Dưới đây là hai câu chuyện để người đời suy ngẫm:
1- Câu chuyện về vị Quốc vương bị khuyết một ngón tay.
Có một vị quốc vương, khi ra ngoài đi săn không may bị đứt mất một ngón tay, mới hỏi vị đại thần thân cận nên làm thế nào? Đại thần nói với giọng lạc quan, nhẹ nhõm: “Đây là việc tốt!” Quốc vương nghe vậy giận lắm, trách ông hí hửng khi thấy người khác gặp nạn, vì thế ra lệnh nhốt ông vào đại lao chờ ngày xét xử.
Một năm sau, quốc vương lại ra ngoài đi săn, đến khu rừng xa hẻo lánh bị thổ dân bắt sống, trói vào đàn tế, chuẩn bị làm vật tế thần. Thầy phù thủy đột nhiên phát hiện quốc vương khuyết mất một ngón tay, cho rằng đây là vật tế không hoàn chỉnh, bèn thả quốc vương ra, thay vào đó bắt viên đại thần tùy tùng làm vật hiến tế.
Trong niềm vui thoát nạn, quốc vương nghĩ tới viên đại thần vui vẻ từng nói rằng mất ngón tay là việc tốt, liền ra lệnh thả ông, và xin lỗi vì đã vô cớ bắt ông chịu nạn 1 năm trong ngục tối. Vị đại thần này vẫn lạc quan nói: “Cái họa 1 năm ngồi tù cũng là việc tốt.” Nhà vua còn đang thác mắc với câu nói trên, vị đại thần nói tiếp: “Nếu như tôi không ngồi tù, thì thử nghĩ vị đại thần theo người đi săn mà bị lên đàn hiến tế kia sẽ là ai?”
2- Câu chuyện về Tái Ông mất ngựa.
Xưa kia ở vùng biên cương Trung Quốc gần láng giềng người Hồ, có một ông lão tên là Tái Ông. Ông sống lạc quan, bao dung, bởi vậy mà được rất nhiều người mến mộ.
Ông có một người con trai, hai cha con sống bằng nghề chăn ngựa. Một hôm, không biết nguyên nhân vì sao mà con ngựa của ông bỏ đi mất. Sau khi hàng xóm biết chuyện, họ nghĩ rằng ông sẽ rất buồn nên đến thăm hỏi và an ủi. Nhưng ông chẳng những không tỏ ra tiếc nuối, mà còn bình thản trả lời: “Ngựa mất rồi, đương nhiên là chuyện xấu, nhưng ai biết đâu nó sẽ mang lại kết quả tốt chứ? Không sao đâu”.
Quả nhiên qua mấy tháng sau, con ngựa kia liền trở về, còn dắt theo một con tuấn mã. Nghe tin này, bà con hàng xóm cùng nhau tới chúc mừng cho Tái Ông. Nhưng ông cũng không hề tỏ ra vui mừng, ông nói: “Mọi sự đều có nhân duyên của nó, chuyện được cho là vui nhưng chưa chắc đã tốt, không nên vội mừng làm chi”. Từ ngày có thêm một con tuấn mã, con trai ông vui mừng khôn xiết, ngày ngày cưỡi ngựa rong chơi, hóng gió, đi không biết mệt.
Cuối cùng, do bất cẩn cậu này ngã ngựa và gãy chân. Hàng xóm biết tin, ai cũng tới chia buồn, còn Tái Ông vẫn điềm nhiên: “Biết đâu chuyện lại có hậu thì sao? Mọi người đừng lo, tôi không thấy buồn”. Hàng xóm thực sự không thể hiểu nổi ông. Một thời gian sau, người Hồ ồ ạt tấn công xâm lược Trung Nguyên, tình hình biên ải đột nhiên căng thẳng, thanh niên trai tráng đều được gọi nhập ngũ đi lính, kết quả mười người thì có 8, 9 người mất mạng trên chiến trường. Riêng con trai của Tái Ông bị què chân nên được miễn quân dịch, vì thế cha con ông tránh được nạn sinh tử biệt ly. Sau những sự việc ấy, mọi người càng thêm nể phục phong thái điềm tĩnh và cách cư xử “bình thản” của ông.
Cuộc sống vốn như một dòng chảy bất tận và biến đổi không ngừng. Vô thường là một chân lý, vạn sự vạn vật đều tuân theo nguyên lý ấy. Đâu ai biết được ngày mai rồi sẽ ra sao? Việc tốt xấu trong đời người không là tuyệt đối, chuyện tưởng như là xấu mà lại có thể dẫn tới kết quả tốt đẹp, và những chuyện được cho là tốt đẹp cũng có thể dẫn tới hậu quả xấu. Quan trọng là chúng ta giữ được tâm thái bình thản trước tất cả mọi sự xảy đến với mình, biết chấp nhận nó, không truy cầu hay than vãn. Người bi quan mãi mãi nghĩ đến mình chỉ còn một triệu đồng mà buồn lo, người lạc quan vẫn cảm thấy hạnh phúc vì mình vẫn còn mười ngàn đồng. Nếu giữ được tâm thái ấy, chúng ta sẽ lạc quan hơn, có cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn và an nhiên tự tại trước vui buồn của đời.
(Sưu tầm)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn