Họ Ngô Tam Sơn và đền thờ TN Ngô Miễn Thiệu 

Chủ nhật - 28/08/2022 18:04

Di tích lịch sử đền thờ Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu còn gọi là Nhà thờ các vị Đại khoa họ Ngô thuộc xóm Xanh, thôn Tam Sơn, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. 
Cổng nhà thờ các vị Đại khoa họ Ngô Tam Sơn - Từ Sơn - Bắc Ninh

Tam Sơn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất khoa bảng, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài của xứ Kinh Bắc. Tam Sơn nằm kề bên tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và tuyến tỉnh lộ 295b, cách Thủ đô Hà nội 20Km về phía Đông Bắc, cách thành phố Bắc Ninh 10 Km về phía Nam. Tam Sơn là một trong 4 thôn của xã Tam Sơn gồm: Thọ Trai, Dương Sơn, Phúc Tinh và Tam Sơn.
Nhà thờ các vị Đại khoa họ Ngô là công trình kiến trúc truyền thống, được khởi dựng từ thời Lê (Thế kỷ 17) để thờ các vị Đại khoa và các bậc tiên linh họ Ngô. Trải qua thời gian, do sự xuống cấp và tàn phá của của chiến tranh, nhà thờ bị đổ nát, đã qua một số lần trùng tu, phục dựng. Năm 1996 nhà thờ được dựng lại trên nền đất cũ. Năm 2018 con cháu trong dòng họ đã cùng nhau góp công, góp của xây dựng lại nhà thờ với kiến trúc khang trang. Nhà thờ các vị đại khoa Tam Sơn là công trình văn hóa tiêu biểu của Dòng họ và của địa phương, là nơi giáo dục truyền thống hiếu học của Dòng họ, giúp con cháu càng hiểu rõ về lịch sử cội nguồn cũng như sự phát triển vẻ vang của Dòng họ. Ngày 9/10/2019 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định xếp hạng và cấp bằng Di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh cho Di tích nhà thờ các vị Đại khoa họ Ngô Tam Sơn.
Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Thủy tổ họ Ngô Tam Sơn là cụ Ngô Quân Hiên, một trong 6 người con “cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế. Cụ cùng cụ bà hiệu Từ Thuận Trình Phu nhân đến đây lập nghiệp cách nay chừng 600 năm. Trong quá trình phát triển, nhiều thế hệ của Dòng họ đã nối tiếp thành đạt hiển vinh, tiêu biểu là 5 vị đỗ Đại khoa, gồm:
1- Ngô Luân, con trưởng của Thủy tổ Ngô Quân Hiên. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức 6 (1475) triều Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Thượng thư, Đông các Đại học sỹ, thành viên Hội Tao đàn Nhị thập bát tú. Tác phẩm của ông để lại nhiều bái ký, bài biểu chép trong “Hoàng Việt Văn tuyển”, “Toàn Việt thi lục”…
2- Ngô Thầm, hiệu Hòe Hiên, em trai của TS Ngô Luân. Năm 32 tuổi đỗ Đệ nhất Giáp Tiến sỹ cập đệ, Đệ nhị danh (Bảng nhãn) khoa Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức 24 (1493) triều Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị thư, Thành viên Hội Tao đàn. Tác phẩm hiện còn 5 bài thơ chữ Hán trong tập “Toàn Việt Thị lục”. Ông mất năm Canh Dần 1530, thọ 69 tuổi.
3- Ngô Miễn Thiệu, tự Thuần Nhã, hiệu Trúc Khê, thụy Ngu Sơn, sinh năm 1499, là con trai Bảng nhãn Ngô Thầm. Ông đỗ Trạng Nguyên dưới triều Lê Chiêu Tông, khoa Mậu Thìn 1518, làm quan nhà Lê 9 năm tới chức Ngự sử, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sỹ, tước Trình Khê bá. Đến khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), ông không chịu làm quan cho nhà Mạc mà về quê mở trường dạy học. Sau khi về quê, con cháu đến chào, có người hỏi sao không ở lại làm quan mà về sống cảnh điền viên, ông bảo: “Ta làm tôi nhà Lê, cha Bảng nhãn, con Trạng nguyên, nếu nay theo Mạc thì chẳng khác nào Triệu Phổ mặc áo đội mũ nhà Chu mà đứng trong triều vua nhà Tống”. Trong thời gian 8 năm ông đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước, trong đó có 2 con trai ông là Ngô Diễn (tiến sỹ 1550), Ngô Dịch (Tiến sỹ 1556) và con nuôi sau thành con rể Nguyễn Gia Mưu (Tiến sỹ 1559). 
Khi đó, bên Trung Quốc Minh Thế Tông sai Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn mang một đạo quân áp sát biên giới nước ta hòng lăm le xâm phạm bờ cõi. Mao Bá Ôn gửi điệp văn hỏi tội nhà Mạc với bài thơ “Vịnh bèo” hàm ý dọa nạt. Điệp văn và bài thơ gửi đến triều đình nhà Mạc nhưng không ai giải được. Vua Mạc phải cho người về Tam Sơn mời Trạng Thiệu. Lần này Ngô Miễn Thiệu chấp nhận ra đi giúp nhà Mạc nhưng là vì quốc thể chứ không phải vì danh vọng. Trước khi rời nhà, ông nói với con cháu rằng: ”Ta đành phải đóng kẻ Triệu Phổ vậy. Nếu không như thế thì trái mệnh vua Mạc, không biết họ Ngô Tam Sơn rồi sẽ ra sao, mà nếu quân Bắc tràn vào thì sinh linh trăm họ sẽ điêu đứng, thống khổ…”
Sau khi giúp vua Mạc làm bài điệp văn và họa bài thơ “Vịnh bèo”, Ngô Miễm Thiệu được Mạc Đăng Doanh giữ lại làm quan, giữ chức Thượng thư bộ Lễ, Đông các Đại học sỹ, Ngự sử đài Đô ngự sử, Hàn lâm viện Thị thư, tước Trình Khê hầu.
4- Ngô Diễn, con trai Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu, cháu nội Bảng nhãn Ngô Thầm. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Lịch 3 (1550) đời Mạc Phúc Nguyên, làm quan đến chức Gia hạnh Đại phu, Hàn lâm viện Thị giảng, thăng Lễ bộ Tả thị lang, Lễ bộ Thượng thư, tước Nhân Sơn bá.
5- Ngô Dịch, con trai Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu, cháu nội Bảng nhãn Ngô Thầm, em trai TS Ngô Diễn. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Bính Thìn, niên hiệu Quang Bảo 3 (1556) đời Mạc Phúc Nguyên, làm quan đến chức Tham chính, thăng Hình bộ tả thị lang, sau khi mất được truy tặng Thượng thư.
Nói thêm về người con rể Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu là Nguyễn Gia Mưu. Ông người làng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, vốn rất thông minh và có chí muốn theo nghiệp công danh khoa bảng nhưng vì bố mất sớm, nhà nghèo nên không có tiền ăn học. Mái đến năm 28 tuổi, nhờ sự khuyến khích và giúp đỡ của chú ruột, TS Nguyễn Hữu Thường, Nguyễn Gia Mưu mới được theo học thày Ngô Miễn Thiệu ở Tam Sơn. Thấy Gia mưu là người có tài, thông minh và đức độ, thày Thiệu đã gả con gái cho học trò và tận tâm dạy dỗ con rể học hành thành đạt. Không phụ lòng tin cậy và sự dạy dỗ của người thày và nhạc phụ, năm 33 tuổi Gia Mưu đỗ Hương cống, năm 37 tuổi đỗ Tiến sỹ. Ông được nhà vua ban mũ áo cho vinh quy bái Tổ, nhưng ông không về Nghĩa Lập mà về Tam Sơn quê vợ rồi sinh cơ lập nghiệp ở đó. Đến đời con ông là Cường Nghị thì đổi sang họ Ngô để nhớ ơn và ghi sâu ân đức của dòng họ Ngô và của ông ngoại Ngô Miễn Thiệu. Và cũng từ đây hình thành dòng họ Ngô Sách (họ Ngô gốc Nguyễn) ở Tam Sơn với 5 vị Tiến sỹ thuộc các thế hệ trong lịch sử, gồm: Nguyễn Gia Mưu (TS năm 1559), Ngô Sách Thí (TS năm 1659), Ngô Sách Dụ (TS năm 1664), Ngô Sách Tuân (TS năm 1676), Ngô Sách Tố (Thám hoa năm 1721).
Họ Ngô Tam Sơn lấy ngày 15 tháng Hai Âm lịch làm ngày giỗ Tổ. Cứ đến ngày này, con cháu từ khắp mọi nơi lại tề tựu đông đủ về nhà thờ làm lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc Tiên linh, Tiên hiền của gia tộc.
Ngày nay, với truyền thống và tinh thần hiếu học, nhiều con em họ Ngô dòng Tam Sơn tiếp tục nối bước cha ông trên con đường học vấn, đỗ đạt cao. Hiện họ Ngô tam sơn có 5 Tiến sỹ, 8 Thạc sỹ, 76 cử nhân, nhiều sinh viên đại học và rất nhiều người làm việc ở các lĩnh vực khác nhau. Trân trọng gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, cùng hướng tới tương lai, họ Ngô Tam Sơn vẫn giữ nề nếp gia phong, trong họ nhiều người là cán bộ lãnh đạo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, thực sự là điểm tựa, là tấm gương cho con cháu các thế hệ noi theo.

Ngô Xuân
(Theo Hồ sơ cấp bằng Di tích lịch sử Văn hóa cho Di tích nhà thờ các vị Đại khoa họ Ngô Tam Sơn).

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
Liên kết website
Thống kê
  • Đang truy cập199
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm191
  • Hôm nay68,270
  • Tháng hiện tại868,337
  • Tổng lượt truy cập47,593,445
Đăng ký
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Mã bảo mật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây