Về cuốn ''Đệ nhất phu nhân'' của Hoàng Trọng Miên

Thứ bảy - 06/05/2023 00:06

Nổi tiếng suốt gần 6 thập niên, cuốn "Đệ nhất phu nhân" của Hoàng Trọng Miên (cũng có nơi ghi là Hoàng Trọng Miêng) là một cuốn sách tập hợp những lời đồn vỉa hè vô căn cứ nhằm câu khách, thỏa mãn thị hiếu giải trí dễ dãi. Và phần nào đó, theo nhà nghiên cứu Đặng Tiến (Pháp), có thể, trả đũa nhân vật do bất đồng hay hiềm khích nào đó trong quá khứ.
 
Trần Lệ Xuân - nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết "Đệ nhất phu nhân".

Đã gọi là tiểu thuyết thì tác giả có quyền hư cấu, miễn sự hư cấu không làm tổn hại đến nhân vật trong đời thực, nếu họ không làm, không nói những điều như trong tiểu thuyết. Phần khác, hư cấu khác với suy diễn nhưng cả hai đều cần có căn cứ, cơ sở xác thực. Một khi nhân vật trong sách đã là người thật, đã tồn tại trong đời, dù hư cấu hay suy diễn, dù tiểu thuyết hay sách tư liệu, không ai được phép gán cho họ những việc họ không làm, không được phép bắt họ nói điều mà chỉ tác giả mới có thể nghĩ ra.

Nổi tiếng suốt gần 6 thập niên, cuốn "Đệ nhất phu nhân" của Hoàng Trọng Miên (cũng có nơi ghi là Hoàng Trọng Miêng) là một cuốn sách tập hợp những lời đồn vỉa hè vô căn cứ nhằm câu khách, thỏa mãn thị hiếu giải trí dễ dãi. Và phần nào đó, theo nhà nghiên cứu Đặng Tiến (Pháp), có thể, trả đũa nhân vật do bất đồng hay hiềm khích nào đó trong quá khứ. Ông Hoàng Trọng Miên sinh năm 1918 ở làng Nguyệt Biều, Huế. Đó cũng là quê ngoại bà Trần Lệ Xuân, nhân vật chính của cuốn sách, sinh năm 1924.

Tất nhiên, những "lời đồn" được tập hợp thành hệ thống nội dung, chi tiết trong cuốn "Đệ nhất phu nhân" có hàm lượng chính xác và tin cậy rất thấp, cũng giống như nhiều cuốn sách khác của tác giả Hoàng Trọng Miên, kể cả sách khảo cứu đều có hàm lượng tri thức, độ xác tín, tính đúng đắn không cao. Ngay từ thập niên 1960, tại miền Nam cho đến tận thời điểm hiện tại, nhiều cuốn sách của Hoàng Trọng Miên, ngay sau khi xuất bản đều đã làm dấy lên những tranh cãi chê bai quanh các mặt tiêu cực và sai trái như đạo văn, bịa đặt, sáng tạo và xuất bản vì động cơ không trong sáng, phi học thuật, phi văn nghệ… Cho dù ở cả hai thời ông đều được coi là một tác giả có tiếng tăm, có vị thế trong làng văn nghệ.

Số là sau đảo chánh 1/11/1963 lật đổ và giết chết anh em Tổng thống Việt Nam cộng hòa Ngô Đình Diệm, bất cứ thông tin gì liên quan đến anh em ông Ngô Đình Diệm cũng trở nên cực kỳ thu hút độc giả miền Nam. Vì thế, trên mặt báo, nhất là các tờ báo đối lập với nhà Ngô và các tờ điện ảnh, kịch trường mang xu hướng giải trí, thông tin liên quan đến anh em ông Diệm, ông Nhu, bà Lệ Xuân và những người liên quan cứ được tung ra loạn cào cào. Đúng hay sai, tốt hay xấu - đa phần là xấu - độc giả đều háo hức tiếp nhận. Những chuyện càng xấu xa, bại hoại càng được độc giả tò mò chú ý hơn. Không ít cây bút chuyên viết báo feuilleton (dài kỳ) đã cố vẽ vời, phóng đại, thậm chí bịa đặt để câu độc giả.

Quanh việc anh em ông Diệm - ông Nhu đào thoát khỏi dinh Gia Long, trốn xuống nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn trước khi đồng ý nộp mình cho phe đảo chính, người ta đã thêu dệt không ít tình tiết ly kỳ và nó lại được coi như thâm cung bí sử trong hơn nửa thế kỷ. Lúc đó có tin đồn người thiết kế đường hầm bí mật trong Dinh Gia Long là kiến trúc sư Võ Đức Diên. Ông KTS này được đương thời xem là một tài năng, từng rất nổi tiếng, là người điều hành tạp chí ảnh "Sáng dội miền Nam" do một hãng dầu tài trợ). Tin đồn sau đó còn đi xa hơn, cho rằng ông KTS Võ Đức Diên đã bị Ngô Đình Nhu sai người sát hại một cách bí mật bằng thuốc độc để không còn ai biết về bí mật của con đường hầm này.

Đến nay, sau gần 60 năm, vẫn không thể xác định được ai đã tung ra tin KTS Võ Đức Diên đã thiết kế đường hầm và bị giết để bịt đầu mối. Nhưng tất cả các chi tiết "lời đồn" đó, kèm nhiều thông tin bôi bác nhân vật khác đều được tập trung hết vào cuốn "Đệ nhất Phu nhân" của tác giả Hoàng Trọng Miên.

Với các bậc thức giả miền Nam, Hoàng Trọng Miên là một cây bút "giậu đổ bìm leo". Ngay trong những ngày vàng son của chế độ Ngô Đình Diệm, Hoàng Trọng Miên đã là tác giả bộ sách dày khảo cứu về văn minh Việt Nam, tựa "Việt Nam văn học toàn thư", tập I do Quốc Hoa, Sài Gòn xuất bản năm 1959; tập II Văn Hữu, Sài Gòn in năm 1960.

Sách vừa xuất bản, nó đã được đánh giá cao, được chính quyền Việt Nam Cộng hòa trao giải thưởng quốc gia về văn hóa năm 1960. Người đọc trầm trồ với một đóng góp lớn cho nền nghiên cứu văn học. Trí thức miền Nam rất quan tâm đến cuốn sách. Nhưng chính vì thế, họ đã... chỉ ra ngay, quyển này Hoàng Trọng Miên đạo văn, nếu không nói là thuổng nguyên của những kết quả nghiên cứu của học giả Nguyễn Đổng Chi ở ngoài Bắc, từ các cuốn "Lược thảo về thần thoại Việt Nam" (1956) và "Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam" (đồng tác giả, năm quyển, 1958-1960). Phát hiện của dư luận là chính xác, đến mức Hoàng Trọng Miên ngay lập tức bị tước giải. Dư luận lại xôn xao, phê phán suốt một thời. Chính vì thế, mãi rất lâu sau, khi dư luận đã lắng dịu, Hoàng Trọng Miên mới có thể xuất bản "Việt Nam văn học toàn thư III" tại NXB Tiếng Phương Đông, Sài Gòn, vào năm 1973. Đó là một minh chứng rõ nét của sự gian lận.

Ngay sau 1/11/1963, Hoàng Trọng Miên đã viết trên báo hàng ngày một loạt feuilleton kể xấu thậm tệ về đời sống đạo đức của ông bà Trần Văn Chương, là bố mẹ bà Trần Lệ Xuân. Chị ruột của bà Trần Lệ Xuân là Trần Lệ Chi cũng bị ông Miên bêu riếu bằng hàng chục kỳ báo mô tả trần trụi quan hệ luyến ái ngoài luồng, cắm sừng chồng (một luật sư danh tiếng), đến nỗi bà này không chịu nổi, phải tự tử nhưng được cứu. Hoàng Trọng Miên còn gán việc bà Trần Lệ Xuân đề xuất Hạ viện Việt Nam cộng hòa luật cấm nạo thai, cấm ly dị…. là để cứu chị mình, đẩy "người chồng bị cắm sừng" không thể ly dị cô vợ lăng loàn, nếu không muốn bị mất sạch tài sản! Những lời đồn kéo dài hàng chục năm về quan hệ luyến ái với nhiều nhân vật nổi tiếng ở miền Nam, với cả đại sứ Mỹ (!) của bà Trần Lệ Xuân cũng xuất phát từ ''trí tưởng tượng'', của Hoàng Trọng Miên mà ra. Thậm chí, cây bút này còn nêu cả chuyện bà Trần Lệ Xuân từng có thái độ ỡm ờ, khêu gợi bất chính với anh chồng - Tổng thống Ngô Đình Diệm nên bị Tổng thống mắng cho té tát.

Trong thực tế, KTS Võ Đức Diên không hề liên quan gì đến việc xây hầm Dinh Gia Long. Cả hai, Dinh Độc Lập và Dinh Gia Long, xây mới hay sửa chữa đều là việc gắn với KTS Ngô Viết Thụ. Phần cũ của trường Đại học Quốc gia hiện nay ở Kinh Trung, Thủ Đức, rồi Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cũng do KTS Ngô Viết Thụ, giải Khôi Nguyên La Mã thiết kế.

Ngạc nhiên thay, một cuốn sách như thế, sau 1975 lại trở thành cuốn đầu tiên và hàng chục năm sau đó vẫn là duy nhất được tái bản trong cơ chế xuất bản mới. Không phải một mà nhiều nhà xuất bản đã từng in đi in lại cuốn sách này chỉ vì lý do duy nhất là "có người đọc, bán được". Vì kém hiểu biết hay vẫn hiểu nhưng vì lợi nhuận nên nhắm mắt làm ngơ? Theo tôi là vì cả hai.

Được biết, hiện tại có ít nhất một NXB "có uy tín" đang chuẩn bị tái bản cuốn sách này. Nếu có đủ hiểu biết và tự trọng, tôi cho rằng NXB nói trên nên bỏ ngay kế hoạch xuất bản đáng coi thường này. Cục Xuất bản cũng cần xem xét minh bạch với những nội dung trong cuốn "Đệ nhất phu nhân" của Hoàng Trọng Miên, nên loại nó ra khỏi danh sách cấp giấy phép.

Nguyễn Hồng Lam
(Theo Báo Công an Nhân dân)

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập171
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm169
  • Hôm nay38,876
  • Tháng hiện tại258,000
  • Tổng lượt truy cập48,435,890
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây