Sau mười năm đấu tranh gian khổ dưới sự lãnh đạo của vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi, cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược đã hoàn toàn thắng lợi. Cuối năm Đinh Mùi (1427), đạo quân xâm lược bại trận của “Thiên triều” bắt đầu rút khỏi nước ta. Trong đám tàn quân bại trận đó có viên quan cai trị Hoàng Phúc, một người nổi tiếng về tài phong thủy, được Minh Thành Tổ (1403-1425), rồi Minh Tuyên Tông (1426-1435) phái sang nước ta để trấn yểm long mạch nhằm triệt hạ tận gốc sự nổi dậy chống lại “Thiên triều”. Hoàng Phúc bị bắt, Lê Lợi tha không giết. Phúc biết mình được toàn mạng là do Ngô Từ xin cho.
Để trả ơn, Hoàng Phúc chọn cho Ngô Từ một cuộc đất tốt để xây dựng nơi thờ phụng tổ tiên. Ngô Từ xây Phúc Quang Từ Đường trên đất ấy để thờ Ngô Rô, Ngô Kinh và các bậc tiên liệt họ Ngô. Về sau, vào năm Hồng Đức thứ 3 (1472), cháu ngoại Ngô Từ là Lê Thánh Tông sai nhà phong thủy nổi tiếng Quách Bốc phúc lại cuộc đất ấy, rồi cho xây dựng khang trang để thờ ông ngoại và tiên tổ họ ngoại, lại truy tôn ông ngoại làm Diên Ý Dụ Vương.
Về sau, trải qua nhiều năm, đến thời Lê Trung Hưng, Phúc Quang Từ Đường xuống cấp, nhờ có huyền tôn của Dụ Vương là Ngô Tín có con gái Ngọc Sâm làm thứ phi của chúa Trịnh Tùng, sinh ra Trịnh Thị Ngọc Trinh là Hoàng hậu của vua Lê Kính Tông sinh ra vua Lê Thần Tông. Thần Tông làm vua hai lần: Lần thứ nhất (1619-1643) và lần thứ hai (1649-1662) mới cho tôn tạo Phúc Quang Từ Đường và xây Diễn An Điện để thờ bà ngoại và tổ tiên của bà. Sau đó, đến đời cháu nội vua Lê Thần Tông là vua Lê Dụ Tông (1705-1729) mới sai Bộ Lễ dựng Bia lưu niệm. Và Bộ Lễ đã không nhầm khi chọn Bảng nhãn Hà Tông Huân soạn văn bia.
Hà Tông Huân (1697-1766) là người xã Kim Vực, nay là xã Định Thành huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa, khoa Giáp Thìn, Bảo Thái thứ 5 (1724), 28 tuổi đỗ Đình nguyên Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh tức là Bảng nhãn, đứng đầu cả nước (Khoa ấy lấy đỗ 17 người, không có Trạng nguyên).
Khi được chọn viết Ngô tộc Từ Đường ký, ông mới ở bước đầu của sự nghiệp hơn 40 năm phụng sự Lê triều với tài kiêm văn võ. Áng văn tuyệt bút này đã minh chứng tiếng đồn không ngoa về tài văn chương của ông khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở Thăng Long, mà người đời đã suy tôn là “Tràng An tứ hổ” gồm: Lê Quý Đôn, Hà Tông Huân, Lê Như Quyền và Đinh Thời Trung.
Hà Tông Huân ba lần giữ chức Tham tụng kiêm Hiệp trấn thống lĩnh, sau thăng đến chức Tham tụng kiêm Thượng thư Bộ Binh, tước Huy Xuyên hầu. Năm 1761, khi ở tuổi 65 ông xin về trí sĩ, được tặng hàm Thiếu bảo tước Huy Quận công.
Về trí sĩ được một năm thì chúa Trịnh lại vời ông ra làm việc, chức cũ giữ nguyên, thêm chức Nhập thị Kinh diên và công việc chấn chỉnh thể văn của Quốc tử giám để học trò học tập và thi cử nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông được tôn làm Nguyên lão đại thần, sung vào Hội đồng Phụng thị Ngũ lão, đặc cách tham dự triều chính.
Ngày 22 tháng Giêng năm Bính Tuất (1766), Hà Tông Huân mất, thọ 70 tuổi, được tặng Thái bảo. Con trai ông là Hà Tông Trạch, đỗ Hương cống năm 1759, làm huyện lệnh Thanh Oai, về sau cháu nội người này là Hà Tông Quyền (1798-1839), một nhân vật có tiếng tăm trong thời Minh Mạng. Âu cũng là nối được nghiệp của ông cha vậy!
Sau đây là Bài ký ở Từ Đường họ Ngô.
Bài của Bảng nhãn Lễ bộ Thượng thư Hà Tông Huân (người Kim Vực) soạn năm Bảo Thái thứ 8 (1728). Ngô Đức Thắng dịch từ nguyên văn chữ Hán chép trong Phả cũ.
Một nhà mà tụ họp được phúc của trời đất, một người mà tiêu biểu được cho muôn đời, xét cho cùng là do lòng của tạo hóa, khí số thịnh suy không phải bàn nữa. Nhưng trước hết phải có gốc, giữa phải có nối tiếp, sau mới có sở thành.
Vì sao lại nói vậy? Bởi muốn được phúc lớn, phải lấy khó khăn mà thử thách tính kiên trì tấm lòng tích phúc, rồi phúc sẽ đến lâu dài. Muốn có điều tốt lành trước hết phải gặp ngang trái, để rèn cái chí tu thân, rồi sau điều thiện sẽ được báo đền mãi mãi. Thiện và phúc được báo đền là ứng với khí vận, tầm thường trở nên thần kỳ, rèm lau trở thành lầu các, trước hèn nay quý, trước nhục nay vinh, trước không nay có, người anh tài của non sông làm nên vẻ mới không có điểm mở ra sao được như thế.
Cha con Ngô tướng công ở Châu ta, là bậc khai quốc công thần, cháu con là bậc danh tướng thời Trung Hưng. Nhất môn chu tử, vạn đại chi lan, người nói là nhờ đất phát phúc, tôi nói là trời báo đức.
Người được phúc là nhờ các bậc tiên thế tích lũy âm công, trời cho phúc, đất quý bồi đắp thêm, một gốc hai thân, ngàn vạn con cháu, đó chính là cái gốc ban đầu vậy.
Từ tướng công về sau các bậc vương công hầu bá, quan chức khoa danh trải hơn ba trăm năm với hơn ba trăm người con ưu tú, tất cả đều trung trinh một dạ, giúp nước hết lòng, ân huệ khắp cho dân, niềm vui lớn để mãi cho con cháu, âm vang mãi trong tai mắt mọi người, đó là cái giữa nối tiếp.
Ngày sau nói lại chuyện ấy, thuật lại việc ấy, điều thiện cùng so với núi Qui núi Phượng; núi Qui, núi Phượng * mãi mãi kết dòng tuấn tú. Điều phúc cùng sánh với sông Mã sông Lương; sông Mã sông Lương** mãi mãi ngưng đọng tinh anh. Đồng Phang mãi mãi là nơi cát địa. Hoàng Phúc không thể nói hết được ý nghĩa, ông Quách cũng có chỗ chưa hiểu thấu. Ngàn vạn năm sau vô cùng vô tận, đó là điều sở thành của người đời sau vậy.
Tôi vẫn nói là trước hết con người phải làm nên phúc, sau mới nói trời báo đức, sau nữa mới nói đất này phát phúc.
Những sở thành về sau là nhờ cái kế tiếp ở khoảng giữa bắt nguồn từ cái gốc ban đầu. Ban đầu là cái gốc, xem ra lòng tạo hóa đúng như thế.
* Núi Qui, núi Phượng tức Qui Sơn, Phụng Sơn là hai ngọn núi nằm theo hướng Bắc-Nam đối với Đồng Phang.
** Sông Lương tức Lương Giang là tên khúc sông Chu chảy qua địa phận huyện Yên Định, Thanh Hóa.
Ngô Vui tổng hợp và giới thiệu
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn