Bí ẩn cái chết của Vua Quang Trung

Thứ sáu - 05/11/2021 18:04

Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho cái chết bí ẩn của vua Quang Trung, nhưng chưa giả thuyết nào có được chứng cứ xác thực, đủ sức thuyết phục.
 
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Gò Đống Đa.
 

Vua Quang Trung là một vị vua tài giỏi bách chiến bách thắng trong lịch sử của nước ta. Trong cuộc đời cầm quân đánh trận, ngài chưa bao giờ bị chiến bại.
Tiếc rằng nhà vua không được thọ. Ngài mất ở tuổi bốn mươi giữa lúc công cuộc tranh bá đồ vương đang lên và gặt hái nhiều chiến công vang dội. Vua đang dự tính mở một chiến dịch lớn để tiêu diệt quân của chúa Nguyễn Ánh để thống nhất đất nước và đồng thời gửi chiếu thư cho vua Càn Long nhà Thanh để đòi lại hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông. Lãnh thổ cũ của nước ta bị nhà Hán xâm chiếm từ thời vua Nam Việt Triệu Đà.
Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho cái chết bí ẩn của vua Quang Trung, nhưng chưa giả thuyết nào có được chứng cứ xác thực, đủ sức thuyết phục. Sau đây là 2 giả thuyết mà người đời sau thường hay bàn đến:

Giả thuyết 1: Chết về bệnh
Đại Nam liệt truyện viết về nguyên nhân vua Quang Trung chết rất thần bí như sau:
- Một hôm về buổi chiều Huệ đương ngồi bỗng nhiên tối mắt, thấy một ông bạc đầu từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng” cha ông mày sinh ra ở đất nhà vua, đời đời làm dân nhà vua, mày sao dám phạm đến lăng tẩm, rồi lấy gậy đánh vào trán. Huệ tối sầm mắt ngã vật ra một lúc lâu mới tỉnh”.
Cũng theo cuốn Đại Nam, sau khi bị “thần nhân” đánh, Quang Trung ngã bệnh rồi bệnh ngày càng nặng và băng hà.
Câu chuyện này rõ ràng là chỉ nhằm ngụ ý đề cao chúa Nguyễn mà người đầu tiên là chúa Nguyễn Hoàng đã vào Nam mở rộng lãnh thổ nước ta. Đề cao con cháu chúa Nguyễn là chân mệnh thiên tử nên ai đụng đến là sẽ bị thần nhân tru diệt. Giả thuyết này có vẻ hoang đường không được thuyết phục cho lắm.

Giả thuyết 2: Nghi ngờ vua Càn Long nhà Thanh ám hại
Sách Hoàng Lê nhất thông chí còn chép rằng:
- Vua Quang Trung sau khi quyết định đánh Trung Quốc, bèn sai bầy tôi là Chiêu viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh dâng biểu cầu hôn và đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.
Còn sách Đại Nam chính biên liệt truyện cũng ghi:
- Năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung sai làm biểu văn sang nhà Thanh cầu hôn để dò ý vua Thanh và cũng để mượn cớ gây mối binh đao, nhưng vua bị bệnh không đi được.

Theo hai tài liệu trên, việc vua Quang Trung xin cưới một công chúa của vua Càn Long và đòi lại đất 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là có thật. Bằng chứng là vua đã cử tướng Vũ Văn Dũng mang sắc thư sang nhà Thanh có nội dung như sau:
- Sắc sai Hải Dương, Chiêu viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận công thần Vũ Quốc Công được tiên phong làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh, kiêm lãnh toàn quyền trong việc tâu thưa để xin lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để dò ý và cầu hôn công chúa để khiêu khích tự ái vua Thanh. Cẩn thận! Cẩn thận! Hình thế dụng binh là ở chuyến này cả. Ngày kia làm tiên phong chính là khanh. Sắc mệnh nhà vua. Ngày rằm tháng 4 năm Quang Trung thứ 4 (1791).

Nguyên văn chữ Hán là: “Sắc Hải Dương Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận công thần Vũ Quốc Công tiên gia lĩnh Bắc sứ kiêm toàn ứng tấu thỉnh Đông, Tây lưỡng Quảng dĩ khuy kỳ tâm, công chúa nhất vị dĩ kích kỳ nộ. Thận chi! Thận chi! Kỳ dụng binh hình thế tận tại thử hành. Tha nhất tiền phong, Khanh kỳ nhân dã, khâm tai sắc mệnh. Quang Trung tứ niên, tứ nguyệt, thập ngũ nhật”.
Thiết nghĩ việc xin cưới công chúa và đòi lại đất lưỡng Quảng của vua Quang Trung là một yêu sách, là thế của kẻ mạnh và nếu Càn Long không chịu thì sẽ dụng binh đánh Trung Quốc. Kiểu như “Tiên Lễ Hậu Binh” nếu địch thủ không đáp ứng!

Ta biết rằng binh lực của vua Quang Trung bây giờ rất là hùng mạnh. Dưới trướng của vua lúc này còn đầy đủ các hổ tướng Tây Sơn lừng danh trận mạc, và một khi ngài dụng binh là sẽ chắc thắng cho dù đối thủ có mạnh đến đâu.
Nghe nói vua Càn Long nhà Thanh đã chuẩn y lời cầu hôn của hoàng đế Quang Trung, sai bộ Lễ sửa soạn nghi thức cho việc cưới gả, định ngày cho công chúa sang nước Nam. Còn việc xin lại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, Càn Long ngoài mặt đồng ý, nhưng thực tế chỉ muốn trao cho tỉnh Quảng Tây làm đất đóng đô, coi như là làm "của hồi môn" cho con gái của mình về nhà chồng để giữ thể diện.

Hoàng Lê nhất thống chí viết rằng:
- Vừa lúc ấy thì vua Quang Trung bị bệnh rồi mất. Hôm ấy nhằm ngày mùa thu, tháng 8 năm Nhâm Tý (1792), sau khi lên ngôi Hoàng đế được 5 năm. Trước đó, khi sứ nhà Thanh sang phong, vua Càn Long nhà Thanh đã ban cho vua Quang Trung chiếc áo bào, trong áo đó có thêu bảy chữ bằng kim tuyến “ Xa tâm chiết trục, đa điền thử”. Bấy giờ không ai hiểu ra sao, thì ra đến lúc này mới nghiệm.
“Xa tâm chiết trục, đa điền thử” nghĩa đen là: bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng. Chữ Xa và chữ Tâm hợp lại thành chữ Huệ – tên vua Quang Trung. Chuột thuộc về Tý, ý nói năm Nhâm Tý vua Quang Trung sẽ chết.
Liệu có bàn tay ám hại ngầm của nhà Thanh hay không? Điều đó khó mà biết được. Ý định báo thù của vua Càn Long Nhà Thanh mâu thuẫn với những gì ông đối xử với vua Quang Trung và rất đáng ngờ. Trận chiến năm 1789, Vua Quang trung đã đánh tan 30 vạn quân Thanh, hai nước lại giao hảo nhờ tài khôn khéo của Ngô Thì Nhậm. Càn Long đối với vua Quang Trung rất mềm mỏng. Việc xin bỏ lệ cống người vàng từ thời nhà Minh với quan niệm là thế mạng cho Thái Tử Liểu Thăng, được ưng thuận. Việc cưới công chúa là việc nhỏ nhưng đòi đất là việc lớn, thế mà Càn Long đồng ý ngay.
Trong khi sau này, Nguyễn Ánh sang xin đổi quốc hiệu là Nam Việt thì Thanh triều lại sợ cái quốc hiệu đó sẽ liên quan đến quốc hiệu cũ của nước ta thời Triệu Đà bao gồm cả Lưỡng Quảng nên đổi lại là Việt Nam.
Vậy mà Quang Trung dâng một tờ biểu lại được ưng thuận. Có lẽ vì khiếp uy vua Quang Trung mà Càn Long phải chấp nhận trả lại tỉnh Quảng Tây cho vua đóng đô và chọn ngày lành để đưa công chúa nhà Thanh qua nước Việt có thể đúng hơn.
Còn giả thuyết Càn Long tẩm thuốc độc vào chiếc áo rồi ban tặng cho vua Quang Trung mặc, lâu ngày bị chất độc ngấm vào cơ thể gây ra bệnh rồi chết thì có vẻ không thuyết phục. Bởi lẽ, là những nước cựu thù, những món quà tặng cho nhau người ta đêm “soi” rất là kỹ lưỡng huống chi đây là áo vua mặc. Hơn nữa, chiếc áo lại khả nghi vì thêu dệt 7 chữ như đã nói thì lại càng khiến người ta cảnh giác. Việc hai chữ Xa và Tâm ghép lại thành chữ Huệ thì không lý gì các văn thần của vua Quang Trung lại không biết vì nó không có gì là khó khăn.
Thêm nữa, Trong cuốn sách của tiến sĩ Đỗ Bang tác giả đã dẫn ra một chỉ dụ của Càn Long trong việc tiếp đãi đoàn sứ bộ do vua Quang Trung giả sang chầu như sau:
- Lại tính mỗi ngày tiêu 4000 lạng bạc mà Nguyễn Quang Bình vừa đi vừa về mất 200 ngày thì phải chi dùng hơn 80 vạn lạng. Giá lấy số tiền ấy mà làm quân phí đem sang đánh báo thù cho bọn Hứa Thế Hanh còn hơn. Trẫm sở dĩ không dùng binh ở An Nam là vì trẫm tiếc của và thương dân lẽ nào Phúc Khang An lại không hiểu ý đồ của trẫm ư?
Tiếu lâm ở chỗ là vì Càn Long mời vua Quang Trung sang chầu nên phải đài thọ kinh phí cho cả đoàn hơn 150 người, đây cũng là một ý đồ chính trị mà chúng ta không thể biết được. Tuy nhiên vua Quang Trung đã không đi mà phái người cháu có ngoại hình giống mình đóng vai thế vua, việc này bọn tướng tá Thanh triều như Phúc An Khang đều biết nhưng tất cả đều ngậm bồ hòn làm ngọt.
Nên nhớ rằng, Càn Long là một ông vua tài giỏi và thành công về nhiều mặt dưới thời ông cai trị: Ổn định việc nội trị, phát huy văn học. Về võ bị, mở rộng biên cương lãnh thổ rộng lớn nhất, tạo được 10 võ công. Khi về già ông tự hào và tự soạn bộ Thập toàn võ công ký, rồi năm Càn Long thứ năm mươi (1792) ông sai khắc vào bia băng bốn thứ chữ Mãn, Hán, Mông, Tạng để lưu lại hậu thế. Nhưng ông cố ý lờ đi cái võ bại nhục nhã duy nhất tại nước ta, là sai Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh đem 30 vạn quân sang đánh chiếm Việt Nam, bị vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh bại.
Ðau đớn thay, trong khi nhà Thanh chuẩn bị đáp ứng những đòi hỏi của Việt Nam thì vua Quang Trung lại sớm ra đi. Vũ Văn Dũng cầm đầu phái bộ ở Bắc kinh lúc bấy giờ khi nghe tin vua mất đã ngã ra chết giấc, và sau đó có làm bài thơ khóc vua như sau:

Bố y phấn tích ngũ niên trung
Kim cổ thi vi sự bất đồng
Thiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷ
Bất ư Ðường, Tống thuyết anh hùng

Anh Hợp dịch:
Năm năm dấy nghiệp tự thôn nông
Thời trước, thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hào Ðường, Tống hết khoe hùng.

Tóm lại, giả thuyết vua Quang Trung chết vì bệnh có thể là gần sự thật hơn cả. Nhà vua có thể từ lâu đã bị cao huyết áp, xung pha trận mạc vào Nam ra Bắc, lại là lãnh tụ làm việc với cường độ cao, đã vậy trong cung có nhiều cung tần mỹ nữ. Việc ra đi đột ngột như vậy có thể là do làm việc quá sức dẫn đến tai biến mạch máu não. Dù sao, giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết thôi, bao giờ cũng khập khiễng và để lại nhiều nghi vấn.
Tiếc thay, vua đã mất sớm, chứ không lãnh thổ của tộc Việt sẽ được mở rộng! Nước Việt đã có thể là một siêu cường ở Á Châu. Lịch Sử nước Việt sẽ được viết lại hào hùng hơn vì ngài là một vị vua có đầu óc canh tân đất nước, mong thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc. Chỉ mới có 5 năm ở ngôi mà vua đã làm được bao điều, như phổ biến chữ Nôm, chủ trương dùng chữ Nôm để thay thế chữ Hán. Mở nhiều thương cảng để bang giao với phương Tây. Có thể gọi là một vị vua anh minh, nhân tài một thuở, sánh như vua Thiên Hoàng Minh Trị của Nhật Bản sau này.
Vua mất, nước ta đã mất một cơ hội được canh tân phát triển. Một nước Việt dù nhỏ, nhưng có một nhà vua hùng tài đại lược như vua Quang Trung, vận nước đã có thể xoay chuyển theo hướng tích cực.

ST

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập294
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm286
  • Hôm nay31,957
  • Tháng hiện tại436,907
  • Tổng lượt truy cập47,162,015
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây