COVID-19 và một thế giới đổi thay

Thứ sáu - 25/02/2022 17:04

Những sự thay đổi do COVID là tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Có những sự thay đổi trước đây phải cần đến hàng thập kỷ thì nay đã xảy ra trong chớp nhoáng. Có những khoảng cách thế hệ tưởng chừng còn lâu mới được xóa bỏ thì nay đã biến mất do các thế hệ đã học cách sống cùng với nhau một cách hòa bình.
 
Hình minh họa

Tháng 2/2020, cả thế giới không ngờ được một sinh vật đơn giản đến mức không có não, không có cơ thể, không có “âm mưu” gì lại có thể “nhốt” một nửa nhân loại tại nhà và cho loài người thấy: Thực sự họ đang sống trong một thế giới của những điều không thể.

Thế giới của những điều không thể

Công nghệ số, đặc biệt là công nghệ thông tin phát triển đã làm nhiều điều tưởng chừng không thể xảy ra. Người ta thấy xuất hiện tờ báo lớn nhất thế giới với vài tỉ lượt xem mỗi ngày là Facebook mà không có bất cứ phóng viên nào; Alibaba là cửa hàng lớn nhất thế giới mà không có cửa hàng vật lý nào; Uber là công ty vận tải lớn nhất thế giới mà không cần sở hữu một chiếc xe nào, hơn nữa, người lái xe không phải là nhân viên chịu sự điều khiển của ban giám đốc, họ là đối tác, bật app lên là làm việc, tắt app đi là thành một người bình thường; AirBnB là công ty du lịch lớn nhất thế giới mà không cần có nhân viên tư vấn hay tổ chức tour nào, họ hoàn toàn làm việc trên mạng, là một platform tức là tương tác ngang hàng với những người tham gia mà không điều khiển họ.
Từ năm 2004 trên thế giới và khoảng 2014 tại Việt Nam, mạng xã hội lên ngôi, “biến” mỗi người thành một nguồn phát thông tin, thay đổi cách chúng ta tạo ra thông tin và tiêu thụ thông tin. Chỉ với một ngân sách không lớn, mỗi người, cùng chiếc điện thoại thông minh của mình, đều có thể trở thành “giám đốc” của một đài truyền hình, một đài phát thanh, một tờ báo, thậm chí họ còn có thể truyền hình trực tiếp (live stream) và kiếm tiền từ tài khoản mạng xã hội của mình.
COVID xuất hiện và nhiều điều ngày xưa (tức là cách đây 2 năm) tưởng chừng như không thể xảy ra bỗng nhiên xuất hiện trước mắt ta. Người ta thấy khoa học đã có được sự tin tưởng lớn hơn từ công chúng. Khi có dịch COVID, người ta đóng cửa các cơ sở thờ tự để ở nhà và chú ý giữ khoảng cách, giữ vệ sinh để đảm bảo an toàn tính mạng. Cùng lúc đó, người ta thấy mạng xã hội đã len lỏi vào những lát cắt nhỏ nhất của cuộc sống.
Bệnh dịch COVID làm cho quá trình “chuyển nhà” không gian số được đẩy nhanh. Người Việt giờ lên mạng nhiều hơn, lâu hơn, đi tìm thông tin sâu hơn, người ta làm việc và mua bán trên mạng (work from home – shop from home). Không chỉ cuộc sống của các cá nhân đã thay đổi (học tập, mua bán, kiếm sống, giải trí, kết bạn, cuộc sống, tình cảm…) mà cách các doanh nghiệp vận hành cũng thay đổi (làm việc từ xa, làm việc 50% quân số, cho làm việc tại nhà vĩnh viễn, trả lương thưởng, đánh giá năng lực và hiệu suất…).
Ta thấy những người lớn tuổi “bỗng nhiên” “order” hàng trên mạng, thanh toán trên mạng, nhận hàng từ “shipper”; chúng ta thấy căn nhà thân thuộc bấy lâu bỗng trở nên chật chội và thiếu riêng tư khi bố, mẹ và hai con, mỗi người ngồi cả ngày trước một màn hình, máy tính hoặc điện thoại và các trao đổi có thể vọng vào mic của người khác; chúng ta thấy những cảnh dở khóc dở cười xảy ra khi người thân trong gia đình chứng kiến và bình luận cách dạy học online của các thầy cô… Các khảo sát đều cho thấy sự tăng vọt của thời gian trên mạng, các tương tác trên mạng, mua sắm trên mạng, ngay cả với những thế hệ người ta cho rằng không mấy “mặn mà” với công nghệ như những người trên 50 tuổi hay người không làm việc liên quan tới máy tính.

Cốc nước đầy hay vơi một nửa?

Những sự thay đổi do COVID là tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào góc nhìn. Có những sự thay đổi trước đây phải cần đến hàng thập kỷ thì nay đã xảy ra. Có những khoảng cách thế hệ tưởng chừng còn lâu mới được xóa bỏ thì nay đã biến mất do các thế hệ đã học cách sống cùng với nhau một cách hòa bình. “Ngũ đại đồng đường” không còn là câu chuyện của quá khứ mà 5 thế hệ ngày nay có thể “sống” với nhau mà không nhất thiết phải cùng dưới một mái nhà.
Công nghệ đã xóa nhòa các khoảng cách không gian, thời gian trong gia đình. Các doanh nghiệp cũng phải học cách thay đổi và thay đổi nhanh chóng bởi nhân viên không chỉ thay đổi về cách nghĩ, quan niệm về giá trị, về văn hóa mà còn thay đổi cả cách làm việc. Người ta có thể làm việc từ bất cứ đâu, ở bất cứ đâu; thay vì làm việc cả tuần 40 tiếng cho một công ty, người ta có thể “cắt nhỏ” thời gian và sự phục vụ của mình để bán sức lao động theo tiếng, theo ngày cho nhiều công ty khác nhau, ở những châu lục khác nhau. Với xu hướng work from home – shop from home thì mạng xã hội không còn chỉ là kênh truyền thông mà đã trở thành công cụ làm việc, công cụ kiếm sống của ngày càng nhiều người. Các công ty cũng phải tập trung đào tạo kỹ năng chinh phục, chăm sóc khách hàng trên không gian mạng.
Tác giả nổi tiếng Camilo Cruz đưa ra ý kiến rằng, cần phải có nghịch cảnh để tạo nên sự thành công. Mượn câu chuyện ngụ ngôn về một gia đình nghèo khó, ba thế hệ gồm tám con người sống trong một túp lều tranh tồi tàn. Họ có một và một tài sản duy nhất là một con bò. Bò cho họ sữa, đẻ bê con để họ bán đi và họ sống hạnh phúc trong sự nghèo khó. Một ngày, có hai thầy trò đi chu du khắp nơi và ở nhờ trong gia đình này. Để “giúp” họ, người thầy cắt cổ con bò và bỏ đi. Tưởng chừng cả gia đình sẽ lụn bại nhưng một năm sau khi họ quay lại, gia đình này đã trở nên khấm khá. Khi mất đi nguồn lợi đang có, họ chuyển sang khai thác các nguồn lợi khác và trở nên giàu có. Như người ta nói, một cánh cửa đóng lại đồng nghĩa với một cánh cửa khác mở ra. COVID có thể lấy đi nhiều thứ của chúng ta, có thể thay đổi cách chúng ta sống và nhìn về tương lai nhưng COVID cũng mang lại nhiều tiện nghi và cơ hội mới cho chúng ta.

Thế giới luôn thay đổi nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, đó chính là sự thay đổi. Thế nên, không nên chỉ đeo cặp kính đen nhìn vào những gì COVID “gây ra” hay “mang lại” cho chúng ta.

Nguyễn Đình Thành
(Theo Báo Văn hóa)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập211
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm210
  • Hôm nay99,250
  • Tháng hiện tại1,316,293
  • Tổng lượt truy cập52,810,684
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây