Một số khái niệm, từ ngữ thường dùng trong gia phả, bài vị, bia mộ

Thứ ba - 22/04/2025 15:08

Trong gia phả, bài vị, bia mộ cũ hoặc trong các bài văn cúng tế, chúng ta thường thấy nhiều từ ngữ, danh xưng cổ kính, mang tính chuyên biệt để viết về các bậc tiên tổ. Việc hiểu đúng những khái niệm này sẽ giúp ta gìn giữ và tiếp nối truyền thống một cách trang nghiêm, chính xác hơn.
 

Dưới đây là những khái niệm và từ ngữ thường gặp:

1. Bài vị 
Bài vị (牌位) là tấm thẻ bằng gỗ hoặc giấy, ghi họ tên, chức tước, năm sinh năm mất của người quá cố hoặc của các vị thần thánh, được đặt trên ban thờ để thờ cúng. Bài vị cũng còn được gọi là Linh vị hay Thần chủ.
Tại các đình, chùa, đền, miếu, bài vị thờ thần thánh được gọi là Thần vị, Thánh vị. Ở từ đường dòng họ hoặc ban thờ gia đình, bài vị của vị thủy tổ thường được đặt cố định trên ngai thờ, còn bài vị của những người khác sẽ được cất đi, chỉ mang ra vào dịp giỗ để đặt theo đúng thứ bậc.
Ngày nay, trên bàn thờ gia tiên, bài vị thường được thay thế bằng di ảnh người quá cố.

2. Công, Quý công
Hai chữ Công (公) và Quý công (貴公) là các từ dùng để tôn xưng cụ ông đã mất. Có thể hiểu gần như từ “Ông” hay “Cụ ông” trong ngôn ngữ hiện đại. Chẳng hạn, câu “Ngô Quý Công húy Toàn, tự Kim Chung, hiệu Khoan Nhân” có thể hiểu là “Cụ ông họ Ngô tên húy là Toàn, tên tự là Kim Chung, tên hiệu là Khoan Nhân.” Khi dịch ra tiếng Việt, ta có thể viết là: “Cụ Ngô Toàn, tự Kim Chung, hiệu Khoan Nhân”.
Một số người nhầm lẫn, tưởng rằng “Công” hay “Quý công” là tên đệm hay chỉ dòng họ cao quý, như “họ Ngô Công”, “họ Ngô Quý” — hiểu như vậy là sai. Đây chỉ là cách xưng hô tôn kính, không mang yếu tố huyết thống.
Ngoài ra, chữ “Quý công” còn được dùng trong hệ thống phân thứ bậc con trai thời xưa: Mạnh công là con trưởng, Trọng công là con giữa, và Quý công là con út. Tuy nhiên, chữ Quý trong Quý công (季公) ở đây có nghĩa là cuối, là út chứ không mang nghĩa cao quý.

3. Khảo, Tỷ
Khảo (考) và Tỷ (妣) là những từ cổ chỉ cụ ông, cụ bà đã mất. 
Sau khi qua đời, cha mẹ được gọi là Hiển khảo (顯考), Hiển tỷ (顯妣); ông bà là Tổ khảo (祖考), Tổ tỷ (祖妣); cụ (cố) là Tằng tổ khảo (曾祖考), Tằng tổ tỷ (曾祖妣); kỵ (can) là Cao tổ khảo (髙祖考), Cao tổ tỷ (髙祖妣). Những bậc cao hơn nữa được gọi chung là Tiên tổ (先祖) cho đến người khai sáng ra dòng họ gọi là Thủy tổ (始祖).
Trong trường hợp cha mẹ mất nhưng còn ông bà, người ta dùng chữ Tiên khảo (先考), Tiên tỷ (先妣) thay cho Hiển khảo, Hiển tỷ để hàm ý là người ra đi trước.

4. Phủ quân, Tiên sinh; Nhụ nhân, Phu nhân
Đây là các từ tôn xưng đi kèm với tên của người đã mất để thể hiện sự kính trọng:
•    Với nam giới: dùng Tiên sinh (先生) nếu là người có học thức, có vai trò xã hội; dùng Phủ quân (府君) như một cách xưng tôn chung cho nam giới đã khuất.
•    Với nữ giới: dùng Phu nhân (夫人) để gọi vợ của quan chức hoặc người có danh vọng; dùng Nhụ nhân (孺人) như cách gọi kính trọng chung cho phụ nữ đã mất.
Ngày nay, nhiều gia đình dân dã cũng dùng các từ này trong bài vị, bia mộ để thể hiện lòng hiếu kính, bất kể người đã mất có chức tước, học vị hay không.

5. Lang, Hàng
Hai từ này dùng để phân biệt thứ bậc con cái trong gia đình:
•    Lang (郎): Dành cho con trai, không tính chị em gái.
o    Nhất Lang (一郎): con trai cả;
o    Nhị Lang (二郎): con trai thứ hai;
o    Tam Lang (三郎): con trai thứ ba;
o    Tứ Lang (四郎): con trai thứ tư…
Nếu chỉ có ba con trai, cách gọi thường dùng là Mạnh công (trai trưởng), Trọng công (trai giữa), Quý công (trai út) như đề cập bên trên.
•    Hàng (行): Dành cho con gái, không tính anh em trai.
o    Con gái cả trong số chị em gái gọi là Hàng Nhất
o    Các bậc tiếp theo: Hàng Nhị, Hàng Tam, Hàng Tứ…

6. Tên Húy, Tự, Hiệu, Thụy
Đây là những cách đặt tên mang tính lễ nghi, truyền thống, phổ biến trong gia phả và bài vị:
•  Tên húy (諱) là tên cha mẹ đặt lúc nhỏ, tương đương với tên khai sinh ngày nay. Dân gian còn gọi là tên thật, tên tục. Nhiều người lầm tưởng đây là “tên cúng cơm”, nhưng hiểu như thế là không đúng. Tên cúng cơm là tên đặt lúc qua đời để sau này xưng gọi khi cúng khấn.
•  Tên tự (字) là tên thứ hai, đặt khi con trai đến tuổi trưởng thành (thường là 20 tuổi). Tên tự thường có liên hệ nghĩa với tên húy, thường gồm hai chữ. Ví dụ: Lê Quý Đôn có tên tự là Doãn Hậu, Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên tự là Hạnh Phủ.
•  Tên hiệu (號) là tên gọi mang tính tự chọn, để thể hiện chí hướng hoặc cá tính. Ví dụ: Nguyễn Du có tên hiệu là Thanh Hiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiệu là Bạch Vân am Cư sĩ.
•  Tên thụy (謚) là tên được đặt sau khi mất, thường dành cho vua chúa, quan lại, người có danh phận cao. Trong dân gian, tên này còn được gọi là Tên hèm, Tên cúng cơm. Ở một số vùng, người bình dân lúc lâm chung con cháu thường nhờ thầy cúng hoặc nhà chùa đặt tên thụy để đến ngày giỗ xướng tên mời về thụ hưởng lễ vật. Tên này thường được gọi là Tên Tự (đối với nam) hoặc Tên Hiệu (đối với nữ), và được ghi vào gia phả hoặc sổ ghi ngày giỗ của gia đình.

Dưới đây là một số từ thường dùng để tạo Tên Tự, Tên Hiệu theo ý nghĩa trên:
a. Tên Tự (cho nam):
•  Phúc (福): Người sống thọ, con cháu dề huề.
•  Trực (直): Người sống ngay thẳng (thường dùng cho người mất ở tuổi trung niên).
•  Trung (忠): Người trung hậu, sống hết lòng.
•  Đôn (敦): Người sông đôn hậu, chân thực.
•  Thuần (純): Người hiền lành, chất phác, thành thực
b. Tên Hiệu (cho nữ):
•  Diệu (妙): Đoan trang, hiền thục (thường dùng cho người sống thọ).
•  Mỹ (美): Xinh đẹp (thường dùng cho người mất ở tuổi trung niên).
•  Từ (慈): Nhân từ, hiền lành.
•  Đoan (端): Ngay thẳng, đoan trang.
•  Trinh (貞) Trong trắng, tiết hạnh.

Việc hiểu và sử dụng đúng các từ ngữ cổ truyền trong gia phả, bài vị, văn tế… không chỉ góp phần giữ gìn nếp nhà, tôn vinh tiền nhân mà còn thể hiện sự gắn bó sâu sắc với cội nguồn văn hóa dân tộc. Những từ ngữ tưởng chừng như trang trọng, cổ kính này lại chính là cầu nối tâm linh giữa các thế hệ con cháu với tổ tiên, là biểu hiện của đạo hiếu và lòng biết ơn trong truyền thống Việt Nam.

Ngô Văn Xuân
(Tổng hợp giới thiệu)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập433
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm428
  • Hôm nay59,764
  • Tháng hiện tại1,207,946
  • Tổng lượt truy cập57,964,376
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây