Tục vinh quy bái tổ thời xưa

Thứ sáu - 10/07/2020 18:04

Vinh quy bái tổ là một “công đoạn”, lại là “công đoạn” cuối cùng trong lịch trình khoa cử ngày xưa, trước khi chính thức làm quan, để biểu dương, tôn vinh người học trò có chí, thi đỗ đại khoa.
 
Tranh Vinh quy bái tổ

Theo quy định năm 1807 và một số sửa đổi nhỏ về sau, có thể tạm vạch ra con đường từ đầu đến cuối một khoa thi. Sĩ tử muốn đi thi khoa hương nào thì làm đơn nộp xã bản quán; lí trưởng sở tại lập danh sách ghi chú cước sắc (trích yếu lí lịch) đệ lên huyện trước 4 tháng. Những người được ứng thí gồm học trò và binh lính. Học trò thì phải không can phạm các tội bất hiếu, bất mục, loạn luân, điêu toa, trộm cướp (con, cháu, chắt của họ tùy án nặng nhẹ mà bị cấm hay được thi), và không có đại tang (tang cha mẹ, hay tang ông bà mà họ là “đích tôn thừa trọng”). Binh lính thì phải trình xin thượng cấp, trưởng quan tư sang bộ Binh để tổ chức sát hạch, nếu đạt sẽ cho nghỉ ba tháng, về bản quán ôn tập và làm thủ tục. Học trò vùng nào chỉ được thi ở trường vùng ấy theo quy định. Quan huyện tổng hợp các xã, lập danh sách chung đệ lên tỉnh trước ba tháng. Viên đốc học theo danh sách thu nhận quyển thi và tổ chức sát hạch lại để quyết định ai đủ trình độ, tư cách dự thi (tú tài khoa trước được miễn sát hạch), và chi cấp lộ phí tiền gạo cho họ. Sau đó, tỉnh đệ danh sách về bộ để bộ thống kê tâu lên vua. Vua sai đình nghị để bổ quan trường tùy số lượng thí sinh.

Những người đỗ khoa Hương năm trước (Cử nhân), trừ can phạm và đại tang, đều phải dự khoa Hội vào năm sau. Ai bỏ mà bị phát giác, nếu không có lí do xác đáng (trừ người đã có chức vụ nhà nước) thì sẽ bị trừng phạt, tước bỏ ngạch Cử nhân. Ngoài ra, trong số giám sinh (tôn sinh, ấm sinh, học sinh), những người trúng khảo hạch được quan Tế tửu lập danh sách cùng với Cử nhân giám sinh giao bộ Lễ tâu lên vua xin chỉ chuẩn cho dự khoa Hội... Sau khi ra bảng (niêm yết danh sách trúng tuyển và lính cỡi voi đi khắp phố phường ở kinh đô đọc tên từng người thi đỗ), Tiến sĩ được cấp quan phục, tức mũ áo khác nhau tùy thứ bậc, và được cho ăn yến (tiệc chiêu đãi do vua ban ở công đường bộ Lễ), rồi dự buổi Truyền lô, tức tuyên đọc danh sách trúng tuyển tại điện Thái Hòa và rước bảng vàng ra treo tại lầu Phu Văn. Họ còn được cỡi ngựa đi chơi khắp phố phường, và vua ban cờ biển vinh quy; hàng tỉnh, hàng huyện, hàng xã tổ chức đón rước ở địa đầu và mở tiệc lớn tại nhà. Làng có Tiến sĩ vinh quy tuy phải một phen vất vả, nhưng cũng rất vinh hạnh! Ít lâu sau, các Tiến sĩ của từng khoa thi được khắc tên vào bia đặt tại Văn Miếu.

Sau khi nhận áo mũ, dự lễ Truyền lô, các ông Nghè tân khoa cùng các quan trong hội đồng thi được đãi yến tại công đường bộ Lễ, vì bộ này trực tiếp chỉ đạo thi cử (cũng có khi ở nơi khác, như vườn Thư Quang hay vườn Thường Mậu trong Hoàng thành). Yến chia làm hai hạng, các đường quan bộ Lễ sung việc khoa cử (như giám thí, giám khảo, duyệt quyển, truyền lô...) dự hạng thượng, 2 viên một bàn, giá tiền 5 quan; các quan khác biệt phái (như đồng khảo, giám sát, đề điệu, di phong, soạn hiệu...) dự hạng trung, 4 viên một bàn, giá tiền 4 quan; các Tiến sĩ tân khoa cũng dự hạng trung, nhưng 2 người một bàn; nếu có Đệ nhất giáp, thì mỗi người riêng một bàn. Ăn uống no say rồi, các quan còn mời các ông Nghè mới làm thơ để biết thêm tài năng, chí hướng của họ. Yến tiệc xong, các ông Nghè được vào xem hoa ở Ngự Uyển và cỡi ngựa đi dạo phố phường: “Các quan bộ Lễ dự sức cho viện Thượng Tứ sai quân lính sắm sửa đóng ngựa (...) đứng đợi ở ngoài cửa phường phố và cấp cho mỗi viên Tiến sĩ mới 1 cái lọng đen (làm bằng giấy dầu đen, hồ lô không có bông rũ xuống). Xem hoa xong, hai viên thuộc bộ mặc mũ áo lại kính dẫn các Tiến sĩ mới vẫn mặc mũ áo ra ngoài cửa phường đều lên ngựa do cửa Chính ông kinh thành mà ra đi khắp các ngõ thành đông để xem hoa. Đến khi về, những ngựa ấy đều trả lại viện Thượng Tứ, còn lọng giấy dầu đem cho các Tiến sĩ nhận lấy để dùng”(1).

Dự yến, xem hoa, dạo phố xong, đôi khi các Tiến sĩ được vào điện Thái Hòa bái yết hoàng đế, nhận phẩm hàm sơ bổ, rồi sửa soạn vinh quy bái tổ. Đây là khâu cuối cùng trong khoa cử của người học sinh thời xưa. Vinh quy là rước về nguyên quán, bái tổ là cáo yết từ đường. Mỗi Tiến sĩ được cấp lá cờ, thêu danh vị tiến sĩ (như Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân), một biển gỗ sơn son cán dài thêu bốn chữ Ân tứ vinh quy, để cầm khi đi đường cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Tỉnh sở tại có nhiệm vụ phái lính và phu vào kinh rước Tiến sĩ về tỉnh đường, riêng Đệ nhất giáp được đặc cách dùng ngựa trạm và lính kinh, rồi đến phiên tỉnh sức cho huyện rước về huyện nha. Mỗi nơi đều lưu quan Nghè tân khoa một, hai ngày, chiêu đãi long trọng. Cuối cùng, làng nguyên quán lập đoàn đi lên huyện nha đón (có khi đón ngay từ tỉnh, không về huyện). Thôi thì tiệc tùng, cờ quạt linh đình. Một dịp cho hương chức, cả bàn dân thiên hạ ra mặt vênh váo với các làng bên cạnh. “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”, huống gì đã đỗ, có cờ biển vua ban hẳn hoi! Trong tiểu thuyết phong tục Lều chõng, nhà nho Ngô Tất Tố đã miêu tả rất kĩ càng, rất hiện thực, một đám rước như thế. Ông viết:
“Đám rước lúc ấy bắt đầu sắp thành hàng ngũ.
Đầu quân là lá cờ đỏ thêu bốn chữ “Nhất giáp tiến sĩ”.
Rồi đến bốn chiếc lọng vàng nghiêng đầu vào nhau che cho mấy chữ “Ân tứ vinh quy” đề giữa tấm biển sơn son chung quanh có phủ lớp riềm nhiễu đỏ.
Rồi đến một chiếc trống đánh đu giữa cây đòn gỗ bắc dọc trên vai hai người dân phu.
Kề đó, ông chủ hiệu trống luôn luôn tỏ vẻ oai vệ bằng bộ mũ tế, áo tế, cái dùi trống chênh chếch gục đầu vào ngực và đôi hia đen súng sính dưới hai ống quần màu “dum”.
Tiếp đó, bốn cậu bé con đứng ra bốn góc để chiếm lấy một khu đất vuông vắn như hình bàn cờ. Cả bốn, ai cũng như nấy: áo đỏ, dải lưng xanh, xà cạp màu xanh, tay trái chống vào cạnh sườn, tay phải vác lá cờ phất khuôn khổ vừa bằng vuông yếm.
Rồi đến ông cầm trống khẩu.
Rồi đến võng của quan nghè.
Đi kèm ở hai bên võng, hai người rước đôi lọng xanh chóp bạc, hững hờ giương ở cạnh mui võng. Và thêm vào đó, bên này một người vác chiếc quạt lông, bên kia, một ông lễ mễ cắp cái tráp sơn đen và xách một chiếc điếu ống xe trúc.
Sau võng, phấp phới năm lá cờ vuông, đủ cả năm sắc xanh, đỏ, vàng, trắng và tím. ứng đúng như năm cái chấm ở mặt “ngũ” của con thò lò, năm ông vác cờ đi giầy tầu, mặc áo nhiễu điều, đội mũ đuôi én, và đều khuỳnh tròn hai tay để giữ lấy cây cán cờ cắm trên chiếc cối gỗ đeo ở trước bụng.
Rồi đến ông cầm kiếng đồng.
Rồi đến võng của bà Nghè.
Bằng tấm áo lụa màu hồng điều và vòng khăn nhiễu màu cánh chả vấn kiểu vành dây, hai người con gái rón rén theo hầu cạnh võng để vác cây quạt lá vả và bưng cái quả sơn son.
Cũng như võng của quan Nghè, võng của bà Nghè cũng được hộ vệ bằng đôi lọng xanh, chỉ kém có cái chóp bạc.
Rồi đến võng của cố ông.
Rồi đến võng của cố bà.
Rồi đến mấy ông bô lão khúm núm trong những tấm áo thụng màu lam.
Rồi đến các thứ kèn trống, đàn sáo.
Rồi đến một dãy chừng bốn, năm chục lá cờ sắp theo hàng một, cái nọ cách cái kia độ vài ba thước.
Cuối cùng thì là hai người khiêng chiêng”(2).

Thật không khác gì một đám rước thần. Hai bên đường, nhân dân hàng phố, hàng tổng chen chúc đứng xem, tưng bừng náo nhiệt như ngày trẩy hội. Đấy là dịp để người ta kháo nhau: “Ông này nhắc làng mình thật được hướng đình. Ông kia đoán họ Trần kết ngôi mộ tổ. Bà này bảo cụ đồ phúc đức hiền hậu, chịu khó lễ các đền chùa. Bà kia khen cô nghè tốt nết, đủ điều, biết phân biệt kẻ trên người dưới. Cái hoa hạo nở đầu tháng giêng đã được tán là điềm tốt. Con chim khanh khách kêu trên các đình giữa ngày khai hạ, cũng được tôn làm tin mừng”(3). Tất nhiên trung tâm mọi câu chuyện là nhà quan Nghè, người ta không chỉ tán dương quan Nghè, mà cả cô Nghè, cụ ông, cụ bà, cho đến cố tổ, ai nấy ăn ở phúc đức nên mới được như thế! Vinh dự biết bao nhiêu! Chính những hình ảnh sau khoa thi ấy đã tác động mạnh vào nhân dân, vào học trò, khiến ai nấy háo hức, cố tâm học hành, và mơ đến ngày “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”.
Các cô gái mới lớn, nhìn cảnh vinh quy rộn rã, lòng thầm cầu trời khấn phật cho mình “lá thắm duyên ưa”, lấy được anh học trò tuy ngày nay “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” (nằm để học đấy thôi!), nhưng mai kia ơn vua chiếu cố, võng lọng nghênh ngang, khỏi uổng một đời con gái. Các cô vợ trẻ thì hằng ao ước “anh đồ” của mình hiển đạt, dù có khó khăn cũng cố gắng tảo tần nuôi chồng đèn sách để ngày sau chung niềm hạnh phúc vẻ vang.

... Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa
Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng
Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem
Đêm qua mới thật là đêm
Ai đem giăng sáng giãi lên vườn chè.
(Thơ Nguyễn Bính)


Các bậc ông bà, cha mẹ thì khuyên con gắng công đèn sách, không chỉ để “kiếm năm ba chữ”, mà là “dương danh dĩ hiển phụ mẫu” (nêu cao tên tuổi để cha mẹ được hiển vinh). Cho nên, ngay trẻ con mới học vỡ lòng, người ta đã bắt chúng nhai đi nhai lại những câu thơ trong ấu học ngũ ngôn thi (hay Trạng nguyên thi):

Cửu hạn phùng cam vũ
Tha hương ngộ cố tri
Động phòng hoa chúc dạ
Kim bảng quải danh thì
Thiên tử trọng hiền hào
Văn chương giáo nhĩ tào
Bạch ban giai hạ phẩm
Duy hữu độc thư cao.
Tạm dịch:
Nắng mãi gặp mưa ngọt
Quê người gặp bạn bè
Đuốc hoa đêm hợp cẩn
Trên bảng thấy tên đề
Thiên tử chuộng tài hay
Văn chương dạy lũ mày
Trăm nghề đều thấp kém
Đọc sách mới cao thay!


Khoa cử trong mọi thời đại đều sản sinh những nhân tài “nguyên khí của quốc gia”, và họ đã tạo dựng sự nghiệp, để lại nhiều công tích trong lịch sử. Nhưng ngược lại, xu hướng ham thích hư danh, bổng lộc, quyền năng cũng đã từng làm thui chột sĩ phu suốt thời phong kiến. Mỗi khi đỗ ông Nghè, sẽ có lắm thứ, kể gần thì “nội những ruộng đất trong tổng, muốn cắm chỗ nào cũng được. Chẳng những cắm đâu dân phải chịu đấy, mà còn được hàng huyện làm cổng, hàng tổng làm nhà cho nữa”(4); kể xa thì quan chức, bổng lộc ngày càng tăng... Do đó, khoa cử cũng tạo nên những “ông Nghè” từ chương, thiếu tài kinh bang tế thế, sau khi vinh quy bái tổ, chỉ tìm cách lợi dụng chức quyền, tham nhũng, đục khoét để lo cho thân mình, nhà mình mà chẳng đếm xỉa đến việc nước, việc dân, nhất là những “ông Nghè” thành đạt nhờ may mắn, nhờ gian dối chứ thực chất thiếu tài năng, thiếu học vấn (tất nhiên không chỉ ở ngày xưa!). Đó là những ông “tiến sĩ giấy” như Nguyễn Khuyến mô tả:

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi.


Thời đại nào cũng có những ông “Tiến sĩ giấy” như vậy. Thật đáng buồn!

Ghi chú:
1. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tr.368.
2, 3, 4. Phan Cự Đệ (sưu tầm và chú giải), Ngô Tất Tố, tác phẩm, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 1977, tr.323-324, 308, 320.


Tác giả: Lê Nguyễn Lưu
(Theo vusta.vn)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập224
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm222
  • Hôm nay38,261
  • Tháng hiện tại257,385
  • Tổng lượt truy cập48,435,275
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây