Về Hưng Yên, một hành trình kết nối khó quên

Thứ sáu - 16/05/2025 00:06

Ngày 13/5/2025 (tức ngày 16 tháng Tư năm Ất Tỵ), nhằm ngày Hoàng đạo, Ban Nghiên cứu Phả sử và Kết nối dòng họ tổ chức chuyến đi tìm hiểu, kết nối một số chi họ Ngô ở khu vực tỉnh Hưng Yên.
 
Từ đường họ Ngô Nhân Lý xã Nguyễn Trãi huyện Ân thi, Hưng Yên


Lần này, đoàn dự định qua địa bàn các huyện: Khoái Châu, Ân Thi, Yên Mỹ, Mỹ Hào và Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên). Đoàn gồm 2 người: ông Ngô Văn Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Ngô Việt Nam, Trưởng ban Phả sử và anh Nguyễn Văn Hải, phụ tá kiêm lái xe. Khởi đầu đoàn dự định có 3 người, tuy nhiên, đến ngày khởi hành, ông Ngô Nhật Dân, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Ngô Việt Nam, do có công việc đột xuất phải vắng mặt. Toàn bộ kế hoạch, phương tiện. điều kiện làm việc do ông Ngô Nhật Dân thu xếp.
Thời tiết hôm này được dự báo buổi trưa nắng nóng, hơn nữa mong muốn có thêm nhiều thời gian đến các họ làm việc nên chúng tôi tranh thủ khởi hành sớm. Từ 5 giờ 30 xe đã lăn bánh xuất phát. Đến đầu khu vực đô thị Ecopark, chúng tôi tranh thủ ăn sáng để lấy sức chuẩn bị hành trình đường xa và làm việc muộn. Địa bàn đầu tiên chúng tôi đến là huyện Khoái Châu. Chạy qua khu đô thị Ecopark, hệ thống đường xá rộng rãi, thông thoáng, mát mẻ, mật độ giao thông thưa nên chẳng bao lâu chúng tôi đã qua địa bàn huyện Văn Giang.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi tìm đến là thôn Lạc Thủy, xã Đông Kết, huyện Khoái Châu. Xe chạy theo định vị Google nên đi một mạch là đến đầu làng. Tuy nhiên, khi gần đến làng, do gần giờ các cháu học sinh đi học, đường khá đông đúc nên xe phải chậm lại. Chúng tôi tìm hỏi đến nhà ông Ngô Trọng Yêm, Trưởng tộc họ Ngô Trọng thôn Lạc Thủy. Đến nơi, không may nhà lại khóa cổng, ông bà đi vắng. Gặp hỏi một bác nhà đối diện, thì được biết bác cũng người họ Ngô, là người nhà ông Yêm. Bác cho biết ông bà Yêm giờ này đi "nằm giường" (tức đi nằm giường mát-xa chữa bệnh xương khớp), bác tận tình chỉ đến nhà ông Ngô Trọng Đông cạnh đó – em họ ông Yêm.
Từ trái qua phải, các ông: Ngô Trọng Bình, Ngô Trộng Đông (họ Ngô Lạc Thủy) và Ngô Văn Xuân

Sau khi vào nhà chào hỏi, giới thiệu sơ bộ, ông bà mời chúng tôi ngồi uống nước rồi lấy máy gọi cho ông Yêm. Tuy nhiên do đang bận việc, vị Trưởng tộc gọi mấy lần không thấy thưa máy. Chúng tôi ngồi trao đổi thông tin với ông Đông. Ông cho biết họ Ngô Trọng nhà ông gốc từ Thanh Hóa ra, đến nay đã có 8 đời. Gia phả chi họ đã biên tập và được gửi cho Hội đồng họ Ngô Việt Nam; nhà thờ riêng chưa xây dựng được, hiện việc thờ cúng và sinh hoạt chi họ được tổ chức tại nhà Trưởng tộc.
Đang cuộc nói chuyện thì có một vị khách vào liên hệ công việc. Ông Đông giới thiệu đây là ông Tình – cũng người họ Ngô nhưng thuộc một họ Ngô Trọng khác trong làng. Thì ra thôn Lạc Thủy có tới 3 họ Ngô Trọng. Cả 3 họ đều là những chi họ nhỏ, mới khoảng 7–8 đời. Ông Đông cho biết, một ông anh con bà bác ở xóm ngoài cũng là trưởng tộc một họ Ngô Trọng khác.
Ông Ngô Trọng Yêm, người nghiên cứu, biên tập gia phả chi họ nơi chúng tôi đang làm việc (tạm gọi là họ Ngô Trọng 1), từng đề xuất 3 họ nên cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu rõ cội nguồn – rất có thể đây chỉ là một họ có chung gốc tổ. Tuy nhiên, đề xuất đó không được các chi họ kia chấp nhận, một phần vì 2 họ kia không còn gia phả, không biết chắp nối vào đâu; mặt khác, một họ lại cho rằng họ mình có gốc tại đây, trong khi họ Ngô Trọng 1 lại từ Thanh Hóa ra nên không thể là một.
Anh Ngô Văn Hải làm thủ tục chụp ảnh, xác định vị trí, tọa độ ngôi nhà trưởng tộc hiện làm nơi thờ cúng tổ tiên. Xong, chúng tôi đề nghị ông Đông dẫn chúng tôi đến làm việc với vị Trưởng tộc họ Ngô Trọng 2. Ông vui vẻ giúp đỡ, gọi điện thoại hỏi ý kiến ông Ngô Trọng Bình (tên vị Trưởng tộc). Ông Bình vui vẻ nhận lời, mời đoàn đến làm việc. Từ đường họ Ngô Trọng 2 ở xóm Lạc Thủy 2, cách xóm Lạc Thủy 1 chừng 2 km.
Trưởng tộc Ngô Trọng Bình ra đón tiếp đoàn. Vì nhà đang có thợ cơ khí sửa giúp đồ vật nên ông vừa tiếp khách vừa quán xuyến công việc. Theo ông Bình, họ Ngô Trọng 2 có gốc tại đây, đến đời ông là đời thứ 6. Họ có gia phả nhưng để lâu mục nát, nay đang tổ chức biên tập lại. Nhà thờ mới được xây dựng, trước đây mọi sinh hoạt dòng họ ở nhà trưởng tộc. Đoàn vào thắp hương từ đường, anh Hải tiếp tục chụp ảnh nhà thờ, định vị, xác định tọa độ để đưa lên mạng. Vì ông Bình đang bận công việc nên chúng tôi không ở lại lâu, xin phép tiếp tục hành trình.
Từ đường họ Ngô Trọng 2 thôn Lạc Thủy xã Đông Kết huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Riêng với họ Ngô Trọng 3, tức họ ông Ngô Trọng Tình, theo lời ông Đông thì trưởng tộc hiện còn nhỏ tuổi và đang đi làm ăn xa. Những người khác trong họ hiện đang ở nhà không nắm rõ thông tin về dòng tộc, nên chúng tôi tạm thời chưa tìm hiểu thêm, để dành dịp khác.

Điểm đến tiếp theo là khu vực huyện Ân Thi. Chúng tôi định vị tìm đến họ Ngô thôn La Mát, xã Phù Ủng – cách Đông Kết (Khoái Châu) chừng 30 km. Sau khoảng 20 phút di chuyển, chúng tôi có mặt tại nơi. Hỏi thăm thì được biết trưởng tộc – ông Ngô Văn Thuận – mới mất; con trai ông là Ngô Văn Hưởng lại đang công tác trong Sài Gòn. Đến từ đường chi họ thì cổng, cửa đều khóa. Bên cạnh có gia đình đang sửa nhà, thợ thuyền làm việc tấp nập. Hỏi chuyện chủ nhà thì được biết ông là cháu ngoại họ Ngô (mẹ là người họ Ngô). Ông mời đoàn vào nghỉ tạm cho mát, rồi gọi điện liên hệ. Một lát sau, bác Ngô Văn Vê – thành viên Ban liên lạc dòng họ – đến tiếp đón.
Dâng hương từ đường họ Ngô thôn La Mát xã Phù Ủng huyện Ân Thi, Hưng Yên

Sau khi trao đổi về mục đích, ý nghĩa và nhiệm vụ chuyến đi, ông Vê gọi điện mời ông Ngô Minh Hoạt – Trưởng Ban liên lạc – đến tiếp đoàn. Ông Hoạt đến, chào hỏi chúng tôi xong liền đi mở cửa từ đường, mời đoàn vào trong nhà làm việc. Ông cho biết: theo lời các cụ cao niên, cụ Tổ chi họ vốn xuất thân từ thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, đến đây lập nghiệp vào đầu thế kỷ XVIII, cách nay khoảng 300 năm. Cách đây 10 năm, đích thân ông Hoạt đã về Vọng Nguyệt để tìm kiếm kết nối. Tuy nhiên, do nơi đây có tới 3 họ Ngô, trong đó 2 họ đã có lịch sử lâu đời nhưng không tìm ra manh mối liên hệ, còn một họ có gia phả chỉ ghi được 5–6 đời, nên cũng không xác định được đầu mối.
Chi họ La Mát hiện có gia phả viết bằng chữ Hán, nhưng do một gia đình giữ riêng. Ông Hoạt, sau khi nghỉ hưu, đã tự học chữ Hán – đọc viết được ở mức cơ bản – nên đã chép lại bản phả và chú âm Hán–Việt bên cạnh. Thủy tổ là cụ Ngô Quý Công, tự Minh Thông. Hiện chi họ đã có 10 thế hệ, toàn chi họ hiện có khoảng 500 hộ dân, con cháu nhiều người làm ăn sinh sống xa quê. Đoàn làm lễ dâng hương, xin phép chụp ảnh từ đường, định vị tọa độ, chụp sao chép lại toàn bộ gia phả để bổ sung vào hệ thống Phả hệ chung họ Ngô Việt Nam. Buổi làm việc kết thúc trong không khí thân tình và đạt được kết quả tốt đẹp.
Làm việc với ông Ngô Minh Hoạt - Trưởng ban Liên lạc họ Ngô La Mát

Theo chỉ dẫn của ông Hoạt, đoàn tiếp tục tìm đến họ Ngô thôn Bối Khê, xã Bãi Sậy – cùng huyện, cách La Mát khoảng 3 km. Chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Trọng Trinh – Đại tá quân đội nghỉ hưu, có nhiều năm nghiên cứu và tham gia việc họ. Không may ông Trinh đi vắng. Được giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà bà Nhường. Ra mở cửa là một người phụ nữ dong dỏng cao, nhanh nhẹn, dáng vẻ dịu dàng phúc hậu. Biết đoàn là người họ Ngô đến tìm hiểu kết nối dòng họ, bà tỏ ra rất vui mừng, mời vào nhà, pha nước tiếp khách và chia sẻ thông tin về họ Ngô Bối Sơn.
Bà Ngô Thị Nhường năm nay 72 tuổi, là chị gái ông Trinh. Bà lấy sổ ghi chép, giới thiệu từng nội dung chi tiết như một vị trưởng tộc thực thụ. Chúng tôi rất cảm phục: một người phụ nữ đã lớn tuổi mà vẫn ghi nhớ và hiểu biết rõ về họ nội của mình như vậy. Bà cho biết họ Ngô Bối Sơn gồm hai chi, chi nhà bà là chi thứ. Chi trưởng do ông Ngô Văn Đồng làm trưởng chi, đồng thời là trưởng tộc. Khi chúng tôi đề nghị được gặp ông Đồng, bà Nhường nhiệt tình dẫn đường, đưa chúng tôi đến nhà ông – cách đó gần 1 km.
Làm việc với ông Ngô Trọng Đồng và bà Ngô Thị Nhường - họ Ngô Bối Khê xã Bãi Sậy huyện Ân Thi

Làm việc với ông Ngô Trọng Đồng, ông cho biết: cụ Tổ chi họ là Ngô Đình tự Pháp Độ; cụ bà là Nguyễn Thị húy Tịnh – gốc Hà Nam. Theo truyền thuyết, cụ từng là quan triều đình, người cương trực, do phạm lỗi nặng nên bị kết tội, phải lánh về vùng này khai hoang lập nghiệp. Khi ấy, nơi đây còn là bãi sậy rậm rạp, có một gò đất cao; cụ cắm sào dựng lều, dùng cỏ sậy làm nhà ở tạm. Con cháu hiện nay đã nối đời hơn 10 thế hệ. Từ đường chi họ chưa có, hiện việc thờ cúng và sinh hoạt họ vẫn tổ chức tại nhà trưởng tộc. Đoàn chúng tôi thắp hương, chụp ảnh, xác định tọa độ. Xong việc cũng đã gần 12 giờ trưa. Gia đình có mời cơm trưa nhưng chúng tôi xin phép cáo từ vì cần tranh thủ thời gian.
Hai bác cháu tìm đến một quán cơm nhỏ bên đầu phố, dùng bữa nhẹ tiếp thêm năng lượng, rồi đánh xe tìm bóng cây râm mát đỗ xe nghỉ ngơi một lát, chuẩn bị cho hành trình buổi chiều.

Đầu giờ chiều, khoảng hơn 13 giờ, chúng tôi tiếp tục hành trình.
Điểm đầu tiên là họ Ngô thôn Đông Bạn, xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi. Do thời điểm đầu giờ chiều, việc tìm người để hỏi thăm cũng khá khó khăn. Một lúc lâu sau, chúng tôi mới gặp được một cụ bà; khi biết chúng tôi muốn tìm đến nhà Trưởng tộc họ Ngô, cụ ân cần, nhiệt tình chỉ dẫn.
Đoàn tìm đến nhà ông Ngô Chu Hùng. Người ra mở cửa là cụ bà – vợ ông Hùng. Được biết cụ Ngô Chu Hùng năm nay đã 84 tuổi, mới bị ngã gãy chân, chân đang đóng đinh nên phải nằm điều trị, chỉ thỉnh thoảng di chuyển bằng xe lăn. Cụ bà bấm điện thoại gọi bác con trưởng là Ngô Quang Thao đến cùng tiếp khách.
Họ Ngô Đông Bạn là một trong ba chi có chung cụ Tổ, vốn xuất xứ từ họ Ngô Thì, làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ba chi đó gồm: họ Ngô thôn Hải Triều (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình); họ Ngô thôn Mỹ Xá (xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ); và họ Ngô thôn Đông Bạn (xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Họ Đông Bạn là một chi họ nhỏ, với chỉ khoảng 20 nóc nhà, trên dưới 100 nhân khẩu.
Làm việc với ông Ngô Quang Thao - họ Ngô thôn Phúc Tá xã Cẩm Ninh huyện Ân Thi

Theo giới thiệu của cụ Hùng và ông Thao, chúng tôi tiếp tục tìm đến họ Ngô thôn Nhân Lý, xã Nguyễn Trãi, cách đó chừng 3 km. Đây là một khu dân cư nhỏ, dân số còn thưa thớt. Đi hỏi tìm thì may mắn gặp anh Bằng, một thợ cắt tóc tại một quán nhỏ, anh cho biết mình cũng là người họ Ngô. Sau khi chúng tôi nói rõ mục đích chuyến đi và đề nghị giúp đỡ, anh rất nhiệt tình đạp xe dẫn đoàn đến nhà Trưởng họ và từ đường cạnh đó.
Không may, Trưởng họ đi làm vắng. Vào nhà hỏi con cháu thì không ai biết số điện thoại liên lạc. Anh Bằng lại lập tức đạp xe đến nơi ông ấy làm việc, nhưng tiếc rằng do tính chất công việc, ông không thể bỏ về tiếp chúng tôi được. Dù vậy, chúng tôi cũng đã trao đổi thêm một số thông tin, chụp ảnh, xác định tọa độ từ đường, rồi xin phép tiếp tục hành trình.

Điểm tiếp theo là khu vực thị xã Mỹ Hào. Trên đường từ Ân Thi đến Mỹ Hào, đoàn ghé thị trấn Yên Mỹ để làm việc với họ Ngô thôn Trai Trang. Hỏi thăm, chúng tôi tìm đến nhà ông Ngô Văn Khoa, Trưởng tộc. Nhà ông Khoa ở giữa xóm, chúng tôi phải gửi xe ngoài phố, hỏi thăm tìm vào đến nhà. Đây là nhà trưởng tộc đồng thời là nơi thờ cúng tổ tiên. Nghe giới thiệu chúng tôi từ Hội đồng Họ Ngô Việt Nam ở Hà Nội về xin làm việc, ông bà Khoa có phần ngờ vực, liền gọi điện mời ông Ngô Thanh Bình – người trong họ, hiện là Ủy viên Thường trực HĐHN Việt Nam, Quyền Chủ tịch Hội đồng Họ Ngô tỉnh Hưng Yên – đến cùng tiếp khách. Tuy nhiên, do bận việc, ông Bình không đến được.
Chúng tôi cũng hoàn toàn thông cảm với ông bà Khoa, bởi trong tình hình hiện nay, các hiện tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, việc bà con đề cao cảnh giác là điều cần thiết. Các thông tin và gia phả họ Trai Trang chúng tôi đã có khá đầy đủ; mục đích chuyến đi lần này chủ yếu là để chụp ảnh, xác định vị trí từ đường đưa vào hệ thống chung của Dòng họ. Vì vậy, chúng tôi xin phép được trao đổi nhanh với ông Khoa một số nội dung, rồi rời đi tiếp tục hành trình đến Mỹ Hào.

Tại thị xã Mỹ Hào, chúng tôi chọn đến làm việc với họ Ngô Bình Tân ở phường Bần Yên Nhân. Sau khi hỏi thăm mấy lần, chúng tôi được chỉ đến gặp ông Ngô Văn Triệu, người có một cơ sở sản xuất tương Bần ngay gần cổng làng. Đến xưởng chế biến hỏi thì được biết ông đang ở nhà riêng trong phố.
Tiếp đón chúng tôi, ông Triệu – nguyên là quân nhân đã nghỉ chế độ, nay kinh doanh sản xuất tương Bần – liên hệ và giới thiệu chúng tôi đến làm việc với ông Ngô Văn Bằng, hiện là Trưởng ban Điều hành dòng họ. Ông Bằng cũng là một quân nhân nghỉ hưu, hiện cùng vợ mở quán nước giải khát ngay cạnh ngã tư Bần Yên Nhân.
Ngồi làm việc, ông Bằng giới thiệu sơ lược về dòng họ: họ Ngô Bình Tân là một dòng họ có lịch sử lâu đời. Thủy tổ là cụ Ngô tự Phúc Cao, chưa rõ quê gốc, nhưng đã có mặt ở đây hơn 500 năm. Đến nay con cháu đã qua 16 thế hệ. Ban đầu dòng họ có 8 chi, sau một chi tách đôi, hiện nay toàn họ có 9 chi.
Từ đường của dòng họ được xây dựng từ lâu, đã nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất là năm 2014. Trong khuôn viên nhà thờ có một tấm bia cổ do cháu đời thứ ba là Thái giám, Thái Quận công Ngô Đình Bảng dựng năm 1677. Theo nghiên cứu kết nối, vị tổ đời thứ tư là Ngô Phúc Thịnh được xác định là Thủy tổ họ Ngô thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ.
Sau buổi làm việc, ông Bằng dẫn chúng tôi vào thắp hương, chụp ảnh, lấy tư liệu tại từ đường trong làng.
Nhà bia từ đường họ Ngô Bình Tân phường Bần Yên Nhân thị xã Mỹ Hào

Cuối chiều, điểm đến cuối cùng là thôn Nghĩa Lộ, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm. Theo nghiên cứu, đây được cho là nơi gốc cụ Ngô Khắc Hài, Thủy tổ họ Ngô thôn Nhật Chiêu 2, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc ra đi, đến nơi mới lập nghiệp. Tuy nhiên, khi đến nơi hỏi thăm một số bà con trong thôn thì đều cho biết trong làng không có ai họ Ngô. Điều này cho thấy cụ Ngô Khắc Hài có thể không phải là người gốc ở đây, mà chỉ là thày đồ đến đây hành nghề dạy học, sau đó chuyển sang Phúc Thọ (Sơn Tây cũ), rồi mới chuyển đến định cư tại thôn Nhật Chiêu, con cháu phát triển thành chi họ Ngô ở đấy.

Sau điểm khảo sát cuối, trời đã về chiều muộn, đoàn quyết định kết thúc hành trình. Về đến nhà đã gần 6 giờ tối. Dù hành trình có những khó khăn và không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng kết quả thu được vô cùng ý nghĩa. Chuyến đi không chỉ mang lại những thông tin, tư liệu quý giá cho công tác phả sử, mà còn thắt chặt thêm tình cảm gắn bó giữa những người con mang dòng máu họ Ngô trên khắp quê hương Hưng Yên. Sự nhiệt tình, lòng hiếu khách và ý thức về cội nguồn của bà con đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi thành viên của đoàn. Hành trình kết nối huyết thống này thực sự là một kỷ niệm khó quên.

Ngô Văn Xuân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập286
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm279
  • Hôm nay47,397
  • Tháng hiện tại833,336
  • Tổng lượt truy cập59,092,144
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây