VỀ CÂU ĐỐI Ở NHÀ BIA PHÚC QUANG TỪ ĐƯỜNG

Thứ sáu - 02/05/2025 08:08

Đọc lại câu đối khắc trên cột nhà bia Phúc Quang Từ Đường (Đồng Phang, Thanh Hóa) và nghiên cứu quá trình xây dựng nhà bia, tôi có một vài cảm nhận muốn được chia sẻ để độc giả và bà con tham khảo thêm.
 
Nhà bia Phúc Quang Từ Đường ở Đồng Phang, Thanh Hóa

Khi xây dựng nhà bia PHÚC QUANG TỪ ĐƯỜNG, tôi không có điều kiện tham gia với các bác trong Hội đồng Ngô tộc Việt Nam. Đọc các bài giới thiệu của Hội đồng trên tập nội san Họ Ngô Việt Nam số 2012 mới thấy được ý nghĩa lớn lao của công trình và sự cố gắng, vất vả của những người tham gia. Việc chuẩn bị câu đối khắc vào hai cột nhà bia cũng được tiến hành công phu, nhất là nhờ được người Trung quốc cố trình độ, có kinh nghiệm biên soạn cho thì thật đáng quý. Về nội dung, từ ngữ thì khỏi phải bàn, đảm bảo ý nghĩa sâu sắc, chứng tỏ tác giả có nghiên cứu kỹ nội dung Văn bia để soạn ra câu đối này.
Nhân đây, với một vài hiểu biết, tôi xin trao đổi thêm một số nội dung liên quan đến hoành phi, câu đối cũng như sự chuyển đổi từ Hán văn sang Việt văn để bà con trong Họ tham khảo thêm khi làm các công trình khác sau này:

1- Về thanh điệu:
 Trong ngữ âm tiếng Việt hiện có 6 dấu (huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã, và không dấu), được chia thành 2 thanh chính: thanh Bằng (gồm dấu huyền và không dấu) và thanh Trắc (các dấu sắc, hỏi, ngã, nặng). Trong nghệ thuật viết câu đối, một câu đối chỉnh ngoài việc đảm bảo đối ý, đối từ còn phải tuân thủ đối thanh. Tức là nếu một từ vế trên mang thanh trắc thì từ tương ứng vế dưới phải mang thanh bằng và ngược lại. Ngoài ra, nếu câu đối có hai hay nhiều phân đoạn thì từ cuối phân đoạn và từ cuối câu của mỗi vế đối cũng phải theo quy tắc  riêng (gọi là Luật bằng - trắc).
Các thanh Tiếng Hán khi chuyển sang âm Hán-Việt đều theo một quy tắc nhất định, song cũng không ít trường hợp ngoại lệ. Bởi vậy các câu đối do người Trung Quốc viết, có những câu khi đọc âm tiếng Trung thì thuận, nhưng khi chuyển sang âm Hán-Việt lại không đảm bảo Luật bằng - trắc, hoặc đọc nghe trúc trắc, không xuôi.

2- Về từ ngữ:
 Theo truyền thống hoặc tập quán, cùng một ý biểu đạt, người Việt hay sử dụng từ này nhưng người Trung Quốc có thể lại sử dụng từ khác. Chẳng hạn chúng ta hay nói: ốm “thập tử nhất sinh’’, người Trung Quốc lại nói ốm “cửu tử nhất sinh” (chín phần chết một phần sống). Biểu đạt ý vĩnh cửu, trường tồn, người Việt hay dùng VẠN ĐẠI, VẠN THẾ (muôn đời), người Trung Quốc thì hay dùng BÁCH ĐẠI (trăm đời)...

3- Về thể chữ:
 Ở Trung quốc rất nhiều câu đối được viết bằng thể chữ Lệ (Lệ thư) - một thể chữ  đẹp nhưng khá lâu đời trong lich sử phát triển Hán tự. Đối với Việt Nam, các câu đối xưa nay hiện còn lưu giữ được treo ở các đình chùa, đền phủ, từ đường dòng họ … chủ yếu viết theo thể chữ Khải (Khải thư – thể chữ thông dụng nhất), số viết bằng chữ Lệ hoặc các thể chữ khác không nhiều. Theo ý nghĩ chủ quan của chúng tôi, có lẽ trước đây ít người Việt viết thạo thể chữ này chăng, vì trong lịch sử Nho học Việt Nam, ít thấy nhắc tới các nhà thư pháp nổi tiếng của ta viết đẹp cả 5 thể chữ Hán. Mặt khác, một số nét và bộ thủ chữ Khải đã có sự biến đổi nên một số chữ Lệ khó nhận biết nếu không rành hoặc không tinh ý. Đặc biệt một vài bức viết theo thể chữ Triện, ngoại trừ những người nghiên cứu sâu về khoa học Thư pháp, còn hầu như không ai đọc được.

4- Về cách trình bày và đọc tác phẩm Hán văn:
 Theo quy tắc thì cách viết và đọc chữ Trung Quốc phổ thông hiện nay theo hàng ngang từ trái sang phải, từ trên xuống dưới (như văn Quốc ngữ của ta); còn Hán văn cổ đại thì viết và đọc theo hàng dọc từ phải sang trái. Các bức hoành phi cần trình bày ngang  cũng được viết và đọc từ phải sang trái. Hoành phi có đề khoản thì đề khoản vẫn trình bày theo hàng dọc, thượng khoản để bên phải, hạ khoản để bên trái. (Đề khoản hay lạc khoản là các dòng chữ nhỏ ghi thời gian, địa điểm, người được đề tặng, người viết, chế tác, phục dựng ... ghi trên một tác phẩm thư họa).
Ở Việt Nam, có một số bức tên riêng của chùa, đền ... người ta để danh từ chung ở giữa với mục đích tạo sự cân xứng. Thí dụ: bức Chùa Thiên Phúc (Thiên Phúc Tự), thay vì trình bày THIÊN PHÚC TỰ lại được viết là THIÊN TỰ PHÚC (chữ TỰ ở giữa, có thể hơi cao hơn 2 chữ kia một chút). Đây là chủ ý của tác giả chứ không phải người ta nhầm hay không biết. Người đọc vẫn phải đọc là Thiên Phúc Tự chứ không đọc là Thiên Tự Phúc.

5- Về cách treo câu đối:
Một câu đối hoàn chỉnh bao giờ cũng có 2 vế: vế trên và vế dưới (nếu câu đối do một người ra một vế để người khác đối lại thì gọi là vế ra và vế đối). Thông thường chữ cuối cùng của vế trên mang thanh trắc, còn chữ cuối cùng của vế dưới mang thanh bằng. Dựa theo quy tắc viết chữ, các câu đối chữ Quốc ngữ hoặc câu đối tiếng Hán phổ thông được treo vế trên bên trái, vế dưới bên phải theo hướng người đứng đọc; ngược lại, câu đối Cổ văn thì văn treo vế trên bên phải, vế dưới bên trái hướng người đứng đọc.

6- Một điều cần biết thêm là các bức hoành phi, câu đối đều là những bức thư pháp, những tác phẩm nghệ thuật, bởi vậy ngoài vai trò chuyển tải nội dung còn phải đảm bảo các vấn đề về hình thức như: thể loại, hình dáng, bố cục trình bày, thể chữ, cỡ chữ, đề khoản, ấn chương... để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh riêng của công trình. Các công trình phục dựng chúng ta nên chú ý các quy tắc trên để tránh sai sót khi thi công.
 
Chắc nhiều người trong và ngoài Họ đã dịch câu đối trước nhà bia Phúc Quang Từ Đường Họ Ngô ra tiếng Việt, tôi cũng xin được góp thêm một lời dịch như sau:

Nguyên văn:
贍雄文何公遺墨傳百代
聚大廈吳氏延恩澤千秋

Phiên âm:
THIỆM HÙNG VĂN, HÀ CÔNG DI MẶC TRUYỀN BÁCH ĐẠI
TỤ QUẢNG HẠ, NGÔ THỊ DIÊN ÂN TRẠCH THIÊN THU.

Lời Việt:
Dựng áng hùng văn, di bút Hà Công lưu muôn thủa,
Chung ngôi nhà lớn, ân sâu Ngô Tộc thấm ngàn thu.
  
Ngô Văn Xuân                                                             

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập175
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm157
  • Hôm nay80,103
  • Tháng hiện tại150,571
  • Tổng lượt truy cập58,409,379
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây