Vào thời Lê - Mạc, họ Ngô Vọng Nguyệt phát triển rực rỡ, nhiều người thi cử đỗ đạt, làm quan giữ các trọng trách trong triều, nhưng cũng có người cương trực dám đứng lên chống lại chế độ bất công.
Cũng như các triều đại trước, Triều đại nhà Hậu Lê được vài ba đời rồi cũng đi vào con đường sa đoạ. Thời Lê Uy Mục Đế, nhà vua thì hoang dâm tàn bạo không quan tâm gì đến chính sự; trong Triều nạn ngoại thích hoành hành, họ hàng Thái hậu Nguyễn Thị Cầu lộng quyền, cùng một số gian thần giết hại các bậc tôi trung, hà hiếp, cướp bóc ruộng đất của dân làm giàu. Năm 1509 Uy Mục Đế bị phế, Tương Dực Đế lên thay, tình hình cũng không có gì khả quan hơn, quyền thần trước bị dẹp, quyền thần mới nổi lên, lại gặp phải thiên tai dồn dập, hạn hán mất mùa, dân lành chết đói, khắp nơi nổi dậy chống lại triều đình.
Năm Hồng Thuận thứ 6 đời vua Lê Tương Dực (1514), Thanh Quốc công Ngô Khế từ trần, các con trai lớn trước đây cư biệt quán hầu như không ai quay về, chỉ còn mấy người con sinh sau và hàng cháu đang làm quan trong triều hoặc ngoài trấn. Trong bối cảnh rối ren đó, tuy cùng dòng huyết thống, những người họ Ngô cũng bị phân hoá theo thời cuộc, phần lớn giữ lòng trung, trước sau như một phò giúp nhà Lê, nhưng cũng có người chán ghét triều đình mục nát, đứng ra lãnh đạo các cuộc nổi dậy chống lại triều đình, tiêu biểu là cuộc nổi dạy của Ngô Nhân Tùng cùng với Thân Duy Nhạc; về sau có những người chạy sang phò giúp nhà Mạc.
Ngô Nhân Tùng là con trai thứ ba của Hoàng giáp Ngô Ngọc, cháu nội Ngô Nguyên – Thủy tổ họ Ngô Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Ngô Nguyên vốn là một trong sáu người con “cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế lánh về làng Vọng Nguyệt nương nhờ nhà một vị quan nhỏ họ Chu, được ông bà Chu cưu mang, sau gả con gái là Chu Thị Bột cho làm vợ. Bà Chu Thị Bột là một phụ nữ giỏi giang, đức hạnh, giàu tính thương người. Gặp năm mất mùa đói kém, bà dốc hết bồ bịch lúa gạo dự trữ ra giúp các nhà nghèo, lại gọi tất cả những người có nợ nần đến, đem tất cả văn tự vay nợ ra huỷ đốt trước mặt mọi người tuyên bố xoá hết nợ nần. Với công đức đó, bà được nhân dân địa phương kính trọng gọi là bà Thí thóc. Ngô Nguyên sau làm chức quan nhỏ ở Viện Cơ mật triều Lê Thánh Tông và mất sớm. Hai ông bà sinh con trai Ngô Ngọc, được người cậu nuôi ăn học sau đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi 1487. Ngô Ngọc sinh 3 trai: Mậu lâm lang Ngô Lãn Nhân, Hoàng Giáp Ngô Nhân Hải và Ngô Nhân Tùng.
Ngô Nhân Tùng (còn gọi là Ngô Nhân Tổng) từng làm Giám sinh, do chán ghét triều đình thối nát đã cùng Thân Duy Nhạc người xã Đại Kiên huyện Vũ Ninh (nay là xã Đại Xuân huyện Quế Võ), đỗ Tiến sỹ năm 1508, làm quan chức Đoán sự trong vệ Cẩm y bất mãn từ quan, chống lại triều đình. Hai người đứng lên tập hợp lực lượng, hiệu triệu dân nghèo các vùng Yên Phụ, Đông Ngàn và Gia Lâm thuộc Kinh Bắc nổi dậy chống triều đình nhà Lê. Cuộc nổi dạy vang tiếng cả một vùng.
Tháng 2 năm 1510 vua Tương Dực về thăm Lam Kinh, giao cho Thụy Quận công Ngô Văn Bính và Kim nguyên Bá Trịnh Bá Quát ở lại trông coi Kinh thành Đông Kinh. Một nho sinh người huyện Yên Phụ tìm đến báo rõ tình hình cuộc nổi dậy của Thân Duy Nhạc – Ngô Nhân Tùng ở Yên Phụ. Thuỵ Quận công Ngô Văn Bính cùng Kim nguyên Bá Trịnh Bá Quát kéo quân đi đàn áp, chẳng bao lâu bắt sống được tất cả đem về kinh xử tử, cuộc nổi dạy bị dập tắt.
Anh trai Ngô Nhân Tùng là Hoàng giáp Ngô Nhân Hải khi đó làm Giám sát ngự sử trong triều. Có người tố giác việc này, với tài hùng biện và trí thông minh, Ngô Nhân Hải đã phản bác lại rằng mình và Ngô Nhân Tùng là hàng xóm nhưng không có quan hệ huyết thống; hai người cùng họ Ngô nhưng hai chữ Ngô có tự dạng khác nhau nên là hai họ khác nhau. Triều đình không thể khép tội ông, do đó con cháu, gia đình tránh được họa chu di, khủng bố.
Năm 1527 Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê lập ra triều đại nhà Mạc. Triều đình nhà Mạc có chính sách cởi mở trong việc sử dụng quan lại cũ của tiền triều, lại biết chú trọng tuyển chọn nhân tài qua con đường thi cử, con cháu họ Vọng Nguyệt tiếp tục ra ứng thí, một số người đỗ đạt, làm quan với nhà Mạc, trong đó tiêu biểu là Hoàng giáp Ngô Nhân Trừng.
Ngô Nhân Trừng sinh năm 1539, là Con Ngô Văn Chính, cháu nội Ngô Lãn Nhân, chắt nội Hoàng giáp Ngô Ngọc, đỗ Đình nguyên Nhị giáp khoa Canh Thìn 1580 đời Mạc Diên Thành. Ông làm quan đến chức Đốc đồng nam bắc Thập tam Đạo, được triều đình tin cậy, có quyền tiền trảm hậu tấu. Thời Mạc Mậu Hợp, ông làm Đề lĩnh Tây thành Thái uý Sùng Quốc công. Năm 1592 Trịnh Tùng cầm quân tiến công hạ thành Thăng Long, Mạc Mậu Hợp chạy ra sông Hồng giao cho Nhân Trừng cố thủ thành. Do quân Trịnh thế rất mạnh, thành Thăng Long bị hạ, Nhân Trừng rút chạy về Hải Dương, đến quận Lâm Tiên thì bị bắt sống. Trịnh Tùng khuyên ông về hàng, Ngô Nhân Trừng giữ chữ trung với nhà Mạc, tự uống thuốc độc mà chết. Ngày sau con cháu đưa hài cốt về táng ở xứ Bàu Phấn quê hương.
Sau ngày nhà Lê khôi phục, luận bàn về việc ai là phản nghịch, có vị đại thần tâu rằng: “Không thể quy là phản bội, nếu đương triều chiếm bảng vàng vinh danh thụ tước, đó là điều tự nhiên, là chính đáng, không phải là làm phản”. Từ đó triều đình Lê – Trịnh thay đổi cách nhìn nhận, không ghép các quan lại nhà Mạc vào tội phản nghịch nếu tiến thân bằng đường khoa cử, nhờ thế con cháu họ Ngô sau vẫn tiếp tục được thi cử, nhiều người đỗ đạt, nối nghiệp khoa danh.
Họ Ngô Vong Nguyệt con cháu 5 đời tiếp theo đều có người đỗ Đại khoa nên được gọi là ”Ngũ đại liên trúng”*, mở màn là Hoàng giáp Ngô Ngọc. Những người đăng khoa cụ thể là:
1- Ngô Ngọc (1475 - 1522), con trai Thủy tổ Ngô Nguyên và bà Chu Thị Bột, đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Mùi 1487 đời Lê Thánh Tông. Làm Đô Cấp sự trung, Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu.
2- Ngô Nhân Hải, con thứ Hoàng giáp Ngô Ngọc, đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn 1508 đời Lê Uy Mục. Làm quan đến Giám sát Ngự sử.
3- Ngô Nhân Trừng (1539 - 1592), con Ngô Văn Chính, cháu nội Ngô Lãn Nhân, chắt nội Hoàng giáp Ngô Ngọc, đỗ Hòang giáp khoa Canh Thìn 1580, đời Mạc Diên Thành. Làm quan đến chức Thái uý Nghị Quốc công, Đề lĩnh Tây Thành kiêm Thập Tam đạo Đốc đồng.
4- Ngô Nhân Triệt, con Hoàng giáp Ngô Nhân Trừng, cháu Ngô Văn Chính, chắt Ngô Lãn Nhân, huyền tôn Hoàng giáp Ngô Ngọc, đỗ Hội nguyên Đệ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Đinh Mùi 1607 triều Lê Kính Tông. Là Phó sứ đi sứ Minh, phong Kim tử Vinh lộc đại phu,Thái thường Tự khanh, Thái bảo Lễ phái Bá. Ông làm quan thanh liêm, đông con, nhà nghèo, con cháu sau nhiều người đỗ đạt.
5- Ngô Nhân Tuấn (1596 - ?), con Tiến sỹ Thái bảo Ngô Nhân Triệt, đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sỹ xuất thân, khoa Canh Thìn 1640 triều Lê Thần Tông, làm quan đến Bồi tụng Tả Thị lang (1664), Tả Thị lang Bộ lễ (1665), 70 tuổi về hưu thăng Công bộ Thượng thư, tước Bá, tặng Lễ bộ Thượng thư, tước Phong Lộc Hầu.
Họ Ngô Vọng Nguyệt với truyền thống hiếu học, được các thế hệ con cháu gìn giữ và phát huy, đến nay vẫn có nhiều người thành đạt qua con đường học vấn.
Ngô Xuân
Ghi chú: * Theo danh sách trên, thực ra 5 vị con cháu họ Vọng Nguyệt đỗ Đại khoa thuộc các đời: 2, 3, 5, 6, 7 chứ không phải 5 đời liên tiếp trúng cách.