Những tấn thảm kịch bi thương nhất trong cung đình Việt Nam

Thứ hai - 25/10/2021 18:04

Lật sử tìm hiểu về hoàng tộc Việt Nam, có những câu chuyện thương tâm mà đến nay, hậu thế vẫn không khỏi bàng hoàng…
Xử án thời phong kiến

Thượng hoàng Trần Nghệ Tông ra tay tàn độc với Vua Trần Phế Đế

Theo sử sách, dù Thượng hoàng Trần Nghệ Tông được ca ngợi có công lao lớn, nhưng vẫn bị phê phán là nhu nhược, nối giáo cho giặc… Nguyễn Khắc Thuần đã viết trong Việt sử giai thoại: Nghệ Tông vốn tin tưởng và gửi gắm cơ nghiệp vào vua em Duệ Tông mạnh mẽ, rồi khi vua em chết, vì quá thương tiếc, ông lập cháu lên thay. Thế nhưng, vì lời xui bẩy của Hồ Quý Ly, ông đã bức chết cháu.
Cụ thể, trước thực trạng Thượng hoàng Trần Nghệ Tông quá tin dùng và trao nhiều quyền lực cho người họ ngoại là Hồ Quý Ly, rồi ông này lại luôn tìm cách phát triển thế lực riêng, Vua Phế Đế nhận thức rõ mối nguy nên vô cùng lo lắng… Thế là, để diệt trừ họa ngoại thích, nhà vua đã bàn mưu với Thái úy (Ngạc) để hại Hồ Quý Ly. Nhưng âm mưu bị bại lộ, Hồ Quý Ly đã mật tâu và bóng gió với Thượng hoàng: “Cổ lai chỉ có bỏ cháu nuôi con, chứ chưa thấy ai bỏ con nuôi cháu bao giờ”.
Vậy là vào ngày 6 tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), nghĩa là bốn tháng sau khi nghe lời mật tấu đầy ác ý gièm pha của quan Đồng bình chương sự Hồ Quý Ly và cũng là thông gia của mình, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông quyết định phế bỏ vua Trần Phế Đế. Đây là một trong những cuộc phế lập rất thương tâm, được sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại như sau: ‘Tháng 12, ngày mồng 6, sáng sớm, Thượng hoàng vờ ngự về An Sinh sai Điện hậu hộ vệ, rồi sai Chỉ huy hậu nội nhân gọi Vua tới bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn, vội đi ngay, chỉ có hai người theo hầu mà thôi. Đến nơi, Thượng hoàng bảo Vua: Đại vương lại đây! Nói rồi, lập tức cho người đem Vua ra giam ở chùa Tư Phúc”.
Cùng thời điểm đó, Nghệ Tông tuyên đọc nội chiếu rằng: Trước kia Duệ Tông (là em vua Nghệ Tông) đi tuần phương Nam không trở về, dùng con đích để nối ngôi là theo đạo thời xưa. Song, quan gia (tức Vua Phế Đế) từ khi lên ngôi đến giờ vẫn còn trẻ con lắm; giữ đức không thường, thân mật với bọn tiểu nhân, nghe bọn Lê Á Phu, Lê Dữ Nghị gièm pha vu hãm người công thần làm dao động xã tắc, nên giáng xuống là Linh Đức Đại vương. Song nước nhà không thể không có người đứng chủ, ngôi báu không thể bỏ không, nên đón Chiêu Định vương vào nối đại thống. Bá cáo trong ngoài để mọi người đều biết”.
Việc truất phế bất ngờ này đã gây nên một làn sóng phản kháng khá mạnh mẽ của quan quân và tướng sĩ. Cũng theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, nhiều tướng chỉ huy của các phủ quân cũ như tướng chỉ huy quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, tướng chỉ huy quân (thiếu tên đơn vị) là Nguyễn Kha, Lê Lặc, tướng chỉ huy quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách… định đem quân vào cướp lấy Vua đem ra. Vua viết hai chữ giải giáp đưa cho các tướng và răn bảo họ không được làm trái ý Thượng hoàng nên các tướng mới thôi. Lát sau, Thượng hoàng (sai người) dìu Vua xuống phủ Thái Dương thắt cổ cho chết”.

Vua Lê bất lực… nhìn Chúa Trịnh giết con

Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa, liền lập mưu với gia thần là viên quan hoạn Thiều quận công Nguyễn Kim Đĩnh (chính tên là Phạm Huy Đĩnh, người xã Cao Mỗ, nay là xã Kim Bôi, huyện Tiên Hưng, Thái Bình), vu cho Thái tử Vỹ thông dâm với cung nữ của Trịnh Doanh, rồi đem tội đó tâu lên hoàng thượng để bắt Thái tử bỏ ngục.
Trước đó, trong giếng Tam Sơn ở mé sau điện bỗng có tiếng nổ như sấm. Thái tử dùng thuật số để bói, biết mình sắp gặp nạn, bèn đến nói với nhà vua. Vua Lê Hiển Tông cũng lấy làm lo, vẫn phải luôn luôn cầu nguyện cho con.
Kịp tới ngày bị bắt, Thái tử biết tai nạn xảy ra đến nơi, liền vào ẩn trong điện ngủ của nhà vua. Thiều quận công dẫn toán lính trước tiên xông thẳng vào Đông cung, định bắt Thái tử, rồi mới tâu vua, nhưng tìm khắp không thấy. Thiều quận công liền vào điện, kể tội Thái tử cho vua nghe, rồi nói rằng: “Tôi nghe nói Thái tử náu ở chỗ ngủ của bệ hạ, xin hãy bắt giao cho tôi”.
Vua Lê Hiển Tông ôm mãi lấy Thái tử không nỡ rời ra. Thiều quận công cũng cứ quỳ mãi ở giữa sân điện. Thái tử tự biết mình không thể thoát được, liền lạy trước mặt nhà vua, sau đó ra cho quân lính trói.
Sách Đại Việt sử ký tục biên viết: Thiều quận công Nguyễn Kim Đĩnh đưa Thái tử về phủ Chúa. Sâm sai giam, tra kết thành án, bắt vua ký tên vào, bèn phế Thái tử làm dân thường. Sau đó, Sâm lại ép nhà vua lấy người con thứ tư là Lê Duy Cận làm hoàng thái tử.
Ít lâu sau, Thiều quận công sai tay chân vu cáo cho hai nho sinh thi đỗ ở làng Đan Luân là Nguyễn Huy Sưởng (chính là Vũ Bá Sưởng người làng Đan Luân, nay thuộc Bình Giang, Hải Dương) và Lương Giản (người xã Tào Sơn, huyện Ngọc Sơn, nay là Tĩnh Gia, Thanh Hoá), rằng hai người này âm mưu cướp thái tử ra khỏi ngục để cùng dấy quân làm loạn. Việc này được đưa xuống các quan bàn bạc, và bắt Sưởng để tra xét. Giản khi ấy đã kịp bỏ trốn. Còn Sưởng bị đánh đau quá, không chịu nổi roi vọt, đành phải nhận liều. Thế là Thái tử phải ghép vào tội thắt cổ.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí nêu rõ: Ngày hành hình, bầu trời tự nhiên tối tăm, giữa ban ngày mà chỉ cách nhau gang tấc cũng không trông rõ. Chừng hơn một khắc mới lại sáng sủa. Già, trẻ, trai, gái trong thiên hạ, không ai là không rơi nước mắt. Họ đều cho rằng đó là việc trái ngược nhất, bi thảm nhất từ xưa đến nay. Hôm ấy nhằm ngày 20 tháng Chạp, năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Hưng (1771).

Giọt máu hoang của Chúa Trịnh khiến người đẹp chết thảm

Sử sách chép, vì Trịnh Giang bỏ bê chính sự, không đoái hoài tới công việc triều chính, nên từ nǎm 1736, đã trao quyền nhiếp chính cho Trịnh Doanh, lúc đó ông mới 17 tuổi. Và để nắm rõ chính sự, cũng như thấu hiểu cuộc sống của người dân, ngay trong năm, Chúa Trịnh Giang đi kinh lý Ðồ Sơn. Tại đây, ông đã bị sắc đẹp của nàng Hương hấp dẫn và kết cục là cả tháng trời, Trịnh Doanh và nàng Hương quấn quýt không dời một bước.
Thế nhưng, giữa người đẹp và công việc quốc gia, Trịnh Doanh vẫn phải dứt áo về kinh và hẹn người tình sớm đem thuyền hoa về rước. Song, một điều ai oán là sau khi chia tay Trịnh Doanh, nàng Hương phát hiện mình mang cốt nhục của Chúa, trong lòng rất lo sợ, ngày đêm trông ngóng thuyền hoa. Hàng Tổng biết chuyện, đòi phạt nhưng gia đình không có tiền, nên nàng Hương bị trói và đem ra khu núi Ðộc dìm xuống biển.
Trước khi chết, nàng Hương ngửa mặt lên trời khóc than: “Phận gái thân cô, gặp Chúa yêu thương, tôi đâu dám chống; nhìn mẹ cha, hàng xóm tôi đâu dám quên lệ làng… Xin trời phật chứng giám cho lòng con. Khi con bị dìm xuống nước, nếu có oan ức, trời phật cho con nổi lên ba lần”.
Quả nhiên, xác của nàng Hương nổi lên ba lần, mọi người ai nấy đều kinh sợ. Thế nhưng, bọn hào lý không tha, tiếp tục lấy dây thừng quấn nàng vào cối đá thủng, cắm sào, dìm cho nàng chết… Lúc đó, bất ngờ sóng to gió lớn nổi lên làm đứt dây thừng, rồi đám ác nhân không biết sao lần lượt lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Dân làng cho rằng, chúng đã bị Trời đánh…
Lại nói Trịnh Doanh giữ lời hẹn ước, mang thuyền rồng đến đón người đẹp thì mới biết nàng Hương đã thác oan. Nhà Chúa quá đau buồn, cho lập đàn giải oan và truyền lệnh cho Hàng Tổng lập đền thờ, tức đền Bà Đế ở Hải Phòng ngày nay.

Nguyên phi Ỷ Lan bức chết Dương Thái hậu cùng 76 thị nữ

Sử sách chép: năm 1072, Vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức (con đẻ của Ỷ Lan Nguyên phi) mới 6 tuổi lên nối ngôi, hiệu là Lý Nhân Tông (1072-1127). Ỷ Lan được tôn phong Linh Nhân Thái phi, còn hoàng hậu họ Dương là Thượng Dương Hoàng thái hậu – đã dựa vào thế lực của Thái sư Lý Đạo Thành, gạt Ỷ Lan ra khỏi triều đình. Ngoài ra, lễ xưa cũng quy định, hễ hoàng đế lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi thì thái hậu được quyền nhiếp chính, nhưng Dương Thái hậu lại không phải là mẹ đẻ của Lý Nhân Tông, điều đó càng khiến Linh Nhân Thái phi căm tức. Đến năm 1073, một vụ tàn sát bi thảm đã diễn ra, mà nạn nhân chính là Dương Thái hậu cùng 76 thị nữ (cũng có sách nói chỉ có 72 thị nữ).
Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi: Linh nhân có tính hay ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với Vua rằng: Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý thì người khác thưởng, vậy con để mẹ già vào đâu? Vua bèn sai giam Dương Thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương rồi bức phải chết, cho chôn theo lăng của Thánh Tông.
Phân tích bản chất vụ án này, trong cuốn Chuyện tình các vua chúa Việt Nam, TS Đinh Công Vỹ một mực cho rằng, Nguyên phi Ỷ Lan đã phạm tội “giết người hàng loạt”, đã giết hại vợ cả của chồng. “Sự tham lam quyền lực, sự ích kỉ cá nhân đã giết chết hết mọi nhân tính của Ỷ Lan”, TS Vỹ nhận xét.
Nhà sử học Lê Văn Lan và TS Phật học Thích Đức Thiện, trụ trì chùa Phật Tích, đều cùng chung một cái nhìn nhân ái về việc này: “Trong sự nghiệp làm chính trị thì âu đấy cũng là chuyện thường thấy…”. Trước đó, sử thần Ngô Sĩ Liên cũng giải thích: “Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết Thái hậu, hãm hại người vô tội đến mức tàn nhẫn như thế? Ấy vì ghen là tính thường có của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với Vua. Bấy giờ, Vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích mà không biết là lỗi to…”
Tuy nhiên, động cơ thực sự là thế nào thì vì vụ án oan trên, dù được coi là phụ nữ không chỉ có sắc đẹp, mà có tài và uyên bác bậc nhất của nước Việt, Nguyên phi Ỷ Lan vẫn bị các nhà chép sử xưa không muốn nhắc nhiều đến những công đức của bà trong việc góp phần xây dựng nên một nền văn hóa rực rỡ thời Lý.

Cái chết oan khuất của Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn

Theo sử cũ, Trần Quốc Chẩn là con thứ của Vua Trần Nhân Tông, cháu ngoại của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, em của vua Trần Anh Tông (1293 – 1314). Ông không chỉ là người có tài trong việc cầm quân xung trận, mà còn là người nổi tiếng đức độ, được các quan trong triều hết lòng nể phục. Ông được vua Trần Anh Tông hết mực tin cậy. Khi vua con Minh Tông nối ngôi, vào năm Quý Hợi (1323), con gái của Quốc Chẩn đã được lập làm Hoàng hậu Lệ Thánh.
Cùng với việc con gái được sách phong, năm Khai Thái thứ nhất, Trần Quốc Chẩn được phong Nhập nội Quốc phụ thượng tể, chức quan đầu triều, trông coi lục bộ thượng thư. Thế nhưng, quyền cao chức trọng là vậy, song liên quan tới chuyện con gái vẫn mãi chưa sinh hạ hoàng nam cho hoàng thượng, mà Quốc phụ thượng tể đã mất mạng thật oan khuất.
Chuyện cụ thể như sau: Khi Vua Minh Tông ở ngôi 15 năm, Hoàng hậu Lệ Thánh vẫn chưa sinh hạ hoàng nam, nhưng các phi tần khác đều đã có con, gồm: hoàng tử Vượng lớn nhất, tiếp đến là hoàng tử Nguyên Trác, hoàng tử Phủ, hoàng tử Kính… Trong triều chính luận bàn nhiều về ngôi vị thái tử. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: Quốc Chẩn tự nhận mình là cố mệnh đại thần, lại là bố đẻ của Hoàng hậu Lệ Thánh, nên cố chấp là đợi khi nào Hoàng hậu sinh con trai trưởng sẽ lập làm thái tử. Văn Hiến hầu (con của Trần Nhật Duật, không rõ tên) muốn đánh đổ Hoàng hậu để lập Hoàng tử Vượng, bèn lấy 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Phẫu, xúi Trần Phẫu vu cáo Quốc Chẩn âm mưu làm phản.
Nhà vua tin lời Trần Phẫu, bắt Quốc Chẩn giam ở chùa Tư Phúc, rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung vốn cùng bè đảng với Văn Hiến hầu, lại là người cùng làng với mẹ đẻ của Vượng (bà Minh Từ Thái phi, người họ Lê, quê ở Giáp Sơn); hơn nữa, Khắc Chung từng giữ chức Sư phó để dạy Vượng, vì thế ông liền tâu ngay bằng câu thành ngữ: Tróc hổ dị, phóng hổ nan (bắt hổ dễ, thả hổ nguy). Nhà vua bèn cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậu phải thấm nước vào áo đưa đến cho uống. Quốc Chẩn uống xong thì mất. Những người bị bắt lây lên đến hơn hai trăm, khi tra hỏi, ai cũng kêu gào là oan.
Vài năm sau, vợ cả, vợ lẽ của Trần Phẫu ghen nhau, đem việc Văn Hiến hầu đút lót vàng ra tố cáo. Nhà vua giao việc này cho quan giữ việc hình ngục là Lê Duy xét hỏi. Lê Duy là người cương trực, lập tức tra xét ngay. Trần Phẫu phải tội lăng trì (tức xẻo thịt từng miếng cho đến chết), nhưng chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Vũ (con Quốc Chẩn) đã xẻo thịt Trần Phẫu ăn sống gần hết. Văn Hiến Hầu tuy được tha tội chết, nhưng giáng làm thứ nhân, tước bỏ tên họ trong hoàng tộc.
Có thể nói, trong cuộc đời mình, Vua Trần Minh Tông lúc nào cũng bị ám ảnh bởi vụ án oan của cha vợ. Để sửa sai, nhà vua đã cho khôi phục chức tước, sai lập đền thờ Trần Quốc Chẩn, thậm chí còn làm thơ để tự trách mình:

Thu khí hòa đăng thất thự minh
Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh
Tự tri tam thập niên tiền thác
Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.

Dịch nghĩa:
Hơi thu và ánh đèn mờ đi trước ánh ban mai/ Tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn/ Tự biết sai lầm của ta ba mươi năm trước/ Đành ôm sầu ngồi nghe mưa rơi.

Dịch thơ:
Hơi thu nhàn nhạt ánh mai
Bóng đêm, tàu chuối song ngoài tiễn đưa
Ðã lầm, ba chục năm xưa...
Ngồi nghe ray rứt tiếng mưa canh tàn.


(Theo baodatviet.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập93
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay59,524
  • Tháng hiện tại525,085
  • Tổng lượt truy cập47,250,193
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây