Nguồn gốc cách thức xưng hô thân tộc trong xã hội VN
Thứ ba - 16/02/2021 17:04
Xưng hô thân tộc là hình thức xưng hô sử dụng các danh từ chỉ người trong gia đình và dòng họ để giao tiếp giữa người với người và đây cũng là hình thức xưng hô căn bản trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Xưng hô là hình thức giao tiếp cơ bản, phản ánh những mối quan hệ giữa các cá nhân trong một xã hội. Xưng hô thân tộc là hình thức xưng hô sử dụng các danh từ chỉ người trong gia đình và dòng họ để giao tiếp giữa người với người và đây cũng là hình thức xưng hô căn bản trong xã hội Việt Nam hiện nay. Việc tìm hiểu về nguồn gốc của cách thức xưng hô này sẽ cho thấy sự khác biệt so với cách thức xưng hô phi thân tộc của nhiều dân tộc khác trên thế giới.
Điểm đầu tiên dễ nhận thấy trong tiếng Việt là không có các đại từ nhân xưng gốc Việt như trong tiếng Anh hay tiếng Hán. Một ví dụ của điều này là đại từ nhân xưng tôi có nguồn gốc từ một từ Quảng Đông là tseoi (1). Trong sự hình thành ngôn ngữ, các đại từ nhân xưng có vai trò quan trọng, đó là xác định cá nhân trong một tập thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác. Các đại từ chỉ ngôi thứ nhất và thứ hai là I và you trong tiếng Anh, je và tu trongtiếng Pháp hay ngã và nhĩ trong tiếng Hán Việt là những ví dụ của điều này. Việc người Việt phải vay mượn đại từ nhân xưng từ một ngôn ngữ khác hay dùng danh từ thân tộc để xưng hô phải thể hiện một cấu trúc xã hội khác với cấu trúc xã hội tạo nên bởi hệ thống đại từ nhân xưng độc lập ở các quốc gia khác như Trung Quốc hay Anh. Cấu trúc xã hội này có xu hướng không nhìn nhận các cá nhân một cách độc lập mà thay vào đó chỉ nhìn nhận các cá nhân trong các mối quan hệ, tức là có liên quan và phụ thuộc nhất định vào những người khác. Ở đây hai cấu trúc xã hội là gia đình và dòng họ mang đặc trưng Việt Nam đã góp phần vào việc hình thành nên cách thức xưng hô thân tộc này.
Cấu trúc xã hội đầu tiên tạo nên cách thức xưng hô thân tộc là dòng họ. Dòng họ là một thiết chế xã hội được người Việt tiếp thu từ Trung Quốc thời Bắc thuộc. Trước khi có sự xâm nhập của văn hóa Hán vào Việt Nam, khoảng đầu CN, tổ chức xã hội của người Việt không phải là dòng họ mà là thị tộc mẫu hệ với ba thành viên chính được định danh là mẹ, con, cháu, ba danh từ thân tộc này có nguồn gốc từ Nam Á. Việc xác định một cá nhân trong xã hội chỉ được thực hiện thông qua tên gọi của một người. Tên là một từ gốc Thái và cho thấy, xã hội Việt Nam xưa chỉ xác định một cá nhân qua tên gọi chứ không phải một tổ chức mà cá nhân đó thuộc về là dòng họ, một điều giống với nhiều dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam trước năm 1945, ví dụ như người Bru -Vân Kiều ở miền Trung không có họ mà chỉ có tên. Sự xuất hiện của dòng họ chỉ đến sau này do sự tiếp xúc với văn hóa Hán trong thời Bắc thuộc và bản thân từ họ cũng bắt nguồn từ từ hộ trong tiếng Hán có nghĩa là gia đình, một tổ chức xã hội thu nhỏ. Điều này được minh chứng rõ qua bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, dẫn lại sách Hậu Hán thư của Phạm Việp cho thấy họ và dòng họ đã được du nhập vào Việt Nam vào đầu TK I (2).
Tuy nhiên, việc nhận biết được dòng họ không đưa đến việc nhận biết đầy đủ về một tập thể khác rộng lớn hơn bên ngoài dòng họ là xã hội hay quốc gia, trong đó mọi người là những cá nhân tách biệt nhau, mang tính bình đẳng trong mọi mối quan hệ. Chính sự hạn chế trong nhận thức về xã hội và quốc gia như vậy nên trong giao tiếp với các cá nhân trong xã hội, người Việt sử dụng các danh từ thân tộc dòng họ để chỉ những người khác không thuộc về dòng họ của mình. Mục đích của cách thức xưng hô thân tộc dòng họ này là nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các cá nhân, tạo sự thân mật, gần gũi, thúc đẩy mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn, từ đó hỗ trợ nhau giải quyết nhiều vấn đề, lĩnh vực trong cuộc sống. Trong tiếng Việt, các đại từ chỉ ngôi thứ nhất ngoài từ tôi vay mượn từ tseoiđã nói ở trên thì từ tớ bắt nguồn từ một từ Hán Việt là tì, nghĩa là nô lệ, còn ta bắt nguồn từ một từ Quảng Đông khác là zaa (3), mà một biến âm của zaa là gau, sang tiếng Việt trở thành đại từ tao (4). Các đại từ chỉ ngôi thứ hai hoàn toàn là những danh từ thân tộc có gốc Hán như: anh, em, cô, dì, chú, bác, ông, bà... Các đại từ chỉ ngôi thứ ba cũng vẫn là những danh từ thân tộc dòng họ ngoại trừ hai từ nó và hắn. Nó là một đại từ chỉ định gốc Nam Á được chuyển sang làm đại từ nhân xưng, còn hắn bắt nguồn từ một danh từ Quảng Đông là hang, nghĩa là một người đàn ông đứng tuổi (5).
Gắn liền với cách xưng hô thân tộc dòng họ này là thứ tự tuổi tác. Người Việt xưng hô với một người ngoài dòng họ theo tuổi. Người ít tuổi hơn được gọi là em hay cháu. Người càng nhiều tuổi càng được tôn trọng và được gọi bằng những chú, bác, ông, bà, cụ... Nguồn gốc của cách thức xưng hô theo tuổi tác này bắt nguồn từ xã hội cổ xưa khi người nhiều tuổi là những người có nhiều kinh nghiệm sống và năng lực nên được mọi người coi trọng, nhất là trong lĩnh vực hoạt động kinh tế và quản lý xã hội. Khi các thiết chế dòng họ và gia đình được xác lập, hệ thống danh từ thân tộc được đặt ra để phân biệt giữa các cá nhân trong gia đình và dòng họ, nhằm tránh các quan hệ tình dục cận huyết sẽ gây ra những căn bệnh nguy hiểm cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, trật tự tuổi tác của xã hội cổ xưa vẫn còn tồn tại bởi sự hỗ trợ của tập thể cho cá nhân gắn liền với tuổi tác. Do vậy, về bản chất cách thức xưng hô thân tộc dòng họ phản ánh dấu vết xã hội Việt xưa hơn là một xã hội phát triển, dù người Việt đã tiếp nhận các yếu tố văn hóa dòng họ này từ Trung Quốc trong thời Bắc thuộc.
Nhưng cấu trúc dòng họ không phải là yếu tố chính tạo nên cách thức xưng hô thân tộc, bởi các dân tộc khác như Trung Quốc cũng sống theo dòng họ nhưng lại không sử dụng cách thức xưng hô thân tộc mà thay vào đó là cách thức xưng hô với các đại từ nhân xưng xã hội trung tính. Điều này bắt nguồn từ sự xuất hiện hai thiết chế khác là xã hội và quốc gia. Trong đó, các cá nhân bình đẳng với nhau và cùng chia sẻ lợi ích chung là lợi ích xã hội và lợi ích quốc gia. Các cá nhân phân tách nhưng lại hài hòa được lợi ích của xã hội và quốc gia với lợi ích của gia đình và dòng họ trong các quan hệ xã hội, vì vậy cách thức xưng hô xã hội được sử dụng thay cho cách thức xưng hô thân tộc. Trái lại, người Việt tuy nhận ra bên ngoài dòng họ còn có xã hội và quốc gia nhưng không thật sự nhận biết được lợi ích của xã hội và quốc gia với mình với cả gia đình dòng họ mình. Điều này có nguồn gốc từ tiến hóa sinh học. Môi trường sống của người Việt ở vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khí hậu nhiệt đới ấm áp, nhiều cây lương thực... không đòi hỏi người Việt phải có một tập thể lớn hơn dòng họ để có thể sinh sống được. Sự xuất hiện của dòng họ trong thời Bắc thuộc đủ để người Việt có thể phát triển được với sự trợ giúp từ người khác trong dòng họ.
Trong thời Bắc thuộc, khái niệm quốc gia được du nhập rất muộn vào lãnh thổ người Việt, khoảng TK X, với sự thành lập nước Đại Cồ Việt của vua Đinh Tiên Hoàng. Nhưng sự du nhập này chỉ có ý nghĩa thật sự với tầng lớp hào trưởng hay quan lại đã Hán hóa, còn với người dân thì dòng họ mới là cách thức tồn tại chính và quốc gia chỉ để bổ trợ, thể hiện rõ qua tương quan làng - nước, trong đó làng bao giờ cũng ở vị trí quan trọng hơn nước, được biểu hiện qua câu nói phép vua thua lệ làng. Dù ý thức quốc gia ngày càng được chú trọng từ, nhưng lợi ích quốc gia lại không phát triển tương ứng do sự kìm hãm của lợi ích dòng họ là nền tảng sinh học và văn hóa căn bản hỗ trợ cho người Việt sinh sống. Kết quả là cách thức xưng hô thân tộc dòng họ tiếp tục được bảo tồn cho đến tận bây giờ, bất chấp những sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế và khoa học đã thay đổi hoàn toàn so với quá khứ xa xưa.
Cấu trúc xã hội thứ hai góp phần tạo nên cách thức xưng hô thân tộc của người Việt là gia đình. Khác với dòng họ, gia đình là một thiết chế xã hội bản địa Việt, dù từ gia đình là một từ gốc Hán bao gồm gia là nhà và đình cũng là một loại nhà nhỏ trên đường. Trong quá trình phát triển của mình, gia đình Việt chịu sự ảnh hưởng nhất định của văn hóa Hán, thể hiện ở việc dần dần chuyển đổi từ những gia đình lớn bao gồm nhiều thành viên trong dòng họ thuộc nhiều thế hệ sang những gia đình hạt nhân nhỏ hơn gồm hai thế hệ, cũng như những nghi thức văn hóa được thực hiện trong gia đình như phong tục thờ cúng Táo quân. Tuy vậy, gia đình Việt Nam có một điểm khác biệt căn bản với gia đình Trung Quốc và Hàn Quốc, đó là thứ bậc giữa các thành viên trong gia đình không thật sự rõ ràng. Trong gia đình Việt Nam, những yếu tố lễ giáo gia đình không được thể hiện rõ nét. Sự tôn trọng vai trò lãnh đạo của cha, cao hơn cha là ông (hay bà) bị giảm đi nhiều do truyền thống trọng tình cảm, trọng tuổi tác của người Việt.
Như đã nói, sự tiếp nhận văn hóa Trung Quốc của người Việt chỉ dừng lại ở mức tạo dựng được dòng họ nhưng không thật sự tạo dựng được một quốc gia hay một xã hội thu nhỏ. Quốc gia hay xã hội trong tương quan với gia đình chỉ mang tính thứ yếu. Do nhận thức này nên cách thức xưng hô trong gia đình đã được sử dụng ở ngoài xã hội. Trong xã hội phong kiến Việt Nam trước kia, tầng lớp quan lại theo mô hình Trung Quốc thì yếu tố quốc gia vẫn được đặt lên cao qua tư tưởng tề gia, trị quốc nhưng với đa số người dân bình thường thì lợi ích xã hội và quốc gia ít có ý nghĩa khi so với lợi ích gia đình. Điều này được thể hiện khá rõ trong cách thức xưng hô của hai tầng lớp xã hội Việt Nam trong giai đoạn phong kiến. Tầng lớp trên trong xã hội là quan lại xưng hô với nhau bằng tiếng Hán Việt với những đại từ xã hội trung tính như ngã (tôi) và nhĩ (anh) hay tha (người kia). Tầng lớp còn lại trong xã hội là người dân bình thường sử dụng tiếng Việt để xưng hô với nhau bằng những danh từ thân tộc dòng họ và gia đình như tôi, anh, hắn... Sự tồn tại các danh từ trong gia đình bên ngoài xã hội thể hiện nỗ lực tìm kiếm và củng cố các mối quan hệ ngoài gia đình, ngoài dòng họ có lợi nhất cho cá nhân mà không nhất thiết phải biết tới xã hội và quốc gia như các thực thể tách biệt gia đình so với nhiều dân tộc khác trên thế giới.
Trên đây là hai cấu trúc xã hội căn bản đã tạo nên cách thức xưng hô thân tộc của người Việt khác biệt với cách thức xưng hô phi thân tộc ở các quốc gia khác trên thế giới. Điều đáng nói là Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc giống ba quốc gia khác là Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng hệ thống xưng hô của bốn quốc gia này lại khác hoàn toàn với Việt Nam, tức là người dân sử dụng hệ thống xưng hô xã hội. Nguyên nhân cơ bản của điều này là do với người dân của bốn quốc gia trên, sự hỗ trợ của gia đình và dòng họ cho cá nhân là chưa đủ và phải cần đến sự hỗ trợ của quốc gia trong quá trình tiến hóa xã hội của mình. Sự xuất hiện sớm của quốc gia ở Trung Quốc (TK XXII trước CN ), Triều Tiên và Hàn Quốc (TK I) hay Nhật Bản (TK VII) so với nhiều quốc gia trên thế giới là minh chứng cho điều này, trong đó các cá nhân phân định rõ vị trí và vai trò của mình trong gia đình, dòng họ và trong xã hội khác biệt với người Việt. Tuy người Việt nhận thức được về xã hội và quốc gia mà mình đang sống nhưng đã không hoàn toàn nhập nội được lợi ích xã hội và quốc gia đó vào trong tâm trí mình bởi những lợi ích này có xu hướng xung đột với lợi ích gia đình và dòng họ, vốn đã trở thành một phần hỗ trợ cá nhân căn bản trong tâm trí bản thân họ. Lợi ích xã hội và quốc gia vẫn được biết đến nhưng thường chỉ trong những hoàn cảnh như thiên tai hay chiến tranh, khi mà lợi ích gia đình và dòng họ không đủ để giúp các cá nhân sống sót và tồn tại mà chỉ có lợi ích của tập thể lớn hơn là lợi ích xã hội và quốc gia mới là phương tiện giúp các cá nhân cùng sống sót, tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy thường ít xảy ra và mang tính hiện tượng nên cách thức xưng hô của người Việt chỉ dừng lại ở cách thức xưng hô thân tộc, giống như cách thức xưng hô của những dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam như người Mường, người Thái... và không phát triển lên thành cách thức xưng hô xã hội dù văn hóa và xã hội của người Việt hiện nay đã phát triển cao hơn rất nhiều so với văn hóa và xã hội của các dân tộc thiểu số đó. Với người Việt, gia đình và dòng họ vẫn có tầm quan trọng hơn xã hội và quốc gia trong việc hỗ trợ cá nhân, do đó lợi ích gia đình và dòng họ vẫn giữ vị trí cao hơn lợi ích xã hội và quốc gia, mà không có sự dung hòa và điều phối được hai loại lợi ích này vào trong văn hóa và tâm trí của mình như người dân của bốn quốc gia Đông Á trên. Để duy trì sự hỗ trợ cho cá nhân người Việt, chỉ cần mở rộng lợi ích cá nhân ra thành lợi ích gia đình và dòng họ là đủ, không cần tiếp tục mở rộng thành lợi ích xã hội và quốc gia như các dân tộc đã nói trên. Việc mở rộng ra hơn nữa lợi ích cá nhân vượt qua lợi ích gia đình và dòng họ thành lợi ích xã hội và quốc gia làm cho người Việt cảm thấy xung đột lợi ích sâu sắc, bởi điều này đòi hỏi cá nhân phải hy sinh một phần lớn lợi ích gia đình và dòng họ, những lợi ích hỗ trợ cá nhân mang tính tiến hóa sinh học bẩm sinh, để tạo nên lợi ích chung là lợi ích xã hội và quốc gia, mà mọi người trong xã hội cùng chia sẻ, một sự hòa hợp lợi ích thật sự tồn tại và phát triển ở người Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu khác. Mặc dù điều này dường như không có lợi cho cá nhân trong thời gian trước mắt, nhưng về lâu dài nó có lợi ích rất lớn vì xã hội và quốc gia với hàng triệu hay hàng chục triệu người sẽ hỗ trợ cá nhân nhiều hơn là gia đình và dòng họ.
Không thực sự nhận thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng trong tương lai của lợi ích xã hội và quốc gia với cá nhân và cả gia đình, dòng họ mà chỉ thấy sự xung đột ngắn hạn giữa lợi ích xã hội và quốc gia với lợi ích gia đình và dòng họ đã ngăn cản sự phát triển của hệ thống ngôn ngữ xưng hô của người Việt trong suốt lịch sử theo hướng duy trì cách thức xưng hô thân tộc gia đình và dòng họ xưa, một yếu tố tiến hóa xã hội và sinh học mà người Việt đã đạt được. Điều quan trọng khác, đó là nguyên nhân của việc ít biết đến lợi ích xã hội và quốc gia còn bắt nguồn từ yếu tố di truyền sinh học. Những khác biệt về gen di truyền giữa người Việt và người dân bốn quốc gia trên đã tạo ra hai cách thức ứng xử khác nhau của cá nhân với xã hội và quốc gia. Đó là những khác biệt trong cấu trúc của các đoạn đa hình trên bộ gen người. Có ba đoạn đa hình 5-HTTLPR trên gen SLC6A4, A118G trên gen OPRM1 và MAOA-VNTR liên hệ tới nhạy cảm xã hội, từ chối xã hội và hạnh phúc trong cấu trúc di truyền của người Việt (và cả người gốc Âu) khác biệt về tần số xuất hiện với những cư dân bốn quốc gia trên (6). Chính điều này đã khiến người dân bốn quốc gia trên có xu hướng hướng đến lợi ích xã hội và quốc gia ngay cả khi ảnh hưởng tới lợi ích gia đình và dòng họ, người Việt thì ngược lại. Những yếu tố di truyền sinh học này gắn với lịch sử tiến hóa của các dân tộc không chỉ vài trăm năm hay vài nghìn năm mà còn tới hàng chục nghìn năm, trong thời đại băng hà cuối của trái đất kết thúc cách ngày nay hơn 12.000 năm. Khi đó, người dân của mọi quốc gia còn chưa phân tách khỏi nhau và được in dấu trong bộ gen của các chủng tộc, dân tộc khác nhau và vẫn còn có ảnh hưởng đến tận bây giờ. Nguyên nhân thật sự của sự xung đột giữa hai loại lợi ích này là do yếu tố sinh học nên dù những yếu tố văn hóa là giáo dục và luật pháp đã nỗ lực biến đổi nhận thức và hành vi của người Việt thì cũng chỉ có thể khắc phục được một phần những xung đột lợi ích lớn này. Ở đây, các yếu tố tự nhiên - sinh học đã thắng thế trước các yếu tố văn hóa xã hội, thể hiện qua việc người Việt vẫn tiếp tục duy trì hệ thống xưng hô thân tộc bất chấp những thay đổi của lịch sử.
Ghi chú: 1, 3, 4, 5. Nguyễn Đức Hiệp, Trần Thị Vĩnh Tường, Đại danh từ tiếng Việt (chuyển ngữ từ bài tiếng Anh của V.U.Nguyen), tr.3, 5, 13.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.60.
6. Baldwin M.Way và Matthew D.Lieberman, Liệu có một đóng góp di truyền vào các khác biệt văn hóa? Chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cá nhân và các dấu di truyền của sự nhạy cảm xã hội, Tạp chí Khoa học thần kinh tình cảm và nhận thức xã hội, tập 5, số 2-3, 2010, tr.203-211.