gia (ủy viên) HĐHN nhưng không hoạt động (ở HĐHN Việt nam cũng có tình trạng này), người trẻ thì chưa đủ uy tín theo cách suy nghĩ là việc Họ phải do các cụ cầm chịch.
Việc không thành lập được thêm các HĐHN ở các tỉnh, thành phố đã làm giảm rất đáng kể việc kết nối con cháu họ Ngô ở các địa phương và trên toàn quốc. Nếu thời gian tới, không phát triển được hệ thống HĐHN ở các tỉnh, thành phố thì sẽ là điều rất đáng tiếc.  

2. Hoạt động của các HĐHN các tỉnh, thành phố: Nhìn chung còn rất nhiều khó khăn và hạn chế. Do “tiêu chí” thành lập Hội đồng họ thường chỉ là để gắn kết tình cảm dòng tộc trên phạm vi một khu vực nhất định (tỉnh, thành phố), giúp nhau được gì thì giúp, nên từ nhân sự (Chủ tịch, phó Chủ tịch, các ủy viên Hội đồng) đến nội dung hoạt động cũng không có gì quá ràng buộc mà chủ yếu dựa trên yếu tố tình cảm là chính. Một khi nhiệt huyết suy giảm lại gặp những yếu tố khách quan không thuận lợi, sẽ giảm hoặc mất nhu cầu và động cơ cũng như phương hướng hoạt động dòng họ.
Chương trình và nội dung hoạt động thời gian đầu rất phong phú, với nhiều mong muốn, hy vọng, nhưng sau nhạt dần. Hầu hết các HĐHN các tỉnh, thành phố chỉ duy trì được việc hiếu, hỷ trong phạm vi hẹp nhất định và tổ chức đoàn đại diện (những người có tâm huyết việc Họ) các con cháu tham gia Lễ dâng hương Đức Vương Ngô Quyền cùng HĐHN Việt nam nhân húy nhật của Ngài (18 tháng Giêng hàng năm).  Những năm trước tổ chức ở một địa điểm bất kỳ trong nội thành Hà Nội, những năm gần đây được tổ chức tại chính Đền thờ đức Vương ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội; hay các ngày Lễ ở các Đền thờ các danh nhân họ Ngô ở địa phương – một năm – một lần. Còn các hoạt động khác rất nghèo nàn, lại chủ yếu mang tính tự phát, ngẫu hứng…
HĐHN Việt nam cũng đã bàn đến việc tổ chức khuyến học, khuyến tài, triển khai kết nối các doanh nhân họ Ngô, tuổi trẻ họ Ngô…để tăng cường nội dung hoạt động ở trung ương, sau sẽ dần lan tỏa xuống địa phương, nhưng kết quả chưa mấy khả quan. Khó khăn về tài chính thì bao giờ cũng là vấn đề “đầu tiên”, nhưng khó khăn về tổ chức thực hiện (cả tổ chức và nhân sự) mới là trên hết, cần phải có “bộ máy” thu thập, trao đổi thông tin hai, ba chiều từ các chi họ ở thôn, xã, huyện, tỉnh về trung ương và ngược lại, rồi việc tổ chức chúc thọ các cụ cao niên, thưởng các cháu học giỏi, được giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế… Thiết nghĩ tổ chức (đi đôi với nhân sự phù hợp) là vấn đề tối thượng quyết định. Tài chính có thể giải quyết bằng việc đóng góp của của các mạnh thường quân và tất cả con cháu trong dòng tộc từ khắp cả nước, nhưng phải là hoạt động có tổ chức bài bản, chặt chẽ thì mới bền vững và hiệu quả lâu dài.
Với những cố gắng không mệt mỏi của con cháu họ Ngô trong toàn quốc mà đứng đầu là ông Ngô Vui, chủ tịch HĐHN Việt nam từ tháng 9/1994 cho đến nay, chúng ta đã làm được nhiều việc mang ý nghĩa rất to lớn không chỉ cho hiện tại mà còn cho muôn đời con cháu họ Ngô sau này đó là đã kết nối được nhiều chi họ trong toàn quốc, xây dựng được Phả hệ họ Ngô Việt nam từ thời cụ Ngô Nhật Đại - Tổ đại 6 đời của Đức Vương Ngô Quyền, cho đến nay (lần tái bản mới nhất năm 2019). Đây là một kết quả có thể gọi là phi thường, không một dòng họ nào ở Việt nam làm được.
Song song với việc xây dựng và hoàn thiện thành công Phả hệ họ Ngô Việt nam, chúng ta cũng đã đẩy mạnh các hoạt động uống nước nhớ nguồn như: phát sáng truyền thống dòng họ, tìm kiếm, tôn tạo, trùng tu các công trình thờ tự, các lăng mộ của tổ tiên, cũng như các danh nhân họ Ngô trên toàn quốc. Đây là những công việc lâu dài của các đời con cháu họ Ngô Việt nam, vi đặc trưng chung của nền văn hóa người Việt là thờ cúng tổ tiên, ai cũng hiểu là có Tổ tiên thì mới có mình và vì vậy phải biết tri ân Tổ tiên.

Thời gian tới, việc đẩy mạnh phát triển tổ chức và các hoạt động dòng họ trên phạm vi toàn quốc là việc bắt buộc phải được quan tâm thích đáng hơn, nếu như chúng ta, con cháu họ Ngô Việt nam muốn tiếp tục phát huy truyền thống cha ông, cùng các dòng họ khác trên cả nước chung tay xây dựng một Tổ quốc Việt nam ngày càng phồn vinh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Để tăng cường mặt công việc này chúng tôi xin đề xuất:
- HĐHN Việt nam – cơ quan trung ương cần coi trọng hơn nữa đến việc thành lập HĐHN ở các tỉnh, thành phố, nên lập một nhóm các ủy viên Hội đồng đảm trách việc này. Nhóm chuyên trách cần tăng cường tìm hiểu, trao đổi thông tin với các địa phương để phát hiện những người tâm huyết, có điều kiện và khả năng đứng ra làm cột cờ, quy tụ những người khác để thành lập HĐHN địa phương
- HĐHN các địa phương được thành lập mới vẫn cần đề xuất các vị cao niên, có uy tín giữ các chức vụ chủ chốt, nhưng trong thành phần ủy viên Hội đồng nên có 3 lứa tuổi: các cụ cao niên – lứa 40, 50 tuổi và lứa dưới 40 tuổi. Như vậy, vừa “tận dụng” được kinh nghiệm, sự từng trải của các cụ, vừa phát huy được tính năng động và khả năng hoạt động về mặt thể chất của người trẻ, lại vừa tạo được sự kế tục: khi tre già thì măng đã mọc.
- Bên cạnh việc tiếp tục kết nối các chi họ, tiếp tục các hoạt động phát sáng dòng tộc thì cần suy nghĩ để đa dạng hóa các loại hoạt động của Hội đồng họ cũng như mọi gia đình hay cá nhân các con cháu trong họ tộc ở diện rộng cũng như diện hẹp. Làm sao có được những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực về cả mặt vật chất và cả mặt tinh thần. Khi một hoạt động nào đó thu được hiệu quả sẽ tạo được tâm lý phấn khởi, tích cực để hoạt động tiếp. Như vậy, mới tạo được thế bền gốc và tính năng động trong quá trình phát triển của Hội đồng họ các địa phương.
Chúng tôi mong muốn mọi người cùng suy nghĩ, với tinh thần là tiếp tục phát sáng truyền thống dòng họ Ngô Việt nam chúng ta, vì lợi ích chung cho muôn đời con cháu trong họ và cũng góp phần nhỏ bé của chúng ta vào việc xây dựng quốc gia, dân tộc. Mọi ý kiến đóng góp có thể gửi về Thường trực HĐHN hoặc trao đổi trên trang Web của họ Ngô Việt nam https://ngotoc.vn.

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần - 2022, tôi xin kính chúc các cụ cao niên và toàn thể con cháu nội ngoại họ Ngô Việt nam có nhiều sức khỏe, có cuộc sống an lành và hạnh phúc, thành đạt trên tất cả các phương diện. Chúng ta cùng đoàn kết, chung tay phát huy truyền thống vẻ vang của họ Ngô Việt nam
Tổ tiên sẽ dõi theo từng bước đi và từng việc làm của chúng ta và ủng hộ, giúp đỡ cháu con khi truyền thống ngàn năm của dòng họ ngày càng được làm cho rạng rỡ hơn.

Ngô Tiến Quý                       

Tổng số điểm của bài viết là: 32 trong 7 đánh giá

Xếp hạng: 4.6 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  • Ngô Bá Khiêm
    Cảm ơn bài viết của Chú, hi vọng rằng con cháu Họ Ngô các địa phương sẽ tích cực hưởng ứng để kết nối dòng họ, phát triển dòng họ xứng với các bậc tiền nhân. Một vấn đề rất hay được thiếu Tướng đề cập đến là vai trò của những người trẻ trong HĐHN, trong thời buổi công nghệ số đang trở thành yếu tố quyết định cho sự kết nối giữa mọi người muôn phương thì các bạn trẻ sẽ phát huy tốt hơn vai trò kết nối con cháu Họ Ngô trong cả nước. Rất mong HĐHN toàn quốc quan tâm có định hướng cụ thể phát triển HĐHN các địa phương theo ý kiến tâm huyết của Chú Quý! Kính chúc Chú sức khoẻ! Kính chúc Họ Ngô Việt Nam ngày càng gắn kết và phát triển.
      Ngô Bá Khiêm   khiemnb@hcmue.edu.vn   29/12/2022 21:44
  • Ngô thanh xuân
    Mục đích tôn chỉ ý kiến hay hợp với tôn chỉ văn bản của HĐHN HẢI PHÒNG,
    HẢI PHÒNG ủng hộ ý kiến hay này
    Ngô thanh xuân 19051950@gmai.com
      Ngô thanh xuân   thanhxuan19051950@gmai.com   27/02/2022 05:49
  • Ngô Quốc Sỹ
    Đọc bài viết cảm thấy buồn. Hi vọng thời gian tới với lợi thế công nghệ thông tin hiện đại sẽ giúp HDHN thành lập và liên kết được với nhau tốt hơn
      Ngô Quốc Sỹ   ngosy37e@gmail.com   26/02/2022 23:37
  • NGÔ Đức long
    Bài viết và tầm nhìn rất xa
    Cảm ơn chú quý.về cá nhân cháu cũng có suy nghĩ giống chú.để biến thành hành động
    Cần có sự vào quộc của nhiều tầng lớp.và có tâm thật sự với dòng họ
      NGÔ Đức long   ngolong574@gmail.com   26/02/2022 08:35
  • Ngô Giao Hải
    Bài viết rất hay, cám ơn chú Ngô Tiến Quý! Con cháu họ Ngô cần chú ý và học hỏi!
      Ngô Giao Hải   giaohaingo@gmail.com   21/02/2022 02:25
Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập95
  • Hôm nay26,697
  • Tháng hiện tại368,436
  • Tổng lượt truy cập41,949,925
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây