Ngày 31/12/2024 tại xã Định Hòa (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), Hội đồng họ Ngô Việt Nam, Hội đồng họ Ngô tỉnh Thanh Hóa đã chứng kiến Lễ động thổ xây dựng ngôi Cửu Tháp nơi thờ tự cụ Đinh Thị Quỳnh Khôi. Cụ bà Đinh Thị Quỳnh Khôi tên thật là Trần Thị Hưu, là vợ của cụ Tổ họ Ngô Việt Nam đời thứ 17 Ngô Rô.
Theo phả hệ họ Ngô Việt Nam, Đức Vương Ngô Quyền sinh 4 con trai, trong đó hai người được sử sách ghi nhận là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn. Con trưởng Ngô Xương Ngập lên ngôi sau khi Ngô Quyền mất (944), sau thời kỳ Hậu Ngô Vương rồi loạn 12 sứ quân, con cháu Ngô Vương ly tán khắp nơi lập ra những dòng họ Ngô ở khắp đất Bắc: Con trưởng Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí xưng sứ quân Bình Kiều ở Thanh Hóa sinh ra Ngô Xương Sắc và Ngô Ích Vệ thành hai Ngành: Trưởng, Thứ hiện nay.
Ngành trưởng, bắt đầu từ Ngô Xương Sắc (đời thứ 9) sinh Ngô Tử An, là Phụ quốc triều Tiền Lê. Triều Tiền Lê ngắn ngủi, chuyển sang triều Lý. Vì triều Lý định đô ở Thăng Long, nên con cháu không làm chức việc gì dần dần sa sút, nghèo khổ. Cho mãi đến cuối triều Lý thì Ngô Rô (đời 17) chuyển về Động Bàng tức là Đồng Phang nay thuộc xã Định Hòa huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa và trông coi chùa Thiên Phúc (vào cuối thời Trần). Đến Hậu Lê thì trỗi dậy, phát triển một cách kỳ lạ nên được giải thích rằng mộ táng vào đất phát.
Ngô Rô sinh Ngô Tây, Ngô Tây sinh 4 con trai, trong đó con đầu và con út thất truyền còn hai con giữa là Ngô Trừng và Ngô Kinh. Đây là thời kỳ phát triển mạnh nhất của dòng họ Ngô.
Lại nói về cụ bà Đinh Thị Quỳnh Khôi (phẩm hàm Á quận chúa kiêm Bảo từ cung Thái hoàng), sau khi mất được thiên táng. Phả cũ chép: Bà người xã Kim Bôi huyện Vĩnh Ninh, nay là huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa, nhà nghèo, ông bà ở coi chùa Thiên Phúc. Ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu 1321, bà từ trần, trời gần tối không kịp tống táng, để tạm linh cửu sau chùa. Sáng ngày hôm sau ra xem thấy mối đã đùn thành mộ, cha con cho là chuyện lạ, giấu kín không dám nói ra. Về sau người ta gọi là ngôi mộ Thiên táng “Xó Chùa”, dân gian địa phương vẫn còn lưu truyền câu “Cha Nổ Đó, Mẹ Xó Chùa”, ý nói về hai ngôi mộ thiên táng gắn liền với các địa danh tại nơi đây. Tương truyền, sau này Hoàng Phúc một viên tướng nhà Minh xem kiểu đất xác định là kiểu đất Kỵ Long (cưỡi rồng) phát rất nhanh và rất lâu, cho nên con cháu mới gặp hội Long vân, lại có ba ụ thần đồng, hai ụ bố con, ngày sau sẽ có “Phụ tử đồng khoa”. Tiền án có núi phượng giống hình ngọc nữ soi gương, sẽ có Thánh mẫu sinh Thánh chúa.
Ngôi mộ sau chùa làng Thung Thượng, thuộc xã Định Hoà nay đã thành bình địa, nền chùa bị đào để lấy đất nung gạch nay thành hố sâu, chỉ còn lại là một cây thị cổ thụ trên 600 năm. Hiện nay ngôi chùa Thiên Phúc đã được xây lại khang trang.
Tại Lễ động thổ xây dựng xây dựng ngôi Cửu Tháp, ông Ngô Văn Tuấn (Phó Chủ tịch Hội đồng gọ Ngô Việt Nam) cho biết, đây là công trình có ý nghĩa về mặt tâm linh quan trọng của họ Ngô Việt Nam, việc xây dựng, tôn tạo các công trình nhằm tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các bậc tiên tổ họ Ngô, đồng thời đề cao giá trị tốt đẹp của truyền thống người Việt trong việc bảo tồn các giá trị lịch sử, uống nước nhớ nguồn. Công tác triển khai thực hiện việc xây dựng được Ban vận động (BLL lâm thời) CLB Nàng dâu họ Ngô Việt Nam đứng ra tổ chức, đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới Đại hội lần thứ nhất của CLB sẽ được tổ chức vào ngày 10/01/2025 tới đây tại TP Hà Nội.
Cùng ngày, các đoàn đã tổ chức dâng hương tưởng niệm các bậc tiên liệt họ Ngô Việt Nam tại Phúc Quang Từ Đường, Điện Thừa Hoa và thắp hương tại các ngôi mộ Tổ họ Ngô nơi đây.
(Ngô Minh Dương)
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn