Hoành phi gian giữa nhà thờ với 4 chữ: Khai nghiệp truyền thế (Ảnh: Ngô Quynh)
Từ đường họ Ngô Đông Duyên khá khang trang, tại đây còn lưu giữ được nhiều di vật quý như sắc phong, hoành phi, câu đối, bia đá, hệ thống đồ thờ tự... Từ đường thờ cụ tổ Ngô Quý Công tự Phúc Khánh, người được phong tước Hầu, gia phong Đông Quận Đô đốc phủ tả, Đô đốc phong thiên phó Quận công và chính thất Mai Quý thị, hiệu Huệ Minh, tự Châu Thực Bồ Tát.
Nhà thờ họ được chia thành 3 gian, gian giữa thờ cụ tổ Ngô Quý Công và phu nhân, hai gian bên thờ các cụ trong dòng họ. Trên thượng lương (nóc nhà thờ) còn ghi rõ năm trùng tu từ đường là năm Kỷ Mão, thời Bảo Đại. Đặc biệt gian bên phải có một tấm bia ghi việc trùng tu từ đường trước đấy niên hiệu Duy Tân thứ 5 (Tân Hợi). Phía trên gian giữa nhà thờ được treo bốn chữ sơn son thếp vàng “Khai Nghiệp Truyền Thế” (dịch nghĩa là: Mở ra sự nghiệp truyền đời sau). Bức hoành phi có niên đại làm vào đầu mùa thu năm Mậu Thìn niên hiệu Bảo Đại (1928), bên cạnh là đôi câu đối được treo ở hai cột tả hữu từ đường:
Phiên âm hán việt:
“Sinh bình lục địa chi tiên, đế tử vương thần danh bất hủ,
Lịch đại nhạc ca chi tổ, thi ngâm phú vận hậu do tồn”.
Tạm dịch:
“Dời đến nơi bình địa sinh sống, con cháu vương thần thanh danh không mất (bất hủ),
Tổ tiên trải nhiều đời nhạc ca, thơ ngâm phú vận mãi còn lưu”.
Khám cụ thờ Ngô Quý Công tự Phúc Khánh (tay trái) và vợ Mai Quý thị, hiệu Huệ Minh (tay phải)
Phía bên trong đặt khám thờ kép, trong khám có tượng tổ nghề và phu nhân, lớp thứ nhất là diềm khám được trạm trổ công phu, phía trên là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh chạm tứ quý, lớp thứ hai nhỏ hơn chạm hình một cuốn thư và tứ quý. Lớp trong cùng chạm lưỡng long chầu nguyệt cách điệu, các cửa khám đều chạm hình một vị quan văn trong tư thế đứng chầu, bốn góc cánh cửa chạm hình vân mây. Bên trong là hai pho tượng được điêu khắc rất tỉ mỉ chi tiết có thần thái kết hợp với sơn son thếp vàng theo nghệ thuật truyền thống, hai ngài được thờ trên ngai càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm chốn từ đường Ngô tộc. Phía ngoài là hệ thống đồ thờ tự như đỉnh đồng, bát hương, đèn thờ, ống hương, giá văn, mâm bồng, đài nước... tất cả đều có niên đại hơn 100 năm.
Cụ Ngô Đức Khí trưởng tộc, cũng là người trông coi di tích đang bao sái nhà thờ (Ảnh: Ngô Quynh)
Nhà thờ họ Ngô đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Thành phố năm 2007. Là từ đường của một dòng họ hình thức quy mô sở hữu nhỏ nên việc gìn giữ di tích, gìn giữ các di vật ở đây được quan tâm chu đáo. Mỗi di vật ở đây đều ẩn hiện bóng dáng tiên tổ, những người đã có công gây dựng cơ nghiệp của dòng họ. Con cháu các chi phái của dòng họ đểu được giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, việc thờ cúng tổ tiên là đạo lý từ ngàn đời nay của nguời Việt. Họ Ngô cũng như tất cả các dòng họ khác đã chăm lo chu đáo nơi thờ cúng tổ tiên, những người đã có công khơi nguồn vun gốc, tạo nền tảng vững chắc cho con cháu đời sau noi theo học tập.
Ngô Quynh
Theo thuongtin.hanoi.gov.vn