Tín ngưỡng phồn thực ở các làng nông nghiệp Bắc bộ

Thứ sáu - 11/09/2020 18:04

Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng bản địa khá phổ biến ở các quốc gia lấy nông nghiệp làm phương thức sống. Thực chất của tín ngưỡng này thể hiện khát vọng cầu mong con người và tạo vật ngày càng sinh sôi nảy nở.
 
Chơi đu - một trong những lễ hội mang sắc thái Tín ngưỡng phồn thực

Tín ngưỡng phồn thực là một hình thức tín ngưỡng dân gian thể hiện sự cầu mong, ước vọng về sự sinh sôi nảy nở, sinh tồn của tự nhiên và con người, được thể hiện dưới các hình thức mang tính phô diễn âm dương, đực cái, hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là sự sinh sôi nòi giống hay biểu đạt tính tượng trưng của giao hòa nam nữ mà còn thể hiện mong muốn, khát khao cuộc sống no đủ, mùa màng tươi tốt.
Có ý kiến cho rằng, việc thờ các vị thần phồn thực ở nhiều làng quê Bắc bộ có vẻ là cách thờ cúng nguyên bản và phổ biến nhất. Nhiều làng quê tới nay vẫn thờ những “dâm thần” không rõ tên tuổi như “dâm thần” ở làng Chảy (Hà Nam), thần đa tình ở Hoài Bão (Bắc Ninh), hay một cặp “dâm thần” ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh).
Hình thái đơn giản nhất của tín ngưỡng phồn thực biểu hiện rõ nét qua tục thờ hành vi giao phối. Người dân cho rằng, tôn thờ hành vi giao phối và thực hành, phô diễn lại những hành vi hợp thân của nam nữ trong lễ hội cúng thần linh mang ý nghĩa “ma thuật”, làm mẫu để kích động cây cối, nhắc nhở trời đất.
Từ đó, hạt giống, cây trồng cũng như các sinh vật khác “bắt chước” mà sinh sôi, nảy nở để người dân có được vụ mùa bội thu, cuộc sống no đủ. Đó cũng chính là lý do, người dân không thể bỏ qua những động tác giao hoan thể hiện sự hòa hợp âm-dương trong lễ hội.
Thời xưa, chày và cối được người Việt xem là biểu tượng cho sinh thực khí nam nữ, còn việc giã gạo tượng trưng cho hành động giao phối. Điều này biểu hiện khá rõ trên các trống đồng của người Việt với rất nhiều hình nam nữ giã gạo. Thậm chí, theo một số nghiên cứu, cách đánh trống đồng theo lối cầm chày dài đâm lên mặt trống, được khắc trên các trống đồng chính là mô phỏng động tác giã gạo – động tác giao phối. Trên mặt trống, hình mặt trời với những tia sáng biểu trưng cho sinh thực khí nam, giữa các tia sáng là một hình lá với khe ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ. Xung quanh mặt trống thường gắn các tượng cóc – với ý nghĩa mang theo mưa, khiến cho mùa màng tốt tươi, cũng là một dạng biểu trưng của tín ngưỡng phồn thực. Thờ sinh thực khí còn được thể hiện qua việc thờ các loại cột (cột đá tự nhiên hoặc cột đá được tạc ra, trên khắc chữ, dựng trước cổng đền miếu, đình chùa) và các loại hốc (hốc cây, hốc đá trong các hang động, các kẽ nứt trên đá). Ngoài ra, thờ sinh thực khí còn mang tính biểu tượng qua các trò chơi như đánh đu, cướp cầu, cướp cây bông, tung còn, ném cầu, đánh phết, đánh đáo…
Thờ sinh thực khí – cơ quan sinh sản của nam nữ – được “hình tượng hóa” với cái tên “Nõ”, “Nường”. Nõ là khúc gỗ ngắn tượng trưng cho sinh thực khí nam, nói lên sức mạnh dương khí, sinh sản. Nường là mảnh gỗ hình tam giác có đục lỗ, tượng trưng cho sinh thực khí nữ, biểu thị sức chứa đựng. Chất liệu nếu không là đá, gỗ, mo cau thì cũng là tre, lá dứa, hoặc cách điệu nữa là lúa, bột, gạo làm nên những biểu tượng khác nhau hàm nghĩa chỉ dương vật (cột đá dựng đứng, cột trụ tròn, cây bông, cây gậy, quả cầu tròn, chiếc bánh chưng dài…) và âm vật (khe đá, bánh dày, lỗ tròn hoặc vuông…).
Những vật tượng trưng đó được thờ, cúng sau đó được đem ra phân phát hoặc để cho mọi người dự hội tranh giành, cướp, lấy… coi như được lộc. Tất cả đều biểu hiện sức mạnh sinh sản mà dân gian quen gọi là “cầu đinh” hay “cầu con”, mang đậm yếu tố phồn thực.
Hình thức thờ sinh thực khí phổ biến nhất  là thờ “cây bông” với các lễ hội “rước bông”, “cướp bông” diễn ra ở khá nhiều nơi. Cây bông tượng trưng cho sinh thực khí nam, được tạo thành từ một đoạn thân cây tre, xung quanh thân cây có các cụm bông xù ra. Có nơi cây bông chỉ là một đốt tre non tước xơ rất mỏng rồi được buộc lại thành hình cuộn sợi bông (làng Bạch Trữ). Có nơi là một đoạn tre dài nhiều lóng, người ta dùng dao vót tre cho xù lên tạo thành các cụm bông giữa mỗi lóng, trông như các quả bông (làng Bồ Sao, Trung Hà, Thạch Đà…).
Đặc biệt nhất là cây bông làng Thượng Yên, ngọn cây là một đoạn tre non đầu dưới được róc thành tua tỏa ra, phần thân tre còn lại được quấn vòng quanh bằng giấy đỏ, trên ngọn cắm một lá cờ hình vuông hoặc tam giác. Ngọn cây bông lại được cắm vào một thân cây chuối hột, tức là thân cây bông, cao khoảng 3 - 4m, xung quanh người ta cắm các bông lúa, bông vải, bông đỗ làm bằng các dải tua cạo từ lõi cây tre non, nhuộm màu xanh, đỏ, vàng, trắng. Mỗi cây bông được trang trí bằng hàng chục bông như thế, cắm dày đặc trên thân cây, tạo thành một tháp bông tung xòe sặc sỡ. Đúng như tên gọi cây “Nõ Nường” của dân làng, đây là một hình ảnh rõ nét nhất về dạng thờ sinh thực khí của tín ngưỡng phồn thực.
Ngoài hình thức “cây bông”, xuất hiện nhiều trong các lễ hội ở Vĩnh Phúc, quả cầu tròn bằng gỗ hoặc đá hoặc bông cũng tượng trưng cho sinh thực khí nam, thường được gọi là “cầu” hay “phết”. Các lễ hội “cướp phết”, “cướp cầu” ở đây đều mang ý nghĩa là lễ hội cầu đinh – cầu con trai của dân làng.
Đáng chú ý nhất là lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay “Trò Trám” xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, Phú Thọ. Đây là một bức tranh khá đầy đủ về tín ngưỡng phồn thực của cư dân thời cổ, một biểu hiện đặc biệt trong tín ngưỡng phồn thực của các làng châu thổ Bắc bộ. Trò Trám diễn ra rất vui vẻ, náo nhiệt. Vào lúc 23 giờ (bắt đầu giờ Tí), ngày 11 tháng giêng, lễ tế bắt đầu và kéo dài 1 giờ 30 phút do 13 bô lão trong làng thực hiện. Chủ lễ đọc lời khấn, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, nòi giống thịnh cường, làng xóm đông vui sầm uất, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống.
Tiếp đó, trong không gian yên ắng, chủ lễ cẩn trọng lấy chiếc hòm sơn son từ trên “ngăn bí mật” phía trên bàn thờ trong miếu ra, lấy bộ gỗ sơn son hình thức giống như dương vật và chiếc mảng hình âm vật, trao cho đôi nam nữ được làng chọn từ trước. Đôi nam nữ này phải là những người chưa kết hôn, khỏe mạnh, gia đình gia giáo. Khi chủ lễ hô to: Linh tinh tình phộc, đồng thời hai tay khoát lên tạo thành hình chữ “V” trước trán, tất cả đèn nến trong ngoài miếu đều tắt. Sau tiếng hô, đôi nam nữ được làng cử ra, đưa dương vật và âm vật bằng gỗ chạm vào nhau. Mỗi lần chạm như vậy, nam hỏi: “Cái sự làm sao?”, nữ đáp: “Cái sự làm vậy!”. Hai vật linh chạm vào nhau được xem như hành vi tượng trưng cho sự giao hợp và cuộc hỏi – đáp, thực hiện hành vi tính giao như thế sẽ diễn 3 lần. Trong bóng tối, dân làng nín thở chờ đợi bởi họ tin rằng, nếu đôi trai gái đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm-dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt.
 Ngoài Tứ Xã, làng Danh Hựu, xã Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ) cũng có các hình thức biểu hiện khá độc đáo về tín ngưỡng phồn thực. Trong ngày hội, làng thường làm 20 cặp nõ – nường (gỗ vuông – mo cau) treo lên một cây tre, lấy lá chuối làm lọng, tế lễ rồi rung cây. Mọi người dự hội xông vào cướp nõ nường, đem về để đầu giường hay treo vào các giàn bầu, giàn bí và họ tin, cây cối năm đó sẽ sai hoa, trĩu hạt.
Ở một số làng, nghi lễ phồn thực và thờ sinh thực khí đã được cách điệu và nghệ thuật hóa. Tính giao nam nữ được thể hiện qua điệu múa hoặc trong hình thức trò diễn. Những trò này vừa mang tính linh thiêng vừa mang tính trần tục, mà ở đó người dân luôn nghĩ rằng, tạo vật muốn sinh sôi, phát triển cần phải có hành động cụ thể, để gợi mở những niềm tin vào sự may mắn mới, vào khả năng huyền bí của sự chuyển hóa từ những hành động tượng trưng thành hiện thực trong đời sống, ví dụ như trò bắt trạch trong chum. Các trò diễn cho thấy, tín ngưỡng phồn thực sơ khai vốn gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng của các cộng đồng nông nghiệp, biểu hiện khá phong phú và ảnh hưởng sâu sắc tới sinh hoạt làng xã. Đây không phải là hiện tượng dâm tục mà là ước vọng cơm no áo ấm với một cuộc sống bình yên, sung mãn.

(Theo nguoihanoi.com)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay32,329
  • Tháng hiện tại876,961
  • Tổng lượt truy cập50,240,179
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây