Xưa nay, từ vùng đất miền Trung trở vào hay xuất hiện những từ “kỵ húy” trong lời ăn tiếng nói hàng ngày mà người ta thường gặp. Đó là những từ kỵ húy chủ yếu liên quan tới vua chúa triều Nguyễn, từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam gây dựng xứ Đàng Trong.
Trong khi người dân Xứ Đàng Trong tha hồ gọi tên húy của các vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, thì họ bị quy định hết sức ngặt nghèo trong viết hay nói các từ trọng húy của vua chúa nhà Nguyễn. Vì vậy trong ngôn ngữ xuất hiện những từ được thay đổi rất oái oăm:
- Kỷ nguyên được thay bằng kỷ ngươn, Rằm thượng nguyên được thay bằng Rằm thượng ngươn (để kiêng tên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên).
- Can đảm thay bằng can đởm, đảm lược thay bằng đởm lược (kiêng tên vua Minh Mạng Nguyễn Phúc Đảm).
- Thái bình thay bằng thới bình (kiêng tên chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái).
Các tên thôn xã như: Thới Tam, Thới Tứ, Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Xuân Thới Đông, Xuân Thới Sơn… thuộc khu vực Hóc Môn Sài Gòn đều do tuân theo sự kỵ húy đó.
- Cảnh được đổi thành Kiểng, như làng Tân Cảnh được thay bằng làng Tân Kiểng (Hiện còn Đình Tân Kiểng và chợ Tân Kiểng ở Phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh) (kỵ húy tên của Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, con cả vua Gia Long).
- Hoàng được đổi thành Huỳnh vì kỵ tên của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
- Hồng thành hường; Nhậm thay bằng nhiệm để tránh tên Nguyễn Phúc Hồng Nhậm của vua Tự Đức, như nhậm chức thay bằng nhiệm chức.
- Thì thay bằng thời như Ngô Thì Nhậm thay bằng Ngô Thời Nhiệm (Thì là tên thuở nhỏ của vua Tự Đức).
- Chu thay bằng châu như Ngô Tòng Chu thay bằng Ngô Tùng Châu (Chu là tên Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu).
- Tông thay bằng tôn, như Tông giáo, thay bằng tôn giáo để kiêng tên vua Thiệu Trị Nguyễn Phúc Miên Tông. Cũng vì tránh tên ông vua thứ ba của nhà Nguyễn này mà tất cả các chữ Tông đều được đổi thành Tôn: Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Lê Trung Tôn… Chẳng những thế, một dòng họ hoàng tộc vốn phải đọc là “Tông Thất”, nhưng vì kiêng húy chữ Tông này nên lại đọc thành “Tôn Thất”…
Người miền Nam còn nói cung kiếng thay vì cung kính, kiếng lễ, thay vì kính lễ, để kiêng tránh tên Nguyễn Hữu Kính, tên húy của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một danh tướng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, có nhiều công lao hiển hách trên gần suốt cả đất nước xứ Đàng Trong. Tên ông là Nguyễn Hữu Kính, nhưng do kiêng húy, người ta nói trại ra là Cảnh. Khoảng một trăm năm sau, vì kiêng tên hoàng tử Cảnh, người ta lại gọi trại một lần nữa từ Kính thành Kiếng. Vì vậy, Nguyễn Hữu Cảnh chỉ là tên kỵ húy chớ không đúng tên thật. Nguyễn Hữu Kính từng thành lập Trấn Thuận Thành, hiện nay là vùng đất từ tỉnh Bình Thuận đến Ninh Thuận và trấn giữ Dinh Bình Khang, nay là vùng đất từ tỉnh Ninh Thuận ra đến Khánh Hòa; vào năm 1698 ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào miền Nam củng cố và mở rộng đất Sài Gòn Gia Định. Tuy không phải mà một vị chúa, nhưng ông từng làm quan trấn nhậm, được nhân dân ngưỡng mộ suốt từ miền Trung vào đến miền Nam, nên họ tự kiêng tránh tên húy của ông.
Người miền Nam nói Sơn là núi mà không nói San, vì đó là tên vua Duy Tân Nguyễn Phúc Vĩnh San. Sau năm 1975, nhiều người miền Nam bắt chước người miền Bắc nói “phản ánh” thay vì trước đó họ nói “phản ảnh” (ảnh dấu hỏi) để tránh tên vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh. Ngay chữ Phúc trong tên các vua chúa nhà Nguyễn cũng phải nói trại đi là Phước. Trước kia, miền Nam có các địa danh: Phước Long, Phước Tuy mà theo sách Phương Đình Dư Điạ Chí vốn là Phúc Long và Phúc Tuy thuộc tỉnh Biên Hòa.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có một bài hát Lên Đàng. Đàng là từ người miền Nam nói trại từ Đường (tên vua Đồng Khánh – Nguyễn Phúc Ưng Đường). Chữ Đường trong Thiên Đường cũng được nói trại thành Thiên Đàng.
Từ Hoa được đổi thành Huê do kiêng húy bà Hồ Thị Hoa, chánh hậu của vua Minh Mạng. Từ Hoa không chỉ được nói trại là Huê mà còn được thay bằng một từ khác là Bông, như Cầu Bông (cây cầu trên đường Đinh Tiên Hoàng bắc qua Kênh Nhiêu Lộc ở quận 1 vốn có tên là Cầu Hoa).
Các từ tên húy khác chỉ cần tránh bằng cách nói trại đi, nhưng từ Hoa này thì lôi thôi hơn. Cầu Hoa thành Cầu Bông, tỉnh Thanh Hoa bị đổi thành tỉnh Thanh Hóa, chợ Đông Hoa ở Huế lại được đổi thành chợ Đông Ba! Người Quảng Nam đến nay vẫn còn nhớ câu ca dao:
Thủng thỉnh lượm bông BA rơi
Lượm cho có cách hơn người trèo cao.
Những từ nói trại vì kỵ húy còn nhiều nữa: Võ thay cho Vũ, Đờm thay cho Đàm, Nguyệt Quới thay cho Nguyệt Quế, Quới nhơn thay cho quý nhân… Chúng là một dạng từ biến âm cưỡng bức được dùng phổ biến, chủ yếu trong Miền Nam, tức Xứ Đàng Trong, từ Quảng Trị, nhưng rõ nhất là từ Huế, trở vào.
Sở dĩ người miền Bắc “miễn nhiễm” với sự kỵ húy này là do hoàn cảnh lịch sử: “Nước” Đàng Ngoài chẳng việc gì phải nghe theo luật lệ của “nước” Đàng Trong. Sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, những tên húy kiêng cử của nhà Nguyễn đem áp dụng cho dân miền Bắc mà đa số còn hoài vọng nhà Lê thì sự tuân phục cũng chẳng được bao nhiêu. Tiếp đó miền Bắc được đặt dưới sự cai trị của người Pháp, nên người ta chẳng thấy cần thiết phải sợ phạm húy với vương triều nhà Nguyễn nữa.